Thứ Tư, 25/07/2012 09:52

VIG: Đã có dấu hiệu “đuối sức” toàn diện?

Hoạt động môi giới đang dần mất đi, trong khi thu nhập từ dịch vụ ứng trước, margin, hợp tác đầu tư giảm sút, dự phòng nợ khó đòi tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2012.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG) cho thấy tình hình hoạt động chưa thực sự sáng sủa khi doanh thu thực vẫn thấp hơn chi phí, hoạt động môi giới đang dần mất đi.

Quý 2 lãi gần 20 tỷ đồng, nhưng hoạt động kinh doanh suy giảm mạnh. Trong quý 2/2012, VIG chỉ đạt doanh thu thuần vỏn vẹn 2.64 tỷ đồng, bằng 1/6 so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tất cả các hoạt động đều sụt giảm mạnh.

Trong kỳ, VIG được hoàn nhập dự phòng gần 25.5 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư và nhờ đó có lợi nhuận sau thuế dương 19.6 tỷ đồng, báo lãi trở lại sau 4 quý thua lỗ liên tiếp.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2012, VIG cũng chỉ đạt 4.54 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí khoảng 77 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí dự phòng), VIG tiếp tục lỗ 66 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp đôi mức lỗ cùng kỳ năm trước.

Đang mất dần hoạt động môi giới trước thông tin bị kiểm soát đặc biệt. Tiền mặt căng thẳng. Nhìn vào báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012 thì rất có thể điều này đang diễn ra với VIG.

(1) Doanh thu môi giới của VIG đã sụt giảm mạnh trong 2 quý đầu năm so với các cùng kỳ, trong khi TTCK nửa đầu năm 2012 giao dịch sôi động hơn hẳn.

(2) Thu nhập từ mảng kinh doanh khác cũng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, do sụt giảm tiền gửi ngân hàng cũng như hoạt động cho vay margin, ứng trước, hợp tác đầu tư.

(3) Tiền mặt tại thời điểm cuối tháng 6/2012 chỉ còn 4.1 tỷ đồng, giảm mạnh so với 11.3 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2011.

Tiền mặt sụt giảm chủ yếu do sự sụt giảm của khoản mục tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán từ 4.6 tỷ đồng xuống còn 1.4 tỷ đồng; tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán cũng giảm từ 4.4 tỷ đồng xuống 2.5 tỷ đồng. Đáng chú ý là những khoản mục này đều sụt giảm mạnh trong quý 2/2012.

Lượng tiền của công ty cuối tháng 6/2012 (tiền tại quỹ và tiền gửi ngân hàng) chỉ còn 282 triệu đồng, trong khi cuối năm 2011 là gần 2.28 tỷ đồng.

Mảng môi giới yếu đi trông thấy của VIG nhiều khả năng xuất phát từ e ngại rủi ro của khách hàng trước thông tin CTCK này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 5/2012.

Thu hẹp bớt hoạt động đầu tư. Rủi ro thua lỗ nặng từ cổ phiếu OTC. Khoản mục đầu tư ngắn hạn của VIG đã giảm từ 172.8 tỷ đồng vào cuối năm 2011 xuống còn 141 tỷ đồng vào cuối quý 2. Khoản mục dự phòng đầu tư ngắn hạn cũng giảm bớt từ 66 tỷ đồng xuống còn 26.6 tỷ đồng.

Khoản đầu tư ngắn hạn của VIG bao gồm:

• Đầu tư chứng khoán niêm yết: hơn 6.6 tỷ đồng, dự phòng cho khoản mục này là gần 6.1 tỷ đồng. Như vậy, khả năng thua lỗ do phải trích lập thêm dự phòng từ chứng khoán niêm yết là không có.

• Đầu tư chứng khoán chưa niêm yết: VIG đã giảm bớt khoản mục đầu tư này từ 61.3 tỷ đồng cuối năm 2011 xuống còn 39 tỷ đồng, nhưng dự phòng đã trích lập rất thấp chỉ có 1.2 tỷ đồng. Rất có thể khoản mục này chưa được dự phòng đầy đủ do hiện rất khó xác định giá giao dịch của các cổ phiếu OTC. Nói cách khác, VIG hoàn toàn có thể phát sinh thêm các khoản thua lỗ lớn nếu trích lập dự phòng cổ phiếu OTC một cách đầy đủ.

• Ủy thác đầu tư cho CTCP VICS Invest: giảm từ 98.6 tỷ đồng xuống 66.7 tỷ đồng trong kỳ. Việc thanh lý bớt khoản đầu tư này giúp dự phòng của VIG giảm từ 53.4 tỷ đồng xuống còn 19.3 tỷ đồng, nhưng phần lớn là nhờ vào việc được hoàn nhập dự phòng khi giá cổ phiếu tăng lên.

Việc VIG thu hồi các khoản đầu tư có thể xuất phát từ: (1) Nhu cầu duy trì nguồn tiền hoạt động, khi hoạt động kinh doanh hiện tại chưa đủ bù đắp chi phí. (2) Trả bớt nợ vay (xem thêm thông tin bên dưới) nhằm giúp giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.

Thu hẹp khoản mục các khoản phải thu khác. Trong 6 tháng đầu năm, VIG thu hẹp khoản mục phải thu khác từ 208 tỷ đồng xuống còn 167 tỷ đồng. Sụt giảm lớn nhất là khoản phải thu hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư (cung cấp margin) giảm từ 197 tỷ đồng xuống 154 tỷ đồng.

Mặc dù thu hẹp hoạt động cung cấp margin nhưng dự phòng phải thu của VIG đã tăng mạnh một cách đột biến lên 43.5 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2011 hoàn toàn không phải trích lập dự phòng.

Rất có thể việc mất dần hoạt động môi giới đã khiến VIG phải thu hẹp hoạt động cho vay margin, hoặc cũng có thể do VIG phải cơ cấu lại tài sản rủi ro này nhằm đáp ứng yêu cầu của UBCKNN. Ngoài ra, rõ ràng là cần phải đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay margin của VIG.

Hiện VIG còn khoản vay ngắn hạn gần 32 tỷ đồng, đã giảm 12 tỷ đồng so với cuối năm 2011, với lãi suất 14%. Việc vẫn còn 32 tỷ đồng nợ vay có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền của VIG.

VIG sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2012. Hoạt động môi giới đang dần mất đi có thể ảnh hưởng mạnh đến doanh thu tương lai của VIG. Lý do là việc mất đi khách hàng môi giới có thể khiến doanh thu khác từ ứng trước, margin… bị sụt giảm, trong khi hiện đang là nguồn thu lớn nhất của VIG. Trong khi đó, nguồn tiền mặt hiện tại của VIG không còn nhiều và không thể gia tăng đầu tư.

Như vậy, kết quả kinh doanh các quý tới của VIG có cải thiện được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính. Hiện khoản dự phòng cho đầu tư ngắn hạn là 26.6 tỷ đồng (trong 141 tỷ đồng vốn đầu tư ngắn hạn) và dự phòng khoản phải thu khác là 43.5 tỷ đồng (trong 154 tỷ đồng vốn hợp tác đầu tư chứng khoán). Việc hoàn nhập dự phòng này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của TTCK và rõ ràng là rất bấp bênh.

Hiện nguồn tiền mặt của VIG khá thấp nên rất có thể trong thời gian tới, VIG sẽ cần phải thanh lý bớt các khoản đầu tư hoặc giảm bớt khoản phải thu khác nhằm duy trì hoạt động khi nguồn thu thực vẫn đang thấp hơn chi phí phát sinh.

Nguyễn Đức Cường, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 23-27/7: Cạnh tranh huy động vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm 2012? (22/07/2012)

>   DLG: Khai khoáng có giúp duy trì lợi nhuận 2012? (19/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 - 20/7: Mừng hay lo với nhập siêu 6 tháng thấp kỷ lục? (15/07/2012)

>   Giải cứu nợ xấu: Những bài học từ TARP của Mỹ (16/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 9 - 13/7: Yêu cầu hạ lãi suất cho vay về 15% và “ẩn dụ” chính sách (08/07/2012)

>   Khủng hoảng châu Âu: Vì đâu “ngổn ngang trăm mối tơ vò”? (06/07/2012)

>   GDP quý 2 và phản ứng chính sách, triển vọng tăng trưởng cuối năm 2012 (02/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 25 - 29/06: CPI tháng 6 đã là đáy? (24/06/2012)

>   Nới lỏng định lượng lần 3 (QE3): Có hay không? (18/06/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/06: Tín hiệu tích cực đầu tiên trên thị trường tín dụng? (17/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật