Thứ Hai, 02/07/2012 14:00

GDP quý 2 và phản ứng chính sách, triển vọng tăng trưởng cuối năm 2012

Chu kỳ nới lỏng chính sách đã bắt đầu và chúng tôi đặc biệt chú ý đến lãi suất tái chiết khấu ở mức 8% mà NHNN áp dụng đối với giấy tờ có giá của các TCTD.

GDP quý 2/2012: Khả quan hơn nhưng xác nhận tình trạng trì trệ

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tăng trưởng GDP quý 2/2012 đạt 4.66%, cao hơn mức tăng 4% của quý 1. Như vậy, GDP trong 6 tháng đầu năm 2012 ước tăng 4.38% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, đóng góp vào tăng trưởng chung của các khu vực đối với toàn nền kinh tế đều được cải thiện, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng. Giá trị tăng thêm của khu vực này trong quý 1/2012 so với cùng kỳ năm 2011 chỉ đạt 2.94%, nhưng đã tăng mạnh lên 4.52% trong quý 2; trong đó riêng sản xuất công nghiệp tăng từ 4.03% lên 5.4%.

Ngoài ra, hàng hóa tồn kho cũng có tín hiệu tích cực khi giảm dần theo các tháng gần đây mặc dù vẫn ở mức cao.

Cụ thể, chỉ số tồn kho đạt đỉnh trong tháng 3 là 34.9%, sau đó giảm dần trong tháng 4 là 32.1%, tháng 5 là 29.4% và tháng 6 là 26% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, nhiều khả năng tình trạng sản xuất ở hầu hết các doanh nghiệp đều đã bị thu hẹp lại đáng kể trong nửa đầu năm 2012.

Biểu đồ bên dưới cũng cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) có biến động tăng nhẹ, nhưng trung bình trong những tháng đầu năm 2012 gần như đạt mức thấp nhất từ 2007 đến nay. So với năm 2009, chỉ số này chưa có nhiều thay đổi đáng kể trong các tháng gần đây.

Nhìn chung các số liệu này được nhìn nhận là khả quan và có chuyển biến tích cực hơn qua thời gian. Tuy vậy, cần lưu ý rằng tăng trưởng GDP quý 2 cao hơn quý 1 một phần do yếu tố thời vụ của nền kinh tế. Biểu đồ bên dưới cho thấy rõ điều này trong các năm từ 2007 đến nay, ngoại trừ sự khác biệt trong năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng cần phải lưu ý thêm, mức tăng trưởng GDP trong 2 quý đầu năm 2012 gần như đạt mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây - tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm.

Phản ứng chính sách và triển vọng nào trong 6 tháng cuối năm 2012?

Chúng tôi tin rằng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ có cơ hội được cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2012. Lý do chính là một chu kỳ nới lỏng chính sách (với áp lực buộc phải thực hiện nhất định) đã bắt đầu.

Thứ nhất, dư địa của chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm gần như vẫn còn nguyên vẹn. Thông tin cho thấy tín dụng nền kinh tế tính đến thời điểm hiện nay chỉ tương đương so với cuối năm 2011, tức là không có tăng trưởng nào đáng kể.

Như vậy, nếu thực hiện như mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 -17% trong năm 2012, một lượng tiền dồi dào sẽ được cung ứng ra thị trường. Mức tăng trưởng vừa phải vào khoảng 1.5 – 2% mỗi tháng, tương đương 10 – 12% cả năm 2012, được nhìn nhận là hợp lý hơn khi mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn đang được ưu tiên.   

Tuy vậy, sức khỏe còn yếu của nền kinh tế sẽ hạn chế đáng kể khả năng hấp thụ nguồn vốn của khối doanh nghiệp.

Trong một động thái gần như ngay lập tức sau khi số liệu vĩ mô được công bố, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 1% các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, xuống lần lượt còn 10%, 8% và 11%, từ ngày 01/07.

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến lãi suất tái chiết khấu ở mức 8% đối với thương phiếu và các giấy tờ có giá khác của các TCTD. Mức lãi suất thấp hơn trần huy động này có thể sẽ khuyến khích đẩy mạnh cho vay sau khi được cấp vốn với giá rẻ từ NHNN.

Điều này là khá phù hợp với nhận định của chúng tôi đưa ra trong các báo cáo trước đây. Tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới và nền kinh tế có cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ.

Thứ hai, nguồn vốn từ ngân sách dự kiến được bơm vào nền kinh tế (theo một số phát biểu) khoảng 21,000 tỷ đồng mỗi tháng từ nay đến cuối năm. Một nguồn tiền lớn cho đầu tư công trong thời gian tới sẽ có tác động lan tỏa đáng kể đến nhiều thành phần kinh tế khác nhau.

Hơn nữa, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số lạm phát, tỷ giá sẽ là nền tảng vững chắc để đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Thứ ba, bức tranh thị trường bất động sản đã bắt đầu có gam màu tươi sáng hơn khi dòng vốn từ kênh tiền gửi tiết kiệm có dấu hiệu chuyển hướng sang kênh đầu tư bất động sản. Hơn nữa, mặt bằng giá xuống thấp ở mức hợp lý cũng là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của giới đầu tư, cũng như những người có nhu cầu thật sự. 

Thứ tư, kinh tế thế giới toàn cầu tuy vẫn còn ảm đạm nhưng có nhiều triển vọng lạc quan hơn. Nhiều quốc gia cũng đang dự tính đến khả năng tung ra các gói cứu trợ hay hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Chúng tôi cho rằng khó có thể kỳ vọng mức tăng trưởng đột phá như giai đoạn 2009, nhưng sự cân bằng giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát sẽ là bước đệm quan trọng cho khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

ffn

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 25 - 29/06: CPI tháng 6 đã là đáy? (24/06/2012)

>   Nới lỏng định lượng lần 3 (QE3): Có hay không? (18/06/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/06: Tín hiệu tích cực đầu tiên trên thị trường tín dụng? (17/06/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 11 - 15/06: Áp lực tỷ giá USD/VNĐ đang lớn dần lên? (10/06/2012)

>   Cập nhật tình hình khủng hoảng châu Âu (31/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 28/05 – 01/06: Tiếp tục hạ lãi suất lúc nào và bao nhiêu? (27/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 21 - 25/05: Sẽ quyết liệt nới lỏng tín dụng? (19/05/2012)

>   ELC: Tỷ suất lợi nhuận quý 1 đạt mức “khủng” 46%, tiền mặt còn 400 tỷ đồng (18/05/2012)

>   Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại? (17/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/05: Giảm giá xăng, tăng giá điện và kích thích tài khóa? (13/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật