Thứ Sáu, 18/05/2012 14:59

ELC: Tỷ suất lợi nhuận quý 1 đạt mức “khủng” 46%, tiền mặt còn 400 tỷ đồng

Việc giữ vững vị trí trong mảng dịch vụ viễn thông với các khách hàng lớn Vinaphone, Mobifone, Viettel sẽ giúp ELC duy trì được đà tăng trưởng. Tỷ suất lợi nhuận cải thiện mạnh, bên cạnh nguồn tài chính dồi dào với gần 400 tỷ đồng tiền mặt.

I. HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2011

1.1 Kết quả kinh doanh năm 2011

Năm 2011, doanh thu của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (HOSE: ELC) đạt 482.6 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại đạt 114.6 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm. So với năm 2010, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều sụt giảm khá mạnh lần lượt 35.9% và 32.7%.

Doanh thu sụt giảm so với năm trước được giải thích do diễn biến khó khăn của nền kinh tế khiến nhiều khách hàng cắt giảm hoặc giãn đầu tư trong năm 2011. Có thể nhận thấy điều này thông qua việc doanh thu bán hàng sụt giảm mạnh nhất trong các mảng dịch vụ.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp gia tăng từ 37% năm 2010 lên 43% năm 2011 giúp giảm nhẹ ảnh hưởng sụt giảm của doanh thu. Lợi nhuận gộp năm 2011 giảm 24.5% so với năm 2010, đạt 207.8 tỷ đồng.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp gia tăng chủ yếu do tỷ lệ lợi nhuận của hoạt động dịch vụ viễn thông và công nghệ cải thiện mạnh trong năm 2011 và đạt 47% (năm 2010 là 36%). Việc nắm rõ và có thể thực hiện nhiều công đoạn kỹ thuật phức tạp đã giúp ELC giảm được chi phí mua dịch vụ từ nhà sản xuất.

Mảng kinh doanh phần mềm vẫn duy trì tỷ lệ lợi nhuận gộp cao nhất ở mức 64% năm 2011, nhưng đã giảm so với năm 2010 là 78%.

Hoạt động tài chính vẫn lỗ, nhưng đã giảm mức độ ảnh hưởng. Lỗ hoạt động tài chính trong năm 2011 là 12 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 22 tỷ đồng năm 2010.

Mặc dù chi phí tài chính tăng mạnh do các khoản lỗ tỷ giá, nhưng thu nhập tiền lãi gia tăng trong năm 2011 đã giúp giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động tài chính đến kết quả lợi nhuận.

Dù kết quả kinh doanh sụt giảm nhưng vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động khả quan trong năm 2011. Theo đó, tỷ lệ lãi gộp đạt 43.06%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế là 23.74%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 19.37% và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) là 10.05%.

1.2 Các khoản mục tài chính đáng chú ý năm 2011

Khoản tiền và tương đương tiền gia tăng mạnh, từ 177.5 tỷ đồng năm 2010 lên 418.7 tỷ đồng năm 2011. Khoản mục này gia tăng mạnh chủ yếu do ELC đã thu hồi rất tốt các khoản phải thu trong năm qua, từ 601 tỷ đồng cuối năm 2010 xuống 351 tỷ đồng.

Khoản tiền và tương đương tiền của ELC chủ yếu được gửi kỳ hạn tại các ngân hàng với lãi suất 14%, cho vay một số cá nhân, các công ty, ủy thác đầu tư với lãi suất từ 14% - 23.5%. Đây là nguyên nhân chính giúp doanh thu hoạt động tài chính gia tăng mạnh trong năm 2011.

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn chỉ gia tăng nhẹ. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn năm 2011 là 22.8 tỷ đồng và đầu tư dài hạn là 110 tỷ đồng (bao gồm 11.1 tỷ đồng dự phòng).

Khoản đầu tư ngắn hạn chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn, trong đó lớn nhất là khoản cho vay CTCP Đầu tư và Phát triển Thăng Long Xanh 15.4 tỷ đồng với lãi suất 14%.

Khoản đầu tư dài hạn gồm:

Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết 40.1 tỷ đồng (gồm CTCP Kỹ thuật Elcom 10.5 tỷ đồng, CTCP Phần mềm và Dịch vụ Viễn thông Telsoft 3 tỷ đồng, và Công ty Liên doanh Dược phẩm Esloge France Việt Nam 26.5 tỷ đồng).

Đầu tư dài hạn khác 81.3 tỷ đồng, trong đó gồm đầu tư cổ phiếu 61.2 tỷ đồng và đầu tư dài hạn khác 20.1 tỷ đồng. Các khoản đầu tư lớn nhất vào CTCP Phát triển Đông Dương Xanh 26.1 tỷ đồng, CTCP Công nghệ Vật liệu mới Bắc Cạn 17.4 tỷ đồng, Công ty TNHH VNT 11.8 tỷ đồng, cho vay dài hạn Công ty Liên doanh Dược phẩm Esloge France Việt Nam 10 tỷ đồng, góp vốn vào CTCP Đầu tư Thương mại Bắc Hà 8 tỷ đồng.

Đầu tư vào cổ phiếu phần lớn là cổ phiếu OTC với tổng giá trị 61.2 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản, giúp hoạt động của ELC không quá bị ảnh hưởng bởi các khoản dự phòng.

Nợ ngắn hạn chủ yếu là khoản phải trả người bán không lãi suất. Nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn, với 527 tỷ đồng chiếm 46% nguồn vốn và bằng 89% vốn chủ sở hữu. Mặc dù vậy, nợ vay ngân hàng lại rất thấp (53.4 tỷ đồng) và chủ yếu trong khoản nợ ngắn hạn là khoản phải trả người bán 396 tỷ đồng. Có thể thấy ELC đang tận dụng khá tốt nguồn tín dụng không lãi suất; đóng góp quan trọng giúp tỷ suất sinh lời của ELC duy trì ở mức cao.

II. KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 1 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2012

2.1 Tỷ suất lợi nhuận quý 1/2012 đạt mức “khủng” 46%, tiền mặt còn 400 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2012, doanh thu quý đầu năm 2012 của ELC đạt 70.3 tỷ đồng, sụt giảm 18.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đáng chú ý là mảng kinh doanh phần mềm tăng trưởng mạnh gấp gần 7 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của quý 1 tăng nhẹ 4.4% và đạt 32 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ chủ yếu nhờ vào lợi nhuận tài chính gia tăng đáng kể, trong khi chi phí bán hàng lại sụt giảm.

Mảng phần mềm gia tăng ảnh hưởng, khi đóng góp 29% vào tổng doanh thu và đạt 20.7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 2.9 tỷ đồng và đóng góp 3.4%. Lợi nhuận gộp của kinh doanh phần mềm cũng gia tăng mạnh từ 24.4% quý 1/2011 lên 74.9% trong quý 1/2012, và giúp tỷ lệ lợi nhuận gộp của toàn công ty tiếp tục duy trì ở mức cực kỳ cao, đạt 52.7%

Mảng dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ chốt khi đóng góp 45% vào tổng doanh thu và đạt 31.8 tỷ đồng; mảng bán hàng đóng góp 24.4% đạt 17.2 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu hai mảng dịch vụ này đã sụt giảm khá mạnh lần lượt 44.7% và 32.3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận tài chính tăng cao, đạt gần 8.2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 2.2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do doanh thu tài chính gia tăng đạt 8.8 tỷ đồng, tăng 0.8 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong khi đó, chi phí tài chính giảm mạnh từ 5.7 tỷ đồng quý 1/2011 xuống 0.63 tỷ đồng trong quý 1/2012 nhờ lãi vay và lỗ tỷ giá giảm mạnh.

Doanh thu tài chính gia tăng nhờ khoản lợi nhuận từ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh so với năm 2011. Lãi tiền gửi trong quý 1/2012 đạt 8.5 tỷ đồng, tăng 2.3 lần so với cùng kỳ.

Lãi tiền gửi tiền, cho vay tăng mạnh chủ yếu nhờ vào các khoản tiền và tương đương tiền cao vào cuối quý 1/2012 là gần 400 tỷ đồng, đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí tài chính giảm mạnh nhờ khoản vay ngắn hạn sụt giảm từ 54.6 tỷ đồng cuối quý 4/2011 xuống 22.9 tỷ đồng cuối quý 1/2012 và giúp giảm bớt chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, việc tỷ giá được giữ khá ổn đinh đầu năm 2012 cũng giúp loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực lên chi phí tài chính.

Chi phí bán hàng được hoàn nhập. Trong quý 1/2012, chi phí bán hàng được hoàn nhập 0.82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ELC có chi phí bán hàng lên tới gần 9.2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do ELC hoàn nhập quỹ bảo hành đã trích trong năm 2011 lớn hơn số tạm trích quỹ bảo hành trong quý 1/2012.

Tỷ suất sinh lời trên doanh thu vượt trội so với các quý gần đây, đạt 46% trong quý 1/2012. Đây là mức sinh lời rất cao với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Tỷ suất lợi nhuận biên của ELC cao nhờ hoạt động kinh doanh chính vững mạnh, lợi thế từ nguồn lực tài chính dồi dào và tận dụng được nguồn vốn không lãi suất.

Tiếp tục có lợi thế đối với nguốn vốn không lãi suất. Khoản phải trả khách hàng cuối quý 1/2012 là 361.2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ ngắn hạn 442.2 tỷ đồng.

ELC cũng đang dần giảm cơ cấu Nợ vay ngắn hạn xuống 22.9 tỷ đồng trong quý 1/2012, từ mức 54.6 tỷ đồng cuối năm 2011. Theo đó, chi phí lãi vay trong quý 1 đã sụt giảm khá mạnh xuống chỉ còn 333 triệu đồng, so với hơn 2.6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

2.2 Kế hoạch hoạt động năm 2012

Năm 2012, ELC dự kiến đạt doanh thu 650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 147 tỷ đồng, tăng lần lượt 34.7% và 28.3% so với năm 2011; cổ tức dự kiến cho năm 2012 là 18%.

ELC sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi kinh tế vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2012. Tuy vậy, với những lợi thế hiện tại, chúng tôi cho rằng ELC nhiều khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

ELC sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho R&D, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đón đầu công nghệ củng cố thị trường hiện tại và phục vụ cho thị trường mới, ngành ngoài viễn thông.

Được biết vừa qua ELC đã ký kết được hợp đồng "Cung cấp hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện" cho nhiều UBND tỉnh. ELC đánh giá tiềm năng ở mảng này vẫn còn nhiều, vì theo chỉ thị của Chính phủ, tất cả các địa phương đều sẽ phải được trang bị hệ thống này.

Thay đổi chiến lược kinh doanh với thị trường viễn thông, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Trước đây, ELC tập trung vào việc bán thiết bị, sản phẩm dịch vụ … và được hưởng lợi khi các nhà mạng đẩy mạnh đầu tư lớn về mảng này. Tuy vậy, hiện nay nhiều nhà mạng đã giảm bớt đầu tư mới do bối cảnh kinh tế khó khăn, nên ELC đã dịch chuyển qua hình thức hợp đồng hợp tác chia sẻ doanh thu.

Với phương thức này, lợi nhuận của ELC vẫn không giảm vì được chia sẻ doanh thu từ chính các dịch vụ mà nhà mạng triển khai cho các thuê bao hiện tại, ước tính tăng trưởng 15 – 20%/năm.

ELC dự báo lợi nhuận từ mảng này sẽ ổn định trong thời gian tới và giúp gia tăng tỷ suất sinh lợi (tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận chứ không phải doanh thu).

Hướng tới các thị trường mới như giao thông vận tải và an ninh - quốc phòng. Giao thông vận tải, đặc biệt là hàng hải và đường bộ là những thị trường tiềm năng nhờ nằm trong kế hoạch ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Những tháng đầu năm 2012, ELC đã ký được hợp đồng với tổng giá trị gần 80 tỷ đồng cung cấp hệ thống quản lý giám sát tàu thuyền. Đáng chú ý là ELC sẽ đảm nhiệm luôn việc thiết kế kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống, thiết kế hệ thống phần mền, cung cấp và lắp đặt thiết bị… Hiện chỉ mới có cảng Vũng Tàu được trang bị; trong khi tất cả các cảng khác đều bắt buộc phải có hệ thống này và có thể tạo ra thị trường rất tiềm năng.

ELC cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng khách hàng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nhằm nâng cao đà tăng trưởng.

III. LỢI THẾ & THÁCH THỨC

Thị trường viễn thông đang bão hòa. Hiện thị trường viễn thông đang bước vào giai đoạn bảo hòa và nhu cầu đầu tư sẽ không còn cao. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của ELC. Bên cạnh đó, các công nghệ mới đưa vào hoạt động cũng không đạt được hiệu quả khiến cho các nhà mạng sẽ có giải pháp hạn chế đầu tư. Mặc dù vậy, ngành công nghệ viễn thông trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Dự án Thanh Trì, Hà Nội sẽ giúp ELC có thêm nguồn thu nếu thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Tuy vậy, nếu ELC tiếp tục tiến hành dự án này thì nhiều khả năng sẽ làm nguồn vốn bị ứ đọng và giảm hiệu quả hoạt động hiện nay.

Đây là dự án “Tổ hợp văn phòng, chung cư, biệt thự, dịch vụ thương mại, khu cây xanh công cộng và các chức năng khác tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”. Tính đến cuối năm 2011, các thủ tục pháp lý của dự án này đã được hoàn thành 90% công việc.

Vị thế vững mạnh trong ngành. ELC đang giữ vững vị trí trong mảng dịch vụ viễn thông với các khách hàng lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel. Điều này sẽ giúp duy trì được đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ELC đã bước đầu thành công trong việc mở rộng đối tượng khách hàng thuộc các lĩnh vực an ninh quốc phòng và giao thông vận tải. Đây là những lĩnh vực khá mới và nhiều tiềm năng, giúp ELC đẩy mạnh khả năng tăng trưởng trong tương lai.

Hợp đồng hợp tác chia sẻ doanh thu. Phương thức này giúp ELC thu được khoản lợi nhuận ổn định hàng tháng, giúp duy trì khả năng tăng trưởng và nâng cao tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh thị trường viễn thông đang bão hòa.

Đối thủ cạnh tranh trong mảng phần mềm gần như không có; khi các phầm mềm của ELC chủ yếu tập trung sâu vào lĩnh vực viễn thông.

Nguồn lực tài chính tích cực. Khoản tiền mặt lớn (cuối quý 1/2012 đạt 400 tỷ đồng) sẽ giúp ELC chủ động trong hoạt động đầu tư, nguồn vốn lưu động và hạn chế việc sử dụng nợ vay trong thời điểm khó khăn, lãi suất cao như hiện nay. Bên cạnh đó, khi chưa có nhu cầu sử dụng vốn thì số tiền này sẽ giúp ELC có nguồn thu nhập ổn định từ các khoản lãi tiền gửi và cho vay.

Tận dụng tốt nguồn lực tài chính của đối tác, giúp giảm thiểu việc sử dụng nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng trong các hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh của ELC.

Tỷ giá dự báo tiếp tục ổn định. Vấy đề tỷ giá luôn là rủi ro thường trực trong hoạt động của ELC. Tuy nhiên, trong năm 2012 dự kiến sẽ bớt bị ảnh hưởng khi Ngân hàng Nhà nước cam kết tỷ giá chỉ biến động từ 1-3%. Điều này đã được thể hiện khá rõ trong quý 1/2012, khi tỷ giá tương đối ổn định và dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã tăng mạnh so với đầu năm.

* Tải báo cáo phân tích ELC

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại? (17/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/05: Giảm giá xăng, tăng giá điện và kích thích tài khóa? (13/05/2012)

>   Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012 (15/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất (06/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc (01/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng (14/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN (10/04/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất (09/04/2012)

>   Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản? (09/04/2012)

>   SVC: MegaMall lấp đầy 85%, dòng tiền trong năm 2012 được cải thiện (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật