Thứ Ba, 15/05/2012 08:00

Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012

Chúng tôi nhận thấy một sự thay đổi khá quan trọng trong quan điểm, khi Bộ Tài chính khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cả TTCK, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua phát triển thị trường này.

* Năm 2011: Thấy gì từ đề xuất giãn và miễn giảm thuế của Bộ Tài chính?

Sau nhiều thông tin dễ lẫn lộn được báo chí đăng tải, Bộ Tài chính vừa chính thức công bố các đề xuất giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ưu đãi về thuế còn phải được Quốc hội chấp thuận để chính thức được thực hiện.

Tổng giá trị của gói hỗ trợ được cơ quan quản lý ước tính vào khoảng 29,000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là gói giải pháp tài khóa, liên quan điến chi tiêu công và thuế, phí.

Giải pháp liên quan đến chi tiêu công: Ảnh hưởng tích cực là khá hạn chế

Nhóm giải pháp về chi tiêu công đáng chú ý bao gồm: (1) Chủ trương đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản. (2) Bổ sung thêm 1,000 tỷ đồng (nâng tổng mức năm 2012 lên 4,000 tỷ đồng) dành cho vay kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. (3) Cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm công.

Ước tính từ cơ quan quản lý cho thấy nhóm các giải pháp về chi tiêu công có tổng trị giá hỗ trợ khoảng 2,670 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đầu tư công trong thời gian dài vừa qua được giới chuyên gia nhận định là chưa tương xứng với hiệu quả, rõ ràng “room” để đẩy mạnh hoạt động này và qua đó “kích cầu” nền kinh tế không còn nhiều.

Con số lượng hóa ở trên cũng nói lên mức độ ảnh hưởng tích cực khá hạn chế, vì chủ yếu vẫn là các gói đầu tư nhỏ. Có lẽ ngành xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chủ trương này.

Giải pháp liên quan đến thuế và phí: Dè dặt vì áp lực lên thu ngân sách

Đáng chú ý gồm có:

(1) Gia hạn thời hạn nộp 6 tháng của thuế GTGT tháng 4, 5 và 6/2012, áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Điểm khác biệt lớn nhất trong gói giải pháp 2012 so với năm 2011 là việc thuế GTGT được đưa vào diện giãn thuế. Nói cách khác, đây là một hình thức gián tiếp hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp, nhưng có khoanh vùng đối tượng hơn là hình thức hỗ trợ trực tiếp như năm 2009.

Động thái hỗ trợ này sẽ ít nhiều giải quyết được một phần khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp khi được tạm giữ và sử dụng nguồn vốn này trong 6 tháng.

Với giá trị giãn thuế GTGT vào khoảng 12,000 tỷ đồng, nếu ước tính bằng lãi suất cho vay 15%/năm thì gánh nặng chi phí lãi vay của doanh nghiệp được giảm bớt hơn 900 tỷ đồng. Rõ ràng đây là một con số rất khiêm tốn so với 17,000 tỷ đồng hỗ trợ giãm lãi suất trong gói kích thích kinh tế năm 2009.

Trước đó, có thông tin cho thấy Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ giảm 50% thuế GTGT. Với các diễn biến mới đây, rất có thể đề xuất giảm 50% thuế GTGT này khó trở thành hiện thực.

Việc giảm thuế GTGT sẽ có tác động kích cầu rất mạnh, bởi nó sẽ có tác động ngay lập tức đến giá cả và hành vi tiêu dùng. Tuy vậy, mức giảm 50% có vẻ là quá lớn và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách.

(2) Giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Tương tự như năm 2011, Chính phủ sẽ giảm 30% thuế TNDN năm 2012 đối với những đối tượng ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thuế TNDN là thuế đánh trên lợi nhuận và như vậy chỉ có những doanh nghiệp “khỏe mạnh”, làm ra lợi nhuận mới được hưởng lợi.

(3) Gia hạn trong 09 tháng số tiền thuế TNDN còn nợ của năm 2011 trở về trước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thuỷ (bao gồm cả vận tải thuỷ nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.

Gói hỗ trợ lần này không đề cập đến việc giãn thuế TNDN năm 2012, mà chỉ gia hạn số thuế TNDN còn nợ của năm 2011 trở về trước. Việc gia hạn lần này sẽ giảm bớt được gánh nặng bị cộng dồn thuế TNDN năm 2011 đã được giãn 1 năm trước đó.

Như vậy, gói hỗ trợ thuế cho những doanh nghiệp “khỏe mạnh” trong năm 2012 sẽ không được nhiều ưu đãi như năm 2011.

(4) Gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất trong tối đa 12 tháng (kể từ ngày phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế) đối với các chủ đầu tư dự án do có khó khăn về tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất.

(5) Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 đối với một số đối tượng doanh nghiệp nhất định, bao gồm cả doanh nghiệp thương mại, dịch vụ.

Việc giãn nộp tiền thuê đất một năm ảnh hưởng đến ngân sách địa phương và do đó sẽ cần HĐND các tỉnh thành phê duyệt. Một số ước tính nêu ra dòng tiền được giãn ở đề mục này lên đến 64,000 tỷ đồng – một con số không nhỏ. Ước tính sử dụng lãi vay 15% làm chi phí cơ hội, doanh nghiệp có thể được “hỗ trợ” chi phí lãi vay lên đến 9,600 tỷ đồng trên lý thuyết.

Với biện pháp này, có thể nhiều chủ đầu tư bất động sản sẽ có cơ hội tiếp tục “cầm cự”, trong bối cảnh đầu ra chưa có cải thiện đáng kể nào.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy “room” còn lại để nới lỏng chính sách tiền tệ là quá ít và đã không được lựa chọn. Trong khi đó, thực hiện nới lỏng mạnh chính sách tài khóa sẽ chịu áp lực thâm hụt ngân sách và phải đánh đổi với rủi ro lạm phát quay trở lại.

Trong thời gian tới, biện pháp được cơ quan quản lý áp dụng quyết liệt nhất sẽ là kéo giảm lãi suất và tăng mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, không loại trừ bằng cả những biện pháp hành chính.

Chúng tôi cũng nhận thấy một sự thay đổi khá quan trọng trong quan điểm, khi Bộ Tài chính khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cả TTCK, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua phát triển thị trường này.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất (06/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc (01/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng (14/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN (10/04/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất (09/04/2012)

>   Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản? (09/04/2012)

>   SVC: MegaMall lấp đầy 85%, dòng tiền trong năm 2012 được cải thiện (05/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào? (01/04/2012)

>   CSG giải thể: Nên bán hay mua cổ phiếu? (29/03/2012)

>   Tại sao CPI tháng 3 lại “đột ngột” tăng thấp? (21/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật