Chủ Nhật, 01/04/2012 22:43

Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào?

Thông tư 226 đã có hiệu lực từ ngày 01/04/2011 nhưng các CTCK có thời gian “đệm” 1 năm để thực hiện; và đến ngày 01/04/2012 sẽ chịu sự điều chỉnh toàn diện.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Bức tranh thị trường việc làm cải thiện trong thời gian gần đây vẫn chưa đủ để Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke thay đổi quan điểm tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Lý do được đưa ra là Mỹ cần tăng trưởng nhanh hơn để tạo đủ việc làm và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.

Với định hướng tăng trưởng nền kinh tế, ông Ben Bernanke kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng dài hạn xung quanh mức 3%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kỳ vọng về một gói nới lỏng định lượng đầy đủ khó có khả năng xảy ra; mà thay vào đó có thể là các hình thức mua lại chứng khoán thế chấp hay giữ lãi suất thế chấp dài hạn ở mức thấp… Lý do là bối cảnh rủi ro lạm phát cao vẫn còn, đặc biệt là những biến động thất thường của giá dầu.

Liên quan đến vấn đề giá dầu, ba nước Anh – Pháp – Mỹ đang thảo luận khả năng mở kho dự trữ dầu chiến lược để hạ giá dầu. Mới đây, Bộ trưởng dầu mỏ Ả-rập Xê-út cho biết có thể gia tăng nguồn cung để đối phó với giá dầu cao.

Có vẻ như đây là một động thái dọn đường, vì cuối tuần, Tổng thống Barack Obama đã ký thông qua lệnh trừng phạt mới với xuất khẩu dầu của Iran. Theo đó, Mỹ sẽ trừng phạt ngân hàng nước ngoài nào giao dịch tài chính với ngân hàng trung ương Iran liên quan đến dầu mỏ kể từ tháng 6/2012. Song song đó, Mỹ cũng sẽ tăng sản lượng dầu từ Iraq, Libya và sản lượng tại Mỹ.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 sụt giảm nhẹ đứng ở mức 70.2 điểm, thấp hơn dự báo của các chuyên gia; trong khi đó chỉ số tâm lý tiêu dùng trong tháng này lại tăng và đạt mức 76.2 điểm, cao hơn so với tháng trước.

Chỉ số thu mua PMI của Chicago trong tháng 3 cũng sụt giảm còn 62.2 điểm, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Thu nhập cá nhân trong tháng 2 chỉ tăng 0.2%, thấp hơn mức tăng 0.3% trong tháng trước và dự báo 0.4% của các chuyên gia. Trong khi đó, tiêu dùng cá nhân trong tháng này lại ghi nhận mức tăng khả quan 0.3% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo.

Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng như chỉ số sản xuất ISM, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3, và tín dụng tiêu dùng tháng 2.

Châu Âu: Vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi nền kinh tế Eurozone, nhưng sự “đồng lòng” giữa các thành viên rõ ràng là chìa khóa niềm tin quan trọng cho tương lai khu vực này.

Trong hai ngày 30 – 31/3, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung EUR sẽ họp để thảo luận về các lựa chọn nhằm gia tăng quy mô của quỹ giải cứu vốn được xem là bức tường lửa tài chính, nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng.

Thông tin mới nhất từ cuộc họp cho thấy, quy mô của quỹ giải cứu khu vực Eurozone vừa được nâng lên hơn 800 tỷ EUR (tương 1,066 tỷ USD), bao gồm 500 tỷ từ quỹ cứu trợ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) có hiệu lực từ tháng 7/2012, cùng 200 tỷ thuộc các khoản vay đã cam kết, và 100 tỷ là các khoản vay song phương và ngân quỹ của Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ ủng hộ việc gia tăng tạm thời quy mô của quỹ giải cứu lên 700 tỷ EUR, bất chấp lời kêu gọi gia tăng mạnh hơn nữa từ nhiều thể chế.

Trong khi đó, sau Hy Lạp, Tây Ban Nha lại nổi lên như một “điểm nóng” trong khu vực khi lợi suất trái phiếu Chính phủ ở quốc gia này đã bất ngờ tăng cao trong thời quan gần đây, vượt qua cả Ý. Cụ thể, vào đầu tháng 3, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 5%, nhưng sau đó đã tăng lên con số 5.51% trong tuần 19 – 23/03.

Trong ngày 29/03, Ireland đạt được thỏa thuận bộ ba tài trợ bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về hoán đổi nợ đáo hạn trị giá 3.06 tỷ EUR lấy trái phiếu chính phủ dài hạn, nhằm giảm nhẹ gánh nợ cho Tập đoàn giải cứu ngân hàng Ireland (IBRC) trong năm 2012. Trước đó, tháng 11/2010, IMF và EU cũng đã dành cho Ireland khoản cứu trợ trị giá 85 tỷ EUR.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Kinh tế quý 1/2012 chậm lại: Nới lỏng tín dụng trong thời gian tới?

Sau khi lạm phát có dấu hiệu lắng xuống thì các số liệu vĩ mô quan trọng của quý 1 vừa công bố cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu tăng trưởng chậm lại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4.1% so với cùng kỳ năm trước, và là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 01/03/2012 tăng cao 34.9% so với thời điểm năm trước.

Giá trị bán lẻ trong quý 1/2012 nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 5%, so với mức tăng 8.7% của cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu trong quý 1/2012 đạt lần lượt là 24.5 và 24.8 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu trong 3 tháng đầu năm ước khoảng 251 triệu USD, bằng 7.2% so với cùng kỳ.

Số liệu này cho thấy thâm hụt thương mại trong năm 2012 sẽ được thu hẹp đáng kể, nhưng cũng phần nào phản ánh tình trạng đình trệ sản xuất khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước có dấu hiệu chững lại, với giá trị nhập siêu tăng rất “khiêm tốn”.

Số liệu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng kém khả quan khi tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 3 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 2.63 tỷ USD, bằng 63.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn giải ngân FDI đạt 2.52 tỷ USD, bằng 99.2% so với cùng kỳ năm 2011.

GDP quý 1/2012 chỉ tăng khoảng 4%, và đang có dấu hiệu thụt lùi so với cùng kỳ các năm trước (quý 1/2011 tăng 5.57%, quý 1/2010 tăng 5.84%).

Mặc dù GDP quý 1 thường tăng trưởng thấp nhất trong năm, nhưng những số liệu trên phần nào cho thấy đà tăng trưởng đang chậm lại đáng kể. Ngoài những vấn đề mang tính cơ cấu, lý do chủ yếu đến từ chính sách tiền tệ tài khóa thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Điều này đã khiến cho tín dụng toàn nền kinh tế co hẹp khá mạnh và khả năng tiếp cận vốn trở nên khó khăn.

Tính đến ngày 20/3/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) chỉ tăng 1.44% so với cuối năm trước, trong khi tổng dư nợ tín dụng lại giảm 2.13%.

Như đề cập trước đây, với thực tế lạm phát đã dịu lại đáng kể, rất nhiều khả năng NHNN sẽ nới lỏng tín dụng trong thời gian tới để hỗ tợ tăng trưởng.

Trong phiên hợp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012, bên cạnh nội dung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chúng tôi nhận thấy vấn đề tăng trưởng đã được nhấn mạnh trở lại.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN “thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số, đồng thời bảo đảm được tăng trưởng ở mức hợp hợp lý (khoảng 6%); tập trung giải quyết nhanh thanh khoản của ngân hàng; khoanh vùng các ngân hàng yếu kém để có các giải pháp xử lý hiệu quả; hạ dần lãi suất phù hợp với thanh khoản của ngân hàng và chiều hướng giảm dần của lạm phát; giải quyết các mâu thuẫn trong nội tại của nền kinh tế để phục vụ cho phát triển”.

Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào?

Theo Đề án tái cấu trúc ban hành trong Quyết định 62/QĐ-BTC và Thông tư 226/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, các CTCK sẽ được phân thành 3 nhóm:

- Nhóm 1 - Nhóm bình thường: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro trên 150% và có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ.

- Nhóm 2 - Nhóm kiểm soát: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ.

- Nhóm 3 - Nhóm kiểm soát đặc biệt: có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ trên 50% vốn điều lệ.

Thông tư 226 đã có hiệu lực từ ngày 01/04/2011 nhưng các CTCK có thời gian “đệm” 1 năm để thực hiện; và đến ngày 01/04/2012 sẽ chịu sự điều chỉnh toàn diện theo Thông tư này cùng với Quyết định 62.

Đối tượng quan tâm hẳn nhiên là các CTCK thuộc diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt. Đối với CTCK thuộc nhóm 2 và 3 này, ngoài việc cắt giảm chi phí thì các biện pháp khắc phục như bán tài sản có mức độ rủi ro cao (điển hình là các chứng khoán rủi ro cao), thu hồi nợ hay M&A … sẽ có tác động đến thị trường.

Điểm đáng chú ý khác là theo Điều 16.3 của Thông tư 226, CTCK trong thời hạn bị kiểm soát/kiểm soát đặc biệt sẽ “không được ký mới, ký kéo dài, tiếp tục thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khoán, giao dịch mua có cam kết bán lại, cho khách hàng vay không có tài sản đảm bảo, không được ký hợp đồng bảo lãnh phát hành cam kết chắc chắn”.

Theo Điều 10, các quyết định đưa CTCK vào diện kiểm soát/kiểm soát đặc biệt sẽ không được công khai, trừ trường hợp UBCKNN xét thấy là cần thiết để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Như vậy, ngoài chỉ tiêu lỗ lũy kế có thể tính được dựa trên thông tin công bố rộng rãi, phần lớn các trường hợp bị kiểm soát/kiểm soát đặc biệt sẽ không được công khai. Tương tự như những gì diễn ra với các ngân hàng, các nhóm CTCK này cũng sẽ cố gắng “không hiện mình” và giới đầu tư sẽ có dịp “đoán già đoán non”, chẳng hạn qua việc không cung cấp dịch vụ margin hay cố gắng thu hồi tiền cho vay đầu tư chứng khoán.

Mặc dù vẫn có nhóm CTCK sẽ được hưởng lợi, nhưng thị trường sẽ bị xáo trộn ít nhiều; tương tự như những gì chúng ta chứng kiến trong thời gian qua với ngành ngân hàng (mức độ sẽ thấp hơn nhưng ảnh hưởng lên TTCK lại trực diện hơn!).

Cũng theo Thông tư 226, CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 180% của các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục sẽ được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát. Đối với kiểm soát đặc biệt, sau thời hạn 6 tháng mà CTCK không khắc phục được và lỗ lũy kế hơn 50% vốn điều lệ trở lên thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Chính phủ đã đồng ý với đề xuất bỏ khung giá đất do liên bộ Tài chính, Tài nguyên – Môi trường kiến nghị. Theo đó, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.

• Trong tháng 4, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở để thực hiện thí điểm trong năm 2013. Theo đó, mô hình quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở xã hội được hình thành nhằm mục đích cho người có thu nhập thấp vay mua nhà hoặc thuê nhà để ở.

• Có thông tin cho thấy Bộ Tài chính đang nghiên cứu hoán đổi nợ cũ của Vinashin để lấy trái phiếu mới. Theo đó, Tập đoàn này có thể phát hành trái phiếu mới với sự đảm bảo của Chính phủ để thanh toán một phần nợ vay.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Finfonet

Các tin tức khác

>   CSG giải thể: Nên bán hay mua cổ phiếu? (29/03/2012)

>   Tại sao CPI tháng 3 lại “đột ngột” tăng thấp? (21/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 19 – 23/03: Thị trường tiền tệ có thực sự “bất thường”? (19/03/2012)

>   PVX: Cổ phiếu hút dòng tiền đầu cơ, nhưng có gì "hay"? (16/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng? (11/03/2012)

>   Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này? (08/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 05 - 09/03: Số liệu vĩ mô tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực (04/03/2012)

>   EIB: Lợi nhuận 2011 vượt bậc, nhưng có phải là tất cả? (02/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 27/02 – 02/03: Lạm phát giảm tốc, lãi suất hạ thực chất (26/02/2012)

>   BVS: Giảm đầu tư ngắn hạn, ít áp lực trích lập dự phòng (24/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật