Chủ Nhật, 26/02/2012 13:23

Kinh tế Vĩ mô Tuần 27/02 – 02/03: Lạm phát giảm tốc, lãi suất hạ thực chất

Lạm phát có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt và lãi suất sẽ có cơ hội được kéo giảm một cách thực chất hơn trong thời gian tới.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Chính quyền Obama tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm tích cực hỗ trợ cực đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Mới đây, ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất phương án giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp và lấp các lỗ hổng trong bộ luật thuế.

Cụ thể, phương án này đề xuất cắt giảm thuế thu nhập tối đa đối với các doanh nghiệp từ mức 35% hiện nay xuống 28%, giảm sâu hơn nữa đối với các doanh nghiệp sản xuất; đồng thời chấm dứt những khoản trợ cấp đang bị lợi dụng, trong đó có các công ty xuất khẩu đầu tư và việc làm ra nước ngoài.

Đề xuất này đã đón nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhưng mức giảm này vẫn bị cho là “khá khiêm tốn”.

Ngoài ra, việc tăng thuế đối với những người giàu cũng được xác định là một phần trong nội dung cải tổ bộ luật thuế. 

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật gia hạn giảm thuế thu nhập đến hết năm 2012. Theo đó, khoảng 160 triệu người lao động Mỹ tiếp tục được giảm 2% thuế thu nhập, xuống còn 4.2% từ mức 6.2%.

Trong tuần, nền kinh tế Mỹ đón nhận số liệu doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 1/2012 là 4.57 triệu đơn vị, thấp hơn dự báo của giới chuyên gia; trong khi đó doanh số bán nhà mới trong tháng 1/2012 là 321,000 đơn vị, cao hơn dự báo 315,000 đơn vị của các nhà kinh tế.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 2 do Đại học Michigan khảo sát tăng lên 75.3 điểm, mức cao nhất trong một năm, và vượt dự báo 73 điểm của các nhà kinh tế. 

Tuần tới, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục đón nhận những số liệu như chỉ số doanh số nhà chờ bán, đơn đặt hàng dài hạn, thu nhập cá nhân và chi tiêu tiêu dùng trong tháng 1/2012; chỉ số quản lý thu mua Chicago, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 2/2012.

Châu Âu: Cuối cùng, những nhượng bộ của Hy Lạp đã giúp quốc gia này giành được gói giải cứu thứ hai từ bộ ba tài trợ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Về nguyên tắc, giá trị của gói giải cứu này sẽ là 130 tỷ EUR, nhưng giá trị cuối cùng của gói giải cứu sẽ được quyết định vào tháng 3 khi mà kết quả về mức độ tham gia trong việc hoán đổi nợ của khu vực tư nhân được công bố chính thức.     

Với thỏa thuận mới đạt được này, rủi ro vỡ nợ ở Hy Lạp vào tháng 3 tới gần như bị loại bỏ; tuy nhiên, con đường để giải quyết khủng hoảng ở quốc gia này vẫn còn rất dài. Trước mắt, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với làn sóng biểu tình, phản đối và bạo loạn của người dân đối với các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã cam kết.  

Mới đây, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lap từ “CCC” xuống “C”; đồng thời sẽ tiếp xem xét và có thể hạ xuống mức “vỡ nợ một phần” khi chương trình hoán đổi trái phiếu kết thúc.

Trong Báo cáo Theo dõi Kinh tế Toàn cầu tháng 2, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) quan ngại về những bất ổn xung quanh việc đáp ứng các điều kiện của gói giải cứu và bất ổn xã hội ngày càng leo thang tại Hy Lạp. Tuy nhiên theo IIF, Hy Lạp vẫn có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm 2012.

Trong khi đó, ngày 21/2, Hungary tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận với IMF và EU về EU về khoản vay quy mô lớn sau khi nước này đã phúc đáp những yêu cầu pháp lý của EU, và cam kết sớm bắt đầu đàm phán về khoản vay này trước thời điểm cuối tháng 3 tới.

Trước đó, ngày 17/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi kiện Hungary về đạo luật mới, bị coi là vi hiến, và cho Budapest một tháng để xem xét điều chỉnh lại những cải cách gây tranh cãi, đồng thời kêu gọi các bộ trưởng tài chính EU áp dụng biện pháp trừng phạt Hungary.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Cơ hội giảm lãi suất thực chất đã đến?

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 2/2012 tăng 1.37% so với tháng 1/2012, và tăng 16.44% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng đáng kể nhất đối với CPI tháng 2 đến từ 2 nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2.47%), và Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2.11%).

Tết Âm lịch thường rơi vào tháng 1 và 2 dương lịch và chúng ta thường thấy đà tăng mạnh của CPI trong giai đoạn này. Tuy vậy, so với cùng kỳ các năm trước, CPI hai tháng đầu năm 2012 (lần lượt là 1% và 1.37%) đều tăng yếu hơn thông thường (ngoại trừ mức tăng khá yếu trong hai tháng đầu năm 2009, do nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái trong giai đoạn 2008 – 2009).

Với xu hướng giảm tốc rõ rệt của lạm phát, lãi suất trong thời gian tới sẽ có cơ hội giảm xuống một cách thực chất hơn, với mức độ tiếp cận vốn dễ dàng hơn trước đây. Xem thêm chi tiết nhận định tại đây.

Giá điện “đến hẹn” lại tăng?

Lần tăng giá điện gần nhất là vào ngày 20/12/2011, với mức tăng gần 5%. Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Như vậy, nếu tiếp tục tăng giá điện thì sớm nhất sẽ diễn ra sau ngày 20/3/2012.

Trên thực tế, việc điều chỉnh tăng giá điện đang chịu nhiều sức ép, do EVN đã phát sinh các khoản lỗ và các hộ bán khí, than đang thúc đòi nợ.

Mức tăng giá điện 5% trong tháng 12/2011 đã phần nào được phản ánh qua mức tăng giá của nhóm hàng Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng trong hai tháng đầu năm 2012. Tính đến tháng 2/2012, CPI của nhóm hàng này đã tăng 4.22% so với cuối năm 2011, gần gấp đôi so với mức tăng chung.

Theo tính chu kỳ, lạm phát hàng tháng thường có xu hướng gảm tốc rõ rệt sau tháng 3. Tuy vậy, việc tăng giá điện mạnh trong giai đoạn nhạy cảm này rõ ràng là sẽ tạo sức ép lên lạm phát những tháng còn lại của năm, và đặc biệt là lạm phát kỳ vọng của giới đầu tư.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Bộ Xây dựng vừa phúc đáp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc đề xuất hình thành mô hình Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

• Bộ Tài chính đã có văn bản số 1944/BTC-TCNH đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện việc tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm của Ngân hàng Thương mại nhà nước và Ngân hàng Thương mại cổ phần nhà nước nắm cổ phần chi phối.

• Bộ Tài chính vừa giảm thuế xăng dầu từ 3-5% xuống mức 0-3%. Điều này giúp tránh được việc phải tăng giá xăng dầu trong thời gian tới và là một động thái tích cực cho mục tiêu kiềm chế lạm phát.

• Ngày 20/02, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 958/NHNN-CSTT yêu cầu các Ngân hàng thương mại báo cáo những vấn đề về khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp.

Mục đích nhằm phục vụ cho việc xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề cần giải quyết để cải thiện khả năng tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. 

• Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2011. Theo đó, Lào Cai chiếm vị trí quán quân với 73.53 điểm, và Bắc Ninh đứng vị trí thứ 2 với 67.27 điểm.

Đáng chú ý, Đà Nẵng rớt hạng từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 với 66.98 điểm. Hà Nội tăng 6 bậc từ 43 lên 36 với 58.28 điểm; trong khi TPHCM tăng từ vị trí thứ 23 lên 20 với 61.93 điểm.

• Theo quy hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 xuất khẩu than sẽ giảm còn 5 triệu tấn và giữ ổn định ở mức 3 triệu tấn trong những năm tiếp theo.

• Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa mới công bố kế hoạch tái cấu trúc với nhiều mục tiêu khá tham vọng, trong đó có việc tiếp tục thoái vốn tại các doan nghiệp ngoài ngành.

Theo kế hoạch, trong năm 2012, Vinacomin sẽ thoái vốn 216.8 tỷ đồng tại 4 doanh nghiệp. Cụ thể là CTCP Bảo hiểm Hàng không với mức tham gia 50 tỷ đồng; CTCP đường Cao tốc BECD (Trung Lương, Cần Thơ) với mức tham gia 10.5 tỷ đồng; CTCP Khu kinh tế Hải Hà với mức tham gia 47.8 tỷ đồng; và Quỹ đầu tư Việt nam với mức tham gia 48 tỷ đồng.

• Ngày 20/2, Việt Nam đã chính thức yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ trong khuôn khổ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO liên quan tới các biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ về một số sản phẩm tôm đông lạnh nhiệt đới của Việt Nam.

Trong vòng 60 ngày, nếu các phiên tham vấn không giúp giải quyết tranh chấp, bên khiếu nại có thể yêu cầu vấn đề tranh chấp được xem xét bởi một ban hội thẩm do WTO thành lập.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

FINFONET

Các tin tức khác

>   BVS: Giảm đầu tư ngắn hạn, ít áp lực trích lập dự phòng (24/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 – 24/02: Xu hướng giảm lãi suất dần khả thi hơn (19/02/2012)

>   Chỉ thị 01: Hiểu thế nào cho đúng? (15/02/2012)

>   Cổ phiếu ”nóng”: PGS – Biên lợi nhuận cao của mảng CNG có thể thúc đẩy KQKD 2012 (14/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 – 17/02: Thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp tiếp tục tích cực (12/02/2012)

>   Vàng biến động phức tạp, nhưng vẫn là tài sản sinh lợi năm 2012? (07/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 – 10/02: Tín dụng được “nắn” chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn (04/02/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01 (29/01/2012)

>   Tâm điểm Vĩ mô 2012 – Phần 2: “Cú sốc” tỷ giá khó xảy ra, nhưng áp lực vẫn còn lớn (28/01/2012)

>   Cổ phiếu ”nóng”: REE đã sideway đủ lâu? (19/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật