Thứ Tư, 15/02/2012 07:10

Chỉ thị 01: Hiểu thế nào cho đúng?

(Vietstock) – NHNN chuyển sang sử dụng khái niệm lĩnh vực “không khuyến khích”. Tuy vậy, về mặt nội hàm của khái niệm, chúng tôi không thấy có sự thay đổi đáng kể nào trong định hướng chính sách tiền tệ từ Chỉ thị 01.

* Phó Thống đốc NHNN: Sẽ xem xét khả năng nới lỏng kiểm soát tín dụng

* Lối thoát nào cho các ngân hàng Nhóm 4 của Chỉ thị 01?

* Chỉ thị 01: Ngân hàng nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng trong 2012

* NHNN kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay CK và BĐS không quá 16%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN và Công văn 674/NHNN-CSTT về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ năm 2012. Một số điểm đáng chú ý gồm có:

(1) Chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 đối với 4 nhóm TCTD như sau: Nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, Nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, Nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và Nhóm 4 không được tăng trưởng.

NHNN vẫn chưa công bố rộng rãi các tiêu chí để phân loại, xếp hạng cũng như danh sách các TCTD thuộc 4 nhóm như trong Chỉ thị 01. Tuy vậy, hiện các TCTD đã nhận được thông báo của NHNN về xếp hạng và chỉ tiêu tín dụng cho tổ chức mình. Thông tin cho thấy, hạn chót là tháng 6/2012 cơ quan này sẽ ban hành thông tư về quy trình đánh giá, xếp hạng TCTD và lúc đó, có thể các thông tin sẽ được minh bạch hơn.

Có thể thấy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở Nhóm 3 và Nhóm 4 thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình của các năm trước và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Với thực tế nguồn thu nhập chủ yếu vẫn đến từ hoạt động tín dụng, việc không cho phép tăng trưởng là một “liều thuốc đắng” đối với các ngân hàng Nhóm 4.

Khi mà đầu ra bị hạn chế, cuộc chạy đua trên thị trường huy động vốn sẽ bị triệt tiêu và giảm bớt áp lực căng thẳng thanh khoản (có nguyên nhân cục bộ) trong hệ thống ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng động thái này sẽ càng đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém; và đây là mục đích chính của nội dung này của Chỉ thị 01.

Sẽ không có gì bất ngờ nếu Nhóm 1 và Nhóm 2 chủ yếu bao gồm các NHTMCP lớn, NH có nguồn gốc nhà nước cổ phần hóa và NHTMNN. Các ngân hàng này chiếm phần lớn thị phần tín dụng và huy động vốn. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ giới hạn ở mức 15-17%, tín dụng từ nhóm này (với chỉ tiêu tăng trưởng là 17% và 15%) sẽ bù đắp thiếu hụt từ Nhóm 4 – vốn tương đối nhỏ.

(2) Dư nợ tín dụng bao gồm dư nợ cấp tín dụng, số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu do TCTD phát hành) và dư nợ cho vay bằng nguồn vốn ủy thác của tổ chức khác không phải tổ chức tín dụng.

Dư nợ tính vào tăng trưởng tín dụng nay được đề cập cụ thể bao gồm cả tiền mua trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ từ vốn ủy thác. Đây là hai nội dung mà các ngân hàng đang tận dụng để “lách” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và “biến tấu” để bù đắp thanh khoản.

Quy định này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu.

Sai lệch giữa con số tăng trưởng tín dụng theo báo cáo và con số tăng trưởng thực cũng sẽ được giảm thiểu, giúp hạn chế sự méo mó các số liệu thông kê, tăng khả năng giám sát tăng trưởng tín dụng thực của nền kinh tế. 

(3) Kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của TCTD trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%.

Sau những tranh cãi xung quanh vấn đề tín dụng cho lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất, NHNN đã thay đổi và chuyển sang sử dụng khái niệm lĩnh vực “không khuyến khích”, bao gồm: cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng và cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tuy vậy, về mặt nội hàm của khái niệm, chúng tôi không thấy có sự thay đổi đáng kể nào trong định hướng chính sách tiền tệ từ Chỉ thị 01, đặc biệt đối với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản.

Tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay trong năm 2012 tiếp tục bị khống chế ở mức 16% như năm 2011. Loại trừ đáng chú ý nhất có lẽ là cho vay người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần; tuy nhiên tác động rõ ràng là quá nhỏ.

Đáng lưu ý hơn, tỷ trọng 16% này được xét đến trong suốt cả năm, có nghĩa là TCTD sẽ chịu sự giám sát của NHNN tại bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Với tỷ lệ 16%, mức độ giám sát toàn diện và chủ trương quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, áp lực thu hồi vốn “không khuyến khích” ở các ngân hàng Nhóm 4 là rất lớn. Cần để ý rằng đây cũng là nhóm có tỷ trọng dư nợ chứng khoán và bất động sản cao.

Về mặt tổng thể, tín dụng lĩnh vực “không khuyến khích” vẫn có room tăng trưởng, với kỳ vọng đến chủ yếu từ các ngân hàng lớn (có thông tin cho thấy tỷ trọng tín dụng phi sản xuất của hệ thống cuối năm 2011 chỉ khoảng 11.3%, mặc dù không rõ đã bao gồm tín dụng qua đường trái phiếu hay chưa?).

Tuy vậy, với mức độ rủi ro cao đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, sự e ngại giải ngân từ ngân hàng có thể sẽ rất phổ biến. Đây là thực tế chúng tôi nhận thấy trong thời gian gần đây.

Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào tình hình sẽ sáng sủa trở lại? Chúng tôi đang kỳ vọng đó là giai đoạn cuối quý 2, khi lạm phát hình thành xu hướng giảm bền vững, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ nới lỏng – hạ lãi suất, cũng như một sự ổn định trở lại trong hệ thống ngân hàng.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ”nóng”: PGS – Biên lợi nhuận cao của mảng CNG có thể thúc đẩy KQKD 2012 (14/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 – 17/02: Thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp tiếp tục tích cực (12/02/2012)

>   Vàng biến động phức tạp, nhưng vẫn là tài sản sinh lợi năm 2012? (07/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 – 10/02: Tín dụng được “nắn” chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn (04/02/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01 (29/01/2012)

>   Tâm điểm Vĩ mô 2012 – Phần 2: “Cú sốc” tỷ giá khó xảy ra, nhưng áp lực vẫn còn lớn (28/01/2012)

>   Cổ phiếu ”nóng”: REE đã sideway đủ lâu? (19/01/2012)

>   Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2 (16/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01: Đón đầu tín hiệu hạ lãi suất? (14/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 09 – 13/01: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế (07/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật