Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01: Đón đầu tín hiệu hạ lãi suất?
(Vietstock) – Diễn biến tích cực trên thị trường Trái phiếu Chính phủ là chỉ báo quan trọng ủng hộ kỳ vọng lãi suất có thể sớm được hạ xuống trong thời gian tới.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Trước những ảnh hưởng quá lớn và khó kiểm soát của các cơ quan xếp hạng tín dụng, Quốc hội Mỹ đã tích cực vào cuộc điều tra cách thức đánh giá và xếp hạng ở những cơ quan này.
Mới đây, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) cung cấp những thông tin chi tiết về quá trình đánh giá mức tín nhiệm của MF Global vào ngày 15/1 tới.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mang đến tin vui cho ngân sách quốc gia khi thông báo kế hoạch nộp khoản lãi ròng năm 2011 ước tính vào khoảng 76.9 tỷ USD cho Bộ Tài chính.
Cụ thể trong năm 2011, Fed đạt được lợi nhuận 78.9 tỷ USD, chủ yếu là tiền lãi từ các chứng khoán và một phần thu nhập từ đà tăng giá của các đồng ngoại tệ cũng như từ việc bán các dịch vụ và một số trái phiếu kho bạc Mỹ.
Dù con số này thấp hơn so với mức 79.3 tỷ USD trong năm 2010 nhưng vẫn là một trong những mức cao lịch sử.
Tiếp theo đó, những số liệu kinh tế khả quan hơn trong hai tháng cuối năm 2011 tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ “tâm lý” nền kinh tế lớn nhất thế giới. .
Theo số liệu công bố ngày 9/1 của Fed, tín dụng tiêu dùng tại Mỹ tăng 10% trong tháng 11, tương đương 20.4 tỷ USD so với tháng 10, và gần bằng những mức trước suy thoái. Thanh toán bằng thẻ tín dụng đã tăng 5.6 tỷ USD trong tháng 11, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2008.
Trong tháng 12, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo thêm gần 200,000 việc làm giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8.5% - mức thấp nhất trong gần ba năm qua.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 12 của Mỹ lại tăng yếu nhất trong 7 tháng và số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tăng cao trong tuần trước.
Thông tin này đã ít nhiều làm giảm bớt niềm lạc quan của giới đầu tư về đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau hàng loạt số liệu lạc quan trong thời gian qua.
Châu Âu
Kẻ lạc quan, người bi quan
Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Christine Lagarde, khá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế khu vực Eurozone khi cho rằng tốc độ tăng trưởng khác nhau của các nền kinh tế sẽ giúp khu vực Eurozone nói riêng và khu vực châu Âu nói chung tránh được khủng hoảng.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết châu Âu đang đi đúng hướng trong việc giải quyết vấn đề nợ nần tại khu vực. Ngoài ra, Fitch cũng tuyên bố không có kế hoạch hạ bậc tín nhiệm Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone trong năm nay, trừ khi nước này phải hứng chịu các cú sốc kinh tế lớn.
Mới đây, ngày 12/1, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết một số quốc gia chìm ngập trong nợ nần thuộc khu vực Eurozone đang đạt được những cải thiện đáng kể về tình hình ngân sách.
Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực gần đây của khối đồng tiền chung EUR, S&P vẫn quyết định hạ bậc tín nhiệm của hàng loạt quốc gia do sự sụt giảm niềm tin ở khu vực này, theo sau một cảnh báo xem xét hạ bậc vào ngày 05/12.
Trong đó, Pháp và Áo mất mức xếp hạng cao nhất AAA xuống AA+; Ý, Tây Ban Nha và Cyprus lần lượt bị mất đến hai bậc tín nhiệm xuống BBB+, A và BB+.
Ngoài ra, tổ chức này còn mạnh tay đánh giá triển vọng “tiêu cực” ở 14 nước Eurozone, bao gồm cả hai quốc gia còn duy trì được mức xếp hạng AAA là Hà Lan và Phần Lan. Triển vọng của Ireland vẫn giữ nguyên mức tiêu cực như hiện nay. Chỉ riêng Slovakia và Đức tạm thời “an toàn” thoát khỏi triển vọng tiêu cực.
Không dừng lại ở đó, S&P nhấn mạnh có thể tiếp tục hạ xếp hạng của các quốc gia Eurozone trong thời gian tới.
Cũng trong hai ngày 06/12 và 07/12, S&P đã đưa ra cảnh báo Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) và Liên minh châu Âu (EU) có thể đánh mất mức xếp hạng cao nhất AAA.
Như vậy, việc S&P tiếp tục xem xét hạ bậc tín nhiệm cao nhất hai tổ chức EFSF và EU chỉ còn là vấn đề thời gian, khi Pháp và Áo đã chính thức bị tụt hạng theo đánh giá của cơ quan này.
Ý là mối đe dọa lớn nhất
Ngày 11/1, Fitch nhận định Ý là mối đe dọa lớn nhất cho tương lai của đồng tiền chung EUR; và cho biết quốc gia này có thể bị hạ bậc tín nhiệm vào cuối tháng 1 trước tình trạng nợ nần chồng chất và chi phí vay nợ tăng cao.
Ý đang dự định bán 440 tỉ euro (khoảng 561.67 tỷ đô la Mỹ) trái phiếu chính phủ và tín phiếu trong năm 2012. Rõ ràng đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã ở mức 7.3% vào ngày 10/1.
Trong khi đó, Đức và Pháp đã đạt được những thỏa thuận nhất định tại cuộc hội đàm ngày 9/1 trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
Nhà lãnh đạo Đức đã tuyên bố ủng hộ việc áp đặt thuế giao dịch tài chính trong EU hoặc chỉ riêng Eurozone theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron lại phản đối bất cứ động thái nào nhằm áp thuế giao dịch tài chính trên phạm vi EU.
Không như kỳ vọng, quá trình đàm phán về mức độ tham gia của khu vực tư nhân đối với gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp đang gặp nhiều trở ngại do tinh thần tham gia của họ đã phần nào sụt giảm.
Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra cho vấn đề này, song không loại trừ khả năng các chính phủ EU sẽ phải gia tăng phần đóng góp của mình trong nỗ lực giải cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Hungary đối đầu với rủi ro thanh khoản
Ở ngoài khu vực Eurozone, Hungary hiện đang phải đối đầu với rủi ro thanh khoản nghiêm trọng khi đồng forint bị rớt giá thảm hại; và Chính phủ nước này buộc phải cầu cứu đến gói cứu trợ khẩn cấp của IMF.
Tuy vậy, IMF đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với quốc gia này, đặc biệt là việc khôi phục lại quy chế độc lập của ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, Hungary còn bị Ủy ban châu Âu (EC) dọa trừng phạt tài chính vì không kiểm soát được thâm hụt ngân sách nhà nước, cũng như sẽ bị khởi kiện về vi phạm Hiếp pháp Liên minh châu Âu (EU) nếu không xem xét lại Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Định hướng ổn định thị trường tài chính của NHNN
Trong nỗ lực bình ổn lại thị trường tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã liên tục đưa ra hàng loạt thông tin mang tính chất định hướng chính sách. Cụ thể:
(1) NHNN cho biết sẽ có từ 5-8 ngân hàng sáp nhập trong quý 1/2012. NHNN sẽ tính đến việc điều chỉnh lãi suất sau khi giải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống trong quý 1.
(2) Biến động tỷ giá trong năm 2012 (nếu có) chỉ không quá 3%, nhờ vào những yếu tố tích cực như xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng vài tỷ USD.
(3) Hiện chỉ có khoảng 10% các tổ chức tín dụng đang khó khăn về tình hình tài chính, khó vay trên thị trường liên ngân hàng; do đó, các ngân hàng khác đòi hỏi phải có thế chấp khi cho vay. NHNN sẽ phải “xử lý” các tổ chức này để trả lại sự lành mạnh cho thị trường.
(4) Thống đốc NHNN khẳng định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải do ngân hàng yếu kém đến mức không tái cấu trúc thì đỗ vỡ ngay lập tức, và sẽ không có chuyện khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
(5) Trong bối cảnh kinh tế từ nay đến hết tháng 6, việc bỏ trần lãi suất là điều khó xảy ra.
Với những thông điệp này, cuộc “đại phẫu” ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm sẽ diễn ra khá quyết liệt; và tạo tiền đề cho lộ trình tái cơ cấu hệ thống này.
Vượt trần lãi suất: Điều tất yếu!?
Việc vượt trần lãi suất ở các NHTM gần như là điều tất yếu phải xảy ra khi câu chuyện thanh khoản chưa được giải quyết và các biện pháp hành chính vẫn là chủ yếu.
Để đối phó với cơ quan chức năng, các hành vi lách trần lãi suất của các tổ chức tín dụng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Khi mà việc điều chỉnh giảm lãi suất khó có thể xảy ra trong tương lai gần do những điều kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng như các thách thức của nền kinh tế, NHNN buộc phải áp dụng biện pháp hành chính trần lãi suất trong một thời gian nữa.
Không có gì ngạc nhiên khi kỷ luật nghiêm ngặt trong công tác thanh tra, xử phạt sẽ được áp dụng trở lại như giai đoạn tháng 9/2011.
Sôi động Trái phiếu: Đón đầu tín hiệu hạ lãi suất?
Phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2012 trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp diễn ra khá sôi động với tỷ lệ trúng thầu đạt 94%; trong đó, tỷ lệ trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm là 100%, và ở kỳ hạn 5 năm là 88%.
Lãi suất đặt thầu cũng được điều chỉnh theo sát diễn biến của nền kinh tế, vào khoảng 13.5% – 11.9% đối với kỳ hạn 3 năm và 13% - 12.15% với kỳ hạn 5 năm.
Điểm đáng chú ý là số đơn vị tham gia đấu thầu lần này khá đông với lần lượt 11 tổ chức ở kỳ hạn 3 năm và 6 tổ chức ở kỳ hạn 5 năm.
Dự kiến mặt bằng lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm khi lạm phát thực sự đi vào giai đoạn ổn định. Ngoài ra, định hướng kéo giảm mặt bằng lãi suất của NHNN cũng phát đi tín hiệu tích cực về triển vọng của vấn đề này.
Diễn biến tích cực trên thị trường Trái phiếu Chính phủ cũng là chỉ báo quan trọng ủng hộ kỳ vọng lãi suất có thể sớm được hạ xuống trong thời gian tới.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/10/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21.1% so với cùng kỳ năm trước; và cao hơn mức trung bình 12% - 15% ở bối cảnh hiện tại.
• Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng trong năm 2011 đạt trên 20% so với năm trước. Tính chung cả năm, mức lưu chuyển hàng hóa đạt 96 tỷ USD (tương đương 1,994 nghìn tỷ đồng), tăng trưởng 29.3%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng trưởng khoảng 7 – 8%.
Bộ Công Thương dự báo tổng mức bán lẻ thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 100 tỷ USD trong năm 2012.
• Một số nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2012 của Chính phủ:
Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Chính phủ yêu cầu việc xây dựng, ban hành Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng phải đảm bảo Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, hạn chế việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế…
Giải pháp chính sách thuế năm 2012: Chính phủ đã thống nhất về nguyên tắc gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN thêm 3 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp của quý 1 và quý 2/2011 cho các đối tượng đang thuộc diện gia hạn thời hạn nộp thuế theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg và Quyết định 54/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
• Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan ngày 12/1, NHNN chấp thuận cho hơn 10 doanh nghiệp được nhập khẩu vàng với số lượng trên 2,100 tấn. Số lượng vàng nhập khẩu nói trên để sản xuất, gia công làm vàng trang sức xuất khẩu.
Các công ty được nhập nhiều bao gồm: công ty TNHH DI với 450 tấn, công ty TNHH Jewelpark Vina với 360 tấn, công ty TNHH Sơn Dương Vàng với 320 tấn,…
• Năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vay 3 tỷ USD để phát triển nguồn, lưới điện; trong đó, tổng nguồn vốn vay ODA mới được ký kết trị giá trên 2 tỷ USD và khoảng 1 tỷ USD vốn vay thương mại nước ngoài.
Trong năm 2012, tổng sản lượng điện cung ứng của EVN khoảng 105 tỷ kWh, tăng 11.9% so với năm 2011; trong đó, EVN sẽ mua khoảng 4.6 tỷ kWh từ Trung Quốc.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|