Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 12 – 16/12
(Vietstock) – Trong khi kinh tế thế giới đã có những bước tiến phục hồi khả quan, thì hệ thống ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc căn bản.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Bước tiến phục hồi khả quan hơn
Có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định sự phục hồi chắc chắn của kinh tế Mỹ; nhưng rõ ràng nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã có những bước tiến khả quan hơn trong thời gian gần đây.
Số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, tín dụng tiêu dùng Mỹ tăng 7.65 tỷ USD lên 2.46 ngàn tỷ USD trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 10/2009 nhờ sự gia tăng của các khoản nợ không tuần hoàn như vay vốn mua xe hơi hay vay vốn sinh viên.
Một tin tích cực khác là theo Bộ Thương mại nước này, mức chi tiêu cho xây dựng tăng 0.8% trong tháng 10, lên 798.53 tỷ USD.
Viện Quản lý nguồn cung (ISM) của Mỹ cũng cho biết Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 11 đạt 52.7 điểm, tăng 1.9% so với con số 50.8 điểm trong tháng 10, và vượt cả mức dự báo 51,5 điểm của các nhà kinh tế.
Người tiêu dùng Mỹ dường như đã đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế vào đầu mùa mua sắm với tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 11 đã đạt 52.4 tỷ USD, so với mức 45 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà kinh tế tin rằng hoạt động kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý cuối cùng của năm. Tuy vậy, họ cũng cảnh báo rằng thu nhập kém có thể buộc người tiêu dùng Mỹ quay lại mức chi tiêu trước đây.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Thomson Reuters và Đại học Michigan khảo sát tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng vào đầu tháng 12 nhờ sự cải thiện của thị trường việc làm và nền kinh tế.
Châu Âu: Thỏa thuận đầu tiên để “cô lập” khủng hoảng nợ, dưới áp lực hàng loạt quốc gia bị đe dọa hạ bậc tín nhiệm
Sự mong đợi của giới đầu tư đã phần nào được thỏa mãn khi 17 quốc gia thành viên Eurozone đã đạt được thỏa thuận về một hiệp ước liên chính phủ mới nhằm tăng cường sự hội nhập trong vấn đề ngân sách quốc gia tại cuộc họp Brussels (Bỉ) vào ngày 9/12 vừa qua.
Bên cạnh đó, 6 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác cũng ủng hộ thỏa thuận này, ngoại trừ Anh và 3 quốc gia còn lại đang do dự.
Có thể xem đây là một thành công đáng khích lệ khi các nhà hoạch định chính sách đã dần tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các vấn đề hiện còn đang bế tắc của khu vực.
Trước đó, ngày 5/12, Pháp và Đức đã đạt được một thỏa thuận về “hiệp ước tài khóa” mới nhằm thực hiện các kỷ cương tài chính trong Eurozone.
Trong khi đó, không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, ngày 08/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất cho vay cơ bản bớt 0.25% xuống 1%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ECB hạ lãi suất trong bối cảnh khủng hoảng nợ Eurozone tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế châu Âu.
Mối quan tâm của thị trường ở thời điểm này sẽ tập trung vào những thay đổi trong chính sách của ECB, đặc biệt là liệu động thái hạ lãi suất có phải là một phần của chính sách tiền tệ thiên về tăng trưởng thay vì tập trung vào việc hạ thấp lạm phát.
Làn sóng hạ bậc tín nhiệm một lần nữa làm “rúng động” và gây sức ép mạnh mẽ lên khu vực châu Âu khi S&P lần lượt đưa ra những cảnh báo xem xét hạ bậc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ khu vực tiếp tục leo thang. Trước đó, Moody’s cũng cảnh báo rằng xếp hạng tín nhiệm của tất cả các quốc gia châu Âu đang bị nguy hiểm.
Ngày 05/12, S&P vừa đưa xếp hạng tín nhiệm của 15/17 thành viên khu vực đồng tiền chung Eurozone vào diện xem xét hạ bậc; trong có cả 6 quốc gia có mức xếp hạng AAA như Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Phần Lan và Luxembourg. Việc đưa xếp hạng tín nhiệm vào diện xem xét hạ bậc đồng nghĩa với 50% khả năng hạ bậc trong vòng 90 ngày.
Trong đó, Pháp đã được xem là quốc gia có nguy cơ mất mức xếp hạng AAA nhiều nhất; và quyết định xem xét hạ bậc tín nhiệm của Đức đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Ngày 06/12, S&P cũng đưa ra cảnh báo Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) có thể đánh mất mức xếp hạng cao nhất AAA nếu bất kỳ quốc gia nào trong số 6 nhà đảm bảo cho quỹ bị hạ bậc tín nhiệm khỏi mức AAA.
Ngày 07/12, S&P lại đưa xếp hạng tín nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) vào diện xem xét hạ bậc. S&P cho biết có thể hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn AAA của EU nếu tổ chức này hạ bậc của ít nhất một quốc gia thành viên EU hiện có xếp hạng AAA.
Bên cạnh đó, S&P cũng đưa xếp hạng tín nhiệm của BNP Paribas, Commerzbank, Societe Generale, Credit Agricole, Deutsche Bank và nhiều ngân hàng châu Âu khác vào diện xem xét hạ bậc.
Rõ ràng, lời cảnh báo hạ bậc tín nhiệm của S&P đối với đồng loạt các tổ chức EU, EFSF và 15/17 thành viên khu vực Eurozone đã là động lực quan trọng thôi thúc những nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 9/12.
Trong khi đó, theo kết quả của một cuộc kiểm tra mới nhất, Ủy ban Ngân hàng châu Âu (EBA) cho biết các ngân hàng châu Âu cần phải huy động thêm 115 tỷ EUR vào tháng 6/2012 trong bối cảnh áp lực phải tìm ra một kế hoạch khả thi nhằm giải quyết khủng hoảng nợ vẫn còn đè nặng lên các nhà lãnh đạo khu vực.
Trong số 31 ngân hàng thuộc danh sách thiếu vốn của EBA, có 6 ngân hàng của Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực. Dù về bản chất báo cáo mới nhất của EBA không phải là kết quả của đợt stress tests, nhưng vẫn là một sự kiểm tra thực tế đối với các ngân hàng trên khắp khu vực.
Song song đó, ngày 7/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định kể từ năm 2014 sẽ cắt viện trợ cho 19 nền kinh tế đang phát triển (trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu phù hợp với các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn.
Tín hiệu tích cực hiếm hoi ở khu vực này là lợi suất trái phiếu Chính phủ Ý và Tây Ban Nha đã sụt giảm mạnh trong các cuộc đấu giá gần đây và đã rút khỏi các mức được xem là không bền vững.
Ngày 7/12, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự toán ngân sách cho năm 2012 với mức cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 5.4% GDP, so với con số 9% dự kiến trong năm nay và dự báo trước đó cho năm tới là 6.8%.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Làn sóng hợp nhất, sáp nhập ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động
Diễn biến nổi trội trong tuần qua là việc hợp nhất 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TPHCM là SCB, TinNghiaBank và Ficombank, cùng với sự tham gia toàn diện của BIDV theo tư cách đại diện vốn nhà nước. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được nêu ra trong thời gian gần đây.
Những lợi ích kỳ vọng từ chủ trương hợp nhất ngân hàng này bao gồm: lợi thế kinh tế theo quy mô, tạo điều kiện để điều phối nguồn lực giữa các ngân hàng, thúc đẩy cơ hội gia tăng thị phần, tái định vị thương hiệu, cải thiện khả năng quản trị, gia tăng hiệu quả quản lý nghiệp vụ ngân hàng, và sau cùng là nhằm cải thiện năng lực an toàn của hệ thống.
Tuy vậy, ngay lúc này cũng cần lưu tâm đến những vấn đề có thể nảy sinh trong thời gian hậu hợp nhất ngân hàng. Đó là những vấn đề liên quan đến việc bố trí lại hệ thống nhân sự, những thủ tục kiểm soát nội bộ và hệ thống kế toán, tài sản, công nợ, tích hợp hệ thống thông tin...
Trước nhu cầu cấp bách trong việc thanh lọc và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hoạt động sáp nhập, hợp nhất ngân hàng dự kiến sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Điều này cũng đồng nghĩa với sự ổn định sẽ mất một thời gian nữa mới trở lại trên thị trường tiền tệ.
Bất động sản: Đã có lối thoát?
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Một số nội dung đáng chú ý của Chỉ thị này gồm có:
(1) Quý 1/2012, Bộ Xây dựng trình Chính phủ hai đề án: Đề án nhà ở cho thuê, chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.
(2) Quý 2/2012, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sửa đổi quy định về thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản.
(3) Quý 1/2012, Bộ Tài chính trình quy định điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh TTCK. Hạn chế việc cho cá nhân vay kinh doanh bất động sản.
(4) Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý. Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc. Đồng thời áp dụng các biện pháp để cải thiện tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường bất động sản.
(5) Hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; hạn chế việc cho cá nhân vay kinh doanh bất động sản.
(6) Tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.
Về cơ bản, nội dung trong Chỉ thị này là những nguyên tắc chung và chúng ta sẽ cần chờ đợi các tín hiệu cụ thể hơn từ hoạt động tín dụng. Cần để ý là nhóm ngân hàng cũng đang trải qua quá trình tái cấu trúc, và bản thân cũng bị áp lực thu hồi nợ nếu rủi ro nợ xấu tăng cao.
Với thực tế khoảng 70%-80% vốn của chủ đầu tư dự án đến từ tín dụng ngân hàng, và một tỷ lệ tương tự cũng được nhà đầu tư thứ cấp sử dụng, thị trường bất động sản Việt Nam chịu ảnh hưởng chi phối bởi dòng tiền tín dụng. Điểm (3) sẽ giúp khắc phục hạn chế này, bằng cách huy động vốn từ dài hạn từ chính nhà đầu tư vào bất động sản được chứng khoán hóa.
Sẽ mất một thời gian để điểm (3) trở thành hiện thực. Còn lúc này, trông chờ của giới kinh doanh bất động sản sẽ là điểm (6). Có thể thấy chính sách tín dụng chọn lọc này đã được áp dụng trong mấy tháng cuối năm 2011 theo chỉ thị từ NHNN và nay được kéo dài cho thời hạn hoàn thành dự án đến hết năm 2012.
Khi thực hiện, có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến tranh cãi “nảy lửa” đối với định nghĩa “sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012” nhằm được hưởng room tín dụng từ ngân hàng.
Tái cấu trúc CTCK: Chỉ là một phần việc trong nhiều công việc phải làm để lấy lại niềm tin thị trường
UBCKNN vừa gửi Đề án tái cấu trúc CTCK tới các CTCK để tham khảo ý kiến. Mục tiêu chính của việc tái cấu trúc là thu hẹp số lượng CTCK, không phân biệt công ty lớn hay bé.
Việc đánh giá các CTCK sẽ được dựa trên 2 tiêu chí quy định trong luật Chưng khoán và Thông tư 226/2010/TT-BTC: vốn khả dụng/tổng rủi ro và tỷ lệ lỗ luỹ kế/vốn điều lệ và sẽ phân loại các CTCK thành 3 nhóm, gồm: nhóm 1 - nhóm bình thường, nhóm 2 - nhóm kiểm soát và nhóm 3 - nhóm kiểm soát đặc biệt.
Sẽ không được ưu ái như ngân hàng, có lẽ chúng ta sẽ nhanh chóng chứng kiến làn sóng thu hẹp số lượng CTCK ngay trong năm 2012. Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp khác, việc thành lập CTCK cũng hàm chứa rủi ro kinh doanh và đây là điều mà chủ sở hữu phải gánh chịu.
Động thái của cơ quan quản lý vì vậy chủ yếu nhắm đến 2 mục đích chính: bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và lấy lại niềm tin trên thị trường. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để hồi sức TTCK. Chúng tôi sẽ có bình luận riêng về chủ đề này trong thời gian tới.
Thâm hụt cán cân thương mại có dấu hiệu giảm tốc
Tổng cộng 11 tháng đầu năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87.2 tỷ USD, tăng 34.7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 96.1 tỷ USD, tăng 26.4% so với cùng kỳ năm 2010.
Thâm hụt thương mại 11 tháng đầu năm nay ước tính khoảng 8.9 tỷ USD, bằng 10.2% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; thấp hơn đáng kể so với con số 16.6% kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2010. Nếu không kể vàng, thâm hụt thương mại 11 tháng đầu năm 2011 ước tính ở mức 9.2 tỷ USD, bằng 10.8% kim ngạch xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Công thương, nhập siêu cả năm 2011 đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 10.4% kim ngạch xuất khẩu; thấp hơn con số 12.4 tỷ USD (tương đương 17.3% kim ngạch xuất khẩu) trong năm 2010 và chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2011.
Cũng heo Bộ Công thương, năm 2012, xuất khẩu dự kiến tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108.5 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu khoảng 121.5 tỷ USD, tăng 14.6% so với năm nay. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% kim ngạch xuất khẩu.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Trong một kết quả vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam là một trong số các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2011, dự kiến khoảng 9 tỷ USD.
• Sau động thái hợp nhất ba ngân hàng thương mại của Việt Nam, Fitch Ratings nhận định, đây là một bước tiến tích cực mà Việt Nam đạt được trong nỗ lực cải thiện sức mạnh cho hệ thống ngân hàng.
• Ngày 8/12, S&P đã điều chỉnh đánh giá tín nhiệm dài hạn của 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank (VCB) và Techcombank từ mức “BB-“ xuống “B+”, mức xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn vẫn được giữ nguyên ở mức B.
S&P đánh giá triển vọng của Techcombank ở mức “ổn định”, BIDV và VCB xuống mức “tiêu cực”.
• Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính, NHNN hoàn chỉnh Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN trên cơ sở các đề án trên, tổng hợp thành Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô tình tăng trường, trình Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội.
• Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2011, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 616,000 tỷ đồng, đạt 103.6% dự toán và tăng 21.1% so với cùng kỳ năm 2010.
Bội chi ngân sách Nhà nước trong 11 tháng qua đạt 60,440 tỷ đồng, bằng 54.2% mức bội chi cả năm do Quốc hội đặt chỉ tiêu.
• Các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ 7.386 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam tại Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam vào ngày 6/12.
Trong 11 tháng đầu năm 2011, giải ngân ODA đạt xấp xỉ 3 tỷ USD. Dự kiến mức giải ngân trong cả năm 2011 có thể đạt 3.65 tỷ USD, cao hơn con số 2.94 tỷ USD trong năm 2010.
• Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết kế hoạch đến năm 2015 sẽ thực hiện cơ cấu lại 1,309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; bao gồm 692 doanh nghiệp tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, 573 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, thực hiện giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp, 31 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu bằng các phương thức thị trường như bán, chuyển nhượng một phần vốn, tái cơ cấu nợ để chuyển thành công ty cổ phần…
• Chính phủ đã đồng ý trên nguyên tắc để Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1/1/2012.
• S&P hạ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp dài hạn và nợ ưu tiên cao (senior notes) của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) từ ‘B’ xuống ‘B-’ với triển vọng tiêu cực. S&P cho rằng tình hình hoạt động và thanh khoản của HAG có thể vẫn còn yếu trong 6-12 tháng tới.
• Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau khi thực hiện lấy ý kiến thành viên thị trường và báo cáo cơ quan quản lý, HNX đã tiến hành xây dựng Hệ thống Đường cong lãi suất cho thị trường Trái phiếu Chính phủ. Theo dự kiến, đến tháng 3/2012, lần đầu tiên Việt Nam có thể xây dựng và đưa vào sử dụng Đường cong lãi suất.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|