Thứ Tư, 16/11/2011 09:12

DPM: Company Update - Lợi nhuận 2011 dự báo sẽ vượt mạnh kế hoạch, bất chấp tình hình cạnh tranh

(Vietstock) - Chúng tôi vừa có cuộc thảo luận với TCT Cổ phần Phân bón & Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM). Dưới đây là tóm tắt nội dung trao đổi và nhận định nhanh.

NHẬN ĐỊNH ĐẦU TƯ

Ngắn hạn: Sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Doanh thu năm 2011 dự báo sẽ đạt 8,600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 2,600 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 123% và 182% kế hoạch năm.

Nguồn cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục ổn định trong khi giá bán urea tăng cao, chi phí khấu hao giảm mạnh do hạng mục máy móc thiết bị chính của nhà máy đã được khấu hao hết, lãi từ hoạt động tài chính tiếp tục gia tăng sẽ là những yếu tố giúp DPM nhiều khả năng sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Thanh khoản của cổ phiếu DPM trong vòng một tháng qua khá tích cực, trung bình đạt 300,000 đơn vị /phiên giao dịch. Với mức giá 28,800 đồng/cp tại ngày 15/11/2011, DPM hiện đang giao dịch với P/E 4 quý gần nhất 4.0 lần và P/B 1.4 lần. P/E dựa trên lợi nhuận kế hoạch năm 2011 ở mức 7.65 lần.

Dài hạn: Hoạt động kinh doanh phân urea sẽ đối diện với thử thách khi nguồn cung trong nước sẽ vượt cầu trong năm 2012. Lợi thế về thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối trong nước rộng khắp, khả năng điều phối thị trường, chi phí khấu hao nhà máy đã hết, nguồn lực tài chính mạnh là những yếu giúp cho DPM nâng cao tỷ lệ lợi nhuận biên, duy trì khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.

Bên cạnh đó, những dự án mới sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Các dự án đầu tư sản phẩm mới như dự án sản xuất NPK, Amôniac, Nitrat Amon, Glyphosate, Oxy già… sẽ giúp DPM đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, nâng cao doanh thu và lợi nhuận trong những năm tiếp theo.

Rủi ro lớn nhất hiện nay DPM đang phải đương đầu là lợi nhuận biên có thể giảm sút do giá khí đầu vào có xu hướng được điều chỉnh tăng lên trong các năm tới.

NỘI DUNG THẢO LUẬN

1. Hoạt động sản xuất kinh doanh

1.1 Tình hình hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011

Trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu của DPM đạt 4,536 tỷ đồng đạt 64.8% kế hoạch năm 2011, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1,445 tỷ đồng, vượt 103% kế hoạch năm.

Quý 3/2011, DPM vẫn tiếp tục duy trì được kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu đạt 2,318 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt 812 tỷ đồng, tăng lần lượt 65.66% và 152.91% so với cùng kỳ.

Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của DPM đạt 6,849 tỷ đồng, hoàn thành  97.8 kế hoạch năm 2011 và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt 2,257 tỷ đồng, hoàn thành 178% kế hoạch năm.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2011 tăng trưởng mạnh gần 46% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá bán sản phẩm đã tăng mạnh và liên tục, tính đến cuối quý 2 đã tăng gần 40% so với cuối năm 2010.

Trong khi đó, giá khi đầu vào tăng mạnh từ đầu năm 2011. Ngay từ đầu năm 2011, giá khí đầu vào đã điều chỉnh tăng mạnh từ 3.55 USD/mmBTU lên 4.59 USD/mmBTU. Chi phí khí chiếm khoảng 55% cơ cấu giá vốn của DPM. Mặc dù chi phí tăng mạnh nhưng việc giá bán tăng cao liên tục đã làm giảm bớt ảnh hưởng của việc gia tăng chi phí này lên biên lợi nhuận.

Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh 84.52%. Động lực chủ yếu đến từ việc giá bán được điều chỉnh tăng trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, còn có:

• Chi phí khấu hao giảm mạnh gần 519 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí khấu hao giảm mạnh do hạng mục máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản cố định đã được khấu hao hết. Hiện DPM chỉ khấu hao dây chuyền thu hồi khí CO2 và một số tài sản cố định khác.

• Lợi nhuận hoạt động tài chính tăng mạnh. Lợi nhuận tài chính đóng góp hơn 298 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế. Đóng góp chủ yếu cho hoạt động tài chính là nguồn thu từ hoạt động tiền gửi, với hơn 316 tỷ đồng.

1.2 Triển vọng kinh doanh năm 2011

Năm 2011, DPM dự kiến sản xuất 770,000 tấn và sản lượng tiêu thụ là 800,000 tấn và 320,000 tấn phân bón xuất nhập khẩu và các loại phân bón khác. Kế hoạch doanh thu năm 2011 là 7,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,430 tỷ đồng.

Chúng tôi dự báo DPM sẽ đạt được doanh thu năm 2011 ở mức 8,600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 2,600 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 123% và 182% kế hoạch đề ra.

Trong những tháng cuối năm, DPM dự báo giá bán phân đạm sẽ vẫn giữ ở mức cao, trong khi nhu cầu thị trường vẫn rất lớn khi nguồn cung tiếp tục thiếu hụt. DPM dự báo sẽ phải cung cấp thêm 400 nghìn tấn từ giữa tháng 8 đến cuối năm 2011 ra thị trường.

Chi phí khấu hao giảm, cùng với doanh thu tài chính ổn định và tiếp tục được cải thiện từ nguồn tiền mặt lớn, không phải đầu tư lớn sẽ giúp DPM gia tăng lợi nhuận trong năm 2011.

Ngoài ra, DPM cũng đã khánh thành tòa nhà văn phòng tại 43 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TPHCM. Dự án PVFCCo Tower có tổng diện tích khuôn viên 1,756 m2, tổng diện tích sử dụng 15,734 m2, bao gồm: 3 tầng hầm, 12 tầng chính, 01 tầng lửng  và 01 tầng kỹ thuật, có tổng vốn đầu tư 912 tỷ đồng. PVFCCo Tower đi vào hoạt động đáp ứng toàn bộ nhu cầu văn phòng trụ sở chính của DPM, thay thế cho văn phòng đang đi thuê hiện nay và phần còn lại khoảng 4,500 m2 sẽ được dùng cho thuê văn phòng. Hiện nay, DPM đã giao cho 1 công ty thành viên là CTCP Quản lý và Phát triển nhà Miền Nam (PVFCCo SBD) khai thác và quản lý.

Việc tòa nhà đi vào hoạt động sẽ giúp được DPM giảm được chi phí đi thuê. Bên cạnh đó, DPM còn có cơ hội cải thiện nguồn thu từ hoạt động cho thuê văn phòng nhờ vị trí tòa nhà khá thuận lợi.

2. Chiến lược phát triển trong thời gian tới

2.1 Hoạt động kinh doanh urea

Đảm nhiệm phân phối sản phẩm cho Nhà mày Đạm Cà Mau (ĐCM). Việc có đầu tư vào Nhà máy Đạm Cà Mau hay không sẽ được cân nhắc dựa trên tính toán về mặt lợi ích và rủi ro khi tham gia đầu tư và sẽ do cổ đông quyết định.

Trong năm 2012, DPM sẽ chịu trách nhiệm đảm trách việc phân phối sản phẩm ĐCM trong 02 năm đầu nhà máy đi vào hoạt động, thông qua hệ thống phân phối của DPM. Lợi thế lớn nhất trong việc phân phối này là DPM sẽ tiếp tục gia tăng được vị thế trong những năm tiếp theo; khi tổng lượng cung cấp cho thị trường là 1.6 triệu tấn, chiếm hơn 60% tổng lượng cung trong nước.

Thương hiệu lớn, Hệ thống phân phối rộng khắp, Khả năng điều phối thị trường, Nhà máy đã khấu hao hết, Nguồn lực tài chính mạnh là những lợi thế giúp cho DPM đảm bảo được khả năng cạnh tranh dù nguồn cung phân urea sẽ bắt đầu gia tăng mạnh từ năm 2012.

Năm 2012, Nhà mày Đạm Cà Mau (sản lượng 800 ngàn tấn), Đạm Ninh Bình (560 ngàn tấn) và Đạm Hà Bắc mở rộng (500 ngàn tấn) sẽ đi vào hoạt động,và dự báo sẽ đẩy tổng cung năm 2012 của cả nước lên hơn 2.18 triệu tấn, trong khi tổng cầu tiêu thụ được dự báo khoảng 2 triệu tấn.

Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu. DPM vẫn đang có kế hoạch đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phát triển dài hơi trong tương lại.

Tháng 7/2011, DPM đã chính thức mở chi nhánh ở Campuchia, là bước khởi đầu cho việc phát triển hệ thống kinh doanh ở các nước mạnh về nông nghiệp trong khu vực như Lào, Myanmar, Thái Lan.

2.2 Đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh

Hiện nay, DPM đang nghiên cứu và triển khai một số dự án nhằm đa dạng hóa sản phẩm như dự án sản xuất NPK, Amôniac, Nitrat Amon, Glyphosate, Oxy già… Dự kiến sẽ có sản phẩm vào năm 2013-2014.

Dự án nhà máy NPK. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 63 triệu USD, công suất 400,000 tấn/năm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014.

Hiện thị trường tiêu thụ khá cân bằng khi tổng nhu cầu NPK trong nước là khoảng 2.5-3 triệu tấn/năm; trong khi tổng lượng cung là khoảng 2.6 triệu tấn. Nguồn cung sản phẩm NPK chủ yếu hiện nay được đánh giá là có chất lượng thấp. Nhu cầu về sản phẩm NPK chất lượng cao hiện nay vẫn còn thiếu hụt và đây là thế mạnh cạnh tranh của DPM trong tương lai.

Trong tháng 6/2011, DPM thông qua hợp đồng hợp tác với Công ty Phân bón Việt Nhật đã tiến hành sản xuất NPK Phú Mỹ 16-16-8+13S. Trong năm 2011, DPM sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 36,500 tấn NPK. Theo đánh giá của DPM, sản phẩm NPK Phú Mỹ đã bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng.

Trong chiến lược phát triển tới năm 2015, DPM đề ra mục tiêu sẽ chiếm lĩnh 10 -15% thị phần NPK trong nước.

Dự án Amôniac. Dự án này có công suất 450,000 tấn /năm, vốn đầu tư dự kiến khoảng 480 triệu USD, hiện nay đang lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Dự án Nitrat Amon. Dự án này có công suất 200,000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, dự kiến hoàn thành năm 2015.

Nhà máy Glyphosate. Dự án có công suất 20,000 tấn /năm, vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2014. Hiện đang trong quá trình nghiên cứu khả thi.

2.3 Các hoạt động đầu tư khác

DPM đầu tư vào CTCP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex) với mục đích đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và đầu tư tài chính. PV Tex hoạt động chính trong việc sản xuất kinh doanh xơ sợi polyester, và dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển, cao ốc văn phòng…

Hiện DPM nắm giữ 45 triệu cổ phần PV Tex với giá trị 450 tỷ đồng, tương đương 25% vốn điều lệ của PV Tex. Dự kiến cuối năm 2011, đầu 2012 công ty này sẽ ra sản phẩm thương mại.

DPM không có ý định đầu tư tài chính vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới mặc dù lượng tiền mặt của công ty đang khá dồi dào.

3. Các ưu tiên trong hoạt động DPM trong thời gian tới

• Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, an toàn.

• Tiếp tục hoàn thiện dãy sản phẩm NPK Phú Mỹ.

• Thử nghiệm xuất khẩu phân đạm, chuẩn bị thị trường và chuẩn bị phân phối sản phẩm urea hạt đục của Nhà máy Đạm Cà Mau.

• Đẩy mạnh triển khai các dự án Amôniac, Nitrat Amon, Glyphosate, Oxy già…

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   4 nhóm dư nợ bất động sản ra khỏi phi sản xuất: Được gì? (15/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 14 – 18/11 (13/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11 (05/11/2011)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11 (30/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10 (22/10/2011)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam: Cập nhật Quý 4/2011 (06/10/2011)

>   Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 03 – 07/10/2011 (30/09/2011)

>   Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011 (23/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật