Thứ Sáu, 23/09/2011 21:50

Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011

(Vietstock) - Chúng tôi nhận thấy một hiện tượng trong giai đoạn 2008 – 2009 đang lặp lại. Đó là việc các thị trường tài chính tỏ ra “tham lam”, khi sẵn sàng nhận định các gói giải pháp của các chính phủ là “chưa đủ lớn, mạnh” và phản ứng bi quan sau các động thái này.

* Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra

KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Tham vọng “cải tổ” nền kinh tế lớn nhất thế giới của Tổng thống Barack Obama bằng các gói giải pháp kích thích việc làm và kế hoạch đánh thuế nhà giàu đang gặp những lực cản khá lớn từ sự phân hóa chính trị sâu sắc trên chính trường Mỹ.

Trong khi Chính phủ Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho các giải pháp kích thích, thì nền kinh tế nước này vẫn đang có dấu hiệu tiến triển khá “ì ạch”.

Theo Conference Board, chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu tăng 0.3% trong tháng 8, cao hơn so với dự báo tăng 0.1%; nhưng chỉ số này cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ chưa thể sớm cải thiện.

Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước giảm từ 432,000 xuống 423,000, thấp hơn so với dự báo giảm xuống 424,000 của các nhà kinh tế. Tuy vậy, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua tăng lên 421,000, mức cao nhất trong hơn hai tháng.

Cuối tuần, Fed vừa công bố chương trình “Operation Twist”. Theo đó cơ quan này sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hơn (đáo hạn trong vòng 6 đến 30 năm tới) bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012. Mục đích cuối cùng của Fed là nhằm tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay và kích thích nền kinh tế.

Mặc dù không nằm ngoài dự đoán, nhưng các thị trường tài chính đang phản ứng rất tiêu cực trước động thái này của Fed.

Biện pháp này bị cho là không thể tạo tác động đủ lớn để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Quan điểm này cùng với e ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu và dấu hiệu trì trệ của lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã đẩy tâm lý thị trường chứng khoán và hàng hóa vào trạng thái bi quan.

Sau khi thực hiện “Operation Twist”, giới chuyên gia ở Mỹ cho rằng Fed vẫn còn hai khả năng chính sách có thể thực hiện là: (i) cắt giảm lãi suất dự trữ bắt buộc (của các ngân hàng tại Fed, tức gián tiếp nới lỏng tiền tệ) và/hoặc (ii) tiếp tục với gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3).

Việc tiếp tục nới lỏng định lượng sau cuộc họp lần này của Fed là khó vì phái bảo thủ trong cơ quan này sẽ phản đối khi lạm phát lõi của Mỹ đã lên đến 2%. Cần để ý rằng vẫn có đến 3 thống đốc khu vực của Fed phản đối chương trình “Operation Twist”.

QE3 sẽ được thực hiện nếu Fed nhận thấy chắc chắn rằng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn yếu ớt và thất nghiệp tiếp tục tăng lên. Đây là điều mà giới chuyên gia dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng nhận thấy một hiện tượng trong giai đoạn 2008 – 2009 đang lặp lại. Đó là việc các thị trường tài chính tỏ ra “tham lam”, khi sẵn sàng nhận định các gói giải pháp của các chính phủ là “chưa đủ lớn, mạnh” và phản ứng bi quan sau các động thái này.

Cần để ý rằng, các giao dịch phái sinh là rất đa dạng ở thị trường phát triển; và một sự đánh cược vào rủi ro cũng có thể đem lại lợi nhuận cho nhiều định chế tài chính.

Châu Âu: Sự chậm chạp trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone  đã gây ra những tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính và có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng tín dụng mới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đã khiến các ngân hàng khu vực thiếu hụt tới 300 tỷ euro. IMF cũng cho biết các ngân hàng này cần phải tái cấu trúc vốn để có thể ngăn chặn nguy cơ thua lỗ trong thời gian tới.

Trước tình hình này, các ngân hàng châu Âu đã phải tự bảo vệ mình bằng cách tìm kiếm lượng tiền mặt và sẵn sàng trả lãi suất rất cao. Nhiều nơi còn tìm đến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để vay tiền.

Các ngân hàng này cũng phải nhanh chóng phát hành nhiều trái phiếu để tự bảo đảm sức khỏe tài chính dài hạn của bản thân. Nếu không huy động được tiền mặt, các nhà băng có thể phải bán tài sản của mình. Bằng chứng là BNP Paribas trong tuần trước vừa tuyên bố sẽ bán bớt tài sản.

Sự khẩn trương cũng được nhận thấy trong hành động huy động vốn của Ủy ban châu Âu (EC) bằng đợt phát hành trái phiếu trị giá 5 tỷ euro để cho Bồ Đào Nha vay như một phần của gói cứu trợ dành cho nước này vào cuối tuần qua.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng tốc mua vào trái phiếu chính phủ Ý và Tây Ban Nha, một phần trong nổ lực giải cứu khủng hoảng nợ công tại khu vực này, trước các tín hiệu nhận định bi quan về kinh tế của Fed. Đồng thời, quan chức của cơ quan này lần đầu tiên đã lên tiếng thừa nhận Hy Lạp hoàn toàn có thể bị vỡ nợ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng châu Âu sẽ tăng cường quy mô của quỹ giải cứu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng.

Hiện khu vực này đang đứng trước sức ép ngày càng lớn về việc hành động dứt khoát để bình ổn các thị trường.

BRICS: Trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang phải vất vả vật lộn với vấn đề nợ công, thâm hụt ngân sách… thì các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với tiềm lực kinh tế hùng mạnh đang tận dụng cơ hội này để chứng tỏ vị thế.

Hiệu ứng “domino” của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ hay kinh tế lục địa già sẽ ít nhiều tác động tiêu cực lên sự tăng trưởng của nền kinh tế các nước BRICS; chính vì vậy những kế hoạch giải cứu khu vực đồng tiền chung Eurozone đang được khẩn trương thảo luận. Ngoài ra, mục đích chính của các kế hoạch này là nhằm kêu gọi sự tăng cường cạnh tranh công bằng và sự công nhận nền kinh tế thị trường ở nhóm các nước BRICS.

Các ngân hàng hàng đầu thế giới hiện đang thuyết phục BRICS chi 20 tỷ euro để hỗ trợ Hy Lạp. Trong khi đó, Tây Bân Nha, Ý vẫn đang nỗ lực kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào trái phiếu của quốc gia mình.

Mặc dù có nguồn dự trữ ngoại hối khá dồi dào, nhưng các nước BRICS đang rất thận trọng trong việc đầu tư vào trái phiếu của các quốc gia khu vực Eurozone; bởi vì họ cũng phải chuẩn bị một vùng đệm để đối với cuộc khủng hoảng tài chính nếu xảy ra, và thúc đẩy kinh tế nội địa tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.

KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

CPI đang có dấu hiệu giảm tốc. Hiện Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố con số chính thức về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9. Trong khi hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM lần lượt công bố CPI tháng 9/2011 với tốc độ gia tăng khá trái ngược nhau là 0.2% và 0.88%.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này đến từ nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm Giáo dục.

Tại TPHCM, CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng ở mức 0.92% và CPI nhóm Giáo dục tăng 4.54%. Trong khi đó, tại Hà Nội, CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống bất ngờ giảm 0.02% so với mức tăng gần 1.9% trong tháng trước, còn CPI nhóm Giáo dục chỉ tăng 0.98%. Tuy nhiên, việc tăng giá của nhóm Giáo dục gần như chỉ mang tính thời vụ và sẽ không tác động mạnh trong các tháng sau.

Với mức tăng không quá cao của CPI tại hai thành phố lớn này, có thể đoán được CPI tháng 9/2011 của cả nước chỉ nằm trong khoảng 0.5-0.8%. Như vậy, so với con số 0.93% trong tháng 8, thì đây là mức tăng hàng tháng thấp nhất từ đầu năm 2011 đến nay. Nói cách khác, CPI tháng 9 sẽ tăng dưới 22.5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 23.02% của tháng 8. Điều này cũng phù hợp với nhận định của chúng tôi về xác suất lạm phát đạt đỉnh trong tháng 8 năm 2011 là rất cao.

Từ nay cho đến cuối năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu áp dụng vào ngày 1/10 và nguồn cung lương thực thực phẩm trong nước không ổn định do bước vào mùa mưa bão.

Theo phân tích của chúng tôi, với những tác động không quá lớn của đợt tăng lương lần này và sự tham gia tích cực của chương trình bình ổn giá trong những tháng cuối năm, áp lực lên lạm phát sẽ không có những biến động quá lớn.

Nỗ lực bình ổn giá xăng dầu từ đây đến cuối năm cũng là động thái ảnh hưởng tích cực đến lạm phát kỳ vọng. Như vậy, với đà giảm tốc khá mạnh mẽ của chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng gần đây, lạm phát những tháng cuối năm 2011 sẽ khó có những biến động quá tiêu cực.

Tuy vậy, chúng tôi cho rằng lạm phát hàng tháng vẫn duy trì ở mức 0.6-0.9%. Như vậy, lạm phát cả năm 2011 sẽ dao động trong khoảng 18-20%.

Phải nhìn nhận rằng với hàng loạt yêu cầu tăng giá gần đây của ngành điện, hàng không, bệnh viện..., việc thả tăng giá xăng dầu theo thị trường hơn sẽ tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng đầu năm 2012.

Kiểm toán công ty xăng dầu: Bước đi đầu tiên để minh bạch hóa DNNN. Lời khẳng định “như đinh đóng cột” giá xăng dầu chưa tăng thêm trong năm nay của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc hội thảo bàn về cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn còn để lại những dư âm rất lớn.

Ngoài tác động tích cực trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát thì tác động lớn nhất của dịp này là đem lại cơ hội để mổ xẻ, minh bạch hóa các công ty xăng dầu nói riêng và các DNNN nói chung.

Vàng: Ẩn số khó lường của bài toán tỷ giá. Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế ngày càng tăng cao, vàng vẫn luôn là kênh đầu tư thu hút được một số lượng lớn nhà đầu tư vì các lý do sau:

(1) Lo ngại tình hình kinh tế thế giới không có nhiều sáng sủa, khiến cho thứ hàng hóa này có giá trị và người dân đổ xô vào đó để tìm kiếm mức lợi nhuận khủng bất chấp rủi ro cao.

(2) Cú sốc từ việc thay đổi đột ngột mức lãi suất khá cao 17-19% xuống còn 14%/năm, đã khiến dòng tiền tiết kiệm đi tìm những kênh đầu tư mang lại mức sinh lời cao hơn.

(3) Lạm phát vẫn đang ở mức cao, kéo theo đó là những lo ngại mất giá của đồng nội tệ, khiến cho nhà đầu tư trong nước tìm đến kênh đầu tư này để bảo toàn tài sản.

Để bình ổn thị trường hàng hóa này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp quota cho nhập khẩu vàng. Động thái này lần đầu tỏ ra khá hiệu quả khi mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước được rút ngắn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới khá hỗn độn, nhu cầu tìm đến kênh đầu tư an toàn cũng như các hoạt động đầu cơ ngày càng tăng cao đã khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước không ngừng nới rộng ra và hiện vẫn duy trì gần 2 triệu đồng/lượng.

Điểm đáng để ý ở đây là NHNN một mặt vừa muốn bình ổn thị trường vàng, vừa muốn bình ổn tỷ giá, và hệ quả là NHNN không còn cách nào khác ngoài việc phải dùng đến nguồn dự trữ ngoại hối.

Nếu tình huống xấu nhất xảy ra là kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng thì việc duy trì cùng lúc hai mục tiêu như đề cập sẽ khó đạt được, trong khi nguồn dự trữ ngoại hối sẽ bị thách thức đáng kể theo thời gian.

Dấu hiệu nới lỏng tiền tệ? Theo thống kê, tính từ đầu tháng 9/2011 đến nay, NHNN thông qua thị trường mở (OMO) đã bơm ròng khoảng 25,000 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm, và các kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày.

Trước việc dòng tiền tiết kiệm đang có dấu hiệu rời khỏi hệ thống ngân hàng thì động thái này đã góp phần xoa dịu căng thẳng thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Điều này được thể hiện khá rõ nét khi lãi suất liên ngân hàng liên tục thấp hơn con số 14%/năm.

Theo công bố gần nhất của NHNN, lãi suất bình quân liên ngân hàng vào ngày 21/09 đối với kỳ hạn qua đêm là 12.21%. Các kỳ hạn khác dao động từ 13.13% - 13.75%, trong đó thấp nhất là kỳ hạn 1 tuần và cao nhất là kỳ hạn 3 tháng. Kỳ hạn 6 và 12 tháng có cùng mức lãi suất là 13.5%.

Phù hợp với các nhận định trước đây của chúng tôi, NHNN đang tích cực hoạt động trên thị trường mở để điều tiết thanh khoản, và phần nào có dấu hiệu nới lỏng tín dụng. Đây là biện pháp linh hoạt nhằm giúp kéo hạ lãi suất và cơ quan này cũng có thể nhanh chóng rút tiền về khi lạm phát có dấu hiệu nóng.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Khả năng Hy Lạp vỡ nợ và các hệ lụy nếu điều này xảy ra (20/09/2011)

>   Toàn cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu - Phần 1 (16/09/2011)

>   Room tín dụng phi sản xuất cuối năm 2011: Ước hơn 77,000 tỷ đồng (13/09/2011)

>   CSM: Company Visit Notes - Khó có khả năng hoàn thành kế hoạch 2011 (06/09/2011)

>   Thông tư 22 sửa đổi Thông tư 13 và 19: Đánh giá những ảnh hưởng đến dòng tín dụng (31/08/2011)

>   Xăng dầu hạ giá, lạm phát đạt đỉnh và lãi suất được kéo giảm? (30/08/2011)

>   Tăng DTBB ngoại tệ thêm 1%: Bước đi đầu tiên giúp chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn (29/08/2011)

>   Tín hiệu “nới” tín dụng, chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi? (29/08/2011)

>   S&P hạ bậc tín nhiệm Việt Nam: Không cần phải lo ngại! (19/08/2011)

>   Kinh tế Mỹ: Còn quá sớm để khẳng định nguy cơ suy thoái kép (18/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật