Room tín dụng phi sản xuất cuối năm 2011: Ước hơn 77,000 tỷ đồng
|
Ảnh minh họa |
(Vietstock) - Ước tính room trong 4 tháng cuối năm 2011 đối với bất động sản (55%) là 42,145 tỷ đồng, chứng khoán (2%) 1,791 tỷ đồng và tiêu dùng (43%) 33,267 tỷ đồng.
Giả định cho việc ước tính và Kết luận
• Giả định tín dụng năm 2011 sẽ tăng trưởng 18%, mức tối đa trong khung 15% - 18% theo công bố mới đây của NHNN.
• Tỷ trọng tín dụng phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) khống chế ở mức 16% theo Chỉ thị 01 của NHNN. Tỷ trọng “phân bổ” cụ thể cho các lĩnh vực phi sản xuất như trong năm 2010 được sử dụng để ước tính cho năm 2011.
• Dư địa tín dụng nền kinh tế còn lại trong 4 tháng cuối năm 2011 ước vào khoảng 211,000 tỷ đồng, tức trung bình 52,700 tỷ đồng/tháng. Trong đó, dư địa tín dụng phi sản xuất chiếm hơn 77,000 tỷ đồng, bình quân khoảng 19,300 tỷ đồng/tháng.
• Tín dụng tăng thêm trong 4 tháng cuối năm 2011 đối với các lĩnh vực cụ thể ước tính như sau: bất động sản (55%) 42,145 tỷ đồng, chứng khoán (2%) 1,791 tỷ đồng và tiêu dùng (43%) 33,267 tỷ đồng.
• Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng phi sản xuất và là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nếu tăng trưởng trong dư địa tín dụng còn lại được thúc đẩy.
• Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán vào những tháng cuối năm 2011 là khó xảy ra. Tuy vậy, có thể tin rằng việc thu hồi mạnh như trong quá khứ không diễn ra vào cuối năm 2011. Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm là TTCK còn được hỗ trợ bởi dòng tiền từ hoạt động margin (mà nguồn gốc có thể đa đạng từ CTCK, cá nhân, doanh nghiệp…). Và không loại trừ khả năng khi tín dụng được nới lỏng, dòng tín dụng sẽ có sự “giao thoa lẫn lộn” giữa các kênh này do phân loại không thể nào chính xác trên thực tế.
Chi tiết ước tính của Vietstock
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, ước tính tổng dư nợ cho vay phi sản xuất vào cuối năm 2010 chiếm khoảng 18.7% tổng dư nợ, tương đương 431,000 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ của nền kinh tế cuối năm 2010 có thể được ước tính vào khoảng 2.3 triệu tỷ đồng.
Số liệu tham khảo của NHNN cũng cho biết, tính đến đầu tháng 06/2011, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản là 220,787 tỷ đồng, giảm 6.16% so với cuối năm 2010. Điều này có nghĩa là dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản cuối năm 2010 ước đoán vào khoảng 235,280 tỷ đồng. Theo nguồn thông tin này, NHNN cũng cho biết dư nợ cho vay chứng khoán năm 2010 vào khoảng 10,000 tỷ đồng.
NHNN vừa công bố tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 30/8/2011 tăng 8.85% so với cuối năm 2010; trong đó, ước tính tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14.79%, tín dụng xuất khẩu tăng 35.02% và tín dụng phi sản xuất giảm 16.95%.
Đối với tín dụng phi sản xuất, dư nợ cho vay chứng khoán giảm đến 43.03%, dư nợ cho vay bất động sản giảm 10.1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23.12% so với cuối năm 2010.
Các thông tin này giúp có thể ước tính tín dụng toàn nền kinh tế tại cuối tháng 8/2011 vào khoảng 2.5 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng phi sản xuất giảm 16.95% xuống còn 357,946 tỷ đồng.
Con số tín dụng phi sản xuất này được ước tính phân bổ tương đối cho các mảng bất động sản khoảng 211,517 tỷ đồng, chứng khoán 5,697 tỷ đồng và tiêu dùng 142,782 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 8/2011, tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ vào khoảng 14.3%, thấp hơn chỉ tiêu 16% vào cuối năm 2011. Tại cuộc họp điều hành chính sách tiền tệ vừa qua, NHNN tiếp tục thể hiện quyết tâm kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải, vào khoảng 15-18% đến cuối năm 2011 và duy trì tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ tối đa 16%.
Giả sử tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011 là 18% và tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ là 16%, thì tổng tín dụng của nền kinh tế ước đạt hơn 2.7 triệu tỷ đồng và tín dụng phi sản xuất đạt 435,149 tỷ đồng vào cuối năm 2011.
Như vậy, dư địa tín dụng nền kinh tế còn lại trong 4 tháng cuối năm vào khoảng 211,000 tỷ đồng, tức trung bình 52,700 tỷ đồng/tháng. Trong đó, dư địa tín dụng phi sản xuất chiếm hơn 77,000 tỷ đồng, bình quân khoảng 19,300 tỷ đồng/tháng.
Tín dụng toàn nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm theo ước tính của chúng tôi thấp hơn một chút so với số liệu trên báo chí, ở mức 238,000 tỷ đồng, tính trung bình khoảng 59,500 tỷ đồng/tháng.
Nếu sử dụng tỷ lệ “phân bổ” ước tính của tín dụng phi sản xuất trong năm 2010 (tỷ lệ này trong 8 tháng đầu năm 2011 cũng không quá khác biệt), thì tín dụng tăng thêm trong 4 tháng cuối năm 2011 đối với các lĩnh vực cụ thể như sau: bất động sản (55%) 42,145 tỷ đồng, chứng khoán (2%) 1,791 tỷ đồng và tiêu dùng (43%) 33,267 tỷ đồng.
Bất động sản: Có thể thấy lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng phi sản xuất và là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nếu tăng trưởng trong dư địa tín dụng còn lại được thúc đẩy.
Cần để ý rằng tính đến cuối tháng 7/2011, nợ xấu hệ thống ngân hàng đã tăng lên 3.04% trên tổng dư nợ cho vay so với con số 2.16% vào cuối năm 2010. Chúng tôi tin rằng có một phần rất lớn nợ xấu xuất phát từ lĩnh vực bất động sản. Và việc lĩnh vực này phục hồi đang có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định cho toàn hệ thống ngân hàng.
Với thực trạng lao đao của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thì đây có thể là phao cứu sinh quý báu và giúp lĩnh vực này vượt qua sóng gió trong những tháng cuối năm. Kịch bản tích cực là từ đây, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ có cơ hội phục hồi và lan tỏa đến toàn thị trường chứng khoán.
Chứng khoán: Chỉ với tỷ trọng 2% và con số tuyệt đối tăng thêm khoảng 1,800 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán vào những tháng cuối năm 2011 là khó xảy ra.
Tuy vậy, với những tính toán ở trên, có thể tin rằng việc thu hồi mạnh như trong quá khứ không diễn ra vào cuối năm 2011. Những tháng đầu năm 2011 đã chứng kiến tốc độ thu hồi tín dụng chứng khoán rất quyết liệt (tín dụng lĩnh vực này giảm đến hơn 43%) và là yếu tố đáng kể kéo TTCK sụt giảm mạnh trong thời gian dài.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm là TTCK còn được hỗ trợ bởi dòng tiền từ hoạt động margin (mà nguồn gốc có thể đa đạng từ CTCK, cá nhân, doanh nghiệp…). Và không loại trừ khả năng khi tín dụng được nới lỏng, dòng tín dụng sẽ có sự “giao thoa lẫn lộn” giữa các kênh này do phân loại không thể nào chính xác trên thực tế.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|