Kinh tế Mỹ: Còn quá sớm để khẳng định nguy cơ suy thoái kép
(Vietstock) - Vẫn còn quá sớm để khẳng định Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kép (suy thoái hình chữ W, double-dip recession) vì nền kinh tế nước này đã có những điều chỉnh tích cực hơn trong 1-2 tháng gần đây và vẫn còn khá tích cực so với thời gian trước các cuộc suy thoái trước đây.
Suy thoái (recession) và Suy thoái kép (double-dip recession)
Trong kinh tế học vĩ mô, suy thoái kinh tế được định nghĩa là sự suy giảm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp trong năm; nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai hoặc hơn hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, định nghĩa này không được chấp nhận rộng rãi.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), suy thoái kinh tế được hiểu là sự suy giảm đáng kể trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế và kéo dài nhiều tháng. Điều này thường được thể hiện ở chỉ số tăng trưởng GDP, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập cá nhân, sản xuất công nghiệp và các chỉ số khác.
Các nhà kinh tế học thường sử dụng hình dáng của đồ thị tăng trưởng GDP theo quý để mô tả sự suy thoái và sự phục hồi kinh tế. Các kiểu suy thoái hay được nhắc đến là suy thoái hình chữ V, suy thoái hình chữ U, suy thoái hình chữ W và suy thoái hình chữ L.
Với những số liệu không mấy sáng sủa về tăng trưởng GDP, việc làm, sản xuất công nghiệp… trong thời gian nửa cuối năm 2010 và đầu năm 2011, các nhà kinh tế học đang quan ngại về khả năng rơi vào cuộc suy thoái kép (suy thoái hình chữ W) của nền kinh tế Mỹ.
Một cuộc suy thoái hình chữ W hay suy thoái kép xảy ra khi nền kinh tế đã đi vào suy thoái và hồi phục tăng trưởng trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nhanh chóng rơi vào suy thoái khác.
Đầu những năm 1980, suy thoái kinh tế ở Mỹ được xem như là một ví dụ điển hình của suy thoái kép.
Cụ thể, một cuộc suy thoái nhẹ xảy ra từ tháng 1 đến tháng 7/1980 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên mức cao. Mặc dù sau đó nền kinh tế nước này đã có sự phục hồi đáng kể, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức cao lịch sử khoảng 7.5% vào cuối năm 1981 và tiếp tục tăng cao lên đến 10% vào năm 1982. Các ngành công nghiệp trọng điểm như nhà ở, sản xuất thép, sản xuất ô tô… trải qua suy thoái trong năm 1980 nhưng không thể phục hồi lại cho đến cuối cuộc suy thoái tiếp theo.
Suy thoái năm 2008 – 2009
Tháng 11/2008, Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố suy thoái kinh tế Mỹ đã bắt đầu vào tháng 12/2007. Cuộc suy thoái này kéo dài cho đến tháng 6 - 7/2009, và được xem là một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930.
Theo NBER, sự suy giảm trong hầu hết các hoạt động kinh tế ở giai đoạn này đã hội tụ đủ những điều kiện cho một cuộc suy thoái. Diễn biến của chỉ số tăng trưởng GDP theo quý, tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập cá nhân, sản xuất công nghiệp và các chỉ số khác đã minh chứng điều này.
Tăng trưởng GDP đã chạm đáy vào quý 4/2008 với mức sụt giảm 8.9%. Trong khoảng thời gian này, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao ở mức quanh ngưỡng 7%, thu nhập cá nhân sụt giảm mức kỷ lục xuống 1%, còn chỉ số sản xuất công nghiệp rớt xuống quanh mức 92 điểm.
Mặc dù sau đó đã có sự phục hồi đáng kể, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao và đỉnh điểm là 10.1% vào tháng 10/2009.
Nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép?
Nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu trì trệ trong những tháng đầu năm 2011.
GDP ở Mỹ chỉ tăng trưởng lần lượt 0.4% và 1.3% ở các quý 1 và quý 2/2011, sụt giảm đáng kể so với mức tăng trưởng ở các quý trong năm 2010. Thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2011 tuy vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay.
Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng không mấy khả quan khi liên tục có sự điều chỉnh giảm nhẹ, và hiện đang ở mức 93.07 điểm vào tháng 6/2011, cao hơn con số 92.98 điểm hồi tháng 5/2011. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng nhẹ từ đầu tháng 1/2011, và đang giảm nhẹ xuống ở mức 9.1% vào tháng 7/2011 so với 9.2% hồi tháng 6/2011.
Các chỉ số khác như chi tiêu tiêu dùng cá nhân thực liên tục có sự tăng trưởng âm trong 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, những hoạt động chi tiêu này đang có xu hướng tăng dần, và tốc độ tăng trưởng của chỉ số ở tháng 7/2011 chỉ giảm 0.03% so với tháng 6/2011.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng liên tục tuột dốc trong những tháng đầu năm, nhưng đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ 1.9 điểm lên mức 59.5 điểm vào tháng 7/2011, sau khi giảm nhẹ vào tháng 6/2011.
Chỉ số bán lẻ cũng diễn biến theo xu hướng chung của tình hình kinh tế khi liên tục có sự giảm tốc trong những tháng đầu năm 2011, trong đó đáng chú ý là mức tăng trưởng âm vào tháng 5/2011. Tuy vậy, cũng tương tự như các chỉ số khác, chỉ số bán lẻ đã liên tục được cải thiện trong 2 tháng gần đây với mức tăng trưởng lần lượt là 0.3% và 0.5% ở các tháng 6 và 7/2011 so với tháng trước đó.
Thực tế, nền kinh tế Mỹ hiện nay đã suy yếu hơn nhiều so với giai đoạn đầu của cuộc suy thoái tháng 12/2007. Các chỉ số về sức khỏe nền kinh tế, bao gồm việc làm, thu nhập, sản lượng công nghiệp và những chỉ số khác trong những tháng đầu năm 2011 còn tồi tệ hơn so với những tháng trước cuộc suy thoái 2008 – 2009.
Nouriel Roubini, một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới, cho rằng đã hết hy vọng về sự trì trệ kinh tế tạm thời, mà thay vào đó Mỹ và các nền kinh tế phát triển sẽ lâm vào suy thoái trầm trọng lần thứ hai.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nền kinh tế Mỹ có nhiều khả năng vẫn còn ở giữa chu kỳ trì trệ kinh tế, hơn là rơi vào một cuộc suy thoái khác. Lý do là các chỉ báo kinh tế quan trọng vẫn còn khá tích cực so với thời gian trước các cuộc suy thoái trước đây.
Cụ thể, khai báo thất nghiệp ban đầu tại Mỹ đã có dấu hiệu giảm sau hiện tượng đảo ngược tăng lên và đạt đỉnh với số lượng 440,000 vào giữa tháng 5. Chỉ số Tình hình Tài chính Bloomberg (Bloomberg Financial Conditions Index) tuy đã xấu đi đáng kể nhưng vẫn còn gần với mức giữa năm 2010 hơn là so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ngoài ra, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức đáng kể, và cao hơn mức lợi nhuận trong các quý cuối năm 2007.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng ngoài những vấn đề nội tại của nền kinh tế Mỹ, thì nguy cơ lan rộng của khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế nước này.
Đầu tiên, sự mất giá của đồng Euro do cuộc khủng hoảng nợ công sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế vì phát triển hoạt động xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ.
Ảnh hưởng lớn hơn vẫn nằm trong lĩnh vực ngân hàng do độ mở và sự liên thông khá cao giữa các thị trường tài chính Mỹ và châu Âu. Do đó, nếu cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp lan vào các nước trung tâm của eurozone, nó sẽ gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng lớn ở Mỹ nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung bởi món nợ khủng lồ từ các nước này.
Không giống như cuộc suy thoái 2008-2009, Chính phủ Mỹ sẽ gặp phải những hạn chế trong việc đưa ra các chính sách và biện pháp để giải cứu, vì hàng loạt gói kích cầu và chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hết mức để đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái 2008-2009.
Tệ hại sau khi S&P hạ bậc tín nhiệm?
Ngày 06/08, Standard & Poor’s (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ bậc tín nhiệm của Mỹ xuống còn AA+ từ mức hoàn hảo AAA, với triển vọng dài hạn vẫn còn tiêu cực.
Lý do được S&P đưa là những bất đồng chính trị xung quanh vấn đề nâng trần nợ và kế hoạch cắt giảm ngân sách vẫn chưa đạt được mức yêu cầu để ổn định vấn đề nợ công trong trung hạn.
Các thị trường đã hoảng loạn sau động thái này, nhưng có vẻ như mọi thứ đã đi quá đà. Lý do là vì ngay cả khi S&P hạ mức tín nhiệm Mỹ thì các chủ nợ lớn nhất của Mỹ có rất ít động lực để bán tài sản này. Các ngân hàng Mỹ, các quỹ tiền tệ và công ty bảo hiểm vẫn phải nắm giữ Trái phiếu Kho bạc Mỹ để đáp ứng yêu cầu về nguồn vốn và duy trì thanh khoản. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục sử dụng đồng USD như đồng tiền dự trữ. Một minh chứng rất rõ nét là lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ vẫn đang tiếp tục giảm trong thời gian gần đây.
E ngại lớn nhất có lẽ là mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác thương mại quan trọng có thể xảy ra căng thẳng, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia nắm giữ phần lớn Trái phiếu Kho bạc Mỹ. Đây cũng là một chủ đề trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 17/08.
Kết luận
Nhiều nhận định cho rằng kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái thứ hai. Chúng tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này vì nền kinh tế Mỹ đã có những điều chỉnh tích cực hơn trong 1-2 tháng gần đây ở hầu hết các chỉ số kinh tế và vẫn còn khá tích cực so với thời gian trước các cuộc suy thoái trước đây.
Do vậy, tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ trong một vài tháng tiếp theo là chỉ dấu quan trọng để quyết định liệu Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kinh tế hay chỉ là sự trì trệ tạm thời.
Ngoài ra, cũng cần để ý thêm là Chính phủ Mỹ đang nỗ lực để đưa ra những biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế; và châu Âu cũng đang cố gắng để ngăn chặn nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|