Kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ”?
(Vietstock) - Lạm phát đình trệ (stagflation) là hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ lạm phát cao. Theo lý thuyết, các chính sách phải tác động đến đường tổng cung thì mới giải quyết được vấn đề lạm phát đình trệ.
Lạm phát đình trệ
Lạm phát đình trệ (stagflation) là hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ lạm phát cao. Để nhận biết được sự hiện diện của lạm phát đình trệ, người ta dựa trên xu hướng tăng/giảm của các chỉ số kinh tế trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế. Thông thường, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP là những chỉ số được sử dụng để xác định liệu lạm phát đình trệ có đang đe dọa nền kinh tế.
Ý nghĩa thực sự của hiện tượng lạm phát đình trệ chỉ được các nước công nghiệp biết đến rộng rãi trong những năm 1970. Đây là giai đoạn nhiều nước trải qua thời kỳ cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức cao, và được xem là đã rơi vào giai đoạn lạm phát đình trệ.
Những lý thuyết dựa vào đường cong Phillips cho rằng điều này không thể xảy ra vì mối quan hệ nghịch biến giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp (lạm phát cao thì tỷ lệ thấp nghiệp thấp và ngược lại).
Tuy nhiên, Milton Friedman đã chỉ ra mối quan hệ này chỉ đúng trong ngắn hạn, bởi vì về dài hạn mức lương sẽ được điều chỉnh tương ứng với lạm phát kỳ vọng và khi đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ bắt đầu trở về mức thất nghiệp tự nhiên. Điều này có nghĩa là về dài hạn sẽ không có sự đánh đổi giữa mục tiêu lạm phát và thất nghiệp; và như vậy đã có thể giải thích được cho việc xảy ra lạm phát đình trệ.
Có hai nguyên nhân chính được cho là đã gây ra hiện tượng lạm phát đình trệ.
Đầu tiên là việc tăng giá đột ngột và bất ngờ của một loại hàng hóa, chẳng hạn như cú sốc về giá dầu xảy ra tại Mỹ trong những năm 1970. Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất và kéo theo đó là giá cả tăng cao.
Khi sức mua của tiền tệ giảm đi, mọi người hạn chế mua sắm để duy trì việc đáp ứng nhu cầu cơ bản. Tổng cầu suy giảm và kết quả là hoạt động kinh doanh bị thu hẹp lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại; và kết quả là lạm phát đình trệ xảy ra.
Nguyên nhân thứ hai được cho là do chính phủ đã thực hiện các chính sách vĩ mô không phù hợp. Việc nới lỏng quá mức các chính sách tiền tệ và tài khóa trong một thời gian ngắn cũng làm gia tăng sức ép lạm phát một cách đáng kể.
Trên thực tế, Mỹ đã gánh chịu những tổn thất nặng nề khi trải qua thời kỳ lạm phát đình trệ trong những năm 1970. Lạm phát giai đoạn này trung bình lên đến 7.5%, tỷ lệ thất nghiệp 6.4% và cán cân thương mại bắt đầu thâm hụt. Nguyên nhân được biết đến là do tăng trưởng nóng cung tiền để bù đắp những tổn thất trong chiến tranh, nguồn cung dầu mỏ bị sụt giảm mạnh và sản lượng sản xuất thép giảm đột ngột do môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Việt Nam đứng trước nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ?
Thời gian gần đây đang dấy lên mối lo ngại về sự trở lại của lạm phát đình trệ trên toàn cầu, do hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Liệu Việt Nam có đứng trước nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ?
Kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2011 đã có dấu hiệu chững lại đáng kể so với năm 2010. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2011 nhìn theo quý vẫn tăng trưởng, nhưng chỉ còn tăng 5.57% so với cùng kỳ năm 2010, thấp hơn con số 6.16% của năm 2010. Tuy nhiên, điều này vẫn không đáng lo ngại bằng áp lực lạm phát đang tăng cao và trở thành một thách thức vĩ mô đáng e ngại. Tính đến tháng 7/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 14.16% so với cuối năm 2010 và tăng đến 22.16% so với tháng 7/2010.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do chính sách tiền tệ và tài khóa đã được nới lỏng theo gói kích cầu hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu và mặt bằng giá cả thực phẩm thế giới đột ngột tăng cao và hiện vẫn đang giữ ở mức kỷ lục.
Tháng 02/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Sau hơn 4 tháng thực hiện, các giải pháp đã dần phát huy được tác dụng nhất định, nhưng đến nay những vấn đề căn cơ như lạm phát và lãi suất vẫn chưa tìm được lời giải đáp.
Lạm phát cao kéo theo lãi suất cao là một gánh nặng đối với doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Đứng trước bài toán lãi suất – lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách thu hẹp sản xuất để bảo toàn vốn và hệ lụy là nguồn cung hàng hóa có thể thiếu hụt và tiếp tục tăng sức ép lên lạm phát. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ lạm phát đình trệ xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lạm phát đình trệ là một trong những hiện tượng kinh tế khó giải quyết. Chính sách tiền tệ mở rộng sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng tốc độ tăng trưởng, nhưng sẽ đẩy lạm phát lên mức cao hơn. Ngược lại, chính sách thắt chặt có thể kiềm chế lạm phát nhưng sẽ đưa nền kinh tế vào đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Các công cụ chính sách vĩ mô kinh điển được xây dựng trên cơ sở tác động đến tổng cầu không thể giải quyết được cả hai vấn đề này cùng một lúc. Theo lý thuyết, các chính sách phải tác động đến đường tổng cung thì mới giải quyết được vấn đề lạm phát đình trệ.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|