Giảm lãi suất OMO, Ngân hàng Nhà nước “thả lỏng” chính sách tiền tệ?
(Vietstock) – Bằng động thái hạ lãi suất cho vay trên thị trường mở, NHNN đang phát đi tín hiệu nới rộng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách này được đưa ra trong hoàn cảnh phải đánh đổi với thực tế là lạm phát vẫn đang đứng ở mức cao.
Thông tin vĩ mô nổi bật hôm nay là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất đối với các khoản vay trên thị trường mở (OMO) từ mức 15% xuống 14%.
Nghiệp vụ thị trường mở là việc NHNN mua, bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá (tín phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc,…) với các tổ chức tín dụng. Điều này có thể thực hiện bằng cách mua bán hẳn hoặc mua bán có kỳ hạn.
Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, NHNN sẽ tác động đến nguồn vốn khả dụng của các các tổ chức tín dụng, điều tiết lượng tiền cung ứng và tác động đến lãi suất trên thị trường.
Khi các tổ chức tín dụng thiếu vốn, NHNN sẽ đưa tiền ra để mua các giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng nắm giữ. Ngược lại, khi các tổ chức tín dụng thừa vốn, NHNN bán ra các giấy tờ có giá để rút tiền về.
Bằng động thái hạ lãi suất cho vay trên thị trường mở, NHNN đang phát đi tín hiệu nới rộng chính sách tiền tệ. Các ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, tạo cơ sở kéo giảm lãi suất trong thời gian tới. Điều này khá phù hợp với nhận định của chúng tôi trong báo cáo phân tích tuần trước.
NHNN và Chính phủ đang phải lựa chọn nới lỏng tiền tệ nhất định để giảm lãi suất, “giải cứu” doanh nghiệp đang đình đốn, và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là mục tiêu ngắn hạn.
Cần phải lưu ý là chính sách này được đưa ra trong hoàn cảnh phải đánh đổi với thực tế là lạm phát vẫn đang đứng ở mức cao. Lạm phát 6 tháng đầu năm đã tăng 13.29% so với đầu năm và tăng 20.82% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong tuần trước, Chính phủ cũng đã báo cáo việc tăng mục tiêu kiểm soát lạm phát lên mức 17% sau khi đã nới rộng lên 15% vào tháng 5. Có thể hiểu đây là thông tin “mở đường” cho động thái nới lỏng tiền tệ hôm nay.
Với việc giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở, cơ hội sẽ được mở ra để nền kinh tế tăng trưởng, hay ít ra là không tiếp tục co hẹp. Nhưng rõ ràng điều này sẽ đi kèm với rủi ro lạm phát có cơ hội quay trở lại vào năm sau – một vòng luẩn quẩn diễn ra mấy năm vừa qua ở Việt Nam.
Tuy vậy, cụm từ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ đã được Chính phủ và NHNN nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua. Sẽ không ngạc nhiên nếu NHNN tiếp tục sử dụng công cụ trên thị trường mở để điều tiết.
Cần để ý rằng thông tin hôm nay chỉ là về lãi suất. NHNN vẫn còn nhiều công cụ (hành chính) khác có thể áp dụng để hạn chế việc bơm vốn giá rẻ ra thị trường. Nói cách khác, có thể lãi suất thấp hơn trước nhưng NHNN vẫn có thể chặn “lượng” tiền bơm ra hay tăng cường hút vào. Chúng tôi cho rằng đây sẽ là cách ứng xử “linh hoạt” mà NHNN sẽ áp dụng trong thời gian tới.
Các chính sách tiền tệ đang phải đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn và sự ổn định dài hạn. Con số lạm phát tháng 7, 8 và động thái “bơm hút” trên thị trường mở sẽ tiếp tục cần được theo dõi sát sao để kỳ vọng về một sự nới lỏng tiền tệ lâu hơn.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|