Lạm phát 2011 đã có dấu hiệu hạ nhiệt
(Vietstock) – CPI tháng 5 tiếp tục tăng cao 2.21% và tăng đến 19.78% so với cùng kỳ năm 2010. Dù vẫn ở mức rất cao nhưng gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
* Tăng 2,21%, CPI lần đầu tiên trong năm giảm tốc
Trong khi đó, thăm dò của Vietstock cho thấy sự bối rối nhất định của giới đầu tư về vấn đề lạm phát trong năm 2011.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2.21% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao thứ nhì trong năm nhưng đã phá vỡ xu thế tăng tốc liên tục trong 4 tháng trước đó.
Như vậy, CPI tháng 5 đã tăng 12.07% so đầu năm và tăng đến 19.78% so với cùng kỳ năm 2010.
Câu hỏi đặt ra là lạm phát trong thời gian tới sẽ biến động theo xu hướng nào?
Có thể nhận thấy một diễn biến tích cực đáng ghi nhận là giá cả hàng hóa sau khi tăng mạnh trong dịp nghĩ lễ đầu tháng 4 đã có dấu hiệu giảm nhẹ.
Cú sốc về việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu và tỷ giá trước đó dường như đã phản ánh vào việc tăng giá trong vài tháng qua.
Ngoài ra, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực cắt giảm đầu tư và thắt chắt chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 hầu như không đáng kể, còn tính 4 tháng đầu năm cũng mới chỉ ở mức 5%. Đặc biệt, với việc lãi suất lên tới trên 20% thì cầu đầu tư và tiêu dùng sẽ tiếp tục bị co hẹp mạnh trong thời gian tới.
Giá cả hàng hóa thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc. Khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang được hâm nóng trở lại khiến cho giá hàng hóa thế giới có thể bắt đầu giảm. Giá dầu thô cũng được duy trì dưới 100 USD/thùng suốt 3 tuần qua.
Trên thị trường nội địa, nguồn cung các loại thực phẩm, rau quả đã dồi dào hơn và giá đã giảm khá nhiều so với trước đó. Ngoài ra, việc giá cả tăng mạnh do người bán “tát nước theo mưa” đã khiến nhu cầu hàng hóa giảm sút mạnh và đến lượt người bán phải điều chỉnh về giá trị của nó.
Mới đây, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính, dự báo CPI tháng 6 có thể tăng khoảng 0.7 – 0.8% so với tháng 5. Dù đây là mức vẫn còn khá cao so với cùng kỳ những năm trước nhưng được xem là tín hiệu khá lạc quan.
Tuy vậy, các yếu tố làm cho giá tăng không phải là không còn, khi mà giá điện sẽ đến thời hạn có thể điều chỉnh từ ngày 01/06/2011. Mức lương cơ bản cũng đã được điều chỉnh tăng có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Ngoài ra, mối hoài nghi còn hướng đến những quyết tâm thật sự của Chính phủ trong việc chống lạm phát. Chính phủ rất khó khăn trong việc cắt giảm đầu tư của khu vực nhà nước. Chính sách tiền tệ có thể sẽ được nới lỏng khi do doanh nghiệp “kêu khổ” và hệ thống ngân hàng khó khăn trong thanh khoản.
Chúng ta cũng cần lưu ý, về dài hạn lạm phát vẫn là vấn đề thách thức lớn của kinh tế Việt Nam khi mà tỷ lệ đầu tư vẫn cao, hiệu quả nền kinh tế thấp và tăng trưởng cung tiền không dễ kéo giảm.
Trong thời gian gần đây, khá nhiều dự báo đều cho rằng với kịch bản khả quan, lạm phát năm 2011 sẽ tăng khoảng 17%, tức là chỉ tăng khoảng 5% trong 7 tháng còn lại. Thực tế để đạt được con số này cũng không phải là dễ dàng; vì rõ ràng sức ép về tăng giá vẫn còn khá lớn.
Chúng tôi đã tiến hành một thăm dò cách đây 2 tuần tại vietstock.vn với nội dung Lạm phát năm 2011 sẽ ở mức nào?
Với gần 1,500 lượt biểu quyết, kết quả cho thấy vẫn có đến 37.44% người tin rằng lạm phát năm 2001 của Việt Nam sẽ dưới 13%; số người tin mức lạm phát nằm trong khoảng 13-16% là 19.7%; còn số người tin lạm phát từ 16-19% là 23.83%. Tuy vậy, có đến 19.03% số người được thăm dò tin rằng lạm phát năm 2011 sẽ trên 19%.
Những con số trên cho thấy không có sự đồng thuận cao về con số CPI và cũng cho thấy sự bối rối nhất định của giới đầu tư về vấn đề lạm phát năm 2011.
Hoàng Nam
|