Thứ Tư, 23/03/2011 15:46

Giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng 2 tỷ giá

(Vietstock) – Tình trạng hai tỷ giá hiện nay vẫn đang tiếp diễn dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều nỗ lực để chấm dứt tình trạng này. Vậy tại sao tình trạng hai tỷ giá lại liên tục xuất hiện trong hơn 2 năm qua và đâu là lời giải cho vấn đề này?

Các phương thức điều hành tỷ giá trên thế giới

Để hiểu nguyên nhân của việc tồn tại 2 tỷ giá ở Việt Nam trước hết chúng ta tìm hiểu về các cơ chế điều hành tỷ giá trên thế giới.

Cơ chế tỷ giá hối đoái là cách thức một nền kinh tế quản lý đồng tiền và xác định giá trị đồng tiền của mình thông qua một đồng tiền khác. NHTW quản lý tỷ giá bằng những quy định pháp luật và điều tiết thông qua thị trường ngoại hối. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều lựa chọn cho mình một chính sách tỷ giá tùy thuộc vào đặc điểm của nền kinh tế. Hiện nay, cơ chế tỷ giá hối đoái được phân biệt 3 kiểu như sau.

* Giá xăng dầu tại Việt Nam và vấn đề xuất lậu

* Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp

* Gỡ nút thắt thị trường chợ đen: Không chỉ dùng các biện pháp hành chính

* Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt

Cơ chế tỷ giá hối đoái cố định: Đây là kiểu chế độ tỷ giá mà giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác, hoặc với một rổ tiền tệ, hoặc với một thước đo giá trị khác (vàng, quyền rút vốn đặc biệt - SDR). Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định. Chính phủ dùng các biện pháp hành chính hoặc tham gia mua bán trên thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá cố định.

Cơ chế tỷ giá hối đoái này thường được áp dụng tại các nền kinh tế có trình độ phát triển chưa cao. Ưu điểm của nó là tạo ra một tỷ giá khá ổn định để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhược điểm là tạo ra tâm lý ỷ lại cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu đồng tiền áp dụng theo cơ chế tỷ giá hối đoái này được định giá quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng mạnh hoạt động của nền kinh tế. Cơ chế tỷ giá này cũng chịu nhiều rủi ro khi có sự tấn công tiền tệ. Không những vậy, cơ chế tỷ giá hối đoái cố định dễ làm cho tình trạng 2 tỷ giá và thị trường chợ đen phát triển.

Cơ chế tỷ giá thả nổi (cơ chế tỷ giá linh hoạt): Đây là một cơ chế trong đó tỷ giá do các lực lượng thị trường quyết định mà không hoặc rất ít có sự can thiệp của các cơ quan chính phủ quản lý. Trong cơ chế tỷ giá thả nổi, giá tỷ giá tự do thay đổi theo cung cầu ngoại tệ, NHTW ít can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối.

Cơ chế tỷ giá này thường được áp dụng tại các nền kinh tế phát triển. Ưu điểm của nó tạo ra một môi trường kinh doanh linh hoạt cho toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, NHTW thường không phải “bận tâm” quá nhiều vào những biến động ngắn hạn của tỷ giá. Tuy nhiên, nhược điểm là nếu tỷ giá biến động mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế. Cơ chế tỷ giá này chỉ áp dụng được các nền kinh tế mạnh và có một thị trường tương đối phát triển.

Cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết: Đây là một cơ chế tỷ giá hối đoái hỗn hợp giữa thả nổi và cố định. Với cơ chế tỷ giá này NHTW sẽ công bố một mức tỷ giá nào đó và thường xuyên điều chỉnh theo những thay đổi trong cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối quốc gia, và tín hiệu trên thị trường chợ đen.

Cơ chế tỷ giá này được áp dụng khá phổ biến tại các nền kinh tế đang phát triển. NHTW điều hành tỷ giá bằng cách công bố tỷ giá mục tiêu và mua bán ngoại tệ trên thị trường để giữ tỷ giá ở gần vùng mục tiêu công bố trước đó. Ưu điểm là nó tạo ra một môi trường kinh doanh tương đối ổn định. Tuy nhiên, còn nhược điểm là buộc NHTW phải có khả năng điều hành hiệu quả.

Điều hành tỷ giá thiếu linh hoạt làm xuất hiện tình trạng 2 tỷ giá

Hiện tại về mặt chính thức Việt Nam đang áp dụng Cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết. Tiền VND được neo vào đồng USD, tỷ giá giữa VND và các đồng tiền khác được quy đổi chéo thông qua tỷ giá giữa USD với các đồng tiền quốc gia khác.

Tỷ giá niêm yết chính thức tối đa bằng tỷ giá bình quân liên ngân hàng theo công bố của NHNN cộng trừ với biên độ theo quy định. Trong quyết định điều chỉnh tỷ giá ngày 11/02/2011, NHNN đã giảm biên độ từ +/-3% xuống còn +/-1%. Trước đó NHNN đã nhiều lần thay đổi biên độ, mức tối đa trước đó là 10%, có thời điểm chỉ còn +/-0.1%.

Cơ chế tỷ giá thả nổi có điều tiết được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với tình hình của Việt Nam. Song trong thực tế quá trình điều hành vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Một số tổ chức quốc tế vẫn xem cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam là cơ chế tỷ giá cố định. 

Chính vì cơ chế tỷ giá hối đoái “cố định” này đã làm cho tỷ giá giữa niêm yết và thị trường tự do chênh lệnh nhau khá lớn. Tình trạng 2 tỷ giá này kéo dài gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân và ngân hàng. Những lần điều chỉnh tỷ trong thời gian qua của NHNN chỉ là “chạy theo thị trường”.

Đợt điều chỉnh ngày 11/02/2011, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được điều chỉnh tăng tới 9.3%, đây là lần điều chỉnh mạnh nhất kể từ năm 1993 đến nay. Đợt điều chỉnh này được các nhà kinh tế đánh giá là khá tích cực. Mặc dù vậy sau đó tình trạng 2 tỷ giá vẫn chưa chấm dứt do tỷ giá trần còn thấp hơn mức cân bằng của thị trường và tỷ giá liên ngân hàng vẫn được NHNN quy định một cách khá cứng nhắc.

Giải pháp

Mới đây NHNN ban hành Báo cáo số 20/BC-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được thu phí thêm 2% đối với các việc mua bán ngoại tệ. Về tác dụng nó cũng tương tự như việc NHNN phá giá thêm 2% vì thực tế tỷ giá giao dịch trước đó thường xuyên cao hơn mức trần. Đây được xem là một nỗ lực của NHNN trong việc xóa bỏ tình trạng 2 tỷ giá hiện nay.

Song song với đó, NHNN cho phép tổ chức tài chính và khách hàng thỏa thuận tỷ giá giao dịch kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm. Với quyết định này thì những người có nhu cầu mua bán ngoại tệ có thể thực hiện tỷ giá thỏa thuận đối với các tổ chức tín dụng cho các khoản mua bán trong tương lai. Đây cũng là một công cụ bảo hiểm rủi ro đối với những người có nhu cầu giao dịch bằng ngoại tệ.

Chúng tôi cho rằng NHNN đã có một quyết định rất tích cực trong nỗ lực chống tình trạng 2 tỷ giá. Tuy nhiên “liều thuốc” này vẫn có thể chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng này. Giả sử nếu như NHNN vẫn duy trì tỷ giá liên ngân hàng ở mức thấp kéo dài thì mức 2% tăng thêm đó (phí giao dịch) chưa chắc đã đưa tỷ giá mua bán sát với tỷ giá cân bằng của thị trường. Như vậy, tình trạng 2 tỷ giá lại sẽ lại xuất hiện.

Do vậy, chúng tôi cho rằng, giải pháp cần thiết là NHNN vẫn cần có một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn nữa Cụ thể, NHNN nên thực sự sử dụng tỷ giá liên ngân hàng làm tỷ giá tham chiếu cho tỷ giá trên thị trường. Lúc đó tỷ giá niêm yết sẽ phản ánh đúng cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Như vậy, tình trạng 2 tỷ giá sẽ không còn xuất hiện và đồng thời quy mô giao dịch trên thị trường tự do cũng sẽ giảm xuống.

Với chính sách này có thể làm cho tỷ giá tăng nhưng những tác động tích cực sẽ lớn hơn tác động tiêu cực. Người dân và doanh nghiệp có giao dịch liên quan đến ngoại tệ sẽ dùng các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá để hạn chế những tác động tiêu cực do tỷ giá biến động.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   PXS: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 03/2011 (24/03/2011)

>   Giá xăng dầu tại Việt Nam và vấn đề xuất lậu (21/03/2011)

>   Lạm phát: Cần hiểu đúng và có những phản ứng phù hợp (17/03/2011)

>   PSG: Company Visit Notes – Tháng 03/2011 (17/03/2011)

>   Gỡ nút thắt thị trường chợ đen: Không chỉ dùng các biện pháp hành chính (14/03/2011)

>   Tín hiệu vĩ mô 2008 và 2011 – Tương đồng và khác biệt (11/03/2011)

>   Định giá cổ phiếu hấp dẫn, thị trường đã về đáy? (08/03/2011)

>   PGD: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 03/2011 (05/03/2011)

>   Gói giải pháp của NHNN sẽ tác động mạnh đến chứng khoán (26/02/2011)

>   Trị lạm phát, cần tăng “liều” chính sách tài khóa (24/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật