PXS: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 03/2011
CTCP KẾT CẤU KIM LOẠI VÀ LẮP MÁY DẦU KHÍ
Mã chứng khoán HoSE: PXS. Ngành: Xây dựng. Khuyến nghị: MUA
(Vietstock) – Kể từ khi chúng tôi phát hành Company Visit Notes vào ngày 17/01/2011 đến nay, giá cổ phiếu PXS có lúc đạt mức giá 18,200 đồng/cp tức tăng hơn 17% so với ngày 17/01.
Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu PXS ở mức giá 12,800 đồng/cp vào ngày 17/03 (giá đã điều chỉnh kỹ thuật do phát hành cổ phiếu tăng vốn) với mức rủi ro từ mô hình hoạt động kinh doanh thấp.
Chúng tôi cho rằng đây là mức giá khá hấp dẫn khi P/E và P/B ước tính cho năm 2011 pha loãng lần lượt chỉ là 3.4 lần và 1.2 lần.
Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy giá trị nội tại của cổ phiếu PXS sau khi phát hành thêm ước tính đạt 21,000 đồng/cp, cao hơn 64% so với giá thị trường hiện tại.
Chúng tôi kỳ vọng PXS sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ vào những yếu tố hỗ trợ chính: (1) Các công trình xây dựng ngành dầu khí, đặc biệt là chế tạo giàn khoan sẽ tiếp tục tăng mạnh về quy mô lẫn giá trị. (2) Việc đầu tư mở rộng bãi cảng chế tạo kết cấu và lắp máy tại Sao Mai – Bến Đình, Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ sở để PXS thực hiện chiến lược chuyển đổi từ đơn vị xây lắp (Constructor) thành nhà thầu chính (EPC - Engineering, Procurement, Construction) và tổng thầu (EPCI - Engineering, Procurement, Construction, Installation) trong các dự án chế tạo giàn khoan và xây lắp của ngành dầu khí, sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận. (3) Nếu hợp tác thành công với McDermott, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thi công các dự án dầu khí, PXS sẽ có cơ hội gia tăng lợi thế cạnh tranh và tiếp cận các dự án mới.
Rủi ro trong ngắn hạn đối với giá cổ phiếu PXS là lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-floated) được mua ở vùng giá thấp chiếm tỷ lệ lớn trong số cổ phiếu đang lưu hành. Khi hình thành mặt bằng giá mới, cổ phiếu PXS thường chịu áp lực chốt lời rất mạnh.
CƠ HỘI ĐẦU TƯ
Ngành dầu khí tiếp tục mở rộng đầu tư. Trong các năm tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và các đối tác sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thăm dò, đầu tư khai thác dầu khí, bao gồm cả khu vực xa thềm lục địa có trữ lượng tiềm năng lớn, và cũng sẽ cần các giàn khoan quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, ngành dầu khí sẽ gia tăng mở rộng đầu tư các dự án, công trình trên đất liền như nhà máy nhiệt điện, khu phức hợp lọc hóa dầu, hệ thống đường ống dẫn dầu-khí,… Việc mở rộng đầu tư có thể mang lại cho PXS nhiều dự án tiềm năng.
PXS thi công 60% – 80% số lượng giàn khoan của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro). PXS đã chế tạo 60% – 80% nhu cầu về giàn khoan của Vietsovpetro và hoạt động này đóng góp khoảng 75% vào doanh thu xây lắp hàng năm. Hiện tại số giàn khoan do Vietsovpetro sở hữu và vận hành chiếm tỷ lệ lớn tại Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, PXS đã chế tạo khoảng 60% số chân đế giàn khoan, cấu trúc thượng tầng,… cho ngành khai thác dầu khí và quốc phòng Việt Nam.
Thay đổi đơn giá giúp cải thiện kết quả kinh doanh. Từ quý 4/2010 nhiều hợp đồng chế tạo giàn khoan đã được điều chỉnh tăng đơn giá. Vì vậy, kể từ quý 4/2010 trở đi doanh thu và lợi nhuận của PXS sẽ tăng trưởng với tốc độ cao.
Tiếp tục tiếp nhận thêm các hợp đồng mới. Ngoài các dự án đang thực hiện, năm 2011 dự kiến PXS có thể ký kết thêm một số hợp đồng mới. Gần đây nhất, PXS mới tiếp nhận hợp đồng xây dựng, nâng cấp hệ thống kho xăng dầu của TCT Dầu Việt Nam (PV Oil) và có thể đem lại doanh thu 500 tỷ đồng trong năm 2011.
Đàm phán bán 10% cổ phần cho đối tác chiến lược McDermott. McDermott đang đề xuất mua lại 10% cổ phần (5 triệu cổ phiếu) của PXS với tư cách cổ đông chiến lược. McDermott hoạt động trong lĩnh vực dầu khí từ năm 1923, và là nhà thầu (EPCI) hàng đầu trong lĩnh vực thi công các dự án dầu khí. Quy mô tổng tài sản của McDermott lên đến 2.5 tỷ USD, hiện đang hoạt động tại 20 nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông…
Với sự tham gia của McDermott, PXS có nhiều lợi thế để học tập kinh nghiệm về thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và quản lý dự án trong lĩnh vực EPCI ngành dầu khí và tiếp cận các dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
Lực lượng thợ hàn có tay nghề cao. Lực lượng hơn 300 thợ hàn có chứng chỉ quốc tế được coi là lớn nhất trong các doanh nghiệp ngành xây dựng và dầu khí. Điều này giúp PXS có thể rút ngắn thời gian thi công giàn khoan xuống chỉ còn 4.5 – 7 tháng.
Chuyển đổi mô hình hoạt động trở thành nhà thầu chính (EPC) và tổng thầu (EPCI). PXS đang đầu tư bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại Sao Mai – Bến Đình, Bà Rịa – Vũng Tàu giúp chủ động trong hoạt động sản xuất và tiến tới trở thành nhà thầu chính và tổng thầu trong các dự án xây lắp của ngành dầu khí.
RỦI RO ĐẦU TƯ
Nguồn nhân lực. Hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình kết cấu kim loại, lắp ráp trang thiết bị trọng lượng lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn cao nên PXS cần đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề chuyên sâu. Với tốc độ phát triển trong thời gian tới, PXS sẽ chịu áp lực tìm kiếm đủ nguồn công nhân kỹ thuật cao, chuyên nghiệp.
Phụ thuộc khách hàng truyền thống PetroVietnam và Vietsovpetro. PetroVietnam và Vietsovpetro vẫn đang độc quyền trong khai thác dầu khí ở Việt Nam. PXS phải đối mặt với một số rủi ro nhất định như quy hoạch phát triển ngành, khả năng đàm phán thi công các dự án… PXS đang dựa vào kinh nghiệm chuyên môn cao trong hoạt động xây lắp kết cấu kim loại, lắp máy như là lợi thế cạnh tranh lớn nhất.
Phụ thuộc biến động giá nguyên vật liệu, vị trí địa lý của dự án. PXS phải tự mua nguyên vật liệu chính, chủ yếu là ống thép, cho các một số dự án tùy thuộc vào thỏa thuận với chủ đầu tư. Ngoài ra, biến động giá nguyên vật liệu phụ như vật tư hàn, cắt… cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời.
Các công trình nằm ở các khu vực có vị trí địa lý không thuận tiện như ở khu vực miền Trung cũng làm gia tăng chi phí vận chuyển, nhân công.
Hạch toán theo dự án, khiến việc dự báo kết quả kinh doanh gặp khó khăn. PXS hạch toán doanh thu và lợi nhuận theo tiến độ của dự án. Ngoài ra, trong kỳ PXS cũng thường phát sinh thêm các hợp đồng nên việc dự báo kết quả kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng vốn điều lệ nhanh. PXS tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 500 tỷ đồng trong quý 1/2011 và vốn điều lệ có thể đạt đến 750 tỷ đồng vào 2013. Điều này sẽ gây áp lực lên hiệu quả hoạt động của công ty trong các năm tới và khả năng pha loãng EPS là rất lớn nếu lợi nhuận tăng thấp hơn so với tốc độ tăng vốn.
Cổ đông hiện hữu sở hữu cổ phiếu ở vùng giá thấp. PXS cổ phần hóa vào năm 2009 với tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước là 51%. Phần còn lại chủ yếu do các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào ở vùng giá thấp và không bị hạn chế chuyển nhượng. Giá cổ phiếu PXS có thể chịu áp lực từ nguồn cung giá rẻ này.
TỔNG QUAN VỀ DOANH NGHIỆP
Hoạt động trong lĩnh vực xây lắp dầu khí từ năm 1983. PXS tham gia vào hoạt động xây lắp, chế tạo giàn khoan từ năm 1983 và được xem là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp dầu khí.
Hoạt động của PXS chủ yếu là chế tạo giàn khoan khai thác dầu khí (bao gồm phần chân đế – jacket, cấu trúc thượng tầng – topside, các cấu trúc phụ trợ khác…). PXS cũng có thể thực hiện các công trình kết cấu kim loại như đường ống công nghệ, tuyến ống dẫn dầu, khí, các bể bồn…
Khách hàng chủ yếu của PXS bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PetroVietnam và các đơn vị thành viên, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô - Vietsovpetro, các công ty trong ngành dầu khí (như Petronas, JVPC, BP,…).
Cơ cấu cổ đông: PVX chiếm 51%. Tại ngày 31/12/2010, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC (HNX: PVX), một thành viên thuộc PetroVietnam, đang nắm giữ 51% vốn của PXS. Đây có thể là lợi thế giúp PXS dễ dàng tiếp cận các dự án xây lắp trong ngành dầu khí.
Cơ cấu cổ đông tại ngày 31/12/2010
|
Nguồn: PXS
|
|
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH
Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp dầu khí với tỷ suất lợi nhuận cao. Hoạt động truyền thống của PXS là xây lắp các công trình ngành dầu khí. Trong đó, hoạt động xây lắp, chế tạo giàn khoan đóng góp 80% – 90% tổng doanh thu hàng năm.
Tỷ lệ lợi nhuận gộp của hoạt động xây lắp liên tục tăng trong 4 năm qua, từ mức 10.8% lên tới 32.7% vào năm 2010. Đây là tỷ lệ lợi nhuận khá cao so với nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp giàn khoan. Kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 1983, PXS được Vietsovpetro, đơn vị có khối lượng khai thác dầu khí lớn nhất tại Việt Nam, chọn làm đơn vị thi công 60% - 80% nhu cầu giàn khoan.
Ngoài ra, PXS còn có khách hàng là các doanh nghiệp trong và ngoài ngành dầu khí khác như Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tổng CTCP Khí Việt Nam – PV GAS, TCT Dầu Việt Nam – PVOil, Petronas, Japan Vietnam Petroleum (JVPC), Bristish Petroleum (BP)...
Cơ cấu doanh thu theo khách hàng 2010
|
Nguồn: PXS
|
|
Tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo, xây lắp dầu khí là không cao. Hiện tại, trong các đơn vị thuộc PetroVietnam ngoài PXS còn có 3 doanh nghiệp khác có khả năng chế tạo giàn khoan cố định. Tuy vậy, đây không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp này.
(1) Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC (HNX: PVS) chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ hàng hải dầu khí, kho nổi và chế tạo giàn khoan tự nâng (jackup);
(2) CTCP Lilama 18 (HoSE: LM8).
(3) CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (HoSE: PXT) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các giàn khoan quy mô nhỏ, các công trình đường ống, bể chứa ngành dầu khí.
Bên cạnh đó, CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), đơn vị thành viên của PetroVietnam, chỉ tập trung vào chế tạo giàn khoan tự nâng (di động) phục vụ cho hoạt động khoan thăm dò nên cũng không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của PXS.
Lợi thế đến từ độc quyền xây lắp trong ngành dầu khí. Do đặc thù của ngành dầu khí liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, PetroVietnam được độc quyền trong chuỗi hoạt động liên quan tới dầu khí từ thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu đến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
PetroVietnam nắm hoàn toàn chuỗi giá trị ngành dầu khí và có thể tối đa hóa lợi nhuận ở mỗi khâu. Các hoạt động đều phải sử dụng dịch vụ của các đơn vị thành viên trong ngành. Đây là rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp khác không thể tham gia cạnh tranh.
PXS là một thành viên trong hệ thống công ty của PetroVietnam nên chúng tôi cho rằng, PXS có thế tiếp tục duy trì lợi thế độc quyền xây lắp các công trình của ngành dầu khí, chế tạo giàn khoan.
Lực lượng thợ hàn có tay nghề cao. Lực lượng hơn 300 thợ hàn có chứng chỉ quốc tế được coi là lớn nhất trong các doanh nghiệp ngành xây dựng và dầu khí. Điều này giúp PXS có khả năng rút ngắn thời gian thi công giàn khoan xuống chỉ còn 4.5 – 7 tháng.
PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH
Doanh thu tăng trưởng mạnh trong các năm vừa qua. Doanh thu trong các năm vừa qua của PXS tăng mạnh và khá bền vững. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, doanh thu năm 2010 đạt 489.3 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 155.4% so với năm 2009.
Chúng tôi tin rằng các yếu tố sau đã giúp PXS từ một công ty nhỏ đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng:
(1) Chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Đồng thời, PXS tập trung phát triển theo mô hình chuyên sâu trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư mở rộng quy mô hoạt động và trang thiết bị.
(2) Là một công ty trong hệ thống của PetroVietnam, PXS có nhiều lợi thế tham gia vào hoạt động của chuỗi giá trị ngành dầu khí Việt Nam.
(3) PetroVietnam và các đối tác thực hiện kế hoạch mở rộng thăm dò, khai thác dầu khí ở các mỏ xa bờ nên khối lượng và giá trị của các giàn khoan cũng tăng mạnh. Trong năm 2010, giá trị các hợp đồng PXS ký kết liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Trong năm 2010, PXS ký kết hợp đồng chế tạo 2 giàn khoan lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam là (i) hợp đồng chế tạo chân đế khai thác mỏ Đại Hùng (7,000 tấn) giá trị 7.9 triệu USD, (ii) hợp đồng chế tạo chân đế giàn khai thác mỏ Mộc Tinh – Biển Đông (13,000 tấn) trị giá 12 triệu USD và hợp đồng xây lắp thượng tầng giàn này trị giá 5.8 triệu USD.
(4) Đầu tư của ngành dầu khí cho hoạt động lọc hóa dầu, khí, điện đạm đồng loạt được triển khai trong thời gian qua.
LNST năm 2010 đạt 87 tỷ đồng, tăng mạnh nhờ tăng đơn giá hợp đồng và giảm giá vốn. LNST 2010 tăng trưởng cao nhất trong thời gian qua cả về tương đối lẫn tuyệt đối, ở mức 568% so với mức tăng 155% của doanh thu.
PXS đã tiết kiệm chi phí nhân công và nguyên vật liệu một cách đáng kể trong các năm vừa qua, giúp cho giá vốn hàng bán của PXS giảm mạnh từ mức 85.1% năm 2008 xuống chỉ còn 67.3% doanh thu vào năm 2010.
Tỷ suất sinh lời cao và tăng trưởng ổn định. Tỷ suất sinh lời của PXS cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Giá vốn hàng bán được rút giảm tích cực là một trong những động lực chính khiến cho tỷ suất sinh lời tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, PXS gặp nhiều thuận lợi nhờ:
Thứ nhất, nguyên vật liệu chính là ống thép và thép tấm được chủ đầu tư cung cấp. Do đó, PXS không bị ảnh hưởng biến động của giá nguyên vật liệu đầu vào.
Thứ hai, ngoài các hợp đồng chế tạo giàn khoan PXS còn tiếp nhận thêm các hợp đồng khác từ PetroVietnam và các đơn vị thành viên như xây lắp các kết cấu kim loại cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu, các kho chứa xăng dầu, …
Thứ ba, việc điều chỉnh một số đơn giá định mức gia công, chế tạo công trình giúp gia tăng giá trị quyết toán của các hợp đồng dịch vụ chế tạo.
Gia tăng sử dụng nợ cùng với việc mở rộng hoạt động. Đáng chú ý là chênh lệch giữa tỷ suất sinh lời trên VCSH (ROEA) và tài sản (ROAA) đang có xu hướng tăng dần. Điều này cho thấy PXS đang gia tăng sử dụng nợ vay để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh.
Đặc điểm của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng là sử dụng vốn ngoại sinh làm vốn đối ứng trong các dự án và làm vốn lưu động. Đáng chú ý là biến động lãi suất mạnh vào cuối năm 2010 đã không ảnh hưởng nhiều lên kết quả hoạt động của PXS.
Chúng tôi cho rằng việc gia tăng sử dụng nợ trong trường hợp của PXS không tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương pháp hạch toán của các dự án của PXS phần lớn là theo tiến độ thi công. Đối tác chủ yếu của PXS là Vietsovpetro và PetroVietnam có tiềm lực tài chính dồi dào nên thời gian thanh toán được rút ngắn và rủi ro là không đáng kể.
TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU
KQKD tiếp tục tăng trưởng cao nhờ nhu cầu xây lắp ngành dầu khí, đơn giá điều chỉnh tăng. Nguồn thu của PXS chủ yếu đến từ các dự án xây lắp trong ngành dầu khí. Đáng chú ý, PetroVietnam và các đối tác đề ra kế hoạch sẽ chế tạo mới 79 giàn khoan trong giai đoạn 2010 – 2015.
Ngoài ra, các chủ đầu tư đã điều chỉnh đơn giá được áp dụng cho một số hợp đồng từ quý 4/2010. Điều này đồng nghĩa với việc mức đơn giá cao hơn sẽ được áp dụng đối với các dự án trong những năm tiếp theo. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh thu của PXS tiếp tục giữ được mức tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Nhu cầu giàn khoan cho khai thác dầu khí tiếp tục ở mức cao. Hiện PetroVietnam đang tiến hành thẩm lượng và phê duyệt trữ lượng ở một số khu vực như: Lô 01 và 02; Lô 16-1; Thăng Long, Đông Đô - Lô 01/97 - Bể Cửu Long; Dừa, Thiên Nga, Chim Công, Gõ Kiến - Lô 12W; Bể Nam Côn Sơn; Đầm Rơi; Rạch Tàu, Phú Tân, U Minh, Lô 46/2 - Minh Hải; Vàng Đen,...
Trong đó, các mỏ Thiên Long, Ác Quỷ, Cá Voi có thể triển khai lắp đặt 36 giàn đầu giếng và một giàn công nghệ trung tâm trong giai đoạn 2011-2025. Do đó, nhu cầu chế tạo và lắp ráp các kết cấu kim loại trên biển và các thiết bị là rất lớn.
Ước tính để phục vụ cho việc khai thác dầu khí từ nay đến năm 2025, ngành dầu khí sẽ cần lắp đặt 80-100 giàn đầu giếng và giàn công nghệ trung tâm.
Dự án bãi cảng chế tạo kết cấu kim loại Sao Mai – Bến Đình, Bà Rịa – Vũng Tàu. Chuyển đổi mô hình hoạt động trở thành nhà thầu chính (EPC) và tổng thầu (EPCI). Lý do chính là quy mô và khối lượng kết cấu kim loại của các công trình do PXS thi công đang tăng mạnh. Do đó, việc sử dụng bãi cảng của Vietsovpetro không phù hợp trong thời gian tới và bị phụ thuộc đáng kể vào Vietsovpetro. Chi phí thuê tạm tính bãi cảng thi công Sao Mai – Bến Đình rộng 23ha trong vòng 49 năm là 130.3 tỷ đồng.
Với việc đầu tư bãi cảng này, PXS sẽ đủ điều kiện trở thành nhà thầu chính EPC và tổng thầu EPCI cho các công trình lớn của ngành dầu khí.
Điều này đồng nghĩa với đơn giá các hợp đồng và tỷ lệ hạch toán doanh thu sẽ cao hơn. Ngoài ra, bãi cảng này có thể được sử dụng cho các đơn vị khác trong ngành dầu khí thuê lại.
Đầu tư vào CTCP Sản xuất Ống thép Dầu khí Việt Nam (PV-PIPE). Nhu cầu ống thép đặc chủng của ngành dầu khí cho các dự án chế tạo giàn khoan, đường ống dẫn dầu-khí, lọc hóa dầu... là khá lớn. PXS góp vốn 150 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ vào PV-PIPE, giúp PXS có cơ hội tham gia xuyên suốt chuỗi giá trị của ngành xây dựng, xây lắp dầu khí.
Công suất thiết kế của PV-PIPE ở mức 100,000 tấn/năm/ca. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân hàng năm dự kiến lần lượt ở mức 1,600 tỷ đồng và 112 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 9.75 năm.
Tất cả sản phẩm của PV-PIPE chỉ để phục vụ cho nhu cầu của ngành dầu khí. Nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, nhưng PV-PIPE có được thị trường xuất khẩu từ đối tác Huyndai RB với sản lượng tiêu thụ 20,000 tấn/năm từ 2013.
Đáng chú ý, kể từ năm 2012 PXS sẽ thi công xây lắp hệ thống đường ống thép của dự án dẫn khí Nam Côn Sơn và Lô B - Ô Môn. Trong đó, đơn vị thi công sẽ tự mua sắm nguyên vật liệu chính là ống thép.
Việc tham gia đầu tư vào PV-PIPE giúp PXS hạn chế được biến động giá ống thép trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Dự án khu phức hợp chung cư Số 2 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu. Dự án được xây dựng trên diện tích đất 3,570 m2, với quy mô tòa nhà 19 tầng, trong đó 1 tầng là trung tâm thương mại, 4 tầng văn phòng cho thuê, 196 căn hộ với diện tích từ 60 – 90m2. Tổng mức đầu tư dự án là 274 tỷ đồng. Dự kiến dự án này sẽ hoàn tất và bàn giao vào 30/04/2011.
Với giá bán bình quân 11 triệu đồng/m2, lợi nhuận từ dự án này được hạch toán trong năm 2011 ước tính khoảng 25 tỷ đồng.
Tăng vốn từ 200 tỷ lên 500 tỷ đồng trong quý 1/2011. PXS sẽ chào bán 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá bán 10,000 đồng/cp (tương đương giá trị 200 tỷ đồng) trong quý 1/2011. Ngày 21/02/2011 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện.
Ngoài ra, PXS cũng sẽ chào bán cho đối tác chiến lược 10 triệu cổ phiếu (tương đương giá trị 100 tỷ đồng) với giá chào bán không thấp hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu.
Dự kiến đợt phát hành này sẽ hoàn tất trong quý 1/2011. Mục đích của việc tăng vốn nhằm phục vụ cho các dự án bãi cảng thi công Sao Mai – Bến Đình, góp vốn bổ sung cho CTCP Ống Thép Dầu khí, đầu tư trang thiết bị…
LNST 2011 dự phóng đạt 131.6 tỷ đồng. Giá mục tiêu sau khi phát hành thêm: 16,500 đồng/cp. PXS đang có cơ hội phát triển nhờ ngành dầu khí đang mở rộng đầu tư và chiến lược chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh từ đơn vị thi công đơn thuần thành tổng thầu (EPCI).
Dưới đây là dự phóng lợi nhuận sau thuế có thể đạt được từ các hợp đồng đã ký kết, đàm phán thành công với các đối tác trong 3 năm tới. PXS hoàn có thể tìm kiếm thêm các đối tác mới, nhất là trong bối cảnh ngành dầu khí liên tiếp phát hiện các mỏ dầu mới.
Dự phóng của chúng tôi cho thấy doanh thu và LNST trong năm 2011 của PXS có thể đạt tốc độ tăng trưởng 155% và 50% dựa trên cơ sở các hợp đồng đã được ký kết. Doanh thu và LNST năm 2011 của PXS ước tính đạt tương ứng 1,223 tỷ đồng và 131.6 tỷ đồng.
EPS năm 2011 chưa pha loãng ước tính ở mức 6,581 đồng/cổ phiếu. Nếu tính đến việc phát hành 30 triệu cổ phiếu tăng vốn, EPS năm 2011 pha loãng sẽ là 3,760 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá 12,800 đồng/cp vào ngày 17/03/2011, P/E và P/B forward 2011 dựa trên số lượng cổ phiếu đã pha loãng lần lượt chỉ là 3.4 lần và 1.2 lần .
Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy giá trị nội tại của cổ phiếu PXS sau khi phát hành thêm ước tính đạt 21,000 đồng/cp, cao hơn 64% so với giá hiện tại. Chúng tôi, vì vậy, khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này.
TRIỂN VỌNG NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM
Trữ lượng khá dồi dào và nhu cầu sản phẩm dầu khí tiếp tục tăng mạnh. Kết quả khảo sát, thăm dò của các công ty lớn trong ngành dầu khí, năng lượng như Bristish Petroleum (BP), ConocoPhillips… cho thấy trữ lượng dầu khí của Việt Nam vẫn đang khá dồi dào. Các khu vực xa thềm lục địa còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với ngành dầu khí Việt Nam là khai thác bền vững, chuyên sâu; chuyển từ khai thác dầu thô sang lọc hóa dầu.
Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu sử dụng các sản phần từ dầu thô, khí đốt trong các ngành công nghiệp đang gia tăng nhanh. Hiện tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu trong nước.
Chính phủ sẽ chi 2.5 tỷ USD cho hoạt động dầu khí trong giai đoạn 2010 – 2015. Xuất khẩu dầu thô đóng góp trung bình khoảng 25% - 30% ngân sách hằng năm và đóng góp 18% - 22% GDP cả nước. Chính phủ vẫn đang chi ngân sách cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Dự kiến trong giai đoạn 2010 – 2015, chi đầu tư của Chính phủ cho các hoạt động liên quan tới dầu khí có thể đạt 2.5 tỷ USD.
Theo chiến lược phát triển ngành dầu khí, Chính phủ đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 35-45 triệu tấn quy dầu/năm (trong đó, ở trong nước 25- 30 triệu tấn, ở nước ngoài 10-15 triệu tấn), sản lượng khai thác dầu khí đạt 23-34 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: khai thác dầu giữ ở mức 15-20 triệu tấn/năm (ở trong nước 14-17 triệu tấn, ở nước ngoài 1-3,5 triệu tấn/năm) và khai thác khí 8.5-14 tỷ m³/năm.
Đối với ngành công nghiệp khí, đảm bảo cung cấp đủ khí cho tiêu thụ công nghiệp và dân sinh trong nước với sản lượng khí tiêu thụ khoảng 14 tỷ m3/năm vào năm 2015.
Đối với các dự án lọc dầu, đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy lọc dầu của PetroVietnam đạt khoảng 16-17 triệu tấn, đáp ứng 60-70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước và có một số sản phẩm xuất khẩu ra thị trường khu vực. Vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hoàn thành và vận hành Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, xúc tiến đầu tư nhà máy lọc dầu số 3 tại Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Phòng Nghiên cứu Vietstock