Gói giải pháp của NHNN sẽ tác động mạnh đến chứng khoán
(Vietstock) – Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa đưa ra 7 nhóm giải pháp của ngành ngân hàng để triển khai chi tiết Nghị quyết 11 của Chính phủ. Có một số điểm quan trọng và rõ ràng hơn sẽ tác động mạnh đến hoạt động ngân hàng, tiền tệ và thị trường chứng khoán.
Theo sau Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về 6 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có bài viết về 7 nhóm giải pháp của ngành ngân hàng để triển khai Nghị quyết này.
NHNN cũng cho biết sẽ ban hành một Chỉ thị yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và TCTD thực hiện.
Ngoài các chỉ dấu cho một chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ, chúng tôi nhận thấy có một số điểm quan trọng và rõ ràng hơn sẽ tác động đáng kể đến hoạt động ngân hàng, tiền tệ và thị trường chứng khoán.
(1) Đáng chú ý nhất vẫn là chủ trương giảm đến mức tối đa tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.
Thực tế, nội dung này không mới so với những tuyên bố trước đó của Chính phủ; tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại thì đây là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 đã được hạ xuống dưới 20%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mức tăng trưởng này thấp hơn cả năm 2008 và chỉ bằng một nửa so với năm 2009, và thấp hơn nhiều so với mức gần 30% của năm 2010.
NHNN cũng nêu rõ biện pháp thực hiện là “điều chỉnh linh hoạt các tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro và các tỷ lệ an toàn khác” để nắn dòng tín dụng.
Hiện tại, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán đang ở mức 250%. Trong thời gian tới, NHNN có thể sử dụng biện pháp này và yêu cầu nâng hệ số rủi ro, trích lập dự phòng với tỷ lệ cao hơn và gián tiếp buộc ngân hàng giảm cho vay vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Tất cả những đều này cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản trong năm 2011 sẽ không thể mạnh như những năm trước đó.
(2) NHNN sẽ chú ý nhiều hơn đến việc các TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể NHNN sẽ ban hành cơ chế kiểm soát việc TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp và hướng dẫn các NHTM quản lý số dư trái phiếu này.
Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã “lách” quy định tín dụng bằng cách đẩy mạnh hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, vì số dư sẽ không được tính vào tăng trưởng tín dụng. Như vậy, trong thời gian tới NHTM sẽ khó “lách” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là một biện pháp nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng thực của nền kinh tế.
(3) Bên cạnh đó, NHNN cũng có yêu cầu mang tính chất “hành chính” là chỉ đạo các NHTM điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tài sản có, đăng ký tăng trưởng tín dụng với NHNN trên đảm bảo đúng các quy định về tỷ lệ an toàn và tăng trưởng tín dụng dưới 20% của NHNN.
Đây là một yêu cầu khắc nghiệt đối với các ngân hàng, và nếu thực hiện đúng theo nội dung này, thu nhập tín dụng của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng và dòng tiền vào thị trường chứng khoán bị co hẹp mạnh.
(4) Liên quan đến tín dụng bằng ngoại tệ, NHNN cũng đưa ra mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ dưới 20%, chỉ bằng một nửa so với năm 2010. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ là một trong những nỗ lực nhằm giảm tình trạng đô la hóa đang ở mức quá cao hiện nay.
(5) Về tỷ giá, NHNN cũng đã hàm ý sử dụng một số công cụ phái sinh để giúp ngân hàng và doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro ngoại tệ.
Đáng chú ý hơn là sau nhiều năm, NHNN đã đề cập trở lại biện pháp “kết hối ngoại tệ”, được triển khai ngay với các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và có thể sau đó là các các tổ chức khác và thậm chí cá nhân.
Rất có thể biện pháp này chỉ được NHNN sử dụng trong trường hợp rất cần thiết, vì sẽ gây tác dụng tiêu cực lên tâm lý nếu thực hiện trên diện rộng.
Về dài hạn, các chính sách đề ra trong Nghị quyết 11 nhằm mục tiêu giải quyết các bất ổn vĩ mô hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng khá lớn đến các hoạt động kinh tế và xã hội.
Các biện pháp trong Nghị quyết 11 và triển khai cụ thể của NHNN là một rào cản lớn đối với dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Ngay cả khi giới đầu tư vay tiền dưới danh nghĩa khác để đầu tư thì dòng tiền này cũng không đủ lớn để kích thích thị trường tăng trưởng mạnh.
Có thể thấy đây là một dấu hiệu báo trước cho một năm 2011 nhiều khó khăn đối với thị trường chứng khoán.
Hoàng Nam
|