Thứ Ba, 01/02/2011 08:15

Biến động giá lương thực thế giới và lạm phát của Việt Nam

(Vietstock) - Nhiều cảnh báo cho rằng năm 2011, giá lượng thực thế giới sẽ tiếp tục tăng cao và gây sức ép lạm phát ở hầu hết các quốc gia. Bài viết này đánh giá các nguy cơ từ việc tăng giá lương thực và thảo luận một vài chính sách để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.

Giá lương thực trên thế giới có xu hướng tăng mạnh

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá cả của 55 mặt hàng lương thực liên tục tăng trong 6 tháng cuối năm 2010 và đến tháng 12 đã lên 214.7 điểm, cao hơn mức đỉnh 213.5 vào tháng 6/2008. Chỉ số giá đường và giá thịt, giá ngô đều tăng lên mức kỷ lục mới.

Chỉ số giá ngũ cốc cũng tăng lên 237.6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Chỉ số giá dầu ăn tăng lên 263 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, còn chỉ số giá các sản phẩm từ sữa đã tăng lên 208.4 điểm, cao hơn khá nhiều so với trước đó.

Trong vài tháng qua, giá lúa mì, ngô, và nhiều loại lương thực khác trên thị trường quốc tế đã tăng tới 40% trong khi giá đường, bơ và bột sắn đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Biến động giá lương thực đang gây nên mối quan ngại ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều người đang nghĩ rằng cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 và 2008 có thể lặp lại trong năm nay.

Nguyên nhân là do sản lượng giảm và hệ quả của việc giải cứu kinh tế

Hiện tượng mất mùa cùng với chính sách xuất khẩu của những nước xuất khẩu lương thực lớn là nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự biến động mạnh của giá lương thực.

Năm 2011, thời tiết biến động mạnh và hiện tượng La Nina tiếp tục hoành hành nên sản lượng lương thực thế giới được dự báo là sẽ sụt giảm.

Mỹ hạ ước tính sản lượng các loại ngũ cốc của Mỹ và Argentina, nơi mùa màng đang bị ảnh hưởng nặng bởi điều kiện thời tiết khô nóng. Những dự báo về việc lượng dự trữ ngũ cốc của Mỹ giảm cũng đẩy giá kỳ hạn các mặt hàng thịt gia súc và thịt lợn tại nước này tăng mạnh.

Trong khi đó, Australia - một trong bốn nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng lụt lội. Lũ lụt ở Australia cũng làm giảm 20% sản lượng đường của nước này trong năm vừa qua.

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi một số nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu như Nga và Ukraine hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, khiến các nước nhập khẩu ở Trung Đông và Bắc Phi buộc phải thực hiện đầu cơ.

Ngoài ra, đồng USD mất giá cũng được cho là một nguyên nhân đẩy giá lương thực thế giới lên cao. Đây là hệ quả của các chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng và duy trì lãi suất thấp của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều gì sẽ xảy ra nếu giá lương thực tiếp tục tăng cao?

Khi giá lương thực leo thang, chắc chắn những nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. FAO cho rằng khi đó sẽ có khoảng 100 nước nghèo thuộc khu vực châu Á và châu Phi phải hứng chịu những tác động nặng nề, hơn 100 triệu người lâm vào cảnh thiếu đói. Người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì chi tiêu của họ cho miếng ăn hằng ngày chiếm phần lớn hơn trong khoản thu nhập của gia đình so với người dân ở các nước phát triển.

Các quốc gia như Bangladesh, Morocco và Nigeria ở hàng đầu danh sách “gặp nguy hiểm”. Tình trạng suy sinh dưỡng, bất ổn có thể gia tăng mạnh ở những quốc gia này. Tình trạng bất ổn xã hội đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2008.

Giá lương thực tăng cao có thể khiến lạm phát bùng nổ ở một số nước. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đang phải đương đầu với tình trạng lạm phát lương thực hai con số. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.

Phản ứng của một số quốc gia

Hiện nay, lạm phát giá lương thực đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách. Các nền kinh tế trong nhóm G20 đã cam kết sẽ hành động để đối phó với vấn đề này và nhiều nước cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát giá hoặc tăng nguồn cung lương thực để trấn an người tiêu dùng.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn cách ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh lở mồm long móng, nhân tố đang đẩy giá thịt tăng cao. Trong khi đó, Thái Lan cũng quyết định tăng lãi suất do áp lực lạm phát giá hàng hóa tăng cao.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để chống lạm phát. Và thế giới cũng lần đầu tiên chứng kiến tỉ lệ lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao so với tỉ lệ mục tiêu của khối trong hơn hai năm qua.

Một số nhà kinh tế bày tỏ quan ngại cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do tầm nhìn yếu kém của các chính phủ. Các phản ứng trước đợt khủng hoảng lương thực hiện nay đều rơi vào bế tắc do chính sách của các nước xuất khẩu lương thực, ví dụ như cấm xuất khẩu.

Việc cấm xuất khẩu này sẽ khiến nguồn cung thế giới suy giảm và nông dân không có động cơ để đầu tư thêm để tăng năng suất tạo ra nhiều lương thực hơn. Các nước nhập khẩu lương thực tìm cách đi thuê đất, sở hữu đất ở nơi khác, trồng trọt và chuyển lương thực về nước mình.

Dự báo giá lương thực năm 2011 tiếp tục tăng cao

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng giá lương thực năm 2011 sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng dường như đều đồng thuận rằng giá một số mặt hàng sẽ không tăng vọt như năm 2008.

Cơ sở cho dự báo này là các quốc gia sẽ có những chính sách phù hợp để đối phó với hiện tượng tăng giá lương thực. Ngoài ra, một lý do đơn giản khác là giá lương thực trong năm 2010 đã tăng quá mạnh và ít có khả năng tiếp tục duy trì được đà tăng mạnh trong năm 2011.

Tuy nhiên, một số nhận định khác lại lo ngại về sự tăng lên đột biến của giá dầu và các nguyên liệu thô. Hiện tại, giá dầu dao động quanh mức 90 USD/thùng, tăng không nhiều trong năm vừa qua và ít có dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ giảm mạnh, mà ngược lại có thể vượt qua mốc 100 USD/thùng.

Trong trường hợp xấu nếu chiến tranh ở Iran nổ ra thì giá dầu có thể vượt qua mức kỷ lục 150 USD/thùng. Giá dầu tăng sẽ khiến giá lương thực tăng theo do chi phí sản xuất và vận chuyển.

Chính sách nào để giảm thiểu ảnh hưởng?

Có thể  thấy nguy cơ lạm phát giá lương thực là một trong những vấn đề ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới trong năm 2011.

Việt Nam là một quốc gia có tỷ trọng xuất và nhập khẩu lương thực rất lớn so với GDP. Không những vậy, đồng tiền trong nước lại có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền khác. Do đó, sự biến động của giá lương thực thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá lương thực trong nước.

Tỷ trọng lương thực, thực phẩm chiếm đến 40% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), do vậy sức ép lên CPI trong năm 2011 cũng sẽ rất lớn.

Biến động giá lương thực thế giới là vấn đề bất khả kháng đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam cần có một giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đồng thời tận dụng cơ hội.

Ngoài các chính sách tài chính, tiền tệ, đầu tư nhằm kiềm chế lạm phát, chính phủ có thể xem xét giảm thuế một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, để giảm bớt áp lực tăng giá. Cần để ý rằng việc tăng giá lương thực cũng là cơ hội tốt cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Chúng ta có thể thu được nhiều ngoại tệ hơn từ xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, tiêu…

Chính phủ cần đề ra những phương án ứng phó để tránh tình trạng bùng nổ giá gạo gây tâm lý hoang mang cho người dân như năm 2008. Cũng cần tăng cường việc thông tin cho người dân để nắm bắt được biến động giá cả, giảm thiểu hiện tượng đầu cơ làm giá. Mặt khác, các chính sách xuất khẩu gạo cũng phải hết sức thận trọng để có lợi cho người nông dân và cả người tiêu dùng.

Hoàng Nam

Các tin tức khác

>   Tháng 1: Kinh tế vĩ mô chưa cải thiện, khối ngoại vẫn mua ròng 1,556 tỷ đồng (28/01/2011)

>   Lạm phát 2011: Tín hiệu từ CPI tháng 1 và các yếu tố ảnh hưởng (26/01/2011)

>   Loại trừ BVH và MSN, VN-Index chỉ ở mức 483.77 điểm (23/01/2011)

>   HDO: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (19/01/2011)

>   PXS: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   PET: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   Mid cap và Small cap: Đích ngắm đầu tư 2011 (12/01/2011)

>   Vấn đề tỷ giá 2011 - Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước (10/01/2011)

>   TTCK năm 2011: 5 yếu tố tác động xu hướng (05/01/2011)

>   Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc sau một năm thăng trầm (31/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật