Thứ Sáu, 28/01/2011 22:21

Tháng 1: Kinh tế vĩ mô chưa cải thiện, khối ngoại vẫn mua ròng 1,556 tỷ đồng

(Vietstock) – Tháng đầu tiên năm 2011, thị trường ghi nhận dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị mua ròng lên tới 1,556 tỷ đồng. VN-Index tăng nhờ các cổ phiếu có vốn hóa lớn tăng mạnh, trong khi đó HNX-Index lại sụt giảm, phản ánh đúng xu hướng chung của thị trường.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Đà phục hồi của kinh tế thế giới đã được duy trì khá tốt nhưng những vấn đề cốt lõi như thất nghiệp và khủng hoảng nợ công vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Thất nghiệp ở Mỹ vẫn đang còn 9.4%, còn tại châu Âu đang ở mức 10.1%, đặc biệt ở Tây Ban Nha vẫn trên 20%. Điều này cho thấy kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi bền vững. GDP hầu hết các quốc gia đều tăng trưởng nhưng chủ yếu nhờ các chính sách kích cầu và nới lỏng tài khóa, tiền tệ.

Ngân hàng trung ương Mỹ, Anh, Nhật Bản vẫn phải duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục gần 2 năm qua. Không những vậy, các nền kinh tế này đều phải chịu mức thâm hụt ngân sách cao và khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn còn là một mối lo thường trực.

Tại các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2010 hết sức ấn tượng là 9.8%. Tuy nhiên, nước này đang phải chật vật đối phó với tình trạng giá lượng thực tăng cao và lạm phát. Ấn Độ cũng đạt được tăng trưởng GDP đến 8.9%, nhưng lạm phát đang ở mức rất cao.

Tại Đông Nam Á, các nền kinh tế bắt đầu lấy lại được đà phục hồi. GDP năm 2010 của Indonesia tăng đến 3.45%, Malaysia tăng đến 2.4%, Singapore tăng đến 6.9%. Đồng tiền các quốc gia này lên giá khá nhiều so với USD khi dòng ngoại tệ đổ vào mạnh. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á cũng đã kiểm soát khá tốt lạm phát.

Năm 2011, ngoài việc gặp khó khăn do chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng, thế giới còn phải đối phó với những lo ngại về giá lương thực tiếp tục tăng cao. Những tháng cuối năm 2010, giá lương thực đã tăng mạnh và được dự báo còn tiếp tục tăng trong năm 2011. Cần lưu ý rằng năm 2011, hiện tượng thời tiết La Nina sẽ ảnh hưởng mạnh đến thời tiết nhiều khu vực và làm sản lượng lương thực thế giới sụt giảm.

Giá dầu thô hiện tại đang được giao dịch quanh mức 90 USD/thùng và được dự báo là có thể lên mức 100 USD/thùng trong năm 2011.

Như vậy, bức tranh kinh tế thế giới năm 2011 vẫn còn nhiều dấu hiệu chưa lạc quan, dù nhìn chung các nền kinh tế duy trì được tăng trưởng khá tốt. Mới đây, IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2011 có thể tăng 4.4% thay vì mức 4.2% như dự báo trước đó.

Thực tế trên thị trường chứng khoán đã phản ứng kỳ vọng này. Hầu hết các chỉ số chứng khoán đều phục hồi khá mạnh trong 3 tháng gần đây. Các chỉ số chứng khoán Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đều tăng trên 10%. Đặc biệt các thị trường như Argentina, Nga đều tăng hơn 20%. Thị trường chứng khoán các quốc gia có nguy cơ khủng hoảng nợ công như Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp cũng tăng khá mạnh trong tháng 1/2011.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Lạm phát tháng 1/2011 đã tăng cao hơn so với dự báo, tỷ giá tương đối ổn định nhưng đã diễn ra cuộc chạy đua lãi suất huy động USD trên thị trường.

Lãi suất sẽ giảm từ tháng 2?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1/2011 tăng 1.74%, cao hơn khá nhiều so với CPI  tại Hà Nội và TPHCM được công bố trước đó. Mức tăng này cũng vượt trội so với mức 1.36% của năm 2010. Đây cũng là mức cao thứ hai so với cùng kỳ từ giai đoạn tự 1996 đến nay (tháng 2/2008 tăng 2.38%).

Xét từng mặt hàng cụ thể, hai mặt hàng có mức tăng cao nhất trong tháng 1 là giáo dục tăng gần 3%, tiếp theo là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2.47%. Các nhóm hàng khác như may mặc, giày dép, đồ uống, thuốc lá, điện nước, vật liệu xây dựng cũng tăng rất mạnh.

CPI tháng 1 tăng mạnh phát đi tín hiệu và sức ép lạm phát năm 2011, đặc biệt khi lạm phát đang bị kìm nén bởi giá xăng dầu, điện nước (vốn chuẩn bị tăng). Thêm vào đó, giá lương thực thế giới được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011 do thay đổi thời tiết và mất mùa.

Với sức ép lạm phát cao thì lãi suất khó có khả năng giảm nhanh chóng. Thông tin mới đây từ Thống đốc NHNN cho biết sẽ giảm lãi suất nếu CPI tháng 2/2011 quanh mức 1.4%. Đây là một tín hiệu cho thấy NHNN cũng đang rất ”nóng ruột” với tình trạng lãi suất cao hiện nay.

Liệu CPI tháng 2 sẽ tăng 1.4% hay cao hơn? Thống kê của chúng tôi cho thấy kể từ năm 1990 đến nay, lạm phát tháng 2 tăng dưới 1.4% chỉ duy nhất trong hai năm 2001 và 2009. Lưu ý rằng đây là 2 năm hết sức đặc biệt. Ngay cả những năm lạm phát cả năm chỉ khoảng 3-4% thì CPI tháng 2 cũng từ 1.5-2%.

Tỷ giá đi về đâu?

Có thể việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết vì hiện nay hầu hết các giao dịch thực tế đều dùng tỷ giá thị trường. Nếu tình trạng chênh lệch kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và gây khó khăn cho các doanh nghiệp và ngân hàng trong giao dịch.

Trong suốt hơn 1 tháng qua, tỷ giá được giao dịch ổn định quanh mức 21,000 VND/USD và mới đây NHNN cho biết là dòng ngoại tệ vào Việt Nam trong thời gian qua khá mạnh. Như vậy, có thể xem đây là bước ”chuẩn bị tâm lý” cho một đợt điều chỉnh tỷ giá chính thức.

Tính toán của chúng tôi cho thấy dòng ngoại tệ ròng đổ vào Việt Nam năm 2010 vẫn dương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải chịu thâm hụt cán cân thanh toán. Sở dĩ xuất hiện điều này là do tình trạng đô la hóa của nền kinh tế đã tăng mạnh và lòng tin vào động nội tệ suy giảm.

Nguyên nhân của tình trạng đô la hóa mạnh và lòng tin người dân suy giảm xuất phát từ một loạt các bất ổn vĩ mô trong nước và các giải pháp điều hành chưa nhất quán.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết và tác động thực tế là tích cực đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, khi điều chỉnh tỷ giá thì yếu tố tâm lý sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

III. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THÁNG 1/2011

Tháng đầu tiên năm 2011, thị trường ghi nhận dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị mua ròng lên tới 1,556 tỷ đồng. VN-Index tăng nhờ các cổ phiếu có vốn hóa lớn tăng mạnh, trong khi đó HNX-Index lại sụt giảm, phản ánh đúng xu hướng chung của thị trường.

BVH, MSN, PVF kéo VN-Index

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1/2011, VN-Index đóng cửa ở mức 510.6 điểm, tăng 5.35% so với phiên cuối cùng của năm 2010. Mặc dù VN-Index tăng mạnh nhưng giá trị giao dịch giảm so với tháng trước, với giá trị bình quân mỗi phiên chỉ đạt 941 tỷ đồng.

Việc VN-Index tăng mạnh chủ yếu là do sự chi phối của một số mã cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn. Thống kê của chúng tôi cho thấy trong tháng 1, BVH tăng đến 37.98% đóng góp  3.12%;  MSN tăng 14.67%, đóng góp 1.15%; PVF tăng 29.36% đóng góp 0.7% vào mức tăng của VN-Index. Như vậy, tổng cộng 3 cổ phiếu dẫn đầu trong nhóm tăng này đã đóng góp toàn bộ mức tăng của VN-Index trong tháng.

Ngoài 3 cổ phiếu tăng mạnh ở trên, chúng ta còn thấy xuất hiện làn sóng tăng khá mạnh của một số bluechips khác như VNM, DPM, HAG, KBC, SJS, VCB. Đây đều là những cổ phiếu lớn nằm trong danh mục đầu tư của khối ngoại.

Chứng khoán, ngân hàng đẩy lùi HNX-Index

HNX-Index đã giảm 6.66% trong tháng 1, về mức 106.63 điểm. Như vậy kể từ khi tạo đáy ngày 22/11/2010, chỉ số này mới chỉ tăng 8.96%. Cùng với sự sụt giảm của thị trường, giá trị giao dịch trên HNX cũng sụt giảm mạnh, trung bình mỗi phiên chỉ đạt 465 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán gần như chi phối toàn bộ chỉ số HNX-Index. ACB giảm 7% kéo theo HNX-Index giảm 1.26%, NVB giảm 13.33%, làm chỉ số giảm 0.35%. Các cổ phiếu chứng khoán là VND, BVS, KLS cũng giảm khá mạnh.

Biến động của các nhóm ngành trong tháng 1/2011

Tháng 1: Khối ngoại mua ròng 1,556 tỷ đồng

Trong tháng 1, khối ngoại đã mua ròng 1,556 tỷ đồng, bao gồm 1,425 tỷ đồng trên HoSE và 131 tỷ đồng trên HNX. Việc khối ngoại mua ròng mạnh trên HoSE và tập trung vào một số cổ phiếu bluechips đã có ảnh hưởng mạnh đến VN-Index.

Trên HoSE, cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 1 là HAG với giá trị lên đến 217 tỷ đồng, tiếp theo là PVD 151 tỷ đồng, DPM 146 tỷ đồng, VCB với 126 tỷ đồng, KBC 106 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến VN-Index trong tháng là BVH và MSN lần lượt được khối ngoại mua ròng 94 tỷ và 38 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý là giao dịch khối ngoại chiếm phần lớn trong giao dịch của 2 mã cổ phiếu này.

Cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VIC (123 tỷ đồng), tiếp theo là FPT (32 tỷ đồng), CTD (24 tỷ đồng).

Trên HNX, VCG đứng đầu danh sách mua ròng với giá trị 23.6 tỷ đồng, PVX 23 tỷ đồng, PVS 21 tỷ đồng và KLS 20 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh DBC và BVS với giá trị lần lượt là 9.4 tỷ và 6 tỷ đồng.

IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG THÁNG 1/2011

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Lạm phát 2011: Tín hiệu từ CPI tháng 1 và các yếu tố ảnh hưởng (26/01/2011)

>   Loại trừ BVH và MSN, VN-Index chỉ ở mức 483.77 điểm (23/01/2011)

>   HDO: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (19/01/2011)

>   PXS: Company Visit Notes – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   PET: Báo cáo phân tích cổ phiếu – Tháng 01/2011 (18/01/2011)

>   Mid cap và Small cap: Đích ngắm đầu tư 2011 (12/01/2011)

>   Vấn đề tỷ giá 2011 - Quả bóng trong chân Ngân hàng Nhà nước (10/01/2011)

>   TTCK năm 2011: 5 yếu tố tác động xu hướng (05/01/2011)

>   Kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc sau một năm thăng trầm (31/12/2010)

>   GMD: Báo cáo phân tích cổ phiếu Tháng 12/2010 (04/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật