Thứ Ba, 04/01/2011 09:56

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

GMD: Báo cáo phân tích cổ phiếu Tháng 12/2010

CTCP ĐẠI LÝ LIÊN HIỆP VẬN CHUYỂN (GEMADEPT)

Mã chứng khoán HOSE: GMD. Ngành: Vận tải – Kho bãi. Khuyến nghị: MUA

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của GMD đã qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Các thông tin kém lạc quan đã được chiết khấu vào giá cổ phiếu và nhiều khả năng đà giảm giá sẽ không kéo dài trong thời gian tới.

Kinh tế thế giới có nhiều khả năng phục hồi từ giữa năm 2011. Kinh tế trong nước sẽ khả quan hơn từ quý 1/2011 khi chính sách thắt chặt tiền tệ bớt căng thẳng. Điều này tạo điều kiện cho ngành hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành vận tải tăng trưởng trở lại.

Theo đánh giá của chúng tôi, hai yếu tố quan trọng là giá cước vận tải và sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng TPHCM vẫn đang có xu hướng tăng trở lại làm tăng giá trị thu nhập của mảng vận tải và khai thác cảng. 

Trong dự phóng của chúng tôi vẫn chưa tính đến đóng góp của các dự án đầu tư cảng tại Phnom Penh, rừng cao su ở Campuchia và khu phức hợp tại Lào vì thời gian thực hiện còn khá dài.

Chúng tôi vẫn chưa ước lượng những yếu tố đột biến của GMD bao gồm khả năng hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính trong trường hợp thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực.

Với quan điểm thận trọng, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GMD vào năm 2010 lần lượt đạt 2,097 tỷ đồng và 169.6 tỷ đồng. Như vậy EPS 2010 ước đạt 2,381 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa ngày 24/12/2010 là 33,000 đồng/cp, P/E và P/B forward năm 2010 tương ứng đạt 13.9x và 0.9x.

Định giá mục tiêu 6 tháng của cổ phiếu GMD sau khi phát hành thêm hoàn toàn có thể đạt 42,000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá ngày 24/12/2010 là 33,000, mức sinh lời kỳ vọng là 27%.

Dựa vào đặc điểm hoạt động kinh doanh có thể phục hồi nhanh và giá cổ phiếu có mức độ tương quan lớn với VN-Index, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để MUA cổ phiếu GMD.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Ngành vận tải đang đi ngang ở vùng đáy và có khả năng phục hồi vào năm 2011. Dưới tác động của khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc, giá cước vận tải hàng rời quốc tế (Baltic Dry Index) tính đến tháng giữa 12/2010 đã sụt giảm 30% so với đầu năm 2010. Với mức giá cước hiện tại chỉ đảm bảo mức hòa vốn cho các doanh nghiệp trong ngành. Các yếu tố tiêu cực lên ngành vận tải biển đang khó có khả năng duy trì, vì vậy, ngành vận tải tải biển đang ở vùng đáy.

Qua phân tích trên, chúng tôi kỳ vọng ngành vận tải biển sẽ có cơ hội tăng trưởng từ giữa năm 2011 song hành cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp lớn trong ngành nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trước kinh tế nhờ vào việc tích lũy nguyên vật liệu của các nước nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm đón đầu đà phục hồi.

Nhu cầu vận tải hàng hóa nội địa và khu vực bằng đường biển sẽ gia tăng mạnh. Hệ thống đường bộ trong nước và một số nước trong khu vực đang xuống cấp, đường sắt đang bị quá tải và khả năng kết nối giữa các nước còn bị hạn chế. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn phương thức vận tải đường biển phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, lượng tàu chuyên vận tải container trong nước đang thiếu hụt. Đây là cơ hội cho GMD tiếp tục phát triển trong các năm sắp tới.

Hệ thống cảng phân bổ cả 3 miền, khai thác cảng duy trì doanh thu ổn định. Mặc dù các cảng của GMD đang chịu áp lực cạnh tranh nhưng nhờ vào vị trí thuận tiện nên sản lượng hàng hóa thông quan không biến động mạnh. GMD đang khai thác hệ thống cảng biển phân bố cả 3 miền. Điều này sẽ giúp hạn chế lượng tàu vận tải hàng 1 chiều, và giúp mở rộng tầm hoạt động của đội tàu.

GMD hoàn tất việc mua lại CTCP Cảng Nam Hải – Hải Phòng vào tháng 11/2010. Về dài hạn, Cảng Nam Hải sẽ đóng góp khá lớn vào hiệu quả hoạt động của GMD. Chúng tôi ước tính mức lợi nhuận sau thuế của GMD từ năm 2011 có thể tăng hơn 38 – 45 tỷ đồng/năm sau khi mua lại Cảng Nam Hải.

Dịch vụ vận tải khép kín. Chúng tôi nhận thấy GMD đang nỗ lực cung cấp dịch vụ vận tải khép kín từ vận tải đa phương tiện, đại lý vận tải, dịch vụ kho bãi… đến logistics. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị gia tăng qua từng khâu.

Tập trung đầu tư các dự án mang lại hiệu quả cao hơn. Chúng tôi đánh giá cao việc GMD cắt giảm đầu tư vào các dự án không đem lại hiệu quả và tập trung vào các dự án như cảng GemadeptLink – Cái Mép, Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất… Bên cạnh đó, việc mua lại CTCP Cảng Nam Hải theo chúng tôi là bước đi quan trọng trong chiến lược nâng cao hiệu quả hoạt động của GMD kể từ năm 2011.

Các dự án mới đi vào hoạt động bước đầu mang hiệu quả khá cao. Hiện GMD có hai dự án đã bước đầu đi vào hoạt động là Schenker GMD Logistics và Ga hàng Hóa Tân Sơn Nhất đều mang lại hiệu quả cao.

RỦI RO ĐẦU TƯ

Hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Các dịch vụ và khách hàng của GMD phần lớn liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. Do đó, hoạt động kinh doanh của GMD phụ thuộc nhiều vào biến động của kinh tế thế giới.

Giá cước vận tải biển hiện vẫn đang chưa thực sự tăng trưởng ổn định trước các biến động kinh tế vĩ mô. GMD hoạt động vận tải cả trên tuyến nội địa lẫn khu vực, do đó triển vọng của GMD tham chiếu khá chặt chẽ với biến động cước vận tải.

Áp lực tỷ giá và lãi suất. Tỷ lệ nợ vay bằng ngoại tệ cao khiến cho GMD dễ rơi vào tình trạng khó khăn trước biến động của tỷ giá và lãi suất. Việc lãi suất tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2010 khiến cho chi phí lãi vay tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực lên kết quả hoạt động của GMD. Từ đầu năm 2010 đến nay, NHNN đã 2 lần nới rộng tỷ giá đồng Việt Nam tổng cộng 5.7% càng tăng làm gánh năng chi phí tài chính.

Nhiên liệu tăng cao khiến hiệu quả hoạt động sụt giảm. Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp vận tải biển. Trong thời gian qua, chi phí nhiên liệu có xu hướng tăng cao, giá dầu thô dao động quanh mức 80-90 USD/thùng. Trong khi đó, giá cước vận tải vẫn chưa phục hối khiến cho tỷ suất sinh lời của hoạt động vận tải biển vẫn đang ở mức thấp.

Giá cước vận tải đang ở mức thấp, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng vận tải 2 chiều. Khó khăn hiện tại của GMD là cước phí vận chuyển không cao hơn so với điểm hòa vốn. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm được nguồn hàng vận tải 2 chiều cũng đang gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực khai thác cảng. Làn sóng đón đầu cụm cảng Cái Mép, Bà Rịa-Vũng Tàu đã khiến cho hoạt động của ICD Phước Long ảnh hưởng khá mạnh. Tuy nhiên, với lợi thế nằm trong TPHCM, sát với đường quốc lộ nên Phước Long ICD vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nhiều hãng tàu.

Liên tục đầu tư cho các dự án dài hạn tạo sức ép lên dòng tiền. Các dự án đầu tư của GMD đều dài hạn, từ 3-4 năm. Trong đó, dự án cảng không thể vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác nên trong khoảng thời gian này sẽ không có thu nhập từ các dự án này. GMD thường xuyên chịu áp lực về thiếu hụt dòng tiền.

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY

GMD hiện hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong đó hoạt động truyền thống là vận tải biển khai thác cảng. Ngoài ra, còn có các hoạt động phụ trợ như đại lý vận tải, logistics, bất động sản và đầu tư tài chính.

Hoạt động vận tải biển: GMD tham gia trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế lẫn nội địa. GMD đang khai thác đội tàu gồm 8 tàu viễn dương với tổng trọng tải chuyên chở trên 82,000 tấn, tương ứng với khoảng 5,500 TEUs. Độ tuổi của đội tàu tập trung chủ yếu từ 12-13 tuổi, khá trẻ so với trong nước và trong khu vực.

GMD sỡ hữu 12 tàu sông cấp S1 và S2 với trọng tải từ 54-75 TEUs chuyên vận tải container nội địa và Campuchia. GMD đang dẫn đầu các doanh nghiệp trong nước với thị phần 48% tuyến vận tải Sài Gòn/ Cần Thơ/ Phnom Penh.

Khai thác cảng và logistics: GMD đang khai thác các cảng ICD Phước Long (TPHCM), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) và cảng Nam Hải (khu vực cảng Hải Phòng). Hiện tại, GMD là doanh nghiệp dẫn đầu trong hoạt động ICD ở khu vực TPHCM.

GMD hiện có 6 nhà kho với tổng sức chứa lên tới 24,000 kiện hàng (pallets). GMD tham gia hoạt động logistics thông qua 2 công ty là Gemadept Logistics và CTCP Schenker Gemadept Vietnam với sự góp vốn của Schenker (59%), công ty lớn thứ hai thế giới trong lĩnh vực logistics, và GMD (41%).

Đại lý vận tải: Đây là dịch vụ của GMD nhận sự ủy thác của chủ tàu quản lý quá trình xuất nhập hàng lên tàu và giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan… Doanh thu của hoạt động này chủ yếu là phí hoa hồng dịch vụ. Hiện tại đã có các công ty vận tải biển lớn như OOCL (HongKong), Sinokor (Hàn Quốc), ISS (Anh) và MISC Berhand (Malaysia) sử dụng dịch vụ đại lý giao nhận của GMD.

Bất động sản (cao ốc văn phòng): GMD hiện đang khai thác cao ốc văn phòng Gemadept Tower (The Nomad) ở đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM. Diện tích sàn cho thuê là 12,000 m2 và trong 2 năm qua tỷ lệ lấp đầy luôn đạt gần 100%.

Ngoài ra, công ty đang góp vốn đầu tư vào dự án tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng Lê Lợi Tower với vị trí gần chợ Bến Thành, với diện tích khu đất 5,650 m2, diện tích sàn 73,500 m2 và tổng giá trị đầu tư 75 triệu USD, trong đó GMD đóng góp 40%. Dự án này đã hoàn thành công tác đền bù giải tỏa, có giấy phép xây dựng. Hiện dự án đang hoàn thành phần thiết kế chi tiết, dự kiến khởi công vào năm 2011.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Hoạt động vận tải biển chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, nhưng tỷ suất sinh lời không cao. Hoạt động vận tải biển vẫn là ngành nghề mang lại nguồn thu chính cho GMD trong những năm vừa qua. Vận tải biển chiếm tỷ trọng trên 62% doanh thu trong 2 năm vừa qua và đóng góp 61.7% doanh thu 9 tháng đầu năm 2010.

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của vận tải biển liên tục sụt giảm trong 2 năm qua trước tình hình kinh tế khủng hoảng. Có thể thấy hoạt động vận tải biển là ngành có tỷ suất sinh lời thấp nhất trong các ngành nghề kinh doanh chính của GMD.

Ngành nghề kinh doanh truyền thống chưa cải thiện. Tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm của ngành vận tải biển bị sụt giảm do ảnh hưởng chủ yếu từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc. Điều này khiến cho giá cước, khối lượng hàng hóa giảm mạnh và mất cân đối giữa điểm đi và điểm đến...

Tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2010 của hoạt động vận tải biển chỉ đạt 6.1% so với mức 9.2% cùng kỳ năm 2009.

Hoạt động khai thác kho bãi có sự cải thiện nhẹ khi tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm đạt 16.8% so với mức 12.7% cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2010, GMD phải trả lại ICD Phước Long 2 và đầu tư ICD Phước Long 3. Điều này làm gián đoạn hoạt động kho bãi trong ngắn hạn vì vị trí của ICD Phước Long 3 thuận lợi cho việc tiếp nhận tàu lớn.

Chúng tôi cho rằng 2 lĩnh vực truyền thống của GMD sẽ có những cải thiện đáng kể từ quý 4/2010, khi nhu cầu luân chuyển hàng hóa, dịch vụ kho bãi tăng cao vào dịp cuối năm.

Hoạt động đại lý vận tải và cho thuê cao ốc văn phòng đang gặp khó khăn. Tỷ suất lợi nhuận gộp của 2 mảng này đang sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2009.

Rào cản gia nhập ngành này là rất thấp, hiện có gần 1,000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đại lý vận tải tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp cạnh tranh bằng hình thức giảm chi phí hoa hồng. Do đó, mảng kinh doanh đại lý vận tải đang gặp nhiều khó khăn, tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm trong 9 tháng đầu năm 2010 xuống còn 62.7%.

Giá cho thuê văn phòng tại TPHCM đang sụt giảm mạnh trước tình trạng dư thừa cung. Mặc dù tỷ lệ lấp đầy của Germadept Tower luôn đạt trên 95% nhưng GMD buộc phải gia tăng tỷ lệ chiết khấu để “giữ chân khách hàng”.

Nguồn thu của hoạt động này chủ yếu là USD. Trong năm 2010, tỷ giá USD/VND tăng 5.7% nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2010 sụt giảm xuống còn 67.4%. Như vậy, lợi thế cho thuê văn phòng với chi phí thấp của GMD đang có dấu hiệu suy giảm.

Đầu tư vào công ty liên doanh bước đầu thu được kết quả. Doanh thu từ hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm 2010 tăng mạnh 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn tăng này chủ yếu đến từ các liên doanh bắt đầu ghi nhận lợi nhuận trong năm 2010. Chúng tôi cho rằng hoạt động của các liên doanh của GMD sẽ đóng góp cao hơn trong năm 2011.

Hoạt động đầu tư tài chính vẫn còn khó khăn. Tính đến 30/09/2010, tổng giá trị khoản mục đầu tư cổ phiếu ngắn và dài hạn của GMD là 603 tỷ đồng với cơ cấu 60% ngắn hạn và 40% dài hạn.

Trong đó, tổng mức dự phòng đầu tư cổ phiếu là 75.3 tỷ đồng, tức là chiếm 12% trong khoản mục đầu tư đầu tư cổ phiếu.

Với diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán trong thời gian qua thì khả năng đem lại lợi nhuận đột biến hay ghi nhận hoàn nhập dự phòng là rất thấp.

PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2009. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động vận tải biển (tăng 8%) và khai thác cảng biển (tăng 11%). Nguồn thu từ hoạt động đại lý vận tải tăng mạnh 54% nhưng đóng góp nhỏ trong cơ cấu doanh thu. Như vậy, doanh thu của GMD chỉ mới đạt 81% kế hoạch năm 2010.

Doanh thu và Tăng trưởng doanh thu

Lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận gộp

Nguồn: GMD

Nguồn: GMD

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2010 giảm mạnh. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2010 tăng 10% nhưng lợi nhuận sau thuế của GMD chỉ đạt 114 tỷ đồng tức giảm 53.6% so với cùng kỳ 2009. Ngoài nguyên nhân tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm thì chi phí tài chính tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu khiến cho lợi nhuận của GMD sụt giảm.

Việc sử dụng vốn ngoại sinh đầu tư mở rộng hoạt động nhanh và dàn trải khiến cho kết quả hoạt động của GMD dễ bị tổn thương trước các biến động động của lãi suất và tỷ giá.

 

Lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận gộp

Nguồn: GMD

Cơ cấu chi phí cao hơn so với các công ty khác trong ngành. Việc GMD có tổng chi phí cao hơn so với các doanh nghiệp khác trong ngành hoàn toàn không xuất phát từ việc kém hiệu quả trong quản lý chi phí. Nguyên nhân chính là do GMD có quy mô và đa dạng lĩnh vực hoạt động hơn các công ty trong ngành.

Đáng chú ý là chi phí tài chính tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2010 lên 162.2 tỷ đồng so với mức 9.4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính xuất phát từ chi phí lãi vay, dự phòng/lỗ đầu tư tài chính. Đây được xem là một yếu tố rủi ro khá lớn cho GMD trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Tỷ suất sinh lời cải thiện nhưng chưa ổn định và thấp hơn so với ngành. Nhờ vào việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính và định giá lại tài nên tỷ suất sinh lời của GMD cải thiện trong năm 2009. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào hoạt động đầu tư khiến tỷ suất sinh lời của GMD chưa thực sự ổn định.

Tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2010 đạt 14.9% so với mức 17.4% cùng kỳ 2009. Giá nhiên liệu tăng trong thời gian qua khiến giá vốn hàng bán của GMD có xu hướng tăng.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) và vốn chủ sở hữu (ROEA) 9 tháng đầu năm 2009 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do chi phí lãi vay tăng 71% so với cùng kỳ 2009 lên mức 87 tỷ đồng và khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính lên tới 25 tỷ đồng. Như vậy, chi phí tài chính 9 tháng đầu năm 2010 tăng lên 162 tỷ đồng, tăng 280% so với cùng kỳ 2009.

Tỷ suất sinh lời của GMD

So sánh tỷ suất sinh lời của công ty cùng ngành

Nguồn: GMD

Nguồn: GMD

So với mặt bằng chung các doanh nghiệp cùng ngành thì hiệu quả hoạt động của GMD còn khá thấp. Sỡ dĩ như vậy vì hoạt động đầu tư vào một số dự án không đem lại hiệu quả cao như mong đợi, cùng với mảng hoạt động cốt lõi vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Phụ thuộc nhiều vào nợ vay. Trong những năm vừa qua, GMD huy động khá nhiều vốn ngoại sinh để mở rộng hoạt động sang nhiều ngành nghề mới và đầu tư trẻ hóa đội tàu.

Chính sách thắt chặt tiền tệ có thể kéo dài trong thời gian tới và lãi suất vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến cho chi phí lãi vay có thể tiếp tục tăng đột biến, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

So với các công ty cùng ngành thì GMD đang có tỷ lệ vay nợ khá cao do vẫn đang tiếp tục đầu tư các dự án khá lớn. Tỷ lệ vay nợ cao sẽ khiến cho chi phí lãi vay trong các năm tới ở mức cao. Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn huy động tài trợ cho các dự án đang thực hiện có thể gặp khó khăn.

Tỷ lệ vay nợ của GMD

So sánh tỷ lệ vay nợ của các công ty cùng ngành

Nguồn: GMD

Nguồn: GMD

Việc mở rộng đầu tư tạo áp lực khá lớn lên dòng tiền. Trong 3 năm vừa qua, GMD đầu tư khá mạnh mẽ vào việc mở rộng và đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư luôn âm, đáng chú ý là hoạt động góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết chiếm tỷ trọng cao.

Trong khi đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh không thể bù đắp được nhu cầu đầu tư. GMD sử dụng hoạt động tài trợ từ vốn ngoại sinh để hỗ trợ nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh là điều tất yếu.

Mua lại CTCP Cảng Nam Hải sẽ giúp cải thiện hoạt động của GMD từ 2011. GMD vừa hoàn tất việc phát hành 396 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 11/2010. Lượng trái phiếu phát hành nhằm hoàn đổi 69.98 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu của CTCP Cảng Nam Hải. Như vậy, sau khi hoán đổi GMD nắm giữ 99.98% cổ phần của Cảng Nam Hải

Việc mua lại Cảng Nam Hải không giúp cải thiện nhiều kết quả kinh doanh của GMD trong năm 2010 vì mọi thủ tục chỉ hoàn tất vào tháng 11/2010. Nhưng xét về dài hạn thì thương vụ này, với vai trò là công ty con của GMD thì Cảng Nam Hải sẽ giúp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh một cách đáng kể.

Trong năm 2009, Cảng Nam Hải chỉ hoạt động 57% công suất và đạt lợi nhuận sau thuế đạt 43.58 tỷ đồng trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng với sự nhộn nhịp ở khu vực Cảng Hải Phòng thì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân của Cảng Nam Hải có thể đạt 20% -30%. 

Sau khi hoàn tất việc mua lại thì lợi nhuận sau thuế của GMD có thể sẽ tăng thêm hơn 40 tỷ đồng từ 2011. Đây là một con số không nhỏ trong giai đoạn hiện tại.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP NĂM 2010 VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU

Doanh thu có thể tăng trưởng ổn định trở lại. Kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ dần phục hồi sau khủng hoảng trong các năm tới. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ gia tăng thúc đẩy các dịch vụ liên quan như vận tải, khai thác, logistics, đại lý vận tải... phát triển. Với hệ thống cảng hiện tại, trong đó ICD Phước Long là cảng chủ lực cùng với đội tàu sẽ giúp cho doanh thu của GMD cải thiện.

Ngành vận tải và các dịch vụ phụ trợ được cải thiện vào quý 4/2010 nhờ vào nhu cầu hàng hóa gia tăng phục vụ dịp cuối năm.

Chúng tôi ước tính hoạt động khai thác cảng và logistics cả năm 2010 sẽ tăng trưởng 10.8% so với 2009 nhờ vào hoạt động tại các cảng duy trì ổn định. Việc đầu tư mở rộng ICD Phước Long 3 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, cảng Demadept Dung Quất cũng bắt đầu khai thác tàu container quốc tế từ 10/2010.

Hoạt động vận tải biển tiếp tục thu được kết quả khả quan với mức tăng trưởng ước tính khoảng 20.6% nhờ vào các khách hàng truyền thống và giá cước ổn định vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này không cao do chi phí nhiên liệu đang gia tăng.

Trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu của hoạt động bất động sản chỉ sụt giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, không quá khó khăn so với mặt bằng chung của thị trường TPHCM. Do đó, chúng tôi cho rằng doanh thu hoạt động bất động sản chỉ tăng trưởng 6.6% nhờ vào việc gia tăng thêm diện tích lấp đầy.

Hoạt động đầu tư tài chính được hưởng lợi từ thị trường phục hồi cuối năm. Trong năm 2009, GMD đã thu hẹp khá nhiều mảng đầu tư tài chính. Năm 2010, GMD xác định mục tiêu sẽ thoái vốn ở các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn trong năm nay khi thị trường tăng trưởng trở lại và chỉ đặt mục tiêu hòa vốn.

Đối với các khoản đầu tư dài hạn, GMD tiếp tục duy trì danh mục đầu tư. Thu nhập từ đầu tư vào công ty liên doanh liên kết sẽ là nguồn bù đắp đáng kể cho đầu tư ngắn hạn.

Liên doanh logistics và ga hàng hóa Tân Sơn Nhất bắt đầu đem lại thu nhập từ 2010. Năm 2010, đánh dấu việc liên doanh của GMD là Schenker Logistics  và Ga hàng hóa Tân Sơn Nhất bắt đầu thu lợi nhuận. Trong 9 tháng đầu năm 2010, hai dự án này đóng góp 40.8 tỷ trong doanh thu hoạt động tài chính.

Cảng GemadeptLink – Cái Mép, cảng Gemadept – Hoa Sen chưa mang lại lợi nhuận. Hai dự án này có thời gian đầu tư dài hạn 4 năm và tỗng mức đầu tư của GMD gần 5,000 tỷ đồng. Trong khi đó, thông thường các dự án cảng chỉ có thể vận hành khai thác sau khi đã hoàn tất việc đầu tư xây dựng. Do đó, trong giai đoạn đầu tư từ 2010-2012, hai dự án này sẽ không đem lại thu nhập cho công ty.

Hai dự án này được cho là đem lại nhiều hiệu quả cho GMD, tuy nhiên mang tính chất đặc thù dài hạn nên đồng nghĩa với việc nhiều rủi ro trong thời gian đầu tư. Theo đánh giá của chúng tôi, rủi ro lớn nhất là áp lực cạnh tranh mở rộng đối tượng khách hàng với các cảng trong khu vực như VICT, SPCT,… vốn đã đi vào hoạt động từ năm 2009, 2010.

LNST năm 2010 dự báo đạt 169.6 tỷ đồng, EPS tương ứng đạt 2,381 đồng/cổ phiếu. Định giá mục tiêu: 42,000 đồng/cp. Khuyến nghị MUA. Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của GMD đã qua khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Các thông tin kém lạc quan đã được chiết khấu vào giá cổ phiếu và nhiều khả năng đà giảm giá sẽ không kéo dài trong thời gian tới.

Kinh tế thế giới có nhiều khả năng phục hồi từ giữa năm 2011. Kinh tế trong nước sẽ khả quan hơn từ quý 1/2011 khi chính sách thắt chặt tiền tệ bớt căng thẳng. Điều này tạo điều kiện cho ngành hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành vận tải tăng trưởng trở lại.

Theo đánh giá của chúng tôi, hai yếu tố quan trọng là giá cước vận tải và sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng TPHCM vẫn đang có xu hướng tăng trở lại làm tăng giá trị thu nhập của mảng vận tải và khai thác cảng. 

Trong dự phóng của chúng tôi vẫn chưa tính đến đóng góp của các dự án đầu tư cảng tại Phnom Penh, rừng cao su ở Campuchia và khu phức hợp tại Lào vì thời gian thực hiện còn khá dài.

Chúng tôi vẫn chưa ước lượng những yếu tố đột biến của GMD bao gồm khả năng hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính trong trường hợp thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực.

Với quan điểm thận trọng, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GMD vào năm 2010 lần lượt đạt 2,097 tỷ đồng và 169.6 tỷ đồng. Như vậy EPS 2010 ước đạt 2,381 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa ngày 24/12/2010 là 33,000 đồng/cp, P/E và P/B forward năm 2010 tương ứng đạt 13.9x và 0.9x.

Định giá mục tiêu 6 tháng của cổ phiếu GMD sau khi phát hành thêm hoàn toàn có thể đạt 42,000 đồng/cổ phiếu. So với mức giá ngày 24/12/2010 là 33,000, mức sinh lời kỳ vọng là 27%.

Dựa vào đặc điểm hoạt động kinh doanh có thể phục hồi nhanh và giá cổ phiếu có mức độ tương quan lớn với VN-Index, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để MUA cổ phiếu GMD.

TRIỂN VỌNG NGÀNH VẬN TẢI BIỂN & KHO BÃI NĂM 2011

Ngành vận tải biển nhiều khả năng vào chu kỳ mới từ cuối 2011. Vận tải biển vẫn đang phục hồi chậm so với các ngành kinh tế khác. Bối cảnh kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2011 vẫn không phải là lực hỗ trợ mạnh cho sự phục hồi của ngành này.

Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng trở lại từ giữa năm 2011. Để có được điều này thì nhu cầu tích lũy các nguyên vật liệu sẽ phải diễn ra sớm hơn. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp vận tải quy mô lớn trong ngành sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn; trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải đợi đến cuối 2011.

Ngành khai thác cảng biển dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động thương mại sẽ có cơ hội tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu dịch vụ cảng tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, dù liên tiếp được đầu tư thêm máy móc và trang thiết bị, nhưng khu vực cảng Hải Phòng và TPHCM hiện vẫn đang trong tình trang quá tải, cung không đủ cầu. Ở TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, các hãng tàu không thể đưa tàu lớn vào làm hàng mà chỉ có thể đưa các tàu nhỏ (feeder) vào gom hàng rồi mới có thể vận chuyển đến nơi xuất khẩu

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Bơm tiền chưa hẳn là giải pháp để hạ lãi suất và ổn định kinh tế (24/12/2010)

>   Năm 2011: Cơ hội đầu tư cổ phiếu theo nhóm ngành (22/12/2010)

>   Kinh tế Việt Nam 2010: Một năm nhìn lại  (21/12/2010)

>   Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 (23/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 1/2011: Ngành Dầu khí (20/12/2010)

>   Năm 2011: Triển vọng các kênh đầu tư vàng, dầu, USD và chứng khoán (16/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 2) (09/12/2010)

>   Hậu suy thoái năm 2008-2009: Bài học và cơ hội cho Việt Nam (Kỳ 1) (08/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (07/12/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Nông sản (08/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật