Năm 2011: Triển vọng các kênh đầu tư vàng, dầu, USD và chứng khoán
(Vietstock) – Việc lựa chọn nhóm tài sản sinh lời nhất luôn là vấn đề hóc búa đối với giới đầu tư. Báo cáo này sẽ phân tích những diễn biến quan trọng của năm 2010 và đánh giá triển vọng trong năm 2011 đối với các kênh đầu tư chính như vàng, dầu, USD và chứng khoán.
Vàng – Xu thế tăng đang chững lại
Sức ép lạm phát từ hầu hết các nền kinh tế lớn và nguồn cung yếu khiến cho vàng rất khó giảm trong dài hạn. Hàng nghìn tỷ USD thanh khoản đã được bơm vào nền kinh tế toàn cầu, khiến lạm phát có thể tăng vọt và dòng tiền nóng chảy lan sang các nền kinh tế mới nổi, và tạo nên bong bóng ở nhiều loại tài sản.
Mặt khác, sự gia tăng của lực cầu cũng là một yếu tố đáng chú ý khi mà cả Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất thế giới - đều rất ưa chuộng vàng. Nhu cầu tại những nước này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.
Xu hướng cho năm 2011 của giá vàng được định hình bởi kênh dài hạn (longterm channel) kéo dài từ cuối tháng 10/2008. Cho đến thời điểm hiện tại chưa có một tín hiệu (signal) nào cho thấy kênh tăng trưởng này sẽ bị phá vỡ.
Tuy nhiên, một số phân kỳ quan trọng cho thấy giá có thể sẽ chững lại đà tăng và sideway khá lâu trước khi thực sự bứt phá trở lại. Điều này có thể thấy rõ nhất ở MACD, khi mà chỉ báo này liên tục tạo ra 3 đỉnh thấp hơn; trong khi giá liên tục tạo ra 3 đỉnh cao hơn trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Về phương diện sóng, khả năng tích lũy đang lớn hơn tăng trưởng mạnh khi mà sóng Elliott 5/5/V sắp kết thúc. Thông thường một mẫu hình Double top, Triple top hoặc Head & Shoulder sẽ kết thúc sóng cuối cùng này.
Nếu một mẫu hình như vậy xuất hiện, khả năng giá vàng sẽ về lại vùng 1,300 – 1,350 USD/oz, để test đường trendline chống đỡ dài hạn và đồng thời cũng là cận dưới của kênh giá trước khi bước sang sóng tăng trưởng dài hạn tiếp theo.
Dầu – Khó có đột biến lớn
Do phải đối mặt với ngưỡng cản longterm resistance nên khả năng bứt phá là khá thấp. Mặt khác, MFI 14 ngày đã đi lên mức khá cao chứng tỏ động lực tăng trưởng của giá đã bắt đầu yếu đi rõ rệt.
Khối lượng giảm đáng kể tại vùng đỉnh cho thấy thực tế là nhà đầu tư bắt đầu thận trọng khi mà vùng đỉnh 90 – 95 tỏ ra quá vững chắc trong suốt 2 năm qua. Vả lại, hiện nay một số mẫu hình báo đỉnh như Shooting Star, Hammer... cho thấy khả năng giá dầu sẽ giảm đang cao hơn.
USD – Sẽ phục hồi nhưng không mạnh
Với gói nới lỏng định lượng lần hai (Quantitative Easing 2) một lượng tiền mới lại được bơm vào thị trường và đã khiến cho US Dollar Index tạo đáy mới. Tuy nhiên, sự phục hồi của chỉ số này đã bắt đầu mạnh mẽ trở lại trước lo ngại về sự yếu đi của một số đồng tiền quan trọng như Euro, Yên...
Xét trên phương diện kỹ thuật, sau khi hoàn thành hiện tượng throwback giá sẽ tiếp tục bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự bứt phá khó mà mạnh mẽ như giai đoạn tháng 11/2010 vì vùng 80 – 83 luôn là vùng giao dịch dày đặc (congestion zone) của giá trong quá khứ.
Ở một phương diện khác, nếu tạo thêm một đỉnh mới cao hơn thì hầu hết những chỉ báo thuộc nhóm Momentum sẽ cho các phân kỳ giá xuống (bearish divergence). Điều này cũng góp phần làm hãm bớt đã bứt phá của USD.
Thị trường chứng khoán – Tiếp tục hồi phục
Thị trường chứng khoán thế giới vẫn sẽ tiếp tục phục hồi và có thể bứt phá nhờ vào các tín hiệu dài hạn đã bắt đầu xuất hiện. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Năm 2010 đã chứng kiến hàng loạt các tin xấu như lãi suất tăng cao kỷ lục khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, lạm phát gia tăng, nhập siêu nới rộng, tỷ giá thiếu ổn định... Tất cả những thông tin tiêu cực đó gần như đã phản ánh vào giá và kết quả là có rất nhiều cổ phiếu trên HOSE và HNX quay trở về và thậm chí phá vỡ vùng đáy của giai đoạn 2008 – 2009.
Bên cạnh những mảng tối đó thì vẫn có một số thông tin tích cực tạo lực đỡ cho thị trường. Mặc dù có một số lo ngại về kinh tế vĩ mô nhưng các nhà tài trợ quốc tế vẫn cam kết dành cho Việt Nam số vốn ODA năm 2011 gần bằng con số kỷ lục 8 tỷ USD năm 2010. Lượng kiều hối của năm 2010 có khả năng trên mức 8 tỷ USD, tăng khoảng 25.6% so với tổng lượng kiều hối năm 2009.
Bên cạnh nguồn thu từ kiều hối, luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam từ đầu năm tới nay thặng dư khoảng 800 triệu USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong 11 tháng đã tăng 9.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể sẽ giúp giảm bớt vấn đề căng thẳng tỷ giá của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những tín hiệu kỹ thuật cũng rất đáng chú ý. VN-Index có đến 80% khả năng đã kết thúc sóng 5/c/II. Kết luận này dựa trên 4 luận điểm chính theo trường phái phân tích kỹ thuật:
Thứ nhất, giá đã hình thành một dạng mẫu hình đảo chiều double bottom. Thông thường khi kết thúc một sóng giảm giá dài hạn quan trọng, thì một mẫu hình lớn sẽ xuất hiện như là sự báo trước. Điều này đã từng diễn ra hồi đầu tháng 05/2009 với mẫu hình Head & Shoulder.
Thứ hai, hầu như đã đủ sóng theo luận điểm của Elliott. Sóng 1/1/III đang bắt đầu với sự bứt phá mới khi mà sóng c/II đã đi đủ 5 sóng.
Thứ ba, một số đường MA trung hạn đã bị break. Trong đó phải kể đến SMA 50 và SMA 100. Thông thường khi bắt đầu một đợt tăng mạnh, hai ngưỡng này luôn bị break đầu tiên.
Thứ tư, các phân kỳ giá lên (bullish divergence) cũng đang ủng hộ cho sự bứt phá. Điều đáng nói là phân kỳ này xuất hiện ở gần như tất cả các chỉ số của nhóm Momentum ở hầu hết các kỳ hạn.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|