Cổ phiếu large-cap, mid-cap hay small-cap sẽ bứt phá?
(Vietstock) – Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm khác biệt giữa các nhóm cổ phiếu large-cap, mid-cap, small-cap và micro-cap. Điều này sẽ giúp thiết kế chiến lược đầu tư thích hợp đối với từng nhóm cổ phiếu, trong bối cảnh thị trường có cơ hội bứt phá như hiện nay.
Dựa vào thực tiễn tại Việt Nam, Vietstock phân loại cổ phiếu theo tiêu chuẩn vốn hóa thị trường (Market Capitalization, MKC) thành 4 nhóm: cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap), vốn hóa vừa (mid cap), vốn hóa nhỏ (small cap) và vốn hóa siêu nhỏ (micro cap), với tiêu chí như sau:
Bảng 1: Phân loại cổ phiếu theo vốn hóa của Vietstock
Cần lưu ý rằng trên thế giới không có một định nghĩa chính thức nào cho cách phân loại cổ phiếu theo dạng bluechip và penny stock.
Bluechip thường được hiểu là cổ phiếu những công ty danh tiếng, lâu đời và có tình hình tài chính vững chắc. Công ty bluechip cũng thường được xem là ít rủi ro, ít chịu ảnh hưởng trước các biến động kinh tế.
Trong khi đó, penny stock thường được hiểu là cổ phiếu có thị giá và mức vốn hóa thấp, thanh khoản kém, độ rủi ro của cổ phiếu và hoạt động kinh doanh cao. Tuy nhiên, điều này có thể gây nhầm lẫn đối với trường hợp công ty có vốn hóa lớn nhưng thị giá cổ phiếu lại thấp hoặc ngược lại. Một penny stock điển hình là cổ phiếu của công ty có quy mô rất nhỏ, cổ phiếu có thanh khoản thấp và mức độ đầu cơ cao.
Bảng 2: Chỉ số cơ bản của cổ phiếu phân loại theo vốn hóa
Large cap: Chiếm gần 40% giá trị thị trường. Hiệu quả hoạt động cao, NĐTNN ưa thích; nhưng chỉ số định giá không còn quá hấp dẫn
Theo phân loại của Vietstock, doanh nghiệp có vốn hóa trên 10,000 tỷ đồng là những cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap).
Theo tiêu chuẩn này, hiện tại có 15 mã cổ phiếu trên sàn được xếp vào cổ phiếu có vốn hóa lớn, trong đó có 7 cổ phiếu nhóm ngành tài chính. Giá trị vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu lớn chiếm gần 40% tổng giá trị thị trường (203 nghìn tỷ đồng).
Từ đầu năm đến nay, 7 trong số 15 cổ phiếu có vốn hóa lớn đều tăng mạnh. Trong đó, BVH tăng 2.2 lần và MSN gần gấp đôi, các mã còn lại như VNM, FPT cũng tăng khá ấn tượng. Còn lại, 7 cổ phiếu tài chính và PVD đều sụt giảm. Trung bình các cổ phiếu này đã tăng 3.7% trong 11 tháng đầu năm 2010, trong khi đó thị trường giảm 15%.
Hiện tại, giá trị thị trường trên thu nhập (P/E) của nhóm cổ phiếu lớn đang ở mức 12.11 lần, còn P/B đang là 2.4 lần, cao hơn nhiều so với các nhóm cổ phiếu còn lại.
Xét theo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhóm cổ phiếu large cap có hiệu quả cao nhất với suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) bằng 20.28% và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) dưới 1 lần (không bao gồm ngân hàng), thấp hơn so với những nhóm còn lại.
Ngoài ra, đây cũng là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích khi họ đã mua ròng tới gần 7,000 tỷ đồng trong 11 tháng qua.
Xét trên các tiêu chí cơ bản thì những các cổ phiếu này có hiệu quả hoạt động rất cao. Tuy nhiên, theo tiêu chí định giá thị trường thì không còn quá hấp dẫn do P/E và P/B đều đã khá cao. Về tiêu chí tăng trưởng, giá các cổ phiếu này cũng khó đạt được tăng trưởng cao khi đã tăng khá mạnh trong thời gian qua và đang đi vào giai đoạn ổn định.
Như vậy, đối với những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư tăng trưởng thì đây chưa hẳn là những cổ phiếu hấp dẫn.
Ngoài ra, khả năng “bật dậy” của những cổ phiếu này trong giai đoạn thị trường phục hồi cũng không nhiều. Thực tế là trong đợt phục hồi của thị trường từ 22-30/11 vừa qua, nhóm cổ phiếu này chỉ tăng được 3.9%, thấp hơn nhiều so với bình quân của thị trường.
Bảng 3: Chỉ số cơ bản của 14 mã cổ phiếu vốn hóa lớn (Large cap)
Ghi chú: ROE và EPS đều tính theo 4 quý gần nhất tính đến quý 3/2010. Biến động của cổ phiếu sử dụng giá điều chỉnh của Vietstock. EPS sử dụng số lượng cổ phiếu lưu hành cuối kỳ.
Mid cap: Chiếm 35% giá trị thị trường. Hấp dẫn cho đầu tư giá trị
Cổ phiếu vốn hóa vừa là những cổ phiếu có giá trị thị trường từ 1,000 đến 10,000 tỷ đồng.
Hiện tại có 64 trong số 622 doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong nhóm này, với tổng giá trị thị trường khoảng 185 nghìn tỷ đồng, chiếm 35.5% toàn thị trường. Từ đầu năm đến nay nhóm cổ phiếu này đã sụt giảm tới 28%.
ROE 4 quý gần nhất của nhóm cổ phiếu này đạt 18%, là mức cao so với các nhóm cổ phiếu còn lại. Trong khi đó chỉ số P/E bằng 7.56 lần và P/B bằng 1.4, thấp hơn bình quân của thị trường. D/E của nhóm cổ phiếu này cũng chỉ khoảng 1 lần.
Như vậy, cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu này khá lớn khi mà các chỉ số thị trường và cơ bản khá hấp dẫn.
Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp có vốn hóa vừa khá tốt do quy mô đang ở mức vừa phải.
Sự sụt giảm mạnh trong thời gian qua cũng là một tiêu chí đáng được quan tâm vì nó dễ phục hồi mạnh khi thị trường vào xu hướng tích cực.
Bảng 4: Chỉ số cơ bản của một số cổ phiếu vốn hóa vừa (Mid cap)
Small cap: Chiếm 21% giá trị thị trường. Thích hợp cho lướt sóng đầu cơ
Cổ phiếu có vốn hóa nhỏ là những cổ phiếu có giá trị thị trường từ 100 đến 1,000 tỷ đồng.
Hiện tại có 315 doanh nghiệp đang niêm yết nằm trong nhóm này, tổng giá trị thị trường khoảng 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% toàn thị trường. Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu này đã sụt giảm tới 28%. Trong đợt phục hồi từ 22 đến 30/11, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng 11%, cao hơn mức tăng của thị trường.
Nhóm cổ phiếu này có ROE bằng 16.3%, thấp hơn thị trường và 2 nhóm large cap và mid cap. Chỉ số định giá P/E chỉ ở mức 7.2 lần, thấp nhất trong 4 nhóm cổ phiếu và P/B cũng khá hấp dẫn chỉ có 1.19 lần. Tuy vậy, D/E của nhóm cổ phiếu này bằng 1.63 lần, phần nào cho thấy rủi ro khi lãi suất tăng cao.
Như vậy, cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu này thể hiện qua việc P/E và P/B khá hấp dẫn, tuy nhiên lại gặp rủi ro khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Mặc dù vậy, đây là nhóm cổ phiếu phù hợp cho việc đầu cơ do giá trị nhỏ và dễ dàng tăng trưởng khi thị trường phục hồi.
Bảng 5: Chỉ số cơ bản của một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Small cap)
Micro cap (Siêu nhỏ): Có 215 cổ phiếu, nhưng chỉ chiếm 2.3% giá trị thị trường. Đang giao dịch dưới giá trị sổ sách. Cơ hội song hành cùng rủi ro
Cổ phiếu có vốn hóa siêu nhỏ là những cổ phiếu có giá trị thị trường nhỏ hơn 100 tỷ đồng.
Theo tiêu chuẩn này, hiện tại có 215 mã cổ phiếu đang niêm yết và chủ yếu là trên HNX. Tổng giá trị thị trường của nhóm cổ phiếu siêu nhỏ chỉ khoảng 12 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 2.36% vốn hóa thị trường.
Với mức vốn hóa nhỏ như vậy, nhóm cổ phiếu này không ảnh hưởng nhiều đến biến động toàn thị trường. Trong 11 tháng đầu năm nhóm cổ phiếu này đã sụt giảm đến 24.4%. Tuy nhiên, tính từ ngày 22 đến 30/11 lại phục hồi đến 15%, cao hơn nhiều so với trung bình của thị trường.
ROE của nhóm cổ phiếu siêu nhỏ chỉ đạt 11.3%, là mức khá thấp so với trung bình của thị trường. Ngoài ra, D/E của cổ phiếu siêu nhỏ cũng rất cao, lên tới 1.96 lần.
Như vậy, đây là nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong giai đoạn khủng hoảng. Chỉ số định giá P/E bằng 8.47 lần, thấp hơn thị trường nhưng cao hơn nhóm cổ phiếu small cap và mid cap. Tuy nhiên, P/B là chỉ bằng 0.94, tức là nhóm cổ phiếu này đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Bảng 6: Chỉ số cơ bản của một số cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ (Micro cap)
Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|