Thứ Hai, 22/11/2010 20:02

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

SPM: Phân tích cổ phiếu tháng 11/2010

CÔNG TY CỔ PHẦN SPM

Mã chứng khoán HoSE: SPM.  Ngành: Hóa chất – Dược phẩm

Khuyến nghị: GIỮ

Dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO

(Vietstock) – Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2010 của SPM đạt khoảng 299.7 tỷ và 121.6 tỷ đồng, đạt lần lượt 86.9% và 93.5% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận năm 2010. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2010 dự phóng tăng lần lượt 17.7% và 95% so với 2009. Trong đó, lợi nhuận từ dược phẩm đạt 81.9 tỷ và 43.5 tỷ đồng từ hoạt động bất động sản và khai thác mỏ.

Với giá thị trường ngày 05/11/2010 là 66,000 đ/cp, P/E và P/B của cổ phiếu SPM cho năm 2010 lần lượt ở mức 7.6 lần và 1.6 lần.

Mô hình định giá của chúng tôi cho thấy giá mục tiêu của SPM trong 6 tháng có thể đạt mức 78,000 đồng/cp, cao hơn 18% so với giá giao dịch ngày 05/11/2010.

Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của SPM trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ ứng dụng công nghệ và thiết bị mới, năng suất sản xuất cao hơn và lượng dược phẩm phân phối cải thiện nhờ dự án xây dựng bệnh viện và hoạt động xuất khẩu của dự án ở Myanmar. Với lợi thế cạnh tranh tốt, các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường SPM có cơ hội duy trì được thị phần trong thời gian tới.

Rủi ro đáng quan tâm là tính thanh khoản của cổ phiếu SPM khá thấp, trung bình chỉ đạt 20,565 cổ phiếu trong 50 phiên gần nhất. Hơn nữa, thị trường vẫn đang xu hướng sụt giảm nên định giá của nhiều cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn hơn so với SPM.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Thiết bị công nghệ hiện đại, công suất tăng gấp 5 lần so với trước đây. Vào tháng 5/2009, SPM đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất mới được trang bị công nghệ hiện đại với công suất gấp 5 lần so với nhà máy cũ. Đây là bước đi đầu tiên của SPM để nâng cao sản lượng, mở rộng thị phần.

Có thương hiệu mạnh, đặc biệt với dòng sản phẩm vitamin và khoáng chất. MyVita, Galepo, Slimcare,… là những sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường. SPM có chiến lược chọn những sản phẩm ít cạnh tranh và có tỷ suất lợi nhuận cao. Trong thời gian tới, MyVita dự báo sẽ vẫn chiếm thị phần cao (hơn 20%) trong phân khúc sản phẩm vitamin và khoáng chất.

Đa dạng hóa các loại thuốc, phát triển sản phẩm có suất sinh lời cao. SPM đã mở rộng từ 7 nhóm hàng trong năm 2008 lên 9 nhóm hàng, gia tăng từ 46 sản phẩm trong năm 2006 lên 89 sản phẩm. SPM hướng sản phẩm vào phục vụ cả hai kênh không kê toa (OTC) và điều trị (RX), với ưu tiên phát triển nhóm hàng phòng bệnh theo xu hướng của y khoa hiện đại. SPM cũng tập trung vào các sản phẩm có tỷ suất sinh lời cao như nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhóm tim mạch, thần kinh.

Giá vốn tương đối thấp so với trung bình ngành. Giá vốn hàng bán của SPM năm 2008 chỉ chiếm 58.70% doanh thu thuần và trong năm 2009 là 61%; so với mức từ 62% - 70% ở các doanh nghiệp dược lớn trong ngành.

Dòng tiền cải thiện mạnh trong 9T/2010 sau khi tăng vốn. Năm 2009, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ giảm xuống đáng kể. Sau khi tăng vốn thành công, lưu chuyển tiền thuần của SPM đã có chuyển biến mạnh. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD giảm do các khoản phải thu cao và lưu chuyển tiền thuần từ đầu tư giảm mạnh do mua sắm TCSĐ và đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác.

Đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh giúp phân tán được rủi ro. Ngoài hoạt động kinh doanh dược phẩm là nền tảng, SPM còn mở rộng đầu tư xây dựng bệnh viện, nhà máy dược phẩm tại Myanmar, bất động sản, khoáng sản... giúp SPM tăng đầu ra và đa dạng hóa được rủi ro, nguồn thu.

RỦI RO ĐẦU TƯ

Biến động của giá nguyên vật liệu ảnh hưởng mạnh đến KQKD. Nguyên vật liệu chủ yếu là dược liệu chiếm tỷ trọng trên 30% - 50% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của SPM. Do vậy, giá nguyên vật liệu tăng từ giữa năm 2006 đến nay và có xu hướng tăng trong thời gian tới có thể ảnh hưởng không tích cực đến giá vốn hàng bán.

Mối quan hệ với nhà phân phối độc quyền. Công ty TNHH Dược phẩm Đô Thành hiện là một công ty liên quan (bị chi phối về quản lý) và cũng là nhà phân phối độc quyền của SPM. Đến 30/9/2010, khoản phải thu từ công ty liên quan này rất lớn đạt 144 tỷ đồng. Khoản phải thu khách hàng tăng cao thể hiện sự nới rộng tín dụng. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ khả năng đây là một biểu hiện của việc nới lỏng chính sách tín dụng cho khách hàng, là công ty liên quan, để thúc đẩy doanh thu.

Lệ thuộc quá mức vào nhóm sản phẩm MyVita có thể tạo rủi ro. Doanh thu của nhóm sản phẩm MyVita chiếm 19% tổng doanh thu trong năm 2009. Các sản phẩm trong nhóm này gần giống nhau và sự lệ thuộc quá mức vào nhóm sản phẩm này có thể tạo rủi ro cho hoạt động kinh doanh của SPM.

TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY

SPM có lịch sử phát triển từ Công ty TNHH Dược phẩm Đô Thành (Đô Thành) hoạt động trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, trực thuộc Công ty Dược Quận 10 (Tendipharco). Năm 2001, Công ty TNHH SPM chính thức ra đời, và Đô Thành trở thành nhà phân phối độc quyền, là công ty có liên quan của SPM.

Năm 2002, SPM đã đạt chứng nhận GMP (Thực hành sản xuất thuốc tốt), GLP (Thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt), GSP (Thực hành bảo quản thuốc tốt) theo tiêu chuẩn ASEAN cho dây chuyền sản xuất thuốc viên, viên nang, thuốc nhỏ mắt và thuốc dùng ngoài da. Các xưởng thuốc đảm bảo điều kiện của tiêu chuẩn GMP-WHO.

SPM hiện có 5 xưởng sản xuất thuốc bao gồm: xưởng sản xuất thuốc viên, xưởng sản xuất viên nang cứng, xưởng sản xuất thuốc mỡ, xưởng sản xuất viên sủi và xưởng sản xuất viên nang mềm.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Hoạt động chính của SPM bao gồm mua bán mỹ phẩm, thực phẩm; sản xuất mua bán dược phẩm; mua bán máy móc, trang thiết bị y tế; khai thác quặng; cho thuê mặt bằng… Doanh thu thành phẩm chiếm 86.6%, doanh thu thương mại hàng hóa và dịch vụ cho thuê kho bãi chiếm lần lượt 12.5% và 0.9% trong năm 2009. 

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, SPM còn tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác như: xây dựng bệnh viện, khai thác mỏ, bất động sản để tăng cường lượng dược phẩm phân phối và nguồn thu nhập khác.

Nhóm sản phẩm vitamin, khoáng chất chiếm vị trí chủ đạo, 71.4% doanh thu năm 2009. Các sản phẩm quan trọng của SPM gồm có: MyVita Multivitamin, MyVita C75 Chanh, MyVita C75 Cam, Biseptol, Helinzole, Septidas, Enpovid AD, Dailyvit, Devomir.

- MyVita Multi: Được giới thiệu vào năm 2003 và trở thành sản phẩm bán chạy nhất đối với nhóm sản phẩm vitamin và khoáng chất từ năm 2005. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IMS, MyVita Multi chiếm 21.3% thị phần trong năm 2008 và 21.8% trong năm 2009 của thị trường trong nước, vượt qua các đối thủ như Plusssz của Tradewind, Berocca của Bayer... Nhóm vitamin, khoáng chất chiếm 71.4% doanh thu năm 2009.

- Biseptol 480: Sản phẩm thuộc nhóm kháng sinh, kháng nấm. Sản phẩm này mang lại gần 4.7% tổng doanh thu năm 2009.

- Helinzole 20: Dẫn đầu nhóm tiêu hóa, thận niệu; chiếm 5% doanh thu năm 2009.

- Các sản phẩm còn lại chiếm từ 1.6 - 3% doanh thu trong năm 2009.

Phát triển các nhóm sản phẩm có tỷ suất sinh lời cao. Năm 2009, SPM đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đây là nhóm sản phẩm đang phổ biến tại các nước phát triển và là xu hướng của thị trường dược trong tương lai. Hướng đi chiến lược của SPM là tăng doanh thu nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhóm tim mạch, thần kinh. Đây là các nhóm sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao trong năm 2009, lần lượt đạt 71.3%, 69.6% và 52.4%.

Vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Nguyên vật liệu của SPM chủ yếu nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài ở Singapore, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Đây cũng là tình hình chung của các doanh nghiệp ngành dược trong nước, khi thực tế có đến 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu.

Hiện nay, SPM là đối tác nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất vitamin lớn tại Việt Nam của DSM – một trong các nhà cung ứng sản phẩm vitamin lớn nhất thế giới.

Đầu tư mạnh vào việc nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa các loại thuốc. SPM đã nghiên cứu và sản xuất được gần 90 sản phẩm thuộc 9 nhóm thuốc, là một trong những nhà sản xuất dược phẩm khá lớn trong nước. Trong đó, MyVita là sản phẩm nổi bật được SPM nghiên cứu và không chịu chi phí bản quyền, nhượng quyền. 

Có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối (HTPP). SPM phân phối sản phẩm trực tiếp ở TPHCM, Hà Nội và gián tiếp ở các tỉnh thông qua HTPP của Đô Thành. Đến nay, dược phẩm của SPM được phân phối tại 19,000 nhà thuốc – hiệu thuốc, 700 bệnh viện, 850 trung tâm y tế, 1,000 phòng khám và 150 đại lý phân phối thuốc. Hiện nay, số lượng nhà thuốc, bệnh viện,…phân phối thuốc thương hiệu SPM đã tăng tương ứng từ 1.7 đến 3 lần so với năm 2005.  

Đồng thời, từ năm 2005 SPM còn thâm nhập vào các thị trường nước ngoài như Mỹ, Myanmar, Malaysia…và trong thời gian tới SPM có kế hoạch sẽ mở rộng sang châu Phi và châu Mỹ La tinh. SPM cũng có kế hoạch mở rộng thêm 2 công ty phân phối thuốc ngoài Đô Thành là CTCP Đại Nam và Vimedimex để giảm thiểu rủi ro phân phối và nâng cao thị phần.

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH

Doanh thu có xu hướng tăng trưởng mạnh. Năm 2008, doanh thu giảm nhẹ so với năm 2007 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, SPM đã phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2009, khi doanh thu đạt mức 267 tỷ đồng, tăng 9.9% so với năm 2008.

SPM cũng đạt được mức tăng trưởng vượt bậc trong 9 tháng đầu năm 2010. Doanh thu thuần đạt 251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67.9 tỷ, tăng lần lượt 35.9% và 29% so với cùng kỳ năm 2009.

Năng lực sản xuất của SPM trong năm 2010 đã tăng gấp 5 lần so với trước đây, sau khi SPM đưa nhà máy mới, có vốn đầu tư 180 tỷ đồng, vào hoạt động vào cuối tháng 5/2009.

Trong năm 2009, hệ thống phân phối SPM được mở rộng thêm 1,000 nhà thuốc – hiệu thuốc, 50 trung tâm y tế, 100 phòng khám, 5 đại lý cũng đã góp phần giúp tăng doanh thu bán hàng giai đoạn cuối năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010.

Chúng tôi cũng nhận thấy SPM đang nới rộng chính sách tín dụng cho khách hàng. Số vòng quay khoản phải thu giảm dần từ 3.2 vòng trong năm 2008 xuống còn 2.7 vòng trong năm 2009; tương đương với kỳ thu tiền ngắn hạn bình quân tăng từ 113 ngày trong năm 2008 lên 137 ngày năm 2009.

Chi phí giá vốn tăng cao do khấu hao và biến động giá nguyên liệu. Chi phí giá vốn/doanh thu thuần tăng từ mức 51% trong năm 2007 lên lần lượt 61% và 63.6% trong năm 2009 và 9 tháng đầu năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu do SPM đã xây dựng nhà máy mới, đầu tư thêm máy móc thiết bị trong các năm vừa qua. Đây là thời gian đầu sử dụng máy móc và nhà máy mới nên chi phí khấu hao gia tăng đáng kể so với những năm trước. Khấu hao tài sản tăng khá mạnh, chiếm lần lượt 9.7% và 8% giá vốn hàng bán của năm 2009 và 9T/2010.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu nhập khẩu chiếm 30-50% giá thành. Giá nguyên liệu và tỷ giá gia tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến chi phí giá vốn hàng bán.

Tuy nhiên, cần để ý rằng mức giá vốn này là không quá cao so với một số doanh nghiệp dược lớn khác, ở mức 62%-70%.

Đã bước đầu giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Chi phí quản lý doanh nghiệp từng bước hạ dần, từ 3.6% trong năm 2008 xuống 2.2% trong 6 tháng đầu năm 2010. Điều này sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và góp phần làm tăng đáng kể lợi nhuận trong thời gian tới.  

Khả năng sinh lời giảm do liên tục tăng đầu tư tài sản cố định. Tỷ suất lợi nhuận gộp biên của SPM liên tục giảm từ năm 2006 với 50%, xuống còn 38.5% trong năm 2009. Lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần (ROS) giảm từ mức 28.7% năm 2006 xuống 24.5% trong năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do kể từ năm 2007, SPM liên tục tăng tài sản cố định và chi phí nguyên liệu tăng cao. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp biên 38.5%, ROS 28.7% vẫn là mức khá cao so với trung bình ngành. 

Không còn chịu nhiều gánh nặng lãi vay, nhờ tăng vốn và tái cấu trúc tài chính. Trong thời gian qua, SPM đã đầu tư mạnh xây dựng các nhà máy, nên phải sử dụng lượng lớn vốn vay làm phát sinh chi phí lãi vay khá cao.

Tháng 3/2010, SPM đã tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 140 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu cho các đối tác lớn. Thặng dư vốn cổ phần nhận được đạt gần 211 tỷ đồng.

SPM đã sử dụng nguồn vốn tăng thêm và thặng dư để tái cấu trúc các khoản vay. Đồng thời, với lượng tiền mặt thu được, đến cuối quý 2/2010, SPM đã cho vay 126 tỷ đồng. Với nguồn vốn tài trợ dồi dào, SPM sẽ không chịu nhiều áp lực chi phí lãi vay trong thời gian tới.

Khoản phải thu khách hàng tăng cao, thể hiện sự nới rộng tín dụng. Cuối năm 2009, khoản phải thu khách hàng tăng 86% so với 2008, đạt 121 tỷ đồng chiếm 47.6% doanh thu thuần cả năm 2009. Đến 30/9/2010, khoản phải thu khách hàng vẫn cao đạt gần 158 tỷ đồng, trong đó phải thu thương mại từ bên liên quan là Công ty TNHH Dược phẩm Đô Thành đạt 144 tỷ đồng. Khoản này có thời hạn hoàn trả là 120 ngày kể từ ngày ghi trên hóa đơn, nhưng không chịu lãi.

Chúng tôi không loại trừ khả năng đây là một biểu hiện của việc nới lỏng chính sách tín dụng cho khách hàng, là công ty liên quan, để thúc đẩy doanh thu.

Dòng tiền suy giảm trong năm 2009, cải thiện mạnh trong 9T/2010 sau khi tăng vốn thành công. Năm 2009, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ giảm xuống đáng kể. Tỷ suất dòng tiền trên doanh thu giảm sâu từ 50.9% năm 2008 xuống 9.03% trong năm 2009 do các khoản phải thu lên tới 50.7 tỷ đồng và trả khoản lãi vay 13.3 tỷ đồng. Tỷ suất dòng tiền/lợi nhuận khá thấp 0.37 lần cho thấy khả năng tạo ra tiền từ hoạt động kinh doanh so với lợi nhuận khá nhỏ, do công ty bị chiếm dụng vốn.

Sau khi tăng vốn thành công, lưu chuyển tiền thuần của SPM đã có chuyển biến mạnh. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD giảm do các khoản phải thu cao và lưu chuyển tiền thuần từ đầu tư giảm mạnh do mua sắm TCSĐ và đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác.

Nhà máy mới được hưởng ưu đãi về thuế. Nhà máy mới của SPM được miễn thuế trong 3 năm (2009 - 2011), hưởng thuế suất ưu đãi 7.5% trong 5 năm (2012 - 2018) và 15% kể từ năm 2019.

TRIỂN VỌNG DOANH NGHIỆP VÀ ĐỊNH GIÁ MỤC TIÊU

Năng lực sản xuất đang được mở rộng nhờ nhà máy mới. Mặc dù chỉ khai thác 30-35% công suất của nhà máy mới, nhưng năng lực sản xuất trong 6T/2010 được nâng lên đáng kể. Trong 6T/2010, sản lượng thuốc gói đã đạt được 90.6% so với sản lượng năm 2009; viên nén sủi, viên nang mềm bằng 70.3% và 73.1% so với sản lượng năm 2009.

Dự án bệnh viện giúp hỗ trợ đầu ra, IRR có thể đạt đến 25%. SPM có kế hoạch xây dựng bệnh viện tại TPHCM và Việt Trì (Phú Thọ) với mức vốn đầu tư 550 tỷ đồng trong giai đoạn 1. Các bệnh viện này sẽ được khởi công trong quý 1 và quý 2/2011. SPM tham gia 51% vốn góp, trong đó 70% được vay vốn ưu đãi của Chính phủ với lãi suất thấp, 30% vốn còn lại là vốn tự có ở mức 84.14 tỷ đồng. Dự định IRR của 2 dự án bệnh viện đạt khoảng 25%, đồng thời góp phần tạo thêm doanh thu cho SPM trong việc phân phối thuốc.

Bất động sản: Có thể có lợi nhuận 34 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án. SPM có dự án bất động sản tại Phường Long Trường, Quận 9, TPHCM với tổng diện tích 18.9 ha. Dự án đã hoàn thành công tác đền bù giải tỏa, quy hoạch 1/500 và đang phê duyệt công tác thiết kế cơ sở, lập dự án đầu tư.

Dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2010, và đang chuyển nhượng lại 60% cho CTCP ĐTPT Đô thị & KCN Sông Đà (HoSE: SJS). SPM sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận này vào cuối năm 2010, dự kiến đạt khoảng 34 tỷ đồng.

Khai thác mỏ: Khả năng thu được lợi nhuận 11 tỷ đồng từ Mỏ đá trắng. SPM đã đầu tư vào dự án khai thác mỏ đá trắng tại Yên Bái. Tổng trữ lượng của mỏ đá trắng này là 13.3 triệu m3 và sẽ khai thác trong 30 năm. SPM bắt đầu xuất xưởng sản phẩm đá trắng đầu tiên trong tháng 10/2010 và có thể ghi nhận khoản lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng cho năm 2010.

Nhà máy dược phẩm tại Myanmar hoạt động vào Quý 2/2011. SPM đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm tại Myanmar, với vốn đầu tư 20 triệu USD, trong đó có 12 triệu USD là vốn vay từ Chính phủ Việt Nam với lãi suất ưu đãi, 8 triệu USD là vốn thực có và hợp tác với những đối tác ở Myanmar. Dự kiến cuối năm 2010, SPM sẽ khởi công công trình này và hoàn tất vào tháng 4/2011. Theo cam kết với Chính phủ, nhà máy này sẽ cho sản phẩm vào tháng 5/2011.

Dự án này dự kiến sẽ mang lại hiệu quả cao vì Myanmar hiện tại đang phải nhập khẩu 90% thuốc chữa bệnh. Giá thuốc tại Myanmar hiện đang cao gấp 2-2.5 lần so với Việt Nam. Đồng thời, SPM sẽ chỉ chuyển giao một phần công nghệ sản xuất và sẽ tận dụng phân phối thuốc từ Việt Nam. 

Đầu tư 49% vốn vào CTCP Kỹ thuật điện Hữu Nghị. SPM đã bảo lãnh hợp đồng để công ty này chuyển từ nhà thầu phụ thành nhà thầu chính ở một số công trình thuộc hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry ở Bình Dương, Vũng Tàu, hệ thống Lotte, Tòa nhà Bitexco, Dự án Times Square, Bệnh viện Hạnh Phúc…

Dự phóng doanh thu, LNST năm 2010 tăng lần lượt 17.7% và 95% so với 2009. Định giá mục tiêu: 78,000 đồng/cp. Khuyến nghị: GIỮ. Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2010 của SPM đạt khoảng 299.7 tỷ đồng và 121.6 tỷ đồng, tăng lần lượt 17.7% và 95% so với năm 2009. Trong đó, lợi nhuận từ dược phẩm đạt 81.9 tỷ đồng và 43.5 tỷ đồng từ lợi nhuận từ bất động sản và khai thác mỏ.

Với giá thị trường ngày 05/11/2010 là 66,000 đ/cp, P/E và P/B của cổ phiếu SPM cho năm 2010 lần lượt ở mức 7.6 lần và 1.6 lần.

Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh của SPM trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ ứng dụng công nghệ và thiết bị mới, năng suất sản xuất cao hơn và lượng dược phẩm phân phối cải thiện nhờ dự án xây dựng bệnh viện và hoạt động xuất khẩu nhờ dự án ở Myanmar. Với lợi thế cạnh tranh tốt, các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường SPM có cơ hội duy trì được thị phần trong thời gian tới.

Rủi ro đáng quan tâm là tính thanh khoản của cổ phiếu SPM khá thấp, trung bình chỉ đạt 20,565 cổ phiếu trong 50 phiên gần nhất. Hơn nữa, thị trường vẫn đang xu hướng sụt giảm nên định giá của nhiều cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn hơn so với SPM.

TRIỂN VỌNG CỦA NGÀNH DƯỢC

Ngành dược tăng trưởng ổn định ở mức 25%/năm. Theo dự báo của BMI, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bình quân 25%/năm trong các năm tới và đạt giá trị gần 2 tỷ USD vào năm 2013. Thu nhập của hơn 80 triệu dân số Việt Nam đang được cải thiện và nhu cầu sử dụng thuốc tăng nhanh. Với gần 200 doanh nghiệp, ngành dược trong nước chỉ đáp ứng gần 55% nhu cầu nội địa. Trong năm 2010, Việt Nam hướng tới mục tiêu sản xuất trong nước sẽ phục vụ được 60% nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, đời sống vật chất nâng cao đi kèm với việc quan tâm chăm sóc sức khỏe là thuận lợi lớn của ngành.

Nhu cầu ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Do đặc thù của ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe, cung cấp các sản phẩm thiết yếu nên thị trường khá ổn định, kể cả trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Với tốc độ tăng trưởng cao, ngành dược có khả năng đem lại lợi nhuận tốt dù không lớn.

Khó khăn hơn trong việc điều chỉnh giá bán. Sự biến động giá thành của dược phẩm theo hướng ngày càng tăng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, với chính sách quản lý giá dược phẩm ngày càng chặt chẽ, việc điều chỉnh giá bán dường như khó khăn hơn.

Cạnh tranh từ các công ty đông dược. Nguyên liệu để chiết xuất sản phẩm đông dược là các loại thảo mộc có thể có sẵn trong nước. Đây là ưu điểm của sản phẩm đông dược so với tân dược, nhờ chủ động được nguồn dược liệu, tránh được các rủi ro về giá nguyên liệu cũng như tỷ giá hối đoái. Những điều này giúp các công ty đông dược ngày càng cải thiện thế mạnh cạnh tranh và gây áp lực lên các công ty sản xuất tân dược.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Lãi suất tăng: Cơ hội bắt đáy thị trường (Kỳ 2) (18/11/2010)

>   Bluechips nào vẫn sinh lời trong năm 2010? (16/11/2010)

>   Tăng lãi suất: Đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp D/E cao (Kỳ 1) (16/11/2010)

>   Giá vàng sẽ đi về đâu? (11/11/2010)

>   SBC: Báo cáo phân tích cổ phiếu tháng 11/2010 (09/11/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Thủy sản (09/11/2010)

>   Chiến lược đầu tư quý 4/2010: Ngành Cao su thiên nhiên (08/11/2010)

>   Đằng sau quyết định tăng lãi suất của NHNN (05/11/2010)

>   Chìa khóa cho vấn đề tỷ giá của Việt Nam (05/11/2010)

>   Đánh giá những tâm điểm kinh tế vĩ mô cuối năm 2010 (26/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật