Chiến lược đầu tư quý 4: Ngành Thủy sản
(Vietstock) – Đánh giá diễn biến của Ngành Thủy sản Việt Nam đầu năm 2010, triển vọng trong quý 4 và khuyến nghị cổ phiếu cần quan tâm cho việc đầu tư.
1. Hoạt động xuất khẩu thủy sản đầu năm 2010
Kim ngạch xuất khẩu 9T/2010 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc 9T/2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3.4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đạt được phù hợp với nhận định trong Báo cáo Chiến lược Đầu tư Ngành Thủy sản quý 2/2010, nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn đang gia tăng.
Như vậy, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, nhiều khả năng ngành thủy sản sẽ vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4.5 - 4.7 tỷ USD trong năm 2010.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9T/2010
|
|
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9T/2010
|
Nguồn: Vasep
|
|
Nguồn: Vasep
|
|
Xuất khẩu tôm tăng mạnh. Tôm tiếp tục dẫn đầu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chiếm đến 39.9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt tương ứng 151.9 nghìn tấn và 1,285 triệu USD trong giai đoạn từ 01/01/2010 đến 15/09/2010, tăng lần lượt 14.2% và 20.97% so với cùng kỳ năm 2009.
Nguồn cung tôm từ Vịnh Mexico, nguồn cung cấp tôm chủ yếu cho Mỹ, bị suy giảm vì sự cố tràn dầu đã giúp nhu cầu nhập khẩu tôm tại thị trường Mỹ tăng lên. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan bị mất mùa nên cũng là cơ hội cho xuất khẩu tôm của Việt Nam qua Mỹ gia tăng cả sản lượng và giá cả.
Nhật Bản vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, tăng 13.4% về lượng và tăng 17.5% về giá trị trong giai đoạn 01/01/2010 đến 15/09/2010.
Thị trường xuất khẩu tôm 01/01-15/09/2010
|
|
Xuất khẩu tôm 9 tháng GĐ 2006-2010
|
Nguồn: Vasep
|
|
Nguồn: Vasep
|
|
Xuất khẩu cá tra, basa gặp nhiều khó khăn. Không thuận lợi như xuất khẩu tôm, mặc dù xuất khẩu cá tra, basa có tăng so với cùng kỳ năm 2009 nhưng cũng gặp khá nhiều trở ngại. Nhiều thông tin được đăng tải bôi nhọ và giảm giá trị của cá tra, basa Việt Nam đã liên tục xuất hiện trong thời gian qua.
Gần đây, trong kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về thuế chống bán phá giá cho giai đoạn từ 01/08/2008 đến 31/07/2009, nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao lên đến 4.22 USD/kg, tương đương khoảng 130%. Nếu quy định này được thông qua, tình hình xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ sẽ giảm mạnh do khó cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác.
Mặc dù đây chỉ là kết quả sơ bộ nhưng các nhà nhập khẩu cũng sẽ lo ngại khi nhập khẩu cá tra, basa Việt Nam vì nhà nhập khẩu không muốn gánh chịu rủi ro cao.
Thị trường xuất khẩu cá tra, basa
giai đoạn 01/01 – 15/09/2010
|
|
Xuất khẩu cá tra, basa 9 tháng
giai đoạn 2006-2010
|
Nguồn: Vasep
|
|
Nguồn: Vasep
|
|
Thị trường Mỹ có tốc độ tăng trưởng cao. EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong giai đoạn từ 01/01/2010 đến 15/09/2010, chiếm 23.8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ đứng vị trí thứ 2 với 18.7% và Nhật đứng vị trí thứ 3 với 18.3%. So với cùng kỳ năm 2009, Mỹ là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 22.2% về sản lượng và 34.4% về giá trị.
2. Triển vọng ngành năm 2010
Tình trạng thiếu nguyên vật liệu tiếp tục tái diễn. Phù hợp với nhận định trong Báo cáo Chiến lược Ngành Thủy sản trong quý 2, tình trạng thiếu nguyên vật liệu đang tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Nhiều nhà máy chế biến chỉ đang hoạt động khoảng 50-60% công suất, đặc biệt là các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Trong quý 4, mùa thu hoạch tôm rộ hơn sẽ giúp nguồn cung nguyên liệu dồi dào so với trước đây. Tuy vậy, về dài hạn, nguồn nguyên liệu tôm vẫn tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt trở lại do nhu cầu tôm trên thế giới đang tăng cao.
Xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ đối mặt với thuế chống bán phá giá tăng cao. Vasep và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam đang thu thập tài liệu để chứng minh mức thuế chống bán phá giá mà DOC đề xuất vào tháng 9/2010 là bất công với các doanh nghiệp của Việt Nam. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào khoảng cuối tháng 2 và được áp dụng từ tháng 3/2011. Mức thuế theo đề xuất hiện tại là 130%, cao hơn nhiều so với kỳ xem xét trước đó.
Như vậy, còn khoảng gần 6 tháng nữa DOC mới ra phán quyết cuối cùng. Trong trường hợp xấu nhất, kết quả sơ bộ này cũng chính là phán quyết cuối cùng, thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu qua thị trường Mỹ, vì các lý do sau:
(i) Với mức thuế quá cao (130%) cá tra, basa Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác của các nhà sản xuất của Mỹ và các nước khác.
(ii) Nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải hỗ trợ nhà nhập khẩu đóng khoản tiền lớn cho việc ký gửi. Đây là điều rất khó, sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng tiền của doanh nghiệp, làm thiếu vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất.
(iii) Ngoài việc phải đóng thuế chống bán phá giá cho các lô hàng xuất đi từ tháng 3/2011, các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thêm khoảng chênh lệch thuế cho giai đoạn 01/08/2008 đến 31/07/2009. Rõ ràng, đây là vấn đề nan giải khi mà tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tương đối cao. Nếu tăng thêm khoản vay, áp lực lãi vay sẽ càng lớn.
Thị trường Mỹ chiếm khoảng 11% trên tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 9T/2010. Vì vậy, nếu gặp khó khăn ở thị trường này, hoạt động xuất khẩu cá tra, basa không ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu sang Mỹ lớn như VHC, AGF sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiết lập giá sàn xuất khẩu cá tra, basa. Đây là một trong những kiến nghị chính được Vasep đưa ra tại một hội nghị ngành thủy sản tổ chức trong tháng 10/2010. Ngoài ra, một vài giải pháp khác như ổn định lượng nguyên liệu bảo đảm cung cầu, tăng cường quản lý chất lượng và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cá tra, basa Việt Nam cũng được trao đổi trong hội nghị này. Nếu những giải pháp này được đưa vào áp dụng, có thể hi vọng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ khả quan hơn khi có nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá xuất khẩu tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là cách để hạn chế các doanh nghiệp cạnh tranh hạ giá bán làm tăng rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá ở nước ngoài.
Nhu cầu tiêu thụ tôm tiếp tục gia tăng. Có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm liên tục tăng trong khoảng thời gian từ 2007 đến nay, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, vụ tràn dầu tại Vịnh Mexico vào tháng 4/2010 khiến nhu cầu tôm tại thị trường Mỹ không ngừng gia tăng. Với những lợi thế này, xuất khẩu tôm kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Xuất khẩu tôm đối mặt rủi ro mất thị trường Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua (chiếm 29.2%) và được xem là thị trường có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã cảnh báo về dư lượng trifluralin quá mức cho phép trong tôm xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Nhật Bản cũng cảnh báo khả năng cấm nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng rủi ro này có thể xảy ra, nhưng khả năng rất thấp do sự ràng buộc về các yếu tố khác như kinh tế, chính trị, đầu tư... giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ. Hầu hết các hợp đồng xuất khẩu thủy sản được ký kết bằng USD nên nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chính sách nới rộng tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sẽ được đóng góp khá nhiều từ khoản chênh lệch tỷ giá này.
3. Cổ phiếu quan tâm: MPC, ACL, ABT
Tình hình xuất khẩu tôm rất thuận lợi trong thời gian qua, và dự báo sẽ có triển vọng khả quan khi nhu cầu liên tục gia tăng. Những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu ổn định và tự chủ được nguồn nguyên liệu nên được cân nhắc để đầu tư, đáng chú ý là MPC.
VHC là cổ phiếu khá nổi trội so với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa khác. Tuy nhiên, hiện VHC là một trong những công ty chịu mức thuế chống bán phá giá sang Mỹ cao nhất, 4.22 USD/kg. Mỹ lại là thị trường chính của VHC nên nhiều khả năng VHC sẽ gặp khó tại thị trường này. Đây là rủi ro khá lớn của VHC trong thời gian tới. Có lẽ vì vậy mà VHC đang được giao dịch với mức định giá khá hấp dẫn, P/E 2010 ước tính ở mức 4.74 lần.
CTCP Thủy hải sản Minh Phú (HoSE: MPC): Phù hợp với dự báo trong Báo cáo Chiến lược Đầu tư Ngành Thủy sản quý 2/2010, nhu cầu tôm tại thị trường Mỹ đã tăng mạnh trong quý 3 do sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico. Kim ngạch xuất khẩu của MPC liên tục gia tăng mạnh so với các tháng cùng kỳ năm 2009. Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2010, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2010 đạt tương ứng 3,068 tỷ đồng và 253.3 tỷ đồng, hoàn thành 87.68% và 95.77% so với kế hoạch năm.
Với nguồn nguyên liệu ổn định và thị trường Mỹ triển vọng, hoạt động kinh doanh của MPC trong thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục khả quan.
Hiện thuế chống bán phá giá tôm sang thị trường Mỹ của MPC đang ở mức khá thấp 2.95%, nhưng cũng không loại trừ trường hợp là được điều chỉnh tăng cao như đối với cá tra và ba sa vừa qua. Như vậy, rủi ro thay đổi chính sách của các quốc gia nhập khẩu, đặc biệt là thị trường chính là Mỹ theo chiều hướng tiêu cực sẽ tác động mạnh đến hình hình xuất khẩu của MPC.
MPC cũng phải đối diện với khả năng Nhật Bản cấm nhập tôm từ Việt Nam, như trình bày ở phần triển vọng ngành. Trong năm 2009, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của MPC, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu.
CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL): Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu cá tra của ACL liên tục gia tăng. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu của ACL khá đa dạng nên hạn chế được nhiều rủi ro khi có sự thay đổi chính sách ở các nước nhập khẩu. Với EPS 2010 ước tính đạt 7,483 đồng/cp, P/E 2010 tương ứng ở mức 4.12 lần, đây là mức khá hấp dẫn khi đầu tư vào ACL tại thời điểm hiện nay.
Mặc dù ACL đã chủ động được phần nào nguyên liệu đầu vào nhưng hiện vẫn phụ thuộc khoảng 60% từ nguồn thu mua bên ngoài. Trong thời gian qua, tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra, basa liên tục đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao (hiện trung bình khoảng 18,000 đồng/kg), trong khi giá bán không được điều chỉnh tương ứng. Đây là rủi ro lớn nhất của ACL trong giai đoạn hiện nay.
CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT): Mặc dù 2 thị trường chính của ABT là Bồ Đào Nha (20%) và Tây Ban Nha (16%) là những nước bị ảnh hưởng đáng kể bởi khủng hoảng nợ công Châu Âu nhưng kim ngạch xuất khẩu sang 2 thị trường này của ABT không bị suy giảm. Điều này chứng tỏ mặt hàng nghêu xuất khẩu có những lợi thế nhất định. Truyền thống chia cổ tức cao qua các năm, khoảng 40%/năm cũng đáng được quan tâm.
Điểm hạn chế của ABT là tham gia nhiều vào đầu tư tài chính. Kết quả lợi nhuận 6T/2010 có sự đóng góp đáng kể từ hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính. Trong quý 3, trước biến động xấu của thị trường chứng khoán, ABT phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 7.08 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý 3 chỉ đạt 17.26 tỷ đồng, giảm 47.69% so với cùng kỳ năm 2009.
Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản cho năm 2010
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|