Thứ Hai, 25/10/2010 10:03

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Triển vọng TTCK Việt Nam trong quý 4/2010

Phần 1: Thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm

(Vietstock) - Trong 9 tháng đầu năm 2010, thị trường chứng khoán đã có nhiều biến động. Sự biến động của thị trường chứng khoán thường đi kèm với những biến động của các yếu tố vĩ mô và chính sách của Chính phủ. Tuy vậy, thị trường cũng đã đánh dấu một giai đoạn phát triển khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp được niêm yết mới và huy động vốn trên thị trường. Trong khi nhà đầu tư trong nước tỏ ra dao động, khối ngoại tiếp tục kiên trì mua ròng rất mạnh.

* Phần 2 - Đánh giá triển vọng của thị trường trong Quý 4/2010 (đón xem vào ngày 26/10)

Những sự kiện nổi bật của thị trường trong 9 tháng đầu năm 2010

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/09/2010, VN-Index đóng cửa ở mức 454.52 điểm, mất 40.25 điểm so với phiên đóng cửa cuối năm 2009, tương đương 8.14%. Trong khi đó, HNX-Index đóng cửa cuối ngày 30/09/2010 ở mức 127.29 điểm, mất đến 40.88 điểm so với đầu năm 2010, tương đương 24.31%, cao hơn rất nhiều so với VN-Index.

TTCK Việt Nam đang tiếp tục trải qua một giai đoạn nhiều thử thách. Để giúp nhà đầu tư có một cái nhìn toàn cảnh về thị trường, Vietstock đánh giá lại những diễn biến chính, các yếu tố ảnh hưởng trong 9 tháng đầu năm 2010, và đưa ra nhận định về triển vọng trong những tháng cuối năm.

Báo cáo này gồm có 2 phần:

* Phần 1: Những diễn biến đáng chú ý của TTCK đầu năm 2010

* Phần 2: Đánh giá triển vọng của thị trường trong Quý 4/2010.

Cùng với việc mất điểm mạnh của các chỉ số chứng khoán, nhiều cổ phiếu giảm rất mạnh, thậm chí giá của nhiều cổ phiếu thấp hơn mức đáy của các chỉ số thị trường vào tuần cuối cùng của  tháng 2 năm 2009, khi VN-Index đạt 235.5 điểm và HNX-Index đạt 78.06 điểm.

Trong 9 tháng đầu năm 2010 thị trường xuất hiện 3 đợt sóng mạnh. Đợt sóng thứ nhất kết thúc vào ngày 07/01/2010 với mức đỉnh của VN-Index đạt được là 543.46 điểm, sau đó lùi sâu về mức 477.59 điểm vào ngày 22/01. Đợt sóng thứ 2, thị trường phục hồi lên 531.86 điểm vào ngày 15/03, sau đó lùi về 499.21 điểm vào ngày 31/03. Đợt sóng thứ 3 đưa VN-Index lên mức điểm cao nhất trong 9 tháng năm 2010 với số điểm là 549.12 điểm vào ngày 04/05. Kể từ mức điểm cao nhất của đợt sóng thứ 3 thị trường giảm mạnh về 423.89, mức thấp nhất kể từ ngày 22/07/2009. Sau đó, thị trường đã có một đợt phục hồi nhẹ và hiện VN-Index giảm còn 445.21 điểm (ngày 22/10/2010).

Điểm đáng lưu ý là các đợt sóng của thị trường thường gắn liền với các thông tin vĩ mô và chính sách quan trọng của Chính phủ. Điển hình như đợt suy giảm mạnh của thị trường từ tháng 5 đến nay được xem có nguyên nhân chính là do chính sách tăng cường an toàn cho hệ thống tài chính bằng cách ban thành Thông tư 13 của NHNN. Ngoài ra, biến động của tỷ giá và lạm phát cũng ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Một vài đợt sóng của thị trường gắn liền với sự biến động mạnh của những cổ phiếu có mức vốn hóa vừa và nhỏ. Các bluechips và cổ phiếu ngân hàng hầu như không tạo ra một đợt sóng nào trên thị trường.

Vào đợt sóng thứ 3 của thị trường, các cổ phiếu tăng mạnh nhất đều là những penny-stock niêm yết trên HNX. Giá trị giao dịch trên HNX tăng vọt và thậm chí có những phiên còn lớn hơn HoSE, nơi có giá trị thị trường gấp 4 lần

Hiện tượng cổ phiếu niêm yết và phát hành thêm ồ ạt

9 tháng đầu năm 2010 đã chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp niêm yết và phát hành thêm diễn ra ồ ạt trên cả 2 sàn. Tính từ đầu năm đến ngày 08/10/2010 đã có 153 công ty đăng ký niêm yết, trong đó 66 trên HoSE và 87 trên HNX. Tổng số lượng cổ phiếu niêm yết của các công ty mới lên sàn là 3.38 tỷ đơn vị và đạt giá trị thường 77 nghìn tỷ đồng vào ngày 08/10/210, bằng 13% giá trị cả thị trường.

Trong đó, đáng chú ý có một số doanh nghiệp lớn mới niêm yết trên HoSE là OGC (Tập đoàn Đại Dương) 250 triệu CP; POM (Thép Pomina) 187 triệu và các mã cổ phiếu khác như VOS, PDR, SBS, PTL niêm yết trên 100 triệu cổ phiếu. Trên HNX có 3 mã có cổ phiếu niêm yết lớn là NVB (Ngân hàng Nam Việt) 198.9 triệu CP, OCH (Khách sạn & Du lịch Đại Dương) 100 triệu CP, VND (Chứng khoán VNDirect) 100 triệu CP.

Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận một loạt công ty chứng khoán được niêm yết mới và tăng vốn. Đa phần các công ty này đều niêm yết trên HNX như VND, HBS, PSI… Hiện tại đã có 26 công ty chứng khoán niêm yết trên thị trường trong đó có 4 công ty trên HoSE và 22 công ty trên HNX. Giá trị thị trường của 22 công ty trên HNX vào ngày 08/10/2010 là 14.42 nghìn tỷ đồng, bằng 16.01% giá trị vốn hóa của toàn sàn HNX.

Trong 9 tháng đầu năm, số lượng cổ phiếu niêm yết mới do các doanh nghiệp phát hành thêm là 2.73 tỷ đơn vị, bằng 44.71% tổng số lượng cổ phiếu niêm yết mới. Không những vậy, dưới sức ép của lãi suất cao nhiều doanh nghiệp buộc phải phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để huy động vốn. Các công ty phát hành thêm hoặc chia tách niêm yết thêm nhiều cổ phiếu như SSI, VIC, ITA, HPG, VCG, PVI…

Khối ngoại mua ròng mạnh trên sàn

Suốt 10 tháng qua, khối ngoại tăng cường mua ròng khá mạnh những cổ phiếu niêm yết trên sàn, đặc biệt là cổ phiếu bluchips trên HoSE. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại tính từ đầu năm 2010 đến ngày 11/10/2010 đã lên tới 10,229 tỷ đồng trên HoSE và 609 tỷ đồng trên HNX. Giá trị mua ròng này lớn gần gấp đôi so với năm 2009. Điều này cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam.

Vào trung tuần tháng 6/2010, quỹ đầu tư VEIL do Dragon Capital quản lý chịu áp lực thoái vốn khi giá trị thị trường của chứng chỉ quỹ thấp hơn nhiều so với NAV. Không ít nhận định lúc này lo ngại các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đồng loạt rút khỏi Việt Nam do triển vọng không khả quan của nền kinh tế. Ngoài ra, việc chênh lệch lớn giữa NAV và giá trị thị trường cũng khiến người ta e ngại việc một số tổ chức nước ngoài sẽ mua chứng chỉ quỹ rồi ép thoái vốn để thu lợi nhuận chênh lệch. Tuy nhiên, cuối cùng VEIL không bị thoái vốn và nhà đầu tư nước ngoài đã đều đặn mua ròng khá mạnh trên thị trường.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Việt Nam đã không tận dụng tốt cơ hội để thu hút các dòng vốn gián tiếp như các nước láng giềng Đông Nam Á khác.

Khối ngoại mua ròng khá mạnh nhưng chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu chủ chốt trên sàn. Trên HoSE, HAG của Hoàng Anh Gia Lai được khối ngoại mua ròng đến 1,521 tỷ đồng, tiếp theo là BVH 893 tỷ đồng, KBC 793 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu được khối ngoại ưa thích khác là VNM, DIG, SJS, HPG. Trong khi đó khối ngoại bán ròng các mã cổ phiếu VSH (247 tỷ đồng), ITC (193 tỷ đồng), REE (145 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, trong 9 tháng mã cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là PVS (145 tỷ đồng), KLS (130 tỷ đồng), PVX (112 tỷ đồng), trong khi đó mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là AAA (45 tỷ đồng).

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   PET: Phân tích cổ phiếu tháng 09/2010 (05/10/2010)

>   Dự báo lạm phát và phản ứng chính sách tiền tệ cuối năm 2010 (30/09/2010)

>   Thông tư 13: Bốn thay đổi căn bản sẽ tạo hiệu ứng tích cực (28/09/2010)

>   Ảnh hưởng của tỷ giá lên nhập siêu Việt Nam (21/09/2010)

>   HVG: Báo cáo phân tích cổ phiếu (21/09/2010)

>   Kinh tế Mỹ: Trì trệ tạm thời hay suy thoái kép? (19/09/2010)

>   VNM: Báo cáo phân tích cổ phiếu (14/09/2010)

>   MPC: Khoản hoàn thuế 7.28 triệu USD có làm tăng lợi nhuận? (08/09/2010)

>   PAC: Báo cáo phân tích cổ phiếu (31/08/2010)

>   Chiến lược đầu tư 2010: Ngành Mía đường (28/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật