Thứ Bảy, 28/08/2010 11:31

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Cập nhật T8/2010:

Chiến lược đầu tư 2010: Ngành Mía đường

(Vietstock) – Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 6.19 lần và 1.16 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu và giá đường đã phục hồi mạnh so với giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009.

DIỄN BIẾN NGÀNH MÍA ĐƯỜNG NỬA ĐẦU NĂM 2010

Giá đường trong những tháng đầu năm biến động mạnh. Giá đường tăng cao kỷ lục vào đầu năm và duy trì đà tăng mạnh trong quý 1, đạt mức cao nhất 771 USD/tấn. Giá đường sau đó lại giảm mạnh trong quý 2 về mức thấp nhất 633 USD/tấn. Tuy vậy, từ tháng 7/2010 tới nay, giá đường thế giới lại tăng cao đạt trung bình 669 USD/tấn. Giá đường trắng tinh luyện trong nước cũng tăng cao và đang đứng từ 19,000 – 20,000đ/kg.

Lượng đường tồn kho không nhiều. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho trong nước tính đến ngày 15/07/2010 là 172,700 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 31,600 tấn. Tuy nhiên, lượng đường của các đơn vị đã mua còn gửi tại các kho nhà máy là 40,000 tấn. Vì vậy, lượng hàng tồn kho năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm khá mạnh, và khó có khả năng đường dư thừa và giảm giá vào cuối năm.

Thêm hạn ngạch nhập khẩu để bình ổn, nhưng giá đường nhập khẩu cũng ở mức cao. Đến ngày 15/07/2010, các công ty trong nước đã nhập khẩu 102,000 tấn, trong hạn ngạch 150,000 tấn được cấp đầu năm 2010 để phục vụ sản xuất; và 41,800 tấn trong hạn ngạch 50,000 tấn được cấp để kinh doanh thương mại.

Gần đây, Bộ Công thương đã cho phép nhập khẩu bổ sung 100,000 tấn đường để bình ổn giá, hiệu lực đến hết ngày 31/12/2010. Tuy nhiên, giá đường nhập về vẫn ở mức cao, khoảng 800 USD/tấn khi về đến cảng nội địa, và giá bán ra thị trường phải từ 18,0000 – 20,000 đồng/kg.

Sản xuất đường trong nước đạt mức thấp. Niên vụ 2009 - 2010, toàn ngành chỉ sản xuất được trên 889,000 tấn đường, so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 19,800 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của bão lụt và chất lượng đường thấp do nhà máy sản xuất vào vụ sớm và ép mía non. Dự báo niên vụ 2010 - 2011, sản xuất của ngành sẽ trễ hơn một tháng so với kế hoạch vì ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán. Điều này có thể khiến giá đường ngày càng tăng và có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung vào thời điểm chuyển vụ mùa tới.

Trên thế giới, sản xuất đường không khả quan. Kết thúc mùa vụ sản xuất 2009-2010, sản lượng đường của Thái Lan ước tính đạt 7.6 triệu tấn, nhưng thực tế đã giảm 3% còn 6.9 triệu tấn, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn.

Thái Lan xuất khẩu đường chủ yếu sang Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông và một phần xuất khẩu qua Việt Nam. Việc Thái Lan thiếu hụt đường khiến các nước nhập khẩu đường truyền thống này sẽ phải tìm nguồn cung cấp khác, tạo áp lực gia tăng giá đường.

Ngoài ra, nhu cầu của nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới là Ấn Độ, cùng với Indonesia và các nước Hồi giáo khác đều tăng vào dịp lễ Ramadan từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Dự báo nhu cầu đường thế giới sẽ vẫn tăng mạnh, trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng.

TRIỂN VỌNG NGÀNH MÍA ĐƯỜNG NĂM 2010

Cuối năm là giai đoạn cao điểm tiêu thụ của ngành đường. Dự báo giá tiếp tục xu hướng tăng. Nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại sau khủng hoảng. Trong khi đó, mức tiêu thụ đường trong nước có xu hướng tăng trưởng cao, nhưng lượng đường sản xuất chỉ cung ứng đủ khoảng 70-75% nhu cầu thị trường. Vì vậy, tiềm năng từ thị trường nội địa còn khá lớn.

Tính bình quân, thị trường trong nước tiêu thụ mỗi tháng từ 80-100 ngàn tấn đường, dịp cao điểm có thể tăng lên đến 110-120 ngàn tấn, và trung bình mỗi năm khoảng 1.3-1.4 triệu tấn.

Cuối năm là mùa tiêu thụ cao điểm của ngành đường. Trong ngắn hạn, nhu cầu sẽ tăng cao đặc biệt nhờ yếu tố thời vụ mùa trung thu. Sau mùa trung thu là các dịp lễ lớn như Đại lễ một nghìn năm Thăng Long, Noel, Tết khiến nhu cầu đường tiếp tục duy trì ở mức cao. Dự báo giá đường tiếp tục xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2010.

Cạnh tranh nội bộ ngành thấp. Với sự thiếu hụt nguồn cung trong nước và là một loại thực phẩm không thể thiếu, các doanh nghiệp trong ngành mía đường Việt Nam sẽ không phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt như các ngành khác.

Áp lực chủ yếu đến từ đường nhập khẩu vì các biện pháp bảo hộ sẽ dần được dỡ bỏ. Từ năm 2010, các công cụ bảo hộ như hạn ngạch và thuế quan sẽ dần được dỡ bỏ theo lộ trình hội nhập. Thuế nhập khẩu được điều chỉnh từ 10% xuống còn 5%, đồng thời hạn ngạch nhập khẩu cũng sẽ dần dần được xóa bỏ. Ngành mía đường Việt Nam có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Chưa chủ động được vùng nguyên liệu. Điều này dẫn đến việc ngành công nghiệp mía đường trong nước luôn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nặng nề. Các nhà máy đang hoạt động ngày càng thấp dưới công suất thiết kế, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung đường trong nước. Ngoài ra, vùng nguyên liệu mía liên tục bị thu hẹp trong những năm vừa qua. Lý do chính là rủi ro biến động giá và chi phí khá cao, và nông dân có khuynh hướng chuyển sang các loại cây trồng khác.

Quy mô sản xuất nhỏ, năng suất chế biến thấp với chỉ 2,643 tấn mía cây/ngày. Quy mô tối thiểu để đạt hiệu quả về kinh tế của một nhà máy đường trên thế giới vào khoảng 6,000 – 7,000 tấn mía cây/ngày. Quy mô bình quân của các nhà máy đường Thái Lan vào khoảng 12,000 tấn mía cây/ngày, Úc là 10,000 tấn mía cây/ngày. Nhìn chung, ngành công nghiệp mía đường của Việt Nam hiện nay sẽ phải nỗ lực nhiều mới đạt được quy mô hiệu quả.

Năng suất mía và chất lượng thấp hơn so với thế giới. So với năng suất trung bình trên thế giới hiện khoảng 70 tấn mía/ha, năng suất mía của Việt Nam đang thấp hơn 16.3%, đạt khoảng 58.6 tấn/ha. Trong khi ở các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc mía đạt chất lượng khoảng 13 chữ đường thì chất lượng mía ở Việt Nam bình quân hiện thấp hơn 10 chữ đường.

CỔ PHIẾU QUAN TÂM: LSS, NHS, SEC

Trong 6 tháng đầu năm 2010 (1H/2010), kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009. Chúng tôi cho rằng giá đường sẽ tiếp tục đà tăng trong 2H/2010 nhưng sẽ không đột biến như trong quý 1. Bên cạnh đó, doanh thu trong dịp Tết có thể sẽ được ghi nhận vào Q1/2011. Vì vậy, các dự phóng của chúng tôi đối với ngành mía đường trong 6 tháng cuối năm 2010 (2H/2010) ở mức khá thận trọng so với 1H/2010.

Kết quả dự phóng của chúng tôi cho thấy, P/E và P/B forward cho năm 2010 của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 6.19 lần và 1.16 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi nhu cầu và giá đường đã phục hồi mạnh so với giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009.

Những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định; có kế hoạch cải thiện năng suất và chất lượng mía (chữ đường lớn) khả thi; và hàng tồn kho lớn sẽ có nhiều lợi thế lớn trong giai đoạn cung không đủ cầu, giá biến động lớn như hiện nay.

Để hạn chế các rủi ro tăng tưởng trong dài hạn, những doanh nghiệp có dự án phát triển tiềm năng cũng là tiêu chí quan trọng khi chúng tôi xem xét lựa chọn cổ phiếu.

CTCP Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS): Vùng nguyên liệu mía ổn định là thế mạnh nổi bật của LSS. Hiện tại, LSS có vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 15,000 – 16,000 ha ở 11 huyện miền núi và trung du tỉnh Thanh Hóa. Chất lượng mía và năng suất cao của LSS cao hơn hẳn trung bình ngành.

LSS vẫn đang tiếp tục triển khai giống mía mới, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cải thiện năng suất. Ngoài ra, LSS còn mở rộng công suất nhà máy đường số 2 lên 7,500 tấn/ngày, đầu tư bổ sung thiết bị hồ hóa tinh bột cho nhà máy cồn và xây dựng khách sạn Lam Sơn - Sầm Sơn.

LSS sẽ lắp đặt thêm hệ thống lò hơi với nhiên liệu sử dụng từ việc đốt bã mía để phục vụ sản xuất và tận dụng để phát điện với công suất dự kiến 12 MW, góp phần tăng thêm thu nhập trong tương lai.

Lợi nhuận sau thuế của LSS trong 1H/2010 đạt 149 tỷ đồng, tương ứng 79.6% kế hoạch năm 2010, nhờ giá mía tăng và ứng dụng kỹ thuật giúp giảm giá vốn hàng bán.

LSS có lợi thế lớn từ hàng tồn kho giá rẻ, với hàng tồn kho tại ngày 30/6/2010 đạt 238 tỷ đồng (trong đó có khoảng 28,000 tấn thành phẩm). Mức hàng tồn kho này tăng đến 126.2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Chúng tôi dự phóng LNST cả năm 2010 ở mức thận trọng đạt 213 tỷ đồng. Với P/E, P/B ước tính năm 2010 lần lượt là 4.67 lần và 1.08 lần, ở mức thấp so với trung bình ngành, LSS xứng đáng được xem xét để đưa vào danh mục đầu tư trung hạn.

CTCP Đường Ninh Hòa (HoSE: NHS): Phần lớn vùng nguyên liệu mía của NHS được trồng trong bán kính khoảng 30km từ nhà máy. Đây là vùng đất cằn nên sản lượng mía tương đối thấp, khoảng 50-55 tấn/ha khi thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của NHS lại có chữ đường cao, với hàm lượng đường trong mía (CCS) bình quân đạt 10.5 CCS, cao hơn nhiều so với trung bình ngành ở mức 7-8 CCS.

NHS có 5,800 ha vùng nguyên liệu, trong đó có 4,700 ha tại Khánh Hòa và hơn 1,000 ha ở Đắc Lắc. NHS xếp thứ 15/40 công ty trong ngành về công suất và 12/40 về sản lượng hằng năm.

Chúng tôi ước tính doanh thu và LNST của NHS năm 2010 lần lượt đạt 377.2 và 58.9 tỷ đồng, tương ứng với P/E, P/B năm 2010 ở mức 4.08 lần và 1.14 lần, thấp nhất trong ngành.

Ước tính này dựa trên cơ sở khá thận trọng, do NHS không đặt nặng yếu tố lợi nhuận trong sản xuất phân bón NPK và sản xuất điện thương phẩm, với mục đích hỗ trợ cho nông dân trồng mía. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho của NHS tại ngày 30/06/2010 vẫn còn khá lớn, đạt 144.5 tỷ đồng, có thể giúp NHS gia tăng lợi nhuận khi giá đường tăng cao.

CTCP Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (HoSE: SEC): Cùng với việc nâng công suất nhà máy, SEC sẽ đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu từ 4,100 ha lên 5,300 ha trong niên vụ 2010. Hiện tại, SEC đang trồng thí điểm 30 ha mía ở huyện Chư Sê và Krông Pa, Gia Lai. SEC sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mía lên 18,000 ha tại các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai.

SEC có dự án nâng công suất nhà máy từ 1,500 tấn mía cây/ngày lên 2,500 tấn mía cây/ngày và đồng thời phát điện công suất 12MW, với mức đầu tư 232.7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tận dụng sản phẩm sau đường.

Trong 1H/2010, doanh thu và LNST của SEC tăng trưởng mạnh tương ứng đạt 189.2 tỷ và 48.2 tỷ đồng, bằng 63.9% và 87.9% kế hoạch năm 2010. Chúng tôi dự phóng doanh thu, LNST cả năm 2010 của SEC đạt 340.5 tỷ và 72.4 tỷ đồng, tương ứng với P/E và P/B ở mức 4.7 lần và 1.47 lần. Kết thúc quý 2/2010, SEC có lượng hàng tồn kho trị giá 43.4 tỷ đồng.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Sản xuất công nghiệp có thực sự xuống thấp? (27/08/2010)

>   Lạm phát Việt Nam đang cao hay thấp? (25/08/2010)

>   Vì sao Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát lại Thông tư 13? (20/08/2010)

>   Bình luận động thái nâng tỷ giá USD/VND (18/08/2010)

>   Ngày 18/08: Tỷ giá tăng, chứng khoản giảm mạnh (18/08/2010)

>   Thông tư 13 chặn đứng dòng tiền vào TTCK? (18/08/2010)

>   LSS: Báo cáo phân tích cổ phiếu tháng 8/2010 (16/08/2010)

>   IFS: Bình luận báo cáo kiểm toán 2009 và triển vọng 2010 (12/08/2010)

>   Kinh tế Việt Nam Tháng 08/2010: Ổn định nhưng phục hồi khá chậm (12/08/2010)

>   TSC: Bình luận kết quả kinh doanh Quý 2 và năm 2010 (10/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật