Thứ Tư, 25/08/2010 09:26

Lạm phát Việt Nam đang cao hay thấp?

(Vietstock) – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2010 cả nước tăng 0.23%, cao hơn khá nhiều so với mức 0.06% của tháng 7. Vấn đề được quan tâm hiện nay là liệu lạm phát của Việt Nam đang cao hay thấp, và xu hướng trong thời gian tới sẽ như thế nào?

CPI tháng 8/2010 tăng 0.23%, bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2010 cả nước tăng 0.23%, cao hơn khá nhiều so với mức 0.06% của tháng 7. So với tháng 12/2009, CPI tháng 8 tăng 5.08%, và tăng 8.18% nếu so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy, có thể thấy CPI tính theo tháng đã tăng tốc trong tháng 8, nhưng tính theo năm thì vẫn đang giảm dần.

Tốc độ tăng CPI theo tháng

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

CPI tháng 8 bắt đầu tăng trở lại xuất phát từ một số nguyên nhân như giá gạo và một số mặt hàng lương thực tiếp tục xu hướng tăng. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 09/08 vừa qua cũng đã gây sức ép lên nhiều mặt hàng. Lạm phát tháng 8 còn chịu ảnh hưởng của việc tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh.

Lạm phát của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước khác

CPI tháng 8 tăng 8.18% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với 8.67% của tháng 7. Như vậy, kể từ tháng 02/2010 đến nay, CPI tính theo năm đã liên tục giảm. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn khá cao so với các nước trong khu vực và chính của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Hiện tại, lạm phát tính theo năm của Việt Nam cao hơn khá nhiều so với các nền kinh tế khác cùng điều kiện so sánh. Ngoại trừ Ấn Độ có CPI tăng gần 14%, thì CPI của hầu hết các nước khác chỉ tăng từ 1 – 3%. Trong khi đó, so sánh từ góc độ tăng trưởng GDP thì Việt Nam cũng chỉ ở mức trung bình. CPI (YoY) tháng 8 cũng cao hơn khá nhiều so với trung bình trong gần 20 năm qua tại Việt Nam, ở mức khoảng 6%.

Chúng tôi cho rằng CPI tăng cao vẫn chủ yếu xuất phát từ những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước. Trong đó yếu tố cung tiền và thiếu hiệu quả trong đầu tư là những nguyên nhân chính.

Cụ thể, trong năm 2009, một lượng tiền rất lớn được tung ồ ạt vào nền kinh tế đã gây sức ép mạnh đến lạm phát cho những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Tính đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng tính theo năm vẫn còn trên 30%, và đây không phải là mức thấp.

Một nguyên nhân quan trọng khác là hiệu quả đầu tư thấp liên tục kéo dài trong thời gian qua, đặc biệt là khu vực nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây sức ép lên lạm phát và nhiều rủi ro dài hạn cho nền kinh tế.

Mức tăng CPI của Việt Nam theo tháng

CPI Việt Nam và một số nền kinh tế*

Nguồn: TCTK

Nguồn: TCTK và Tradingeconomics

 (*) CPI của Việt Nam đến tháng 8/2010, các nước khác đến tháng 7/2010.

Mô hình cập nhật dự báo CPI năm 2010 có thể chỉ tăng 7.4%

Việc điều chỉnh tỷ giá cùng một số nguyên nhân khác khiến sức ép lên lạm phát sẽ tăng dần trong những tháng tới, trước hết là do áp lực tăng giá của không ít mặt hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, nếu việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền để hạ lãi suất trở thành hiện thực, thì cũng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát. Một nguyên nhân có tính chất dài hạn cũng có thể tác động lên sức ép trong thời gian tới là việc đầu tư để kích thích kinh tế nhưng chưa tạo ra hiệu quả tương xứng.

Dù vậy, chúng tôi vẫn cho rằng sức ép về lạm phát này sẽ không quá lớn. Nguyên nhân là hiện tại các nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn và giá cả hàng hóa trên thế giới khó tăng mạnh. Tiêu dùng trong nước cũng đang chững lại do lãi suất vẫn còn cao, lượng hàng tồn kho đang tăng cao và kinh tế chưa thực sự phục hồi.

Cập nhật dữ liệu tháng 8, mô hình dự báo của chúng tôi cho thấy CPI cả năm 2010 có khả năng sẽ tăng chỉ khoảng 7.4%. Đây là mức vừa phải và có thể chấp nhận được trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây là mức cao so với các nước có điều kiện tương đương với Việt Nam và điều này có thể tạo ra nhiều rủi ro hệ thống, nếu tiếp tục kéo dài.

Hồ Bá Tình

Các tin tức khác

>   Vì sao Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát lại Thông tư 13? (20/08/2010)

>   Bình luận động thái nâng tỷ giá USD/VND (18/08/2010)

>   Ngày 18/08: Tỷ giá tăng, chứng khoản giảm mạnh (18/08/2010)

>   Thông tư 13 chặn đứng dòng tiền vào TTCK? (18/08/2010)

>   LSS: Báo cáo phân tích cổ phiếu tháng 8/2010 (16/08/2010)

>   IFS: Bình luận báo cáo kiểm toán 2009 và triển vọng 2010 (12/08/2010)

>   Kinh tế Việt Nam Tháng 08/2010: Ổn định nhưng phục hồi khá chậm (12/08/2010)

>   TSC: Bình luận kết quả kinh doanh Quý 2 và năm 2010 (10/08/2010)

>   Kỳ vọng gì vào chính sách tiền tệ cuối năm 2010 ? (02/08/2010)

>   Kinh tế Trung Quốc 2010: Tăng trưởng song hành rủi ro mất lợi thế cạnh tranh (31/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật