Thứ Bảy, 31/07/2010 09:12

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ so với VietstockTrader

Kinh tế Trung Quốc 2010: Tăng trưởng song hành rủi ro mất lợi thế cạnh tranh

(Vietstock) – Cập nhật diễn biến kinh tế Trung Quốc, nhận định các triển vọng và rủi ro của nước này trong thời gian còn lại của năm 2010.

Các chỉ số vĩ mô Trung Quốc đều đạt mức khả quan

Quy mô nền kinh tế Trung Quốc tính đến quý 2/2010 vào khoảng 4,327 nghìn tỷ USD, bằng 30.7% GDP của Mỹ, 31.8% GDP khu vực eurozone và 88.1% GDP của Nhật Bản. Với quy mô như vậy, kinh tế Trung Quốc đang là một động lực quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, GDP quý 2/2010 của nước này tăng 10.3%, thấp hơn khá nhiều so với mức 11.9% của quý 1. GDP quý 2 được xem là tăng ở mức vừa phải so với cùng kỳ những năm trước đó, nhưng vẫn rất cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

GDP của Trung Quốc trong năm 2010 được dự báo sẽ tăng trưởng 9.8-10% và tiếp tục duy trì được tốc độ tăng tưởng cao trong một số năm tới.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhận định cho rằng kinh tế Trung Quốc đang phát triển quá nóng. Tuy nhiên, quan sát biểu đồ chúng ta có thể thấy tốc độ trăng trưởng này không phải là quá con số quá cao so với những năm trước đó.

Chỉ báo tổng hợp của các chỉ số kinh tế là Leading Index và chỉ báo Coincident Index cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phục hồi khá tốt.

(Chỉ số Leading Index tổng hợp từ 10 chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế. Coincident Index tổng hợp từ 4 chỉ tiêu là lạm phát, thất nghiệp, tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thu nhập của người dân).

Chỉ số phát triển kinh tế

Chỉ số Leading và Coincident

Nguồn: stats.gov.cn

Nguồn: stats.gov.cn

Đáng chú ý, hầu hết các chỉ số trong Chỉ số Giám sát Các tín hiệu Kinh tế Vĩ mô (Monitoring Signals of Macro-Economic Climate Index) đến tháng 5/2010 đều tăng trưởng và trong trạng thái ổn định. Sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, thương mại và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng khá, trong khi tăng trưởng tín dụng, cung tiền, đầu tư và lạm phát vẫn duy trì được trạng thái ổn định.

Monitoring Signals of Macro-Economic Climate Index của Trung Quốc

Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì rất cao, ngang với mức đỉnh năm 2008

Trong tháng 6/2010, dù đồng Nhân dân tệ (CNY) lên giá nhưng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu tháng 6 đạt 137 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4.2% so với tháng 5. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 117 tỷ USD, cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2010, Trung Quốc vẫn duy trì thặng dư cán cân thương mại, đạt 55.83 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đang ngang bằng thời kỳ đỉnh cao của năm 2008. Điều đó cho thấy sức phục hồi của kinh tế khá mạnh mẻ và thặng dư thương mại của Trung Quốc tiếp tục ở mức cao.

Sẽ không quá mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, lạm phát của Trung Quốc cũng bắt đầu tăng trở lại. Đến tháng 6/2010, CPI theo năm tăng 2.9%, giảm so với mức 3.1% của tháng trước đó.

Mức tăng CPI này vẫn còn tương đối thấp đối với một nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc. Tuy vậy, hiện tại Trung Quốc vẫn luôn cảnh giác với áp lực lạm phát, đặc biệt đối với hiện tượng bóng bóng trên thị trường bất động sản.

Nhiều nhận định cho rằng Trung Quốc sẽ siết chặt mạnh chính sách tiền tệ. Tuy vậy, quan điểm của chúng tôi cho rằng Trung Quốc vẫn ưu tiên cho các chính sách phát triển kinh tế. Do vậy, nước này cũng sẽ không mạnh tay trong việc thắt chặt tiền tệ, dù áp lực lạm phát đang rất nóng. 

Tăng trưởng CPI từ 2007 đến T6/2010

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc

Nguồn: tradingeconomics.com

Nguồn: tradingeconomics.com

Nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang tiềm ẩn không ít rủi ro. Giá nhà đất không ít nơi tại Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng lên từ 50 đến 100% kể từ đầu năm đến nay. Trung bình từ đầu năm đến tháng 6/2010, giá nhà đất 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 18.4% 

Cơn sốt giá nhà đất này một phần bắt nguồn từ sự tăng trưởng khá nhanh của nền kinh tế sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ mở rộng cùng với gói kích thích kinh tế đã làm cho dòng tiền đổ mạnh vào các lĩnh vực phi sản xuất như thị trường bất động sản.

Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại trước tình trạng quá nóng của thị trường bất động sản và đang thực hiện các biện pháp thắt chặt tín dụng. Không những siết lại thị trường tín dụng và nâng lãi suất, Trung Quốc còn đưa ra các sắc thuế đánh vào bất động sản nhằm hạ nhiệt cho thị trường này.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở giá bất động sản. Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch còn cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (The People´s Bank of China) hạ thấp số liệu tăng trưởng tín dụng để trấn an người dân.

Fitch ước tính các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 5.9 nghìn tỷ CNY (khoảng 871 tỷ USD) trong sáu tháng vừa qua, vượt 28% con số 4.6 nghìn tỷ do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố.

Cũng theo Fitch, ước tính đến cuối tháng 6/2010, hơn 2.3 nghìn tỷ CNY dư nợ tín dụng nằm trong các sản phẩm đầu tư và nằm ngoài bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.

Áp lực tỷ giá và sự giảm sút sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc

Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng sản xuất của thế giới, không ít công ty đa quốc gia đã chọn nước này làm nơi gia công sản xuất hàng hóa. Tuy vậy lợi thế này dần mất đi khi CNY đang chịu sức ép lên giá, giá thuê nhân công ngày càng tăng cao.

Trong suốt những năm vừa qua, Trung Quốc luôn là nước xuất siêu. Thặng dư thương mại đã giúp cho nước này có được một lượng dự trữ ngoại hối không lồ. Tính đến cuối tháng 3/2010 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 2,400 tỷ USD, bằng 55% quy mô nền kinh tế.

Phương Tây và Mỹ đang lo ngại với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ Trung Quốc có thể lũng đoạn thị trường tài chính toàn cầu. Trung Quốc chỉ cần thay đổi trong chính sách đầu tư trái phiếu chính phủ các nước là có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính toàn cầu.

Trước sức ép của châu Âu và Mỹ, Trung Quốc buộc phải tuyên bố áp dụng chính sách tỷ giá một cách linh động hơn. Kể từ sau khi áp dụng chính sách này vào ngày 21/06 đến nay, CNY đã tăng giá 0.78%. Đây là mức tỷ giá thấp nhất trong nhiều năm qua.

Không ít nhận định cho rằng CNY lên giá sẽ giúp cho các nước châu Âu và Mỹ giảm bớt được thâm hụt cán cân thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Trung Quốc ít khả năng để cho CNY tăng giá mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương của nước này.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng do CNY lên giá, sức ép do tăng giá thuê nhân công trong nước cũng làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc. Trung bình từ đầu năm đến nay, lương công nhân ở Trung Quốc đã tăng 20-30%, thậm chí có những công ty phải tăng lương gấp đôi.

Sức ép tăng lương này có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc và ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở nước này.

Kết luận

Quý 1/2010 GDP nước này tăng đến 11.9%, tăng trưởng quý 2 đã chậm lại nhưng vẫn ở mức 10.3%. Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là động lực quan trọng cho phục hồi của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng. Các chỉ số vĩ mô khác của Trung Quốc cũng cho thấy nước này đang ở trong giai đoạn phục hồi khá ấn tượng.

GDP của Trung Quốc trong năm 2010 được dự báo sẽ tăng trưởng 9.8-10% và tiếp tục duy trì được tốc độ tăng tưởng cao trong một số năm tới.

Bên cạnh đạt được sự phục hồi khả quan, kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro. Những rủi ro này đã làm cho thị trường chứng khoán nước này sút giảm gần 20% kể từ đầu năm đến nay.

Trong đó, đáng ngại nhất chính là rủi ro trên thị trường tiền tệ và bất động sản. Sự tăng trưởng nóng của giá nhà đất đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của nước này vẫn còn tồn tại nhiều ẩn số do thiếu minh bạch và nhà nước vẫn còn can thiệp sâu khiến cho tính bền vững của hệ thống tài chính không cao.

Ngoài ra, sự tăng giá của nhân công và mạnh lên của đồng nội tệ cũng sẽ khiến cho Trung Quốc mất dần lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kinh tế châu Âu năm 2010: Nhiều trở ngại cần phải vượt qua (28/07/2010)

>   TAC: Báo cáo cập nhật tháng 07.2010 (21/07/2010)

>   Kinh tế Việt Nam: Đâu là những rủi ro tiềm ẩn? (17/07/2010)

>   MPC: Khuyến nghị đầu tư (14/07/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Tôn - Thép  (29/06/2010)

>   Nhân dân tệ tăng giá và những ảnh hưởng đến Việt Nam (28/06/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Thủy sản (21/06/2010)

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (19/06/2010)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam – Cập nhật T6/2010 (17/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành săm lốp (12/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật