Thứ Hai, 21/06/2010 11:09

Báo cáo phát hành trên website có độ trễ từ 5-10 ngày so với VietstockTrader

Cập nhật T6/2010

Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Thủy sản

(Vietstock) – Kể từ báo cáo chiến lược đầu tư quý 1/2010, chúng tôi nhận thấy ngành thủy sản Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh giảm nhẹ doanh thu và lợi nhuận ước tính năm 2010 của doanh nghiệp trong ngành.

1. Xuất khẩu thủy sản trong 5T/2010

Kim ngạch xuất khẩu 5T/2010 tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Phù hợp với nhận định trong báo cáo chiến lược đầu tư ngành thủy sản quý 1, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục giúp nhu cầu tiêu dùng những tháng đầu năm 2010 tăng trưởng trở lại.

Nhân tố này đã giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5T/2010 của Việt Nam đạt 1,656 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng tăng trưởng của ngành thủy sản 2010 sẽ khả quan so với kết quả thực hiện năm 2009. Nếu không có những yếu tố bất thường xảy ra, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 4.5-4.7 tỷ USD trong năm 2010, vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản thường có xu hướng tăng cao trong quý 3 và quý 4 hàng năm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5T/2010

Thị trường xuất khẩu cá tra, basa 4T/2010

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Hiệp hội Thủy sản Việt Nam

EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong 4T/2010. EU, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, dẫn đầu là thị trường EU với kim ngạch đạt 317.4 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 25% tổng kim ngạch và tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2009. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản và Mỹ, với kim ngạch lần lượt đạt 247.6 triệu USD và 227.5 triệu USD, tăng lần lượt 29.5% và 28.9% so với cùng kỳ năm 2009.

Mặt hàng tôm và cá tra chiếm chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu tôm và cá tra chiếm khoảng 68% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 4T/2010 (mỗi mặt hàng chiếm khoảng 34%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 436 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa đạt 445 triệu USD, lần lượt tăng trưởng 33.8% và 13.2% so với cùng kỳ năm 2009.

Các thị trường xuất khẩu cá tra, ba sa chính của Việt Nam trong 4T/2010 là EU (39%), Mỹ (10%), Mêhicô (6%)... Mêhicô là thị trường mới nổi trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2009, Việt Nam vươn lên chiếm vị trí dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng phi lê cá đông lạnh ở thị trường này.

2. Triển vọng ngành năm 2010

Doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Tình trạng giá nguyên liệu chế biến tăng lên do thiếu nguồn cung, cũng như các quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản của EU (IUU) đang tạo nhiều áp lực lên doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất đưa cá tra vào chủng loại catfish tại thị trường Mỹ. Chủ đề này vẫn chưa được giải quyết và nếu được phê chuẩn, cá tra và ba sa Việt Nam sẽ phải chịu chế độ kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt và khó có thể tuân thủ vì chi phí cao và tốn thời gian.

Khủng hoảng nợ công tại châu Âu, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Khủng hoảng nợ tại châu Âu đã bắt đầu khiến cho nhu cầu tiêu dùng ở châu lục này chững lại. Bên cạnh đó, đồng Euro đang mất giá so với USD khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn. Đơn hàng xuất khẩu sang EU trong tháng 5 đã có dấu hiệu giảm mạnh so với các tháng trước. EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến mục tiêu của ngành trong năm 2010.

Thị trường Nga tiếp tục siết chặt thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là cá tra, basa. Từ đầu năm 2010, đã có nhiều động thái cho thấy thị trường Nga có chủ trương siết chặt thủy sản nhập khẩu, kiểm soát chất lượng nhằm mục đích bảo hộ, tăng lượng cá tiêu thụ trong nước. Gần đây, Nga cũng đã đưa ra quy định mới về tỷ lệ mạ băng (phần nước đưa vào trong quá trình cấp đông sản phẩm), dự kiến được thông qua vào cuối tháng 6. Theo quy định này, tỷ lệ mạ băng sẽ phải giới hạn từ 5%-14%, trong khi tỷ lệ mạ băng của hầu hết các sản phẩm đông lạnh của Việt Nam hiện ở mức rất cao, thậm chí lên đến 30%. Rào cản kỹ thuật mới này nếu được áp dụng, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu thủy sản vào Nga, đặc biệt là các sản phẩm cá tra, basa. 

Triển vọng từ thị trường Mỹ. Mặc dù hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đều bị áp thuế giống phá giá nhưng tốc độ tăng trưởng tại thị trường này vẫn duy trì ở mức cao trong 4T/2010, với kim ngạch đạt 228 triệu USD, tăng trưởng 28.9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu và giá thủy sản tại thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, do sự cố tràn dầu tại vịnh Mêhicô.

Mùa World Cup sẽ giúp nhu cầu thủy sản tại Nam Phi tăng mạnh. Nam Phi là một trong những thị trường mới khai thác của Việt Nam và được đánh giá khá tiềm năng. Việc tổ chức đăng cai World Cup 2010 tại quốc gia này sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng mạnh. Mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng với nhu cầu tăng mạnh trong thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam có cơ hội để đa dạng hóa thị trường hiệu quả. Hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp đã xâm nhập vào thị trường này như Vĩnh Hoàn (VHC), Hùng Vương (HVG),...

3. Cổ phiếu quan tâm: VHC, ABT, MPC

Kể từ báo cáo chiến lược đầu tư quý 1/2010, chúng tôi nhận thấy ngành thủy sản Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh giảm nhẹ doanh thu và lợi nhuận ước tính năm 2010 của doanh nghiệp trong ngành.

Chỉ số định giá P/E và P/B forward 2010 của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện khá thấp so với thị trường. Có lẽ những rủi ro trình bày ở trên đã được phản ảnh một phần nào vào giá giao dịch của cổ phiếu ngành thủy sản.

Chúng tôi cho rằng chọn lựa các cổ phiếu trong ngành để đầu tư trong giai đoạn hiện nay, ngoài chỉ số tài chính tốt, cần phải chú trọng nhiều hơn đến những doanh nghiệp có thị phần chính tại các thị trường tương đối ổn định như Mỹ và Nhật Bản. Trong các doanh nghiệp thủy sản, chúng tôi nhận thấy VHC, ABT và MPC là các cổ phiếu tỏ ra nổi trội hơn về tính bền vững.

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC): VHC là một trong những cổ phiếu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, basa nên được cân nhắc đầu tư trong giai đoạn hiện nay. VHC có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, và tốc độ tăng trưởng cao được duy trì liên tục trong thời gian qua. P/E và P/B  2010 của VHC chỉ vào khoảng 6.2x và 1.42x, tương đối hấp dẫn so với các cổ phiếu cùng ngành khác. Điểm rủi ro nhất của VHC lúc này là tính thanh khoản của cổ phiếu khá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, với khối lượng giao dịch bình quân 50 ngày chỉ là 15,688 cổ phiếu/phiên.

CTCP XNK Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT): ABT là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nghêu duy nhất đang niêm yết. Nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định và lượng khách hàng lâu năm chiếm khoảng 60% giúp ABT hạn chế được các rủi ro kinh doanh. P/E và P/B ước tính cho năm 2010 khá hấp dẫn, tương ứng 6.03x và 1.15x. Tuy nhiên, 2 thị trường xuất khẩu chính của ABT là Bồ Đào Nha (20%) và Tây Ban Nha (16%) đều là những nước bị ảnh hưởng đáng kể bởi khủng hoảng nợ công.

CTCP Thủy hải sản Minh Phú (HoSE: MPC): Nhu cầu và giá tôm được dự báo sẽ tăng mạnh tại thị trường Mỹ trong thời gian tới do sự cố tràn dầu tại vịnh Mêhicô. Với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, hiệu quả hoạt động kinh doanh của MPC dự báo sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Với giá đóng cửa ngày 10/6/2010 là 30,400 đồng, MPC có mức P/E và P/B 2010 lần lượt là 10.06x và 1.71x, khá cao so với những doanh nghiệp khác trong ngành thủ sản.

CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG): P/E và P/B ước tính cho năm 2010 của HVG khá thấp so với trung bình ngành, nhưng chúng tôi quan ngại về những rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp này. Khoản phải thu khá lớn và hiện chúng tôi vẫn chưa có thêm thông tin về việc thu hồi nợ của HVG. Bên cạnh đó, những trở ngại tại thị trường Đông Âu và EU, thị trường chính của HVG, có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của HVG trong thời gian tới.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

 

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chiến lược Đầu tư năm 2010: Ngành Vận tải biển & Kho bãi (19/06/2010)

>   Triển vọng Kinh tế Vĩ mô Việt Nam – Cập nhật T6/2010 (17/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành săm lốp (12/06/2010)

>   Chiến lược đầu tư ngành cao su thiên nhiên (03/06/2010)

>   IFS: Khuyến nghị đầu tư (03/06/2010)

>   DVP: Khuyến nghị đầu tư (02/06/2010)

>   Khủng hoảng nợ công Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam (27/05/2010)

>   Tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng (21/05/2010)

>   HVG – Khuyến nghị đầu tư (11/05/2010)

>   TAC – Khuyến nghị đầu tư (29/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật