Báo cáo phát hành trên website có độ trễ từ 5-10 ngày so với VietstockTrader
Khủng hoảng nợ công Hy Lạp và những ảnh hưởng đến Việt Nam
(Vietstock) – Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đã làm rung động thị trường tài chính châu Âu và toàn cầu. Thị trường chứng khoán thế giới đã có những phiên giao dịch diễn ra trong hoảng loạn và sự phục hồi kinh tế thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vậy khủng hoảng nợ công của Hy Lạp ảnh hưởng gì đến Việt Nam và bài học nào có thể rút ra từ cuộc khủng hoảng này?
TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH
• Chu kỳ tăng trưởng kinh tế và việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) giúp lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp liên tục được hạ thấp. Tiết kiệm trong nước khiêm tốn (11%) càng khiến cho chính phủ tăng cường vay nợ, đặc biệt là các khoản vay từ nước ngoài, để tài trợ cho chi tiêu công.
• Khủng hoảng kinh tế năm 2008 càng làm trầm trọng thêm vấn đề, khi mà nền kinh tế Hy Lạp bị co hẹp và chính phủ nước này cần chi tiêu để kích thích kinh tế trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
• Ước tính tỷ lệ trái phiếu do nước ngoài nắm giữ có thể lên tới 80% lượng trái phiếu chính phủ Hy Lạp phát hành, với chủ nợ phần lớn là các ngân hàng châu Âu. Điều này càng làm cho rủi ro nợ công của Hy Lạp tăng cao.
• Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ? Nếu Hy Lạp bị vỡ nợ, nước này có thể buộc phải ra khỏi EU và các khoản vay sẽ không còn được NHTW châu Âu (ECB) đảm bảo. Điều này sẽ làm mất ổn định lãi suất liên ngân hàng của đồng Euro, khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào đồng tiền chung Euro và có thể liên đới đến các nước có tình trạng nợ công tương tự như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Một đợt tháo chạy với quy mô lớn trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khu vực châu Âu là hoàn toàn có thể và gây hiệu ứng sụp đổ hàng loạt ở các nền kinh tế khác.
• Châu Âu, IMF và Mỹ đang làm gì để cứu trợ Hy Lạp? EU và IMF đã thông qua gói cứu trợ 110 tỷ Euro (tương đương 136 tỷ USD), với khoản vay đầu tiên trị giá 14.5 tỷ Euro đã được giải ngân vào ngày 18/05/2010. EU và IMF cũng lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ Euro (gần 1,000 tỷ USD). Trong khi đó, FED đã mở lại các dịch vụ hoán đổi tiền tệ để ECB tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính bằng USD.
• Những điều kiện hà khắc kèm theo gói cứu trợ của EU và IMF đang gặp phải sự chống đối khá quyết liệt từ người dân Hy Lạp. Đây là một bước cản không nhỏ cho việc giải quyết khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.
• Với những gì đang diễn ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, việc ổn định tỷ giá và tâm lý trên TTCK cũng là một thách thức không nhỏ. Chi tiêu công mở rộng cũng đang gây sức ép lên thâm hụt ngân sách của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ.
• Tuy vậy, chúng tôi cho rằng một kịch bản xấu ít có khả năng xảy ra, và trong ngắn hạn Việt Nam chưa phải chịu áp lực quá nhiều từ việc suy giảm các dòng vốn đến từ bên ngoài. Xét về dài hạn, tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài kéo dài sẽ khiến Việt Nam gặp phải nhiều rủi ro tương tự như Hy Lạp.
Nguyên nhân của khủng hoảng nợ công Hy Lạp
Hy Lạp là một trong những mắt xích tương đối yếu của trong khối nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hiện tại, vấn đề nợ công quá cao và sự yếu kém của nền kinh tế do khủng hoảng tài chính khiến Hy Lạp đang đối diện với rủi ro lớn mà khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Rủi ro này xuất phát từ nợ công cao do thâm hụt ngân sách cao, kéo dài, và thêm vào đó một tỷ lệ lớn khoản nợ này là các khoản vay từ nước ngoài. Vậy vì đâu mà từ một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực châu Âu lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như hiện tại?
Tiết kiệm trong nước thấp, vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công. Kinh tế Hy Lạp tăng trưởng mạnh, bình quân ở mức 4.2%/năm trong giai đoạn 2002-2007. Lợi tức trái phiếu liên tục giảm nhờ vào việc gia nhập liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện cho chính phủ Hy Lạp tăng cường vay nợ tài trợ cho chi tiêu công. Thêm vào đó, tiết kiệm nội địa của nước này cũng sụt giảm nhanh chóng. Những năm cuối của của thập niên 90 tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân chỉ ở mức 11%, thấp hơn nhiều so với mức 20% của các nước như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Do vậy, đầu tư trong nước phụ thuộc khá nhiều vào các dòng vốn đến từ bên ngoài.
Chi tiêu kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2008 làm trầm trọng thêm vấn đề. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn nổ ra đã ảnh hưởng khá mạnh đến các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này. Ngành du lịch và vận tải biển, doanh thu đều sụt giảm trên 15% trong năm 2009. Kinh tế Hy Lạp cũng lâm vào tình trạng khó khăn, nguồn thu để tài trợ cho ngân sách nhà nước bị co hẹp mạnh. Trong khi đó Hy Lạp lại phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế. Tính đến tháng 01/2010, nợ công của Hy Lạp ước tính lên tới 216 tỷ Euro và mức nợ lũy kế được dự báo có thể vượt mức 120% GDP.
Bên cạnh đó, trong suốt thời gian dài Chính phủ Hy Lạp đã phải ngụy tạo các báo cáo về tình hình kinh tế trong nước, sắp xếp lại các giao dịch nhằm che dấu mức vay thực tế, nhằm phù hợp với các quy định gia nhập, giám sát của EU và có thể chi tiêu cao hơn.
Rủi ro lớn nhất của Hy Lạp là nợ vay nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn, có thể lên đến 80%. Ước tính tỷ lệ trái phiếu do nước ngoài nắm giữ có thể lên tới 80% lượng trái phiếu chính phủ phát hành. Chủ nợ phần lớn là các ngân hàng châu Âu. Các nước Ý, Ireland cũng trong tình cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công cao, nhưng không bị đánh giá nghiêm trọng bằng Hy Lạp. Sở dĩ như vậy vì các nước này có nền kinh tế tương đối lớn, ngân sách lớn và khả năng kiểm soát nợ trong nước cao hơn.
Vào tháng 04/2010, các tổ chức định mức tín nhiệm như S&P, Moody’s và Fitch Rating đã hạ bậc trái phiếu chính phủ Hy Lạp xuống mức rủi ro cao, trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản. S&P ước tính trong trường hợp Hy Lạp mất khả năng thanh toán, nhà đầu tư có thể mất 30-50% giá trị khoản đầu tư. Ngay lập tức sau đó lợi tức trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã tăng mạnh. Điều này đã khiến cho chính phủ Hy Lạp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế để tái cấu trúc các khoản vay.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ?
Hy Lạp là một nền kinh tế nhỏ, hàng năm chỉ đóng góp khoảng 2% vào GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy vậy, nếu Hy Lạp mất khả năng thanh toán thì hậu quả sẽ lan rộng khắp châu Âu và có thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ trên quy mô lớn.
Trong cuộc khủng khủng hoảng vừa qua các nước lớn của châu Âu như Đức, Anh và Pháp bị ảnh hưởng nặng nền và đang phục hồi khá khiêm tốn. Do vậy, các nước này cũng khó hào phóng trong việc ra tay cứu Hy Lạp. Nếu Hy Lạp không đạt được các thỏa thuận về cứu trợ thì có thể sẽ buộc phải thông báo mất khả năng thanh toán ở một số khoản nợ. Khi đó, nước này có thể buộc phải ra khỏi EU, có nghĩa là các khoản vay sẽ không còn được NHTW châu Âu (ECB) đảm bảo.
Điều này đến lượt sẽ làm mất ổn định lãi suất liên ngân hàng của đồng Euro, khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào đồng tiền chung Euro và có thể liên đới đến các nước có tình trạng nợ công tương tự như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, một đợt tháo chạy với quy mô lớn trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khu vực châu Âu là hoàn toàn có thể. Điều này có thể gây nên hiện tượng tương tự như “hòn tuyết lăn” hay hiệu ứng sụp đổ hàng loạt ở các nền kinh tế khác.
Châu Âu, IMF và Mỹ đang làm gì để cứu trợ Hy Lạp?
Sau khi trải qua nhiều vòng đàm phán và tranh cãi giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cuối cùng gói cứu trợ 110 tỷ Euro (tương đương 136 tỷ USD) cũng đã được thông qua. Trong đó, EU sẽ chi 80 tỷ USD trong tổng kinh phí, trong khi số còn lại sẽ được IMF trang trải. Đây là một quyết định khá táo bạo nhưng hết sức cần thiết bởi vì cứu các nước đang khủng hoảng nợ công cũng là cách để các nước EU tự cứu chính mình.
Trong cùng động thái, EU đã lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 750 tỷ Euro (gần 1,000 tỷ USD), trong đó có 250 tỷ Euro từ nguồn IMF, dành cho các nước EU để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đe doạ sự ổn định của các thị trường tài chính toàn cầu.
Sau khi châu Âu thông qua kế hoạch cứu trợ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo mở lại các dịch vụ hoán đổi tiền tệ để NHTW châu Âu (ECB) tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài chính bằng đồng USD. Ngoài ra, ECB cũng đã bắt đầu mua vào trái phiếu của các nước EU trên thị trường thứ cấp, nhằm tăng cường tính thanh khoản cho thị trường và ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nợ công.
Khoản vay 14.5 tỷ Euro đầu tiên đã được giải ngân, nhưng rào cản đến từ các khoản cứu trợ hà khắc
Vào ngày 18/05/2010, tức là trước 1 ngày Hy Lạp phải trả nợ trái phiếu đáo hạn, ECB đã cấp cho Hy Lạp khoản vốn vay 14.5 tỷ Euro. Chính phủ Hy Lạp sẽ sử dụng khoản tiền cứu trợ này để trả 8.5 tỷ Euro nợ trái phiếu đáo hạn vào ngày 19/5/2010. Sau đợt này, đợt trả nợ kế tiếp sẽ diễn ra vào tháng 3/2011, với số tiền 8.6 tỷ Euro.
Để đổi lại khoản cứu trợ giá trị thực tế 30 tỷ Euro, Hy Lạp sẽ phải chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” để giảm thâm hụt ngân sách từ 13.6% xuống còn dưới 3% trong vòng ít nhất 3 năm tới. Cụ thể, Hy Lạp sẽ phải thực hiện khá nhiều quy tắc hà khắc như: Khu vực công phải cắt giảm tối thiểu 1,000 Euro các khoản thưởng nữa năm, và cắt giảm hoàn toàn đối với những người có thu nhập 3,000 Euro mỗi tháng; Cắt giảm 8% trợ cấp và 3% chi tiêu cho khu vực công; Không tăng lương cho khu vực công trong vòng 3 năm; Chi trả tối đa 800 Euro cho khoản thưởng tháng 13 và 14 đối với những người về hưu. Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng phải nâng thuế VAT, thuế đánh vào các mặt hàng xa xỉ và các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận được sự ủng hộ từ người dân các nước châu Á. Ngược lại, những điều kiện hà khắc kèm theo gói cứu trợ của IMF và EU đang gặp phải sự chống đối khá quyết liệt từ người dân Hy Lạp. Đây là một bước cản không nhỏ cho việc giải quyết khủng hoảng nợ công của Hy Lạp.
Những khoản cắt giảm này sẽ ảnh hưởng nặng nề lên một bộ phận khá lớn người dân Hy Lạp, nên việc phản đối là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, kinh tế Hy Lạp cũng có thể chìm sâu vào suy thoái nếu cùng một lúc phải chịu các gánh nặng này. Tuy vậy, Hy Lạp cũng không có nhiều sự lựa chọn để giải quyết vấn đề yếu kém nội tại của nền kinh tế.
Ảnh hưởng và bài học cho Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào kinh tế thế giới, thể hiện qua tỷ lệ xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Nếu cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp xảy ra thì kinh tế của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp cũng là một bài học cho Việt Nam khi nhìn lại vấn đề nợ công và mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
Ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Dù Hy Lạp không phải là một nền kinh tế lớn ở châu Âu và quan hệ thương mại, dòng vốn đầu tư giữa Việt Nam không lớn, nhưng Việt Nam sẽ chịu tác động gián tiếp nếu cuộc khủng hoảng này nổ ra.
Với việc EU và IMF cam kết sử dụng gần 1,000 tỷ USD để cứu trợ cho nước này và một số nước có liên quan, chúng tôi cho rằng khả năng vỡ nợ của Hy Lạp sẽ khó diễn ra. Tuy vậy, cuộc khủng hoảng này sẽ làm chậm lại đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và đặc biệt là kinh tế châu Âu. Là khu vực có quan hệ thương mại và dòng vốn đầu tư khá lớn vào Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng.
Ổn định tỷ giá và tâm lý trên TTCK. Các dòng vốn đầu tư từ khu vực châu Âu suy giảm, hay đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này chậm lại đều tạo ra mối đe dọa lên sự phát triển kinh tế Việt Nam và ổn định của tỷ giá tiền đồng. Tâm lý nhà đầu tư trên TTCK cũng sẽ bị tác động không nhỏ bởi sự sút giảm của thị trường chứng khoán châu Âu và thế giới. Không loại trừ khả năng có một đợt rút lui mạnh mẽ của dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài nếu khủng hoảng nợ công bùng nổ.
Chi tiêu công mở rộng gây sức ép lên thâm hụt ngân sách của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đưa ra cảnh báo về mức dư nợ chính phủ và nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép.
Cũng tương tự như Hy Lạp, thâm hụt thương mại của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao và kéo dài. Một tỷ lệ khá lớn vốn tài trợ cho thâm hụt cũng đến từ bên ngoài, trong đó số tiền vay nợ qua (ODA, vay thương mại, phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế) ngày càng lớn. Dù hiện tại tỷ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức an toàn (dưới 50%), nhưng tỷ lệ này đang ngày càng tăng nhanh và sẽ nhanh chóng tiệm cận mức giới hạn an toàn 50%.
Việt Nam cũng đã phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế để lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng. Áp lực thâm hụt ngân sách càng nặng hơn khi sắp tới Việt Nam đang có hàng loạt dự án quy mô rất lớn như mở rộng thủ đô Hà Nội, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dự án đường cao tốc Bắc Nam,... Đây là những dự án tiêu tốn chi phí cao và phần lớn số tiền không phải là tiền tiết kiệm trong nước, mà đến từ nguồn vốn vay từ nước ngoài.
Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và các nước châu Âu cũng khiến Việt Nam phải suy nghĩ lại về bài toán chất lượng tăng trưởng. Tỷ lệ đầu tư/GDP trong những năm gần đây đều ở mức trên 40%. Đây là một tỷ lệ rất cao so trung bình các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong số hơn 40% nói trên, khoảng 27-30% được tài trợ bởi nguồn vốn tiết kiệm trong nước. Hơn 10% còn lại là từ dòng vốn từ bên ngoài (FDI, FPI, ODA và các khoản vay khác), trong đó vốn vay chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu vốn đầu tư, nền kinh tế Việt Nam sẽ rất dễ bị tổn thương một khi kinh tế thế giới ngưng trệ.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng một kịch bản xấu ít có khả năng xảy ra, và trong ngắn hạn Việt Nam chưa phải chịu áp lực quá nhiều từ việc suy giảm các dòng vốn đến từ bên ngoài. Xét về dài hạn, tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn đầu tư nước ngoài kéo dài sẽ khiến Việt Nam gặp phải nhiều rủi ro tương tự như Hy Lạp.
Kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà sẽ không phải phụ thuộc quá nhiều đến dòng vốn từ bên ngoài như hiện tại, nếu Việt Nam sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả (ICOR khoảng 3.5-4, bằng mức trung bình các nước đang phát triển). Vì vậy, giải pháp dài hạn của Việt Nam vẫn là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giúp giảm được hàng loạt những rủi ro đối với nền kinh tế.
Tóm lại, từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp một lần nữa cho chúng ta thấy kinh tế Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro, khi tăng trưởng dựa quá nhiều vào dòng vốn đầu tư từ bên ngoài. Tình trạng của Việt Nam cũng giống Hy Lạp ở một số yếu tố như: thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài, yếu kém trong quan lý chi tiêu công… Chỉ có tái cấu trúc nền kinh tế và cải thiện chất lượng tăng trưởng mới giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm sắp tới.
Hồ Bá Tình – Phan Khánh Hoàng
|