Thứ Ba, 23/03/2010 07:23

Chiến lược Đầu tư năm 2010

Phần 9: Ngành Tôn Thép – Khuyến nghị đầu tư: HPG, HSG

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng khi lựa chọn cổ phiếu ngành tôn – thép nên đặt nhiều chú ý đến các vấn đề: mô hình sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ, tình trạng vay nợ và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những thách thức của năm 2010, cơ hội có thể đến với những doanh nghiệp đầu tư sâu vào công nghệ và chủ động được nguồn nguyên vật liệu.

1. Ngành tôn thép năm 2009

Phục hồi trở lại sau khủng hoảng. Sự phục hồi của ngành thép được khơi dậy khi giá thép, phôi thép thế giới chấm dứt thời kỳ giảm giá vào tháng 01/2009. Bên cạnh đó, các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ đã giúp ngành thép cải thiện được sản lượng tiêu thụ. Một số doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội này khi dự trữ hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2008.

Tuy vậy, ngành thép sau đó lại rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng. Sản lượng sản xuất đến những tháng cuối năm đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Nhìn chung, ngành thép đã có sự phục hồi khá ấn tượng trong năm 2009. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ toàn ngành lần lượt tăng 25% và 30% so với năm 2008.

Cạnh tranh gay gắt với thép ngoại vào cuối năm, khi thuế nhập khẩu chỉ còn 0%. Vào cuối năm 2009, một lượng lớn thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, tương đương với 11% sản lượng tiêu thụ năm 2009, đã tràn vào Việt Nam. Nguồn thép có chất lượng thấp này được bán với giá thấp hơn từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên ngành thép trong nước. Thị phần của các doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp từ 25% xuống còn 20%. Nguyên nhân chính là do thuế nhập khẩu thép của Việt Nam theo cam kết cam kết AFTA giảm xuống còn 0% đối với một số mặt hàng.

2. Triển vọng ngành năm 2010

Quy mô vẫn còn nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Ngành thép Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ hơn so với nhiều nước trong khu vực. Mô hình sản xuất khép kín chỉ mới được một số doanh nghiệp áp dụng. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành là rất thấp khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Cạnh tranh nội bộ ngành khá gay gắt do rào cản gia nhập khá thấp. Hiện tại, hầu như không có doanh nghiệp nào đủ lớn để chi phối toàn bộ thị trường. Một số doanh nghiệp vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ có mô hình sản xuất kinh doanh từ thượng nguồn đến hạ nguồn, tận dụng được các lợi thế về công nghệ, vốn, thị trường... Một số phân khúc như thép xây dựng đang trong tình trạng dư thừa công suất do rào cản gia nhập ngành là khá thấp.

Hết lợi thế hàng tồn kho giá rẻ, rủi ro biến động giá nguyên vật liệu lớn hơn trong năm 2010. Ngành phải đối mặt với tình hình biến động giá các nguyên vật liệu như: quặng sắt, phôi thép, than, dầu,… Mức độ liên thông giữa thị trường thép trong nước và thế giới sẽ ngày càng chặt chẽ, nên mỗi thay đổi trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lợi thế nguyên vật liệu giá rẻ sẽ không kéo dài sang năm 2010, và ngành thép có thể sẽ không tăng trưởng mạnh mẽ như năm vừa qua. Tuy nhiên, thép là ngành có thể chuyển các chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng nên với xu hướng giá thép thế giới tăng, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

Mất cân bằng cung cầu trong nhiều phân khúc. Tổng công suất cán thép xây dựng đến nay đã vượt gần 2 lần công suất luyện thép. Ngành thép đang thừa năng lực cán thép thành phẩm, nên công suất cán thép trung bình hiện nay của các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Đối với các doanh nghiệp nhỏ sử dụng công nghệ lạc hậu thì việc hoạt động dưới công suất không đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự báo hoạt động sẽ khả quan vào những tháng cuối năm. Quý 1 và 2 là giai đoạn cao điểm tiêu thụ của ngành thép, và là lực đỡ chủ yếu cho cổ phiếu ngành này trong giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt. Chúng tôi kỳ vọng từ giữa năm trở đi, các doanh nghiệp ngành thép sẽ dễ xoay sở hơn. Thị trường tiền tệ ổn định, lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư… là những động lực hỗ trợ cho ngành. Tuy nhiên, mức tăng và chu kỳ tăng của cổ phiếu ngành thép trong năm 2010 sẽ không cao và dài như đã từng diễn ra trong năm 2009.

3. Khuyến nghị đầu tư: HPG, HSG

Chúng tôi cho rằng khi lựa chọn cổ phiếu ngành tôn – thép nên đặt nhiều chú ý đến các vấn đề: mô hình sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ, tình trạng vay nợ và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với những thách thức của năm 2010, cơ hội có thể đến với những doanh nghiệp đầu tư sâu vào công nghệ và chủ động được nguồn nguyên vật liệu.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Là doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn thứ 2 trong ngành, hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2010, các dự án mới đi vào hoạt động như lò luyện thép, nhà máy xi măng, than... sẽ giúp cải thiện triển vọng lợi nhuận của công ty. Với P/E và P/B ước tính cho năm 2010 lần lượt là 8.6 và 2.1 lần, ở mức trung bình so với ngành, HPG xứng đáng được xem xét để đưa vào danh mục đầu tư với triển vọng trung hạn.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Hiện tại, HSG đang dẫn đầu về thị trường tôn xây dựng và kết hợp kinh doanh các loại vật liệu xây dựng khác như ống nhựa, ống thép... Dự án Nhà máy Tôn Phú Mỹ của HSG cũng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của HSG trong năm 2010. HSG có lợi thế nhờ vào mô hoạt động khép kín, giúp duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy vậy, áp lực cạnh tranh trong ngành tôn là khá lớn. Với P/E và P/B ước tính cho năm 2010 tương ứng là 11.0 và 2.2 lần, chúng tôi cho rằng nên quan sát cổ phiều này trong thời gian tới để có thể đưa vào danh mục đầu tư.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến cổ phiếu sắp niêm yết Pomina, như là một cơ hội đầu tư tiềm năng.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Phần 8: Ngành Nhựa xây dựng – Khuyến nghị đầu tư: NTP (20/03/2010)

>   Phần 7: Ngành Vận tải & Kho bãi – Khuyến nghị đầu tư: VSC, TCL (14/03/2010)

>   Phần 6: Ngành Thủy sản – Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC (12/03/2010)

>   Phần 5: Ngành Cao su thiên nhiên – Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC (05/03/2010)

>   Phần 4: Ngành Dược - Khuyến nghị đầu tư DVD (04/03/2010)

>   Kinh tế vĩ mô Tháng 02/2010 – Chuyên đề: Lãi suất cơ bản (26/02/2010)

>   Phần 3: Ngân hàng - Khuyến nghị MUA đối với ACB và STB (16/02/2010)

>   Phần 2: Kinh tế Việt Nam - Triển vọng và rủi ro (15/02/2010)

>   Phần 1: Kinh tế thế giới - Triển vọng và rủi ro (13/02/2010)

>   Chứng khoán chờ đợi để “nở rộ” sau Tết? (04/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật