Chủ Nhật, 14/03/2010 16:16

Chiến lược Đầu tư năm 2010:

Phần 7: Ngành Vận tải & Kho bãi – Khuyến nghị đầu tư: VSC, TCL

(Vietstock) – Đà phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành vận tải – kho bãi chậm hơn so với nền kinh tế và các ngành khác. Chúng tôi cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu trong ngành hiện nay chỉ thích hợp với việc đầu tư dài hạn, và sẽ khả quan hơn khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi bền vững trở lại. Trong khi chờ đợi các tín hiệu phục hồi ở hoạt động vận tải, chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thời gian qua, đây vẫn là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng và cho mức sinh lời ổn định. Bên cạnh GMD là cần theo dõi thêm, chúng tôi nhận thấy VSC và TCL là những cổ phiếu nên xem xét để đưa vào danh mục đầu tư. Ngoài ra, PVT cũng là mã cổ phiếu đáng được quan tâm trong lĩnh vực vận chuyển hàng lỏng.

1. Ngành vận tải biển – kho bãi năm 2009

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương mại thế giới sụt giảm. Hoạt động thương mại thế giới vừa trải qua một năm tồi tệ. Kim ngạch thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sụt giảm mạnh. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu năm 2009 ước tính sụt giảm 12% so với năm 2008, đây là mức giảm cao nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Vận tải đường biển là ngành có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế và tình hình thương mại thế giới nên đã chịu nhiều ảnh hưởng trong đợt suy thoái toàn cầu năm 2008 – 2009.

Giá cước vận tải biển đã tăng trở lại, nhưng chưa đảm bảo mức sinh lãi của các doanh nghiệp. Giá cước vận tải biển quốc tế sau khi sụt giảm mạnh xuống mức đáy vào cuối năm 2008 đã có sự hồi phục trở lại từ giữa năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu của sự hồi phục này là do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu thô và khoáng sản của Trung Quốc gia tăng đáng kể.

Tác động của việc tăng giá cước đã phần nào phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vào những tháng cuối năm. Tuy vậy, giá cước vận tải biển vẫn chưa thực sự tăng trưởng ổn định và không ở mức đảm bảo mức sinh lãi cho các doanh nghiệp trong ngành.

Chỉ số giá vận tải hàng rời (Baltic Dry)

Chỉ số giá vận tải hàng lỏng (Baltic Tanker)

Nguồn: Baltic Dry Exchange

Nguồn: Baltic Dry Exchange

Hoạt động bán tàu diễn ra khá phổ biến. Trong năm 2009, các doanh nghiệp có đội tàu lớn, tuổi tàu thấp, khai thác hiệu quả thì mức lỗ thấp hoặc có lời nhẹ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải, nhưng lại có mức lời khá lớn nhờ vào việc bán tàu.

Việc bán tàu có thể giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền trong ngắn hạn. Tuy vậy, chúng ta sẽ cần quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn tiền để có cái nhìn thấu đáo hơn về các khoản lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế hồi phục trở lại, việc đóng và giao tàu mới cần một khoảng thời gian khá dài có thể cản trở sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này.

Vận tải hàng rời và container chịu tổn thất. Vận tải hàng lỏng và dịch vụ cảng ít ảnh hưởng. Doanh nghiệp vận tải hàng rời và container chịu nhiều tổn thất trong đợt khủng hoảng vừa qua, khi giá cước và sản lượng xuất nhập khẩu liên tục sụt giảm.  Trong khi đó, vận tải hàng lỏng và dịch vụ cảng ít bị ảnh hưởng hơn nhờ nhu cầu và giá cước sụt giảm ít nặng nề hơn so với các lĩnh vực khác.

Mặc dù khối lượng hàng hóa luân chuyển có sụt giảm so với năm 2008, nhưng các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển vẫn hoạt động khả quan. Khu vực cảng biển phía Nam và khu vực cảng Hải Phòng vẫn đang trong tình trạng quá tải nên đảm bảo cho các doanh nghiệp dịch vụ cảng biển có hiệu quả.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển năm 2009

Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giai đoạn 2004 - 2009

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

2. Triển vọng ngành vận tải biển – kho bãi năm 2010

Thương mại thế giới năm 2010 dự báo sẽ phục hồi 6%. Kim ngạch thương mại thế giới giảm mạnh phần lớn do sự giảm giá của các hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nhiên, nguyên vật liệu như dầu thô, sắt thép… Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch thương mại năm 2009 chỉ sụt giảm 2.1%, trong khi kim ngạch thương mại các nước đang phát triển tăng trưởng 2.1%.

Một tín hiệu lạc quan khác là thương mại thế giới đang có chiều hướng tăng lên khá mạnh, xuất nhập khẩu tháng sau thường cao hơn tháng trước. WB dự báo thương mại toàn cầu năm 2010 có thể tăng trưởng 6%, sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá.

Ngành vận tải phục hồi khá chậm so với nền kinh tế và các ngành khác. Mặc dù kỳ vọng các doanh nghiệp trong năm 2010 sẽ có kết quả tốt hơn 2009, các dấu hiệu vẫn cho thấy ngành vận tải chưa thực sự thoát khỏi tình trạng khó khăn. Vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010, giá cước vận tải biển vẫn ở mức thấp, trong khi giá dầu đang trong xu hướng tăng gây nhiều bất lợi cho tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy ngành vận tải thường phục hồi chậm hơn so với nền kinh tế và các ngành khác.

Nợ vay đang trở thành chủ đề trọng tâm trong ngành. Do đặc thù của ngành vận tải cần nguồn vốn lớn để đầu tư vào tài sản, các doanh nghiệp trong ngành đều có tỷ lệ sử dụng nợ cao. Lãi suất cao sẽ tạo áp lực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề tỷ giá, đối với các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ.

Việc bán tàu có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh chính của một số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, rủi ro về giá mua tàu mới có thể tăng cao trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư và thời gian chờ đợi có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp muốn tăng cường hoạt động trong lĩnh vực vận tải khi kinh tế phục hồi.

Dịch vụ cảng biển dự báo sẽ khả quan hơn. Tình hình mất cân đối cung cầu sẽ vẫn tiếp tục xảy ra trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, cảng quốc tế. Một số doanh nghiệp đầu tư vào trang thiết bị mới, nâng cao năng suất hoạt động sẽ mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn. Trong khi đó, lĩnh vực vận tải hàng rời và container vẫn còn nhiều khó khăn do giá cước vận tải biển tiếp tục ở mức thấp và sự tăng trưởng còn rất chậm. Lĩnh vực này chỉ có thể tăng trưởng mạnh trở lại khi chúng ta thấy được sự phục hồi của kinh tế thế giới và nhu cầu vận chuyển hàng hóa được cải thiện.

3. Khuyến nghị đầu tư: VSC, TCL

Đà phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành vận tải – kho bãi sẽ chậm hơn so với nền kinh tế và các ngành khác. Chúng tôi cho rằng việc đầu tư vào cổ phiếu trong ngành vận tải hiện nay chỉ thích hợp với việc đầu tư dài hạn, và sẽ khả quan hơn khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi bền vững trở lại.

Hiện tại, đầu tư vào các cổ phiếu nhóm vận tải hàng rời và container có thể sẽ không đem lại suất sinh lời cao, mặc dù P/E của các doanh nghiệp này đang ở mức thấp. Chúng ta sẽ để ý thêm các cổ phiếu sắp niêm yết như CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco), CTCP Vận tải biển Bắc (Nosco) như là những cơ hội đầu tư tiềm năng.

Đối với vận tải hàng lỏng, dù giá cước vẫn chưa có nhiều chuyển biến khởi sắc, nhưng tình hình hoạt động có phần ổn định hơn. Chúng tôi khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVT, vì doanh nghiệp này được chỉ định vận chuyển 5.5 triệu tấn dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đương nhiên, chúng ta cũng cần để ý đến vấn đề tỷ giá đối với các khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp này.

Trong khi chờ đợi các tín hiệu phục hồi ở hoạt động vận tải, chúng tôi khuyến nghị đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thời gian qua, đây vẫn là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng và cho mức sinh lời ổn định. Bên cạnh GMD là cần theo dõi thêm, chúng tôi nhận thấy VSC và TCL là những cổ phiếu nên xem xét để đưa vào danh mục đầu tư.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

CTCP Container Việt Nam (VSC) là doanh nghiệp lớn trong ngành với lĩnh vực kinh doanh khá rộng (bao gồm kinh doanh cảng quốc tế, kinh doanh kho bãi, đại lý vận chuyển...), và mạng lưới hoạt động mạnh, nên trong thời gian qua hoạt động của VSC vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Ngoài ra, VSC đang khai thác cảng biển quốc tế Green Port ở Hải Phòng – đây là khu vực đang thiếu hụt nguồn cung về cảng biển quốc tế, hứa hẹn đem lại kết quả kinh doanh khả quan.

CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) đang hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực xếp dỡ hàng hóa, dịch vụ kho bãi và logistics với thị phần khoảng 40% ở khu vực phía Nam. TCL có hệ kho bãi bao phủ rộng khắp ở các khu công nghiệp trọng điểm như Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu... Ngoài ra, TCL là công ty con của CTCP Tân Cảng nên có được nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành trong lĩnh vực xếp dỡ container. Khu vực phía Nam là nơi có giao thương quốc tế khá sôi động nên kinh tế hồi phục có thể mang lại nhiều cơ hội cho ngành xếp dỡ, logistics và khai thác kho bãi.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Phần 6: Ngành Thủy sản – Khuyến nghị đầu tư: ABT, MPC (12/03/2010)

>   Phần 5: Ngành Cao su thiên nhiên – Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC (05/03/2010)

>   Phần 4: Ngành Dược - Khuyến nghị đầu tư DVD (04/03/2010)

>   Kinh tế vĩ mô Tháng 02/2010 – Chuyên đề: Lãi suất cơ bản (26/02/2010)

>   Phần 3: Ngân hàng - Khuyến nghị MUA đối với ACB và STB (16/02/2010)

>   Phần 2: Kinh tế Việt Nam - Triển vọng và rủi ro (15/02/2010)

>   Phần 1: Kinh tế thế giới - Triển vọng và rủi ro (13/02/2010)

>   Chứng khoán chờ đợi để “nở rộ” sau Tết? (04/02/2010)

>   Techcombank: Báo cáo phân tích (28/01/2010)

>   Bimico: Báo cáo phân tích Công ty (21/01/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật