Thứ Sáu, 05/03/2010 10:15

Chiến lược Đầu tư năm 2010

Phần 5: Ngành Cao su thiên nhiên – Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC

(Vietstock) – Năm 2008 là một năm có nhiều biến động mạnh và phức tạp của ngành cao su thế giới dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá cao su tăng lên mức kỷ lục 3,000 USD/tấn vào khoảng tháng 8, sau đó giảm mạnh xuống còn 1,200 USD/tấn vào tháng 01/2009. Sự biến động này làm cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam giảm mạnh trong Q4/2008.

Tuy vậy, kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2009. Đồng thời, 3 quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) đã thống nhất cùng cắt giảm sản lượng. Giá cao su trong năm 2009, nhờ vậy, đã nhanh chóng phục hồi trở lại.

1. Xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2009

Sản lượng tăng, nhưng giá trị giảm. Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị trong 4 tháng đầu năm 2009. Mức giảm mạnh nhất rơi vào tháng 4 với kim ngạch đạt 22 ngàn tấn, tương ứng 32 triệu USD. Xu hướng tăng bắt đầu trở lại kể từ tháng 5 và được duy trì cho đến nay. Đáng chú ý, so với mức giá đầu năm, giá xuất khẩu trung bình tháng 12/2009 đã tăng gần 60% và hiện vẫn tiếp tục trong xu hướng tăng.

Sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2009 đạt 731 ngàn tấn, tương ứng với giá trị đạt 1.2 tỷ USD, lần lượt tăng 13.3% và giảm 23.2% so với năm 2008.

Kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2009

Giá xuất khẩu trung bình năm 2009

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu. Ngành ô tô Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2009, bất chấp thế giới có một năm nhiều khó khăn, khiến cho nhu cầu vật liệu cao su tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2009 tiếp tục được duy trì ở mức cao đạt 862 triệu USD, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam.

2. Triển vọng ngành năm 2010

Giá cao su dự báo tăng khoảng 30% nhờ kinh tế thế giới phục hồi. Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giá dầu sẽ khó có khả năng giảm mạnh, cùng với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô sẽ giúp nhu cầu cao su tăng mạnh trở lại trong năm 2010.

Trong khi đó, nguồn cung được dự báo sẽ giảm do thời tiết biến động thất thường. Giá cao su xuất khẩu trung bình trong năm 2010, vì vậy, có thể duy trì hoặc tăng lên so với giá xuất khẩu trung bình 2,100 USD/tấn trong tháng 01/2010.

Nhiều dự báo cho rằng giá cao su xuất khẩu trung bình năm 2010 sẽ tăng khoảng 30% so với 2009, tức vào khoảng 2,100 - 2,200 USD/tấn. Với sản lượng khai thác và xuất khẩu không có nhiều biến động, kim ngạch năm 2010 ước tính tăng khoảng 30% so với năm 2009, tương ứng với mức tăng của giá xuất khẩu. Như vậy, năm 2010 rất có thể sẽ tiếp tục là một cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành cao su thiên nhiên Việt Nam.

ITRC điều phối sản lượng và giá cao su thế giới. Tại hội nghị Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC) tổ chức vào ngày 19/01/2010, ba nước sáng lập ITRC gồm Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã mời Việt Nam tham gia hội đồng này và tập đoàn đa quốc gia cao su thế giới. Với sự góp mặt của Việt Nam, nhà sản xuất thứ 5 trên thế giới, các thành viên ITRC sẽ tăng sản lượng từ 70% lên 76% và tăng thị phần xuất khẩu từ 84% lên đến 93% của toàn thế giới. Với sản lượng và thị phần chi phối, ITRC sẽ giúp điều phối sản lượng và giá cao su xuất khẩu, ngăn chặn được đà giảm giá nếu xảy ra.

Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng và nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên sẽ vẫn đứng ở mức cao. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam nên sẽ có tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu và các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, với việc các thị trường còn lại chỉ chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu, rủi ro về thị trường của mặt hàng cao su Việt Nam là không hề nhỏ.

Hưởng lợi từ sự giảm giá của tiền đồng. Với xu hướng giảm giá của tiền đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su sẽ được hưởng lợi khá nhiều. Bên cạnh gia tăng được lợi thế cạnh tranh nhờ hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn, chênh lệch tỷ giá cũng sẽ là một nguồn thu nhập không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành.

3. Khuyến nghị đầu tư: DPR, TRC

Hiện tại có 5 doanh nghiệp trong ngành trồng và khai thác cao su đang niêm yết tại HOSE. Trong đó CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) ngoài ngành khai thác cao su thiên nhiên, còn tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác. Vì vậy, quy mô của TNC trong ngành cao su thiên nhiên khá nhỏ so với các doanh nghiệp còn lại.

Dự phóng chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2010

Theo kết quả dự phóng của chúng tôi, P/E forward năm 2010 của các doanh nghiệp trong ngành chỉ vào khoảng 8.3-10.1 lần. Đây là mức P/E tương đối hấp dẫn khi xu hướng giá cao su vẫn tiếp tục tăng lên cùng với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Với tình hình hoạt động kinh doanh được dự báo sẽ ổn định trong năm 2010, chúng tôi cho rằng cả 4 cổ phiếu đề cập dưới đây đều có thể đưa vào danh mục đầu tư. Tuy vậy, DPR và TRC được chúng tôi kỳ vọng hơn do có tốc độ tăng trưởng ổn định. Vườn cao su của 2 công ty này cũng đang ở độ tuổi cho mủ nhiều nhất, năng suất khai thác thuộc loại cao trong ngành cao su Việt Nam.

Cổ phiếu HRC có chỉ số P/E, P/B năm 2009 và 2010 hấp dẫn hơn so với DPR, PHR, TRC. Tuy nhiên, năng suất khai thác mủ thấp hơn các công ty khác và vườn cây cao su đang trong giai đoạn thanh lý. Cơn bão 2006 đã làm thu hẹp diện tích trồng và hiện HRC vẫn đang trong giai đoạn trồng mới vườn cao su. Vì vậy, chúng tôi không đánh giá cao cổ phiếu HRC trong giai đoạn từ 1-3 năm tới.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Phần 4: Ngành Dược - Khuyến nghị đầu tư DVD (04/03/2010)

>   Kinh tế vĩ mô Tháng 02/2010 – Chuyên đề: Lãi suất cơ bản (26/02/2010)

>   Phần 3: Ngân hàng - Khuyến nghị MUA đối với ACB và STB (16/02/2010)

>   Phần 2: Kinh tế Việt Nam - Triển vọng và rủi ro (15/02/2010)

>   Phần 1: Kinh tế thế giới - Triển vọng và rủi ro (13/02/2010)

>   Chứng khoán chờ đợi để “nở rộ” sau Tết? (04/02/2010)

>   Techcombank: Báo cáo phân tích (28/01/2010)

>   Bimico: Báo cáo phân tích Công ty (21/01/2010)

>   Kinh tế và thị trường chứng khoán 2009: Một năm nhìn lại (02/01/2010)

>   DBC: Báo cáo phân tích công ty (30/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật