Thứ Bảy, 13/02/2010 13:54

Chiến lược đầu tư năm 2010:

Phần 1: Kinh tế thế giới - Triển vọng và rủi ro

(Vietstock) – Chúng tôi cho rằng có một số chỉ báo để theo dõi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Đó là tỷ lệ thất nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ, số đơn đặt hàng của những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm dần và sản xuất công nghiệp được cải thiện thì đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế thế giới đang dần phục hồi một cách bền vững.

1. Bối cảnh kinh tế và chứng khoán thế giới năm 2009

Nhiều quốc gia bắt đầu tăng trưởng dương trở lại

Đến cuối năm 2009, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu tăng trưởng dương trở lại. Sự phục hồi này được xem là nhanh hơn dự báo của giới phân tích vào giai đoạn đầu năm 2009.

GDP của Hoa Kỳ đã tăng 0.10% vào Q4/2009 so với cùng kỳ năm trước, sau khi liên tục sút giảm những quý trước đó. Tính cho cả năm 2009, GDP của nước này vẫn còn giảm 2.4%.

Kinh tế của Liên minh châu Âu cũng đã tăng trưởng dương trong Q2 và Q3 năm 2009, sau khi suy giảm khá mạnh những quý trước đó. Tăng trưởng GDP tính theo quý của Liên minh châu Âu trong Q3 đã tăng trưởng 0.4%, tuy nhiên tính theo năm vẫn giảm 4%. Một số quốc gia châu Âu, tính đến Q3 đã thoát khỏi suy thoái như Pháp, Italia, Đức… Tăng trưởng GDP theo năm tính đến Q3/2009 của các quốc gia này lần lượt là 0.3%, 0.7% và 0.6%.

Tại châu Á, GDP của Nhật Bản cũng đã tăng 0.3% trong Q3/2009, dù tính theo năm thì GDP của nước này vẫn còn giảm 5.1%. Mặc dù vậy, đã có tín hiệu khả quan khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp Nhật Bản tháng 12/2009 đã phục hồi 5.3%. Trong 5 tháng đầu năm 2009, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm đến 30%.

Tại các quốc gia đang phát triển, sự phục hồi càng mạnh mẽ. Điển hình là Trung Quốc, năm 2009 tăng trưởng GDP trong Q3 lên tới 8.9% và Q4 là 10.7%; trong khi đó Q1 chỉ tăng được 6.1%. Đặc biệt vào Q4/2009, GDP Trung Quốc đã tăng trưởng 10.7%, đưa mức tăng trưởng năm 2009 lên đến 8.48%, vượt xa mức mục tiêu 8% của Chính phủ nước này. Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc đã góp phần quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với 7.9%.

Tuy nhiên, bản chất tăng trưởng của các quốc gia phần lớn có được nhờ các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng một cách mạnh mẽ. Tại Mỹ, châu Âu và châu Á, các chính phủ đều tung ra hàng trăm tỷ USD để kích thích kinh tế. Vì vậy, thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia đang ở mức cao. Chính phủ các nước cũng sẵn sàng tung ra hàng trăm tỷ USD để mua lại các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản để ngăn chặn sự sụp đổ dây chuyền. Về chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia giảm lãi suất về gần mức 0% để hỗ trợ nền kinh tế.

Các chỉ số kinh tế toàn cầu và dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB)

Thương mại thế giới năm 2010 dự báo sẽ phục hồi 6%

Hoạt động thương mại thế giới vừa trải qua một năm tồi tệ. Kim ngạch thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sút giảm mạnh. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính hết Q3/2009 thương mại hàng hóa thế giới theo giá hiện hành vẫn giảm 26.4% so với cùng kỳ năm trước (tính theo năm). Tại Mỹ, xuất khẩu giảm 21.5%, nhập khẩu giảm 29.1%. Trong khi đó, xuất khẩu Nhật Bản giảm 24.4%, nhập khẩu giảm 30.6%. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 20.5%, nhập khẩu giảm 11.8%. Kim ngạch thương mại ở các quốc gia phát triển cũng giảm mạnh.

Kim ngạch thương mại thế giới giảm mạnh phần lớn đều do sự giảm giá của các hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nhiên, nguyên vật liệu như dầu thô, sắt thép… Theo ước tính của WB, nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch thương mại năm 2009 chỉ sụt giảm 2.1%, trong khi kim ngạch thương mại các nước đang phát triển tăng trưởng 2.1%.

Một tín hiệu lạc quan khác là thương mại thế giới đang có chiều hướng tăng lên khá mạnh, nhập khẩu tháng sau thường cao hơn tháng trước. Ngoài sức cầu đang tăng trở lại, thương mại thế giới còn được hưởng lợi từ sự tăng giá của nhiều hàng hóa. WB dự báo thương mại toàn cầu năm 2010 có thể tăng trưởng 6%, sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá.

Tuy vậy, lo ngại lại đến từ việc các quốc gia dường như đang tăng cường hơn các chính sách bảo hộ để bảo vệ hàng hóa trong nước. Những vụ kiện thương mại và các chính sách bảo hộ gia tăng mạnh trong năm 2009, và nhiều khả năng tiếp tục tăng trong năm 2010.

Thất nghiệp vẫn tiếp tục ở mức cao

Dù kinh tế thế giới đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở các quốc gia vẫn ở mức cao. Tình trạng thất nghiệp ở mức cao cho thấy đà phục hồi kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu bền vững.

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2009 vẫn đứng ở mức 10%. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế Mỹ năm 1983. Thất nghiệp tại Mỹ đã liên tục tăng cao trong năm 2009 từ mức 7.4% vào tháng 1 tăng lên mức cao nhất 10.1% vào tháng 10.

Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ 1948 - 2009

Tỷ lệ thất nghiệp châu Âu 1948 - 2009

Nguồn: http://data.bls.gov

Nguồn: http://sdw.ecb.europa.eu

Tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cũng tiếp tục tăng cao. Tính đến tháng 12/2009, tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu đang ở mức 10%, đây cũng là mức cao nhất trong năm. Một số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao như Tây Ban Nha 19.4%, Thổ Nhĩ Kỳ 13.4%, Ireland 12.5%. Ba cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Đức có tỷ lệ thất nghiệp lần lượt là 7.9%, 10% và 8.1%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản tháng 12/2009 chỉ còn 5.1%, thấp hơn khá nhiều so với mức đỉnh 5.7% vào tháng 7. Tuy nhiên, đây cũng là mức khá cao so với tỷ lệ thất nghiệp trung bình dài hạn của nước này.

Giá hàng hóa bắt đầu tăng trở lại

Giá cả của hầu hết các hàng hóa đều giảm xuống mức thấp nhất vào khoảng tháng 2 – 3/2009, sau đó bắt đầu phục hồi lại khá mạnh.

Giá dầu thô từ mức đỉnh hơn 150 USD/thùng, chưa đầy 6 tháng sau đó xuống gần chạm mốc 30 USD/thùng và giữa tháng 2/2009. Mức giá này tương đương với giá dầu thô vào năm 2004.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô như là một chỉ báo cho thấy kinh tế thế giới sẽ đi vào một giai đoạn suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, ngoài dự đoán của nhiều người, giá dầu nhanh chóng phục hồi khá mạnh. Chỉ 4 tháng sau đó, giá dầu đã tăng gấp đôi lên trên mức 70 USD/thùng.

Tương tự như giá dầu, giá cao su cũng tăng lên khá mạnh sau khi đạt mức đáy vào tháng 12/ 2008. Tính từ mức đáy cho đến nay giá cao su đã tăng hơn gấp 2 lần và hiện đang dao động quanh mức 1.3 USD/pound. Giá các mặt hàng nông sản, đường, cà phê, ngô và các kim loại cũng tăng lên khá mạnh.

Biến động của các chỉ số giá hàng hóa cơ bản

Nguồn: VietstockFinance

Các TTCK đều phục hồi ấn tượng, nhưng khó lặp lại trong năm 2010

Năm 2009 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới. Sự bi quan thái quá của nhà đầu tư đã đẩy các chỉ số chứng khoán tụt dốc trong giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng.

Các chỉ số chứng khoán sau khi chạm đáy vào khoảng giữa tháng 2 đã nhanh chóng phục hồi và đều đã lên cao hơn mức trước khi khủng hoảng nổ ra vào tháng 10/2008. So với đầu năm 2008, các chỉ số này vẫn còn sút giảm 15-30%. Trong khi đó, so với cuối năm 2008 đã tăng 25-50%, so với mức đáy được thiết lập trong năm nay thì mức tăng khoảng 50%. VN-Index là một trong những chỉ số có mức tăng mạnh nhất trong năm 2009.

Nguồn: VietstockFinance

Quan sát biến động các chỉ số chứng khoán trong 15 năm qua cho thấy, năm 2009 là một năm các chỉ số chứng khoán bật dậy mạnh mẽ. Tuy vậy, xu hướng trong quá khứ cho thấy sự tăng lên mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán khó duy trì được một cách liên tục. Do đó, kỳ vọng về những đợt tăng điểm mạnh trong năm 2010 dường như khó có khả năng xảy ra.

Không những vậy, trong quá khứ có 2 lần các chứng khoán đều có một năm khó khăn sau khi leo dốc mạnh mẽ thời kỳ hậu khủng hoảng. Vào năm 1999, chứng khoán thế giới có đợt bùng nổ sau cuộc khủng khoảng Đông Á năm 1997 – 1998. Tuy vậy, thị trường lại sút giảm khá mạnh trong năm 2000. Tương tự như vậy, chứng khoán thế giới đã có một năm tăng mạnh vào năm 2003, song qua năm 2004 các chỉ số chỉ tăng nhẹ.

Nguồn: VietstockFinance

2. Kinh tế thế giới năm 2010 – Triển vọng và Rủi ro

Nhiều nền kinh tế tăng trưởng trở lại, đặc biệt là các cường quốc mới nổi

Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ… của các nền kinh tế đang có sự phục hồi khá tích cực. Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng cao, góp phần quan trọng cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010, nhiều tổ chức đưa ra dự báo khả quan. IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.1%, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 2.3%. Thậm chí Nomura còn dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi 4.2%. Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 9 đến 10.5% trong năm 2010, Ấn Độ sẽ phục hồi 6.5 đến 8.5%.

Thương mại thế giới phục hồi

Năm 2009, mặc dù kim ngạch thương mại thế giới sút giảm mạnh, nhưng khi loại bỏ yếu tố thay đổi giá thì mức sút giảm không lớn. WB dự báo thương mại thế giới sẽ tăng trưởng 6%, khi đã loại bỏ yếu tố tăng giá.

Một yếu tố khác cho thấy thương mại thế giới đang có chiều hướng phục hồi là chỉ số vận tải toàn cầu (BDI) cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Sự phục hồi của kinh tế thế giới còn thể hiện qua việc giá cả hầu hết các mặt hàng đang tăng lên khá mạnh.

Bản chất của sự phục hồi kinh tế thế giới chưa bền vững

Xem xét kỹ hơn bản chất của sự phục hồi kinh tế thế giới đã khiến không ít người lo ngại. Nhiều đánh giá cho rằng sự phục hồi của kinh tế thế giới trong thời gian qua chỉ có tính tạm thời.

Sự phục hồi này có được là nhờ những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của các quốc gia (bằng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng). Tuy vậy, những vấn đề cơ bản làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế giới chưa được giải quyết. Sự khủng hoảng kinh tế thế giới trong thời gian qua có nguyên nhân sâu xa do sự mất cân đối trong phát triển kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, môi trường sinh thái cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng khiến thế giới phải đối phó với nhiều thiên tai hơn trước. Việc co hẹp dần “chất kích thích” cho sự tăng trưởng là các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ mở rộng có thể sẽ làm cho đà phục hồi bị chững lại.

Thâm hụt ngân sách và thất nghiệp là những dấu hiệu đáng lo ngại

Hiện tại thâm hụt ngân sách của nhiều quốc gia trên thế giới đã lên mức cao chưa từng có từ trước đến nay, và vượt xa mức khuyến cáo an toàn.

Thâm hụt ngân sách của Nhật Bản, Anh, Ấn Độ năm 2009 vượt mức 10%. Thâm hụt của Mỹ là 9.9%, Eurozone cũng lên tới 7.1%. Điều này cho thấy khả năng các quốc gia tiếp tục mạnh tay chi tiêu trong năm 2010 là khó diễn ra.

Số người mất việc làm vẫn đang ở mức cao cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu lên đến 10%, cá biệt tại Tây Ban Nha gần 20%. Tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Cân bằng vĩ mô toàn cầu và chính sách bảo hộ thương mại

Một rủi ro khác cũng đang được quan tâm hiện nay là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc có thể đe dọa đến cân bằng vĩ mô toàn cầu. Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng sản xuất của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và nguyên liệu tăng nhanh của nước này khiến cho giá cả thế giới bị biến động mạnh. Chính sách xuất khẩu của Trung Quốc cũng đe dọa đến sự cân đối thương mại và dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Một trong những quan ngại trong giai đoạn khủng hoảng là các chính sách bảo hộ thương mại. Nếu các chính sách này được các nước sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước thì sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Các nước đều ý thức được rằng lợi ích ròng toàn cầu từ chính sách bảo hộ thương mại sẽ là số âm, nhưng trên thực tế ít nước nào chịu nhượng bộ. Năm 2009, việc Mỹ liên tục sử dụng các biện pháp hỗ trợ thương mại đã gây ra sự bất đồng mạnh mẽ trong các đối tác thương mại chủ yếu. Nhẹ nhàng hơn, nhiều quốc gia liên tục đưa ra các gói kích cầu nhưng ưu tiên dùng hàng trong nước. Điều này cũng làm cho thương mại toàn cầu bị méo mó.

Những dấu hiệu cho một sự phục hồi bền vững?

Với những phân tích ở trên, nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới có khả năng còn phải hứng chịu thêm một đợt đình trệ trong năm 2010. Sự phục hồi kinh tế có thể sẽ theo hình chữ W, và khó có khả năng phục hồi theo hình chữ V như giai đoạn vừa qua và như mong đợi.

Những dự báo này là có cơ sở khi mà trong tháng đầu năm 2010, những chỉ báo kinh tế vĩ mô được công bố phần lớn đều ở mức tiêu cực hơn dự báo. Các thị trường chứng khoán đều lao dốc trước những thông tin này. Hiện tại, giá dầu thô trong tháng 01/2010 cũng giảm về quanh mốc 70 USD/thùng. Giá vàng giảm về gần 1,000 USD/oz, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,200 USD/oz chỉ cách đây vài tháng.

Ngân hàng trung ương các nước cũng đang tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế. Trung Quốc, công xưởng sản xuất của thế giới, đang phải thực hiện thắt chặt tiền tệ để kìm hãm tăng trưởng nóng của nền kinh tế, giảm nguy cơ bùng nổ bong bóng trên thị trường tài chính và bất động sản. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn khá mong manh.

Chúng tôi cho rằng có một số chỉ báo để theo dõi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Đó là tỷ lệ thất nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ, số đơn đặt hàng của những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm dần và sản xuất công nghiệp được cải thiện thì đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế thế giới đang dần phục hồi một cách bền vững.

Triển vọng và rủi ro TTCK thế giới năm 2010

Thị trường chứng khoán thế giới năm 2009 có một năm bùng nổ. Mức điểm đạt được của các chỉ số chứng khoán đều đã cao hơn trước khủng hoảng vào tháng 10/2008. Sự hồi phục của chứng khoán thế giới đã đi trước và đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.

Tuy vậy, với những rủi ro trong nền kinh tế như đề cập ở trên thì chứng khoán năm 2010 dường như khó có khả năng tăng mạnh. Sự điều chỉnh đồng loạt của hầu hết các chỉ số chứng khoán trong những ngày đầu tháng 01/2010 củng cố thêm lập luận này.

Bên cạnh đó, với tình trạng lạm phát đang quay trở lại thì nhiều khả năng ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ buộc phải nâng lãi suất. Đây cũng là yếu tố sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán năm 2010.

Các thống kê trong quá khứ cũng cho thấy, thông thường sau một năm thị trường tăng mạnh thì năm tiếp theo sẽ là một năm tăng nhẹ hoặc điều chỉnh giảm. Năm 2010 nhiều khả năng cũng sẽ không phải là một ngoại lệ.

Đánh giá triển vọng của thị trường trong Q1/2010, chúng tôi cho rằng chứng khoán thế giới đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh. Những biện pháp thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ thị trường chứng khoán châu Á. Còn tại châu Âu và Mỹ, các chính sách tiền tệ cũng đang được xem xét điều chỉnh. Cùng với việc thâm hụt ngân sách/nợ quốc gia đang ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường.

3. Phân tích kỹ thuật TTCK thế giới

Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều giai đoạn TTCK Việt Nam nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ TTCK thế giới. Tuy vậy, hầu hết các chỉ số quan trọng hiện nay đều đang tiến gần đến những ngưỡng nhạy cảm. Theo phân tích của chúng tôi đối với hai chỉ số có tương quan mạnh với VN-Index là Nikkei 225 (r = 0.872) và Dow Jones (r = 0.804), khả năng VN-Index nhận được sự cộng hưởng trong Q1/2010 là khá thấp.

Nikkei 225 sẽ thử thách vùng hỗ trợ 9,800 – 10,000

Sau khi đạt đến mức giá mục tiêu của mẫu hình Head & Shoulder vào cuối tháng 11/2009, Nikkei 225 đã có chuỗi tăng điểm ngoạn mục từ 9,081 lên 10,982 điểm. Tuy nhiên, song song với sự phục hồi là sự hình thành một bearish divergence khá hoàn hảo của Intraday Momentum Index, và kết quả là sau đó chỉ số này lại giảm mạnh.

Đây rõ ràng không phải là một sự giật lùi kỹ thuật khi đường giá đã phá vỡ luôn một ngưỡng chống đỡ mạnh trong ngắn hạn là Fibonacci Retracement 38.2% trong phiên giao dịch ngày 29/01/2010. Điều này cho thấy khả năng test vùng 9,800 – 10,000 là hoàn toàn có thể.

Đây là vùng chống đỡ mạnh được tạo thành bởi Longterm Support Trendline và Fibonacci Retracement 61.8% ngắn hạn. Ngoài ra, con số 10,000 cũng là một con số mang ý nghĩa tâm lý rất lớn. Vì vậy, nếu vùng này bị break thì có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một sự điều chỉnh mạnh mẽ và kéo dài của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Dow Jones hình thành Triangle Pattern

Về mặt kỹ thuật, có hai điểm đáng lưu ý đối với chỉ số này. Thứ nhất là sự hình thành của một mẫu hình đảo chiều (reversal pattern): mẫu hình tam giác hướng lên (triangle pattern). Điểm xuất phát của mẫu hình này là ngày 06/03/2009. Đến ngày 21/01/2010 thì triangle pattern chính thức hình thành với điểm phá vỡ (breakpoint) xuất hiện. Ngay trong phiên ngày hôm sau (22/01/2010), Dow Jones cũng phá vỡ luôn một ngưỡng chống đỡ quan trọng khác là Fibonacci Retracement 50.0% dài hạn và từ đó đến nay vẫn chưa thể vượt lên trên ngưỡng này.

Theo các lý thuyết về phân tích kỹ thuật, khi một ngưỡng chống đỡ (support) bị phá vỡ thì nó sẽ trở thành một ngưỡng kháng cự (resistance) trong tương lai. Vì vậy, Fibonacci Retracement 50.0% (tương đương với mức 10,400 điểm) có thể coi là ngưỡng kháng cự trong Q1/2010 của chỉ số này.

Với mức giá mục tiêu (target price) xuống đến 9,300 – 9,500 điểm, mẫu hình triangle cho chúng ta một cảnh báo về khả năng suy giảm mạnh của Dow Jones trong Q1/2010.

Điểm đáng chú ý thứ hai là tín hiệu bán dài hạn (longterm sell signal) của MACD weekly xuất hiện. Thực ra tín hiệu bán này đã được báo trước bằng một bearish divergence hoàn hảo của PS MACD Histogram. Trong khi Dow Jones liên tục đạt đến những đỉnh cao hơn thì chỉ báo (indicator) này liên tục tạo những đỉnh thấp hơn. Kết quả cuối cùng là MACD cho tín hiệu điều chỉnh trong dài hạn.

Điều này không hẳn báo hiệu cho một chu kỳ sụt giảm mạnh mẽ và kéo dài của Dow Jones, nhưng nó cũng cho chúng ta biết rằng khả năng nhận được sự cộng hưởng từ thị trường Mỹ nếu như VN-Index phục hồi ngay trong Q1/2010 là khá thấp.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Chứng khoán chờ đợi để “nở rộ” sau Tết? (04/02/2010)

>   Techcombank: Báo cáo phân tích (28/01/2010)

>   Bimico: Báo cáo phân tích Công ty (21/01/2010)

>   Kinh tế và thị trường chứng khoán 2009: Một năm nhìn lại (02/01/2010)

>   DBC: Báo cáo phân tích công ty (30/12/2009)

>   Dự báo lạm phát và những giải pháp chính sách tiền tệ (19/12/2009)

>   TIE: Báo cáo phân tích công ty (18/12/2009)

>   LIX: Báo cáo phân tích công ty (10/12/2009)

>   Dubai World có phải là một Lehman Brothers mới? (07/12/2009)

>   PV Gas D: Báo cáo phân tích công ty (03/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật