Dubai World có phải là một Lehman Brothers mới?
(Vietstock) – Cuộc khủng hoảng nợ của Dubai World khiến các nhà đầu tư trên thế giới lo ngại. Rất nhiều người cho rằng, sự kiện Dubai World giống như Lehman Brothers sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính lần 2. Phải chăng tình hình đang trở nên quá xấu?
Rủi ro được san sẻ
Thị trường tài chính toàn cầu liên tục chao đảo trong mấy ngày qua khi sự kiện Dubai World dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính lần 2. Tuy nhiên, mới đây, Ông Masood Ahmed, giám đốc của IMF khu vực Trung Đông và Trung Á, cho rằng nỗ lực của Dubai trong việc trì hoãn các khoản nợ, dù ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của UAE, nhưng sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới những ngân hàng đã cho tập đoàn đầu tư nhà nước này vay tiền. Ông nói: “Chúng tôi không nhìn thấy vấn đề lớn cho các ngân hàng”.
Dựa trên các số liệu thống kê thu thập, chúng tôi nhận thấy vấn đề nợ của Dubai World không quá bi quan.
Theo số liệu ước tính của ngân hàng UBS, các ngân hàng Anh là chủ nợ lớn nhất trong tổng nợ hiện tại của UAE, chiếm khoảng 30-50 tỷ USD vào cuối năm 2008. Con số này chỉ bằng khoảng 2% tổng giá trị sổ sách các khoản nợ của ngân hàng Anh. Đối vối các ngân hàng của Châu Âu, tỷ lệ cho vay đối với UAE là ít hơn 1% vào cuối năm 2008. Do đó, nếu như Dubai World bị vỡ nợ, các ngân hàng Anh và Châu Âu chỉ hứng chịu một khoản lỗ nhỏ.
Thậm chí, các số liệu mới đây do Financial Times công bố cho thấy những tín hiệu lạc quan. Theo đó, khoản nợ của Dubai World không tập trung vào một đối tượng mà được san sẻ bởi nhiều chủ nợ. Chính vì vậy, nó sẽ giảm thiểu tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu trong trường hợp Dubai World vỡ nợ. Chúng tôi cho rằng, tình hình sẽ đáng lo ngại hơn nếu như một định chế nào đó cho vay quá nhiều đối với Dubai World.
Theo số liệu của Financial Times, các ngân hàng Anh đã cho Dubai World vay 5 tỷ đôla và là chủ nợ lớn nhất. Trong đó, Royal Bank of Scotland (RBS) là người cho vay nhiều nhất trong số các ngân hàng của Anh, lớn hơn cả HSBC, Standard Chartered và Lloyds. Tuy vậy, con số nợ của RBS chỉ từ 1-2 tỷ USD, cao hơn một chút so với mức trung bình 1 tỷ USD của các ngân hàng Anh.
Trong khoản nợ 26 tỷ USD đang được tái cấu trúc, có 5.5 tỷ USD nợ tập thể (syndicated debt) và 6 tỷ USD nợ trái phiếu hồi giáo (Islamic bond/sukuk). Khoản nợ tập thể (tức các ngân hàng đồng tài trợ) được cho vay vào giữa tháng 06/2008 thực hiện bởi các định chế tài chính như HSBC, ING, Lloyds, Mashreq bank, RBS, Sumitomo Mitsui, Calyon và Tokyo Mistubishi, theo Bloomberg. Việc mỗi định chế chỉ chiếm 10-20% trong tổng khoảng nợ này cho thấy rủi ro đã được phân tán.
Niềm tin trở lại
Một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng nợ của Dubai không phải là quá quan ngại. Một số tổ chức như Bank of Amerrca, Merrill Lynch và nhà quản lý tài sản nổi tiếng Mark Mobius thậm chí có ý định đầu tư vào thị trường này với kỳ vọng rằng Dubai sẽ không có khả năng vỡ nợ. Những thông tin này đang khiến cho niềm tin trở lại trên thị trường. Theo đó, rủi ro rín dụng của Dubai, được đo lường bởi phần bù hợp đồng bảo đảm rủi ro vỡ nợ (credit default swap-CDS), giảm xuống ngày thứ ba liên tiếp, xuống mức 4.52% vào ngày 02/12. Đây là mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 9 tháng qua của phần bù CDS và thấp hơn nhiều so với mức 6% của ngày 27/11.
Những âu lo từ thị trường trái phiếu hồi giáo
Khi thông tin Dubai World trì hoãn trả nợ được lan rộng vào cuối tháng 11, rất nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng sụp đổ dây chuyển đối với các định chế tài chính Châu Âu (vốn là những người cho Dubai World vay nhiều nhất) và dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính lần 2. Do đó, các số liệu mới công bố của Financial Times đang làm yên lòng các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa mọi chuyện đã tốt đẹp. Trên thực tế, còn một con đường khác có khả năng làm rúng động thị trường tài chính thế giới: “thị trường trái phiếu hồi giáo”.
Trái phiếu hồi giáo là một công cụ đặc biệt của các nước theo đạo Hồi. Luật Shariah của các nước hồi giáo không cho phép các hoạt động tín dụng. Do đó các ngân hàng đã tạo nên nên một công cụ gọi là trái phiếu hồi giáo để “lách luật”. Các trái chủ sở hữu trái phiếu hồi giáo ngoài các khoản lãi được trả như trái phiếu thông thường còn được chia lãi từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Thậm chí, các khoản nợ này được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nhà kinh tế vẫn chưa biết phân loại trái phiếu hồi giáo là một công cụ nợ hay là một chứng khoán vốn. Thị trường trái phiếu hồi giáo phát triển mạnh ở Malaysia và các nước vùng Vịnh từ cuối thập niên trước. Hiện nay, giá trị thị trường trái phiếu hồi giáo vào khoảng 902 tỷ USD.
Theo ước tính của HSBC, các ngân hàng Anh chính là thành viên tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu hồi giáo. Thậm chí, hình thức này còn được các tập đoàn phương Tây sử dụng để huy động vốn. Một ngày trước khi Dubai World tiết lộ tình hình về khoản nợ của mình, GE Capital, một tập đoàn dịch vụ tài chính của Mỹ, đã phát hành trái phiếu hồi giáo đề huy động 500 triệu USD (kế hoạch trước đó là 1 tỷ USD). Như vậy, GE Capital trở thành công ty đầu tiên của thế giới phương Tây phát hành trái phiếu hồi giáo. Điều này đang dấy lên lo ngại rủi ro pháp lý, bởi trái phiếu hối giáo không hề có văn bản pháp luật điều chỉnh và cũng chưa bao giờ được giải quyết tại tòa án.
5 trái phiếu hồi giáo lớn nhất
Trở lại với vấn đề của Dubai World. Dubai World là một người chơi lớn trong thị trường trái phiếu hồi giáo, khi công ty này phát hành 4 trong 10 trái phiếu hồi giáo lớn nhất về giá trị. Trong đó Nakheel, một công ty phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Dubai World, đã phát hành gần 4 tỷ đôla trái phiếu đáo hạn vào tháng 12/2014. Nakheel đang trở thành công ty có khả năng vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay trong thị trường trái phiếu hồi giáo và ở UAE.
Khả năng vỡ nợ của Nakheel đang khoét sâu vào rủi ro pháp lý của thị trường trái phiếu hồi giáo. Nếu như Nakheel phá sản, các tòa án tại Dubai sẽ chẳng thể giải quyết bởi không hề có tiền lệ cũng như không có văn bản luật nào điều chỉnh. Nhiều nhà phân tích nhận định, thị trường trái phiếu hồi giáo đang chịu thử thách lớn nhất từ khi hình thành đến nay. Sự kiện Dubai World khiến nhiều nhà đầu tư yêu cầu mức phần bù rủi ro cao hơn và từ đó hình thành kỳ vọng xu hướng giảm giá trên thị trường trái phiếu. Nếu như điều này xảy ra, các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu hồi giáo sẽ hứng chịu khoản tổn tất nặng nề.
Trương Minh Huy
|