Eximbank: Báo cáo phân tích công ty
(Vietstock) - Các phân tích của chúng tôi cho thấy Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (HOSE: EIB) không thực sự có lợi thế rộng ở bất cứ tiêu chí nào. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các thế mạnh của EIB cũng không phải là yếu và ngân hàng này hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi tin rằng, EIB sẽ tiếp tục được biết đến như một ngân hàng nổi tiếng trong lĩnh vực tài trợ thương mại, đầu tư và kinh doanh vàng, ngoại hối.
* Download: Báo cáo đầy đủ tại đây
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ
Chúng tôi sử dụng các phương pháp định giá Chiết khấu dòng tiền tự do của cổ đông (FCFE) và phương pháp so sánh (P/B và P/E) để xác định giá trị cổ phần EIB. Giá trị vốn cổ phần hợp lý của EIB theo quan điểm của chúng tôi là 19,100 đ/cp.
Các phân tích cho thấy EIB không thực sự có lợi thế rộng ở bất cứ tiêu chí nào. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các thế mạnh của EIB cũng không phải là yếu và ngân hàng này hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. EIB sẽ tiếp tục được biết đến như một ngân hàng nổi tiếng trong lĩnh vực tài trợ thương mại, đầu tư và kinh doanh vàng, ngoại hối.
Với việc các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng rủi ro gia tăng nợ xấu là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng tôi cũng không quá kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của hầu hết các ngân hàng, ít nhất là cho đến tháng 6/2010.
TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH
- EIB được thành lập vào ngày 24/05/1989 và đi vào hoạt động vào ngày 17/01/1990. Eximbank hiện có khoảng 124 điểm giao dịch và có quan hệ đại lý với 758 Swift Code của các ngân hàng và chi nhánh tại 78 quốc gia trên thế giới.
- EIB có chiến lược tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tài trợ thương mại, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính. Chiến lược phát triển tổng thể của ngân hàng là tập trung và khác biệt hóa trên các lĩnh vực: ngân hàng tài trợ xuất nhập khẩu, ngân hàng bán lẻ và ngân hàng đầu tư. Với cơ cấu cổ đông và cổ đông chiến lược là các định chế tài chính lớn, mang lại lợi thế không nhỏ cho ngân hàng.
- Lợi nhuận từ lãi vay chiếm tỷ trọng 70%. Kinh doanh ngoại hối và vàng đem lại hiệu quả cao. EIB cũng có lợi thế về chi phí vốn. Nhưng khả năng sinh lợi lại đang có xu hướng giảm. Xét về tốc độ tăng trưởng, EIB có tốc độ tăng trưởng cao về quy mô vốn, tổng tài sản, lợi nhuận, và huy động vốn.
- Tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khi 9 tháng đầu năm 2009 đạt 64.8%. Tuy vậy, nợ xấu đứng ở mức cao so với các NHTMCP, khoảng 4.71% vào năm 2008, cao nhất trong các NHTMCP.
- Hoạt động cho vay tập trung tại TPHCM, và chủ yếu là vay ngắn hạn. Lĩnh vực cho vay chủ yếu là thương mại; nhưng lĩnh vực bất động sản cũng cần quan tâm. EIB cũng đang đẩy mạnh các chương trình tài trợ xuất nhập khẩu và tỏ ra năng động trên thị trường liên ngân hàng. Song hành với hoạt động cho vay, hoạt động huy động vốn vẫn chủ yếu tại TPHCM, với kỳ hạn ngắn hạn là chủ yếu.
- Kinh doanh thẻ phát triển nhanh và có nhiều tiềm năng. Hoạt động kiều hối có nhiều thế mạnh. Thanh toán quốc tế năm vừa qua chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng dự báo sẽ sớm hồi phục. Đầu tư tài chính chủ yếu là trái phiếu. Trong khi đó, kinh doanh ngoại tệ và vàng có một năm đầy biến động, nhưng tiềm năng cao.
- EIB nằm trong số 5 ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản và vốn điều lệ lớn nhất; nhưng mạng lưới hoạt động của EIB còn khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác. EIB có hệ số an toàn vốn cao. Tuy nhiên, khả năng sinh lợi lại ở mức thấp. Chúng tôi dự báo khả năng năm 2009, EIB sẽ có ROE ở mức 8%.
- EIB có thế mạnh trong hoạt động thanh toán quốc tế nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với Vietcombank và thấp hơn đôi chút so với Techcombank. Hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ của EIB tiếp tục có bước phát triển mạnh trong những năm 2008. Hoạt động kinh doanh thẻ vẫn còn kém hơn các đối thủ trong liên minh thẻ Smartlink.
- EIB là ngân hàng có chi phí vốn thấp trong số các NHTM. Hệ số NIM của EIB tương đương với các NHTM nhà nước như Vietcombank và lớn hơn so với các NHTMCP.
Trương Minh Huy
|