Thứ Bảy, 17/10/2009 08:00

Triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành thủy sản

(Vietstock) - Sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành thủy sản trong thời gian qua đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều nhà đầu tư. Vậy nguyên nhân nào khiến cho các cổ phiếu  này tăng giá mạnh như vậy? Kỳ vọng gì vào lợi nhuận các công ty trong ngành vào những tháng cuối năm?

Cổ phiếu thủy sản là một trong những nhóm cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trên sàn trong thời gian qua. Tính từ ngày 20/07, lúc VN-Index chạm đáy 412 điểm, đến ngày 14/10/2009, hầu hết mã còn lại đều tăng cao hơn so với trung bình của thị trường. Mức tăng ấn tượng nhất phải kể đến TS4, BAS và FMC tăng lần lượt là 162%, 132% và 133%, tăng thấp nhất là FBT vẫn tăng được 25%. Những mã cổ phiếu mới lên sàn nửa cuối tháng 9 như AAM và ATA cũng tăng khá mạnh sau khi niêm yết.

Ngành thủy sản trong những tháng đầu năm

Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3.02 tỷ USD, giảm 9.5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong ba tháng 7, 8, 9 vừa qua, xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì một xu hướng giảm, dù kinh tế thế giới đang phục hồi tích cực. Trong những tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản suy giảm không những do nhu cầu tiêu thụ ít đi mà còn một số quốc gia nhập khẩu cấm hoặc gây những khó khăn cho mặt thủy sản của Việt Nam. Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ tháng 12/2008 cho đến tháng 5/2009. Các nước Ai Cập, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Italia, Newzilan một số tổ chức thực hiện các chương trình phản đối cá tra và basa từ Việt Nam. Tháng 6 vừa qua Mỹ cũng quyết định tiếp tục duy trì thuế chống bán phá giá cá da trơn của Việt Nam.

Xuất khẩu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết

Doanh thu của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn có một phần lớn từ hoạt động xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2009, tính trung bình doanh thu từ xuất khẩu của 17 doanh nghiệp chiếm hơn 74% tổng doanh thu của các công ty này. Một số doanh nghiệp xuất khẩu chiếm trên 90% doanh thu như Basa, Thủy sản Mekong, Thủy sản Bến Tre, Thủy sản Cửu Long An Giang. Kim ngạch xuất khẩu của các công ty thủy sản có liên quan khá chặt chẽ với giá trị xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản không mấy khả quan. Trong 17 công ty niêm yết trên có tới 7 công ty thua lỗ. So với kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2008, có 10 doanh nghiệp bị sút giảm, tính ra trung bình lợi nhuận giảm 77.4%, dù doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp này vẫn tăng gần 4%. Có 2 doanh nghiệp có mức lỗ lớn như Nam Việt (ANV) lỗ 80 tỷ, Thủy sản Bến Tre (FBT) lỗ 57 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy mặc dù doanh thu của các doanh nghiệp này không giảm nhưng kết quả kinh doanh lại bị giảm khá mạnh. Nguyên nhân của tình trạng là do nhiều doanh nghiệp phải giảm giá bán dưới mức giá thành, hàng tồn kho tăng do xuất khẩu khó khăn.

Tình trạng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong những tháng gần đây đều tăng khá mạnh so với những tháng đầu năm. Chẳng hạn, AGF xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 20 triệu USD, nhưng tính 8 tháng đã đạt hơn 32 triệu USD. Lâm Thủy sản Bến Tre xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4 triệu USD, 8 tháng đạt hơn 9 triệu USD.

Xuất khẩu và kết quả kinh doanh của 17 doanh nghiệp thủy sản niêm yết

Triển vọng những tháng cuối năm

Xuất khẩu

Xuất khẩu thủy sản thường có tính chu kỳ, ngoại trừ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế, còn những năm khác xuất khẩu những tháng cuối năm thường tăng khá mạnh với những tháng đầu năm. Với đà phục hồi của kinh tế thế giới hiện nay, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng cuối năm nay sẽ tăng mạnh. Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như khó khăn về nguyên liệu, do mùa đông ở miền bắc, thiên tai lũ lụt ở miền trung…  Ngoài ra, trong thời gian tới xuất khẩu thủy sản phải đối mặt với một số khó khăn nhất định như việc EU đã đưa ra quyết định áp dụng luật IUU từ 1/1/2010 đối với các mặt hàng thủy sản nhập vào khu vực này. Theo luật này các hàng thủy sản xuất khẩu vào EU phải có chứng nhận tên tàu và vùng khai thác.

Khả năng xuất khẩu thủy sản trong năm nay khó duy trì kim ngach bằng năm 2008. Để đạt được mục tiêu này, xuất khẩu 3 tháng cuối năm phải đạt trung bình 520 triệu USD/tháng, kịch bản này khó khả thi vì ngay cả tháng xuất khẩu cao nhất trước đây cũng chỉ đạt 483 triệu USD/tháng. Kịch bản khả quan, xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ giảm khoảng 5%.

Doanh nghiệp ngành thủy sản

Tính đến ngày 14/10/2009, trong các doanh nghiệp thủy sản niêm yết, mới chỉ có Thủy Sản Mekong (AAM) công bố báo cáo tài chính Quý 3/2009, theo đó lợi nhuận Quý 3 của doanh nghiệp đạt 14.56 tỷ đồng, giảm so trung bình với 2 quý trước đó nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan điểm của người viết cho rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong Quý 3 và 4 năm nay sẽ được cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm và cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, khó có một sự tăng đột biến lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp từ kinh doanh chính. Dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn có khả năng có lợi nhuận cao và đáng để xem xét đầu tư. Tình hình này rơi vào các doanh nghiệp thủy sản có tham gia mạnh vào hoạt động đầu tư tài chính và bán ra lượng cổ phiếu quỹ đã mua vào khi giá giảm. Điển hình nhất là Thủy sản Bến Tre (ABT). Tuy hoạt động kinh doanh của công ty này vẫn đang gặp thuận lợi nhưng lại được tiếp sức từ những khoản đầu tư tài chính. Điều cần lưu ý khi phân tích để lựa chọn cổ phiếu đầu tư phải để ý những khoản lợi nhuận đột biến và bản chất của những khoản lợi nhuận này liệu có bền vững không?

Chỉ số tài chính 4 quý gần nhất và dự phóng của các cổ phiếu thủy sản

Bảng trên cho thấy EPS trung bình 4 quý gần nhất (tính đến quý 2) 17 doanh nghiệp thủy sản chỉ đạt 1,341 đồng. Kết quả dự phóng cho năm 2009 có thể lên tới 2,427 đồng và P/E forward theo giá ngày 14/10/2009 vào khoảng 16 lần, mức này xấp xỉ bình quân của thị trường. Như vậy, về triển vọng trung và dài hạn cổ phiếu nhiều công ty trong ngành thủy sản vẫn đang khá hấp dẫn, tuy nhiên ngắn hạn thì cần thận trọng với sự tăng quá nóng của một số cổ phiếu.

Bá Tình

Các tin tức khác

>   NBP và kỳ vọng giá 6x (13/10/2009)

>   GGG - Cổ phiếu hiếm ngành ô tô trên sàn HNX (12/10/2009)

>   TIC- Tầm nhìn dài hạn vào ngành thủy điện Tây Nguyên (12/10/2009)

>   ITC sẽ sốt giá cùng nhóm cổ phiếu bất động sản? (10/10/2009)

>   IPO công ty đầu ngành xuất khẩu hạt điều - Pygemaco (09/10/2009)

>   Chờ đợi cổ tức cao từ cổ phiếu dược PMC (09/10/2009)

>   Long Giang Land đẩy mạnh vị thế đầu tư bất động sản (08/10/2009)

>   SRC - "Mảnh ghép săm lốp" cuối cùng chào sàn HOSE (07/10/2009)

>   PHT - Thêm cổ phiếu tăng trưởng cho nhóm ngành thép (28/09/2009)

>   Lao động giá rẻ tiếp tục là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (21/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật