Thứ Hai, 21/09/2009 06:07

Lao động giá rẻ tiếp tục là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

(Vietstock) - Theo báo cáo vừa được tổ chức Business Monitor International (BMI) công bố, Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài do lực lượng lao động dồi dào với chi phí thuê mướn rẻ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong cơ cấu và trình độ lao động cần phải khắc phục.

Theo các số liệu thống kê chính thức, quy mô lực lượng lao động tại Việt Nam được tăng thêm khoảng 1.5 triệu lao động mỗi năm. Bất chấp mức lương gia tăng trong những năm trở lại đây, khoản lương của lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp so với mặt bằng các quốc gia trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam (GSO), vào thời điểm kết thúc năm 2008, Việt Nam có khoảng 45 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2009 dự báo vào khoảng từ 4 – 6%.

Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam tạo nên sự dịch chuyển trong cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực phi nông nghiệp. Theo ước tính của GSO, trong năm 2008, 52% dân số Việt Nam làm việc trong khu vực nông nghiệp, 21% trong khu vực công nghiệp và xây dựng, 27% còn lại hoạt động trong khu vực dịch vụ.

Nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị và kỹ thuật đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng, và kéo theo đó, là mặt bằng lương của lao động trong khu vực này gia tăng với tốc độ tương đối nhanh so với khu vực khác. Sự mở rộng của khu vực tài chính kết hợp với đội ngũ lao động chất lượng cao thiếu hụt trầm trọng là vấn đề đau đầu đối với lĩnh vực còn khá non trẻ này tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2010, khu vực tài chính của Việt Nam dự tính cần khoảng hàng chục ngàn lao động có kiến thức và trình độ chấp nhận được. Theo thống kê của tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực nhân sự Navigos Group, trong năm 2007, tính bình quân, các doanh nghiệp nước ngoài trả lương cao hơn khoảng 14% so với các doanh nghiệp trong nước. Tuy vậy, khuynh hướng chung hiện nay vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp nước ngoài trong vấn đề chỉ trả và đãi ngộ người lao động.

Thiếu hụt lao động cũng như luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực một lần nữa đã đẩy cao mặt bằng giá thuê mướn lao động chất lượng cao. Tuy vậy, về phương diện chi phí thuê mướn lao động trong khu vực sản xuất, Việt Nam vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ của mình. Theo khảo sát của Tổ chức Thương mại Hải ngoại Nhật Bản (JETRO), vào thời điểm Tháng 11/2006, mặt bằng lương trung bình của lao động thông thường tại Hà Nội vào khoảng 87-198$/tháng. Trong khi đó, con số này ở TPHCM là 122-216$/tháng. Các con số này tỏ ra khá cạnh tranh với mức 164$/tháng tại Thái Lan hay 133-446$/tháng tại khu vực Quảng Châu – Trung Quốc. Mặc dù theo số liệu thống kê của Navigos Group, mức lương trung bình tại Việt Nam đã tăng 19.5% trong khoảng thời gian từ Tháng 04/2007 đến Tháng 03/2008, giá cả thuê mướn nhân công tại Việt Nam vẫn được đánh giá là khá cạnh tranh. Với việc Trung Quốc thực thi bộ luật lao động mới trong đó áp thuế thu nhập lên đối tượng lao động phổ thông từ Tháng 01/2008, mặt bằng lương tại quốc gia này được dự tính tăng từ 5 – 40%. Các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan hiện đang cân nhắc việc di dời nhà máy sang Việt Nam sau quyết định này. 

Nguồn: BMI Report.

Vấn đề đình công cũng đang là một đề tài đáng quan tâm hiện nay tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, trong năm 2008, toàn Việt Nam xảy ra khoảng 650 vụ đình công tự phát, tăng hơn 20% so với con số 540 của năm 2007. Đa số các vụ đình công đều xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực may mặc và dày giép. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các đợt đình công hầu hết xuất phát từ các hạn chế trong hành lang pháp lý về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Nói cách khác, các tranh chấp về việc chi trả lương thuê mướn lao động, chi trả bảo hiểm xã hội và khoản đền bù khi sa thải lao động đang là những vấn đề nhạy cảm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay.

Khuynh hướng gia tăng với nhịp độ ngày càng nhanh trong mức giá cả, đặc biệt là giá nhu yếu phẩm và nhà đất đã dấy lên làn sóng quan ngại sâu sắc trong cộng đồng lao động tại Việt Nam thời điểm cuối năm 2007 và trong năm 2008. Hậu quả của vấn đề này là yêu cầu nâng cao mức lương tại hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam. Những chuyển biến tiêu cực của nền kinh tế cũng như điều kiện làm việc ngày càng lâm vào trạng thái suy thoái theo thời gian đã khởi động làn sóng đình công với hơn hàng chục ngàn lao động tham gia tại TPHCM và tỉnh Đồng Nai trong Tháng 01/2008. Bước sang năm 2009, việc kiềm chế được lạm phát và tái cải thiện tình trạng lao động phần nào kìm hãm làn sóng đình công ở thời điểm hiện tại.

Vào Tháng 10/2008, chính phủ Việt Nam đã quyết định nâng mức lương tối thiểu cho lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ mức 1,000,000 VND/tháng lên 1,200,000 VND/tháng. Mức lương tối thiểu tương ứng đối với lao động tại các nhà máy thuộc doanh nghiệp quốc nội được điều chỉnh trong khoảng 650,000 VND/tháng đến 800,000 VND/tháng. Mức lương tối thiểu mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Dù vậy, ngay cả khi áp dụng chính sách này, giá nhân công ở Việt Nam vẫn còn rẻ tương đối so với các nước trong khu vực.

Khánh Hưng – Bá Tình

Các tin tức khác

>   Ảnh hưởng như thế nào đến ngành cao su Việt Nam? (20/09/2009)

>   Tình hình xuất khẩu 8 tháng và triển vọng 4 tháng cuối năm (14/09/2009)

>   Thị trường chứng khoán tháng 8 và cơ hội tháng 9 (13/09/2009)

>   Cổ phiếu ngành xi măng: Ổn định trong dài hạn (11/09/2009)

>   Triển vọng ngành cao su (11/09/2009)

>   Tình hình giá thép thế giới và những ảnh hưởng đến Việt Nam (10/09/2009)

>   Kinh tế Việt Nam qua dự báo của BMI (10/09/2009)

>   Ngành thép cuối năm 2009: Nóng "nhờ" tồn kho dự trữ (10/09/2009)

>   DN ngành cao su: Triển vọng lợi nhuận quý 3/2009 khả quan (07/09/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo sức bật cho VN-Index cuối năm (04/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật