Thứ Hai, 14/09/2009 10:43

Tình hình xuất khẩu 8 tháng và triển vọng 4 tháng cuối năm

(Vietstock) - Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã tác động mạnh tới thương mại toàn cầu. 8 tháng đầu năm nay, thương mại toàn cầu đã sụt giảm gần 30%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng sụt  giảm khá mạnh. Tuy nhiên, xem xét tình hình xuất khẩu trong những tháng vừa qua chúng ta vẫn tìm thấy những điểm sáng. Triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm có thể được cải thiện.

Tình hình xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2009

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đạt 36.94 tỷ đồng, giảm 14.46% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 0 đến 3% gần như không thể thực hiện được.

Hình 1: Xuất nhập khẩu và thâm hụt thương mại qua các tháng năm 2008 và 2009

Xét theo chủng loại hàng hóa, 8 tháng đầu năm, dệt may dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 5.9 tỷ USD, chỉ giảm 1.4% so với cùng kỳ năm trước. Dầu thô đứng vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt 4.13 tỷ USD, chỉ bằng 51.8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mặt hàng dệt may đã thay thế dầu thô trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Những mặt hàng đứng tiếp theo trong danh sách như giày dép, thủy sản, gạo và kim loại quý đều đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Trong đó, kim loại quý là mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến, khi tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2008. Những mặt hàng nông sản khác thường là thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê, cao su kim ngạch cũng sút giảm khá mạnh, trong đó đáng kể nhất là cao su giảm đến 41.4% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê 24 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, chúng ta thấy chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch tăng. Trong đó đáng kể nhất là mặt hàng đá quý như đã nói ở trên, các sản phẩm còn lại như sắn và sản phẩm từ sắn, chè, rau quả, máy móc và thiết bị phụ tùng đều tăng nhưng về giá trị tuyệt đối không lớn so với tổng giá trị xuất khẩu.

Cơ cầu mặt hàng xuất khẩu

Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, phần lớn là các sản phẩm thô, sản phẩm chế biến và những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm một phần nhỏ.

Xuất khẩu, sản phẩm khai thác tài nguyên như dầu thô, than đá chiếm đến 15%, (năm 2008 là 20%). Sản phẩm thuộc về nông, thủy sản như hạt tiêu, điều, cà phê, cao su, rau quả, gạo, thủy sản chiếm trên 22% về kim ngạch. Con số trên cho thấy xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu thô. Thủy sản là sản phẩm chế biến nhưng phần nhiều dưới dạng đơn giản, chưa có những sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Những sản phẩm có tính chất gia công xuất khẩu như dệt may, giày da, đồ gỗ, túi xách chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu. Nguyên liệu để làm những sản phẩm này phần lớn là nhập khẩu, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này trong những tháng đầu năm giảm không nhiều.

Những mặt hàng như máy móc thiết bị, điện tử và linh kiện chiếm một phần nhỏ trong xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của những sản phẩm này giảm không đáng kể. Xuất khẩu những mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bảng 1: Cơ cấu mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng qua

Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu

Xem xét nửa trên của Bảng 1, có 8 mặt hàng thống kê cho thấy khối lượng xuất khẩu đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu tăng đến 43%, nhưng giá trị lại giảm 1.4%, dầu thô lượng tăng 8%, giá trị giảm 48.1%, cao su lượng tăng 8.2%, giá trị giảm 41.4%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2008, hầu hết các hàng hóa này đều có lượng giảm so với cùng kỳ năm 2007, nhưng kim ngạch đều tăng mạnh. Như vậy có thể thấy sự sút giảm kim ngạch những sản phẩm thống kê về lượng phần lớn là do giá sụt giảm. Đặc biệt với các hàng hóa chủ lực như dầu thô, gạo, cao su, cà phê.

Những sản phẩm còn lại, tuy không thống kê được chi tiết lượng nhưng chắc chắn giá xuất khẩu của mặt hàng đều giảm khá mạnh so với bình quân của năm 2008. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều là những mặt hàng thô và những sản phẩm thiết yếu nên nhu cầu của các sản phẩm này ít biến động ngay cả khi kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên giá của những sản phẩm này lại biến động mạnh trong thời gian qua khi hầu hết tăng vọt vào năm 2008 nhưng lại giảm đột ngột vào những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Triển vọng xuất khẩu những tháng cuối năm

Dù xuất khẩu trong 8 tháng vừa qua giảm 14.2% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng năm 2008 được xem là một trường hợp đặc biệt. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2009 nếu so với cùng kỳ năm 2007 tăng gần 19%. Mặt khác, về mặt lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng tăng khá mạnh. Mức sút giảm trong xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với sút giảm thương mại toàn cầu, và nhiều nước trong khu vực. Như vậy, nhìn chung tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng qua không phải là một điều quá tệ hại. Tuy nhiên về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có nhiều điều đáng lo ngại, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều là nguyên liệu thô và những sản phẩm gia công có giá trị gia tăng thấp. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu rất dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới biến động. Những mặt hàng này đều bị giới hạn bởi khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ nên khó có được sự tăng trưởng trong dài hạn.

Thông thường những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều tăng khá mạnh vào những tháng cuối năm. Kinh tế thế giới hiện nay đang có những bước chuyển biến tích cực. Giá các hàng hóa cơ bản có khả năng tăng cao hơn. Đó là những cơ sở để chúng ta tin rằng xuất khẩu trong những tháng còn lại sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, khó có sự tăng trưởng mạnh về giá và lượng đối với các hàng hóa xuất khẩu. Một số mặt hàng kỳ vọng có thể khởi sắc như thủy sản, dệt may, giày da, cao su, dầu thô.

Bá Tình

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng khoán tháng 8 và cơ hội tháng 9 (13/09/2009)

>   Cổ phiếu ngành xi măng: Ổn định trong dài hạn (11/09/2009)

>   Triển vọng ngành cao su (11/09/2009)

>   Tình hình giá thép thế giới và những ảnh hưởng đến Việt Nam (10/09/2009)

>   Kinh tế Việt Nam qua dự báo của BMI (10/09/2009)

>   Ngành thép cuối năm 2009: Nóng "nhờ" tồn kho dự trữ (10/09/2009)

>   DN ngành cao su: Triển vọng lợi nhuận quý 3/2009 khả quan (07/09/2009)

>   Cổ phiếu ngân hàng sẽ tạo sức bật cho VN-Index cuối năm (04/09/2009)

>   Góc nhìn từ chứng khoán Trung Quốc, Mỹ nghĩ đến Việt Nam (01/09/2009)

>   Trung Quốc: Nỗi lo từ giảm phát và bong bóng tài sản (27/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật