Góc nhìn từ chứng khoán Trung Quốc, Mỹ nghĩ đến Việt Nam
(Vietstock) - TTCK toàn cầu trong tháng 8 vừa qua đã trải qua giai đoạn đầy cảm xúc với tâm lý giằng co của 2 xu hướng. Một cho rằng thị trường sẽ điều chỉnh sau khi tăng quá mạnh với mức kỳ vọng của nhà đầu tư đã khuếch đại quá mức về triển vọng hồi phục của kinh tế thế giới. Xu hướng còn lại tin rằng, sau thời kỳ giảm điểm mạnh năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, TTCK sẽ tăng bền vững trước những thông tin ngày càng lạc quan về triển vọng hồi phục hậu suy thoái.
Trong bối cảnh giới đầu tư trên TTCK Việt Nam đang ngày càng “nhìn ra” thế giới nhiều hơn trong việc dự báo VN–Index, chúng ta cần có cái nhìn sâu hơn về tình hình các TTCK thế giới để đánh giá xem diễn biến TTCK Việt Nam thời gian tới có khả năng chịu tác động như thế nào trước diễn biến thị trường thế giới.
Để làm rõ hơn những vấn đề này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích 2 TTCK được giới đầu tư Việt Nam quan tâm nhiều nhất hiện nay. Bao gồm TTCK Mỹ (với chỉ số đại diện là Dow Jones Industrial Average - DJIA) và TTCK Trung Quốc (với chỉ số đại diện là Shanghai composite).
TTCK Mỹ còn đó những nguy cơ
Trong tháng qua, TTCK Mỹ vẫn tiếp tục đà tăng điểm trước những thông tin lạc quan về kinh tế và báo cáo tích cực về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, mức tăng điểm đã hãm lại so với tháng trước. Sau khi chính thức vượt mốc kháng cự quan trọng 9,000 điểm ngày 23/07, chỉ số Dow đứng trước 2 luồng xu hướng trái ngược nhau. Như từng đề cập ở phần đầu, một luồng quan điểm tin rằng một khi DJIA đã vượt qua mức kháng cự quan trọng này, cùng với những thông tin tích cực từ nền kinh tế, TTCK Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Luồng quan điểm thứ hai tin rằng thị trường đã tăng quá nóng, thị trường sẽ điều chỉnh. Nhiều nhà phân tích ủng hộ cho luồng xu hướng thứ hai với những lý do sau:
• Thứ nhất, thị trường đang được định giá cao. Tính tới ngày 28/08, chỉ số DJIA đã tăng 46% so với mức thấp kỷ lục trong 10 năm gần đây thiết lập ngày 09/03. Theo thống kê trong lịch sử 113 năm tồn tại của Dow, chỉ có 6 lần mức phục hồi nhanh và lớn hơn so với đợt phục hồi hiện nay. Phải nói rằng sự phục hồi này là một điểm nhấn tích cực đối với nền kinh tế Mỹ, phần nào gia tăng thu nhập cho những nhà đầu tư thị trường Mỹ sau khi giá trị tài sản họ đã giảm đáng kể do sự sụt giá nặng nề của bất động sản và chứng khoán trước đó.
Tuy nhiên, một điểm mà chúng ta cần xem xét cẩn trọng là liệu sự tăng trưởng là quá nóng không. Theo tính toán của giáo sư tài chính Robert Shiller – Đại học Yale, trong tháng 3, chỉ số P/E (điều chỉnh theo lạm phát) trung bình của thị trường ở mức 11.7 (với EPS được tính là mức thu nhập cổ phiếu trung bình trong 10 năm qua). Nhưng tới thời điểm hiện tại, chỉ số P/E trung bình của thị trường đã tăng lên mức 18.4. Trong khi đó, mức trung bình dài hạn của thị trường là 16.3. Như vậy, đứng trên góc độ P/E mà nói, so với lịch sử hiện các chứng khoán đang được định giá cao.
• Thứ hai, thị trường đã quá lạc quan về triển vọng của các doanh nghiệp qua các báo cáo tài chính. Trong thời gian qua, đặc biệt là tháng trước, báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp là một động lực quan trọng của xu hướng tăng điểm của thị trường. Có khoảng 75% số doanh nghiệp Mỹ (trong rổ S&P) công bố mức lợi nhuận vượt so với mức dự báo. Tuy nhiên, có vẻ như giới đầu tư quá phấn khích khi nhìn vào những con số tốt hơn dự báo này. Thực chất mà nói, tình hình các công ty không phải là tốt lắm, nếu không muốn nói là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, và còn khó khăn. Con số vượt dự báo đó chỉ là “không xấu” như dự báo mà thôi.
Một điểm đáng chú ý trong tháng qua, đó là sự tăng mạnh bán ròng cổ phiếu của chính những nhà quản lý, nhân viên của các doanh nghiệp (gọi chung là cổ đông nội bộ của công ty). Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu đầu tư TrimTabs (TrimTabs Investment Research of Sausalito), trong tháng 8 những cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp niêm yết đã thực hiện các lệnh bán với giá trị gấp 31 lần lượng mua vào. Trong khi đó, từ tháng 9/2008 đến tháng 3/2009, khi thị trường giảm sâu con số này chỉ ở mức 2 lần. Mức trung bình dài hạn của tỷ lệ này là 7 lần. Những cổ đông nội bộ của công ty, đặc biệt là những người quản lý, là những người nắm rõ nhất tình hình doanh nghiệp hơn nhiều lần so với những người bên ngoài. Trong tình trạng những cổ đông nội bộ bán ròng mạnh như vậy, liệu rằng những người đang lao đầu vào mua là thông minh?!
Để kết lại phần thị trường Mỹ, chúng tôi xin trích lại câu nói của nhà đầu tư tài ba Warren Buffett: “Hãy biết sợ khi người khác đang tham lam và tham lam khi mọi người đang sợ hãi”.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc nói chung và TTCK Trung Quốc nói riêng có những điểm khá tương đồng với Việt Nam. Bởi vậy, việc xem xét thị trường này là một tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Kể từ đầu năm 2009, TTCK Thượng Hải là một trong 10 TTCK có mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Tính tới ngày 28/08, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 57.11%. Nếu xét tới ngày 27/07, trước lúc thị trường bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều thông tin lo ngại về việc hình thành bong bóng tài chính và khả năng thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC), chỉ số Shanghai Composite đã tăng tới 88.7% so với cuối năm 2008.
Kể từ thời điểm đó, thị trường liên tục có những điều chỉnh mặc dù có những ý kiến cho rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng vì kỳ vọng lực đầu cơ vẫn còn rất mạnh. Đến ngày 04/08, thị trường thiết lập mức đỉnh kể từ đầu năm, để rồi sau đó thị trường thực hiện những đợt điều chỉnh mạnh. Trái với một số nhận định trước đó rằng với lực đầu cơ còn rất mạnh trên thị trường, những thông tin thắt chặt tín dụng sẽ tác động không đáng kể đến đà tăng điểm của thị trường, sau ngày 04/08 thị trường đã không còn đủ sức để tiếp tục tăng điểm.
Tính tới ngày 31/08, chỉ số Shanghai Composite đã giảm tới 21.8% so với cuối tháng 7. Đặc biệt, trong ngày 31/08, TTCK Thượng Hải chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 10/06/2008, khi giảm tới 6.74%. Nguyên nhân của sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc được cho là quyết định thắt chặt tín dụng của PBC để ngăn ngừa sự hình thành bong bóng tài chính.
Thời gian qua, các cổ phiếu trên TTCK Thượng Hải đã được giao dịch với mức P/E trung bình giữ ở mức cao hơn nhiều so với mức trung bình của các thị trường khác. Có lúc P/E của thị trường này đạt tới mức 38.75 lần (ngày 04/08, theo tính toán của Bloomberg), cao hơn nhiều so với trung bình 19 lần của chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi. Hiện, P/E của TTCK Thượng Hải đang ở mức khoảng 29 lần. Như vậy, sự sụt giảm của TTCK Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu sau một thời gian tăng trưởng quá nóng.
Về vấn đề tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua, mức dư nợ tín dụng tăng thêm trong tháng 8 (theo tạp chí Caijing) là 200 tỷ Nhân dân tệ (CNY), so với mức 7.4 ngàn tỷ CNY trong nửa đầu năm (trung bình 1.233 ngàn tỷ CNY/tháng), và 355.9 tỷ CNY trong tháng 7. Chính phủ Trung Quốc thực sự đang thực hiện các biện pháp thắt chặt tín dụng mạnh tay nhằm đẩy lùi bong bóng tài sản, cũng như để cắt giảm công suất đang vượt cầu của một số ngành công nghiệp như ngành xi măng, thép.
Như vậy, nguồn tín dụng – được xem là động lực tăng trưởng của TTCK thời gian qua - trong thời gian tới sẽ cắt giảm mạnh. Nguồn tiền đổ vào chứng khoán vì thế sẽ giảm. Cùng với P/E đang ở mức cao như hiện nay (xem phần trên), TTCK Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh chịu những phiên điều chỉnh mạnh trong thời gian ngắn sắp tới. Hãy nhớ lấy: “Những ai cố gắng chộp lấy một con dao đang rơi rất dễ bị thương”.
Ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam?
TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tăng điểm khá vững chắc. Cùng với những thông tin từ nội tại nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn tới các chỉ số vĩ mô và TTCK thế giới. Sự trồi sụt của TTCK thế giới, đặc biệt là TTCK Mỹ và Trung Quốc, đã trong một chừng mực nào đó có những tác động đến tâm lý giới đầu tư trong nước. Với dự báo rằng TTCK thế giới sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng điều này sẽ kìm hãm đà tăng điểm của TTCK Việt Nam dù hiện nay thị trường đang tưởng thưởng cho những thông tin từ việc cho phép duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 30% và thông tin về gói kích cầu thứ 2 chưa chính thức.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư nên thận trọng với quyết định ra vào thị trường của mình. “Mua bán lúc nào quan trọng hơn mua bán cái gì”.
Cao Vệ
|