Thứ Sáu, 28/08/2009 07:27

Phát hành TPCP bằng ngoại tệ: Rủi ro tiềm ẩn

(Vietstock) - Nối tiếp thành công từ đợt huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ với khối lượng đợt 1 là 300 triệu USD, chính phủ Việt Nam lại tiếp tục huy động thêm 100 triệu USD trái phiếu chính phủ (TPCP) ngoại tệ kỳ hạn 1 năm vào ngày 24/08. Đợt phát hành lần nay không sôi động như đợt phát hành đợt 1, đâu là nguyên nhân? Rủi ro từ việc phát hành TPCP ngoại tệ lần này là gì?

Lý do lựa chọn phương án trái phiếu ngoại tệ

Năm 2009, ngân sách nhà nước dự báo có mức thâm hụt lớn do việc thực hiện chương trình kích cầu kinh tế. Chính phủ cũng đang thực hiện chương trình miễn giảm thuế trong chương trình kích cầu cho các doanh nghiệp nên nguồn thu của ngân sách là không nhiều. Trong khi đó, những nguồn thu lớn của các năm trước đây như bán dầu thô đã bị sụt giảm do giá dầu đang ở mức thấp. Theo kế hoạch, nguồn thu năm 2009 dự kiến 389.900 tỷ đồng (thấp hơn mức 399.000 tỷ đồng năm 2008) và mức bội chi ngân sách có thể lên đến 8% GDP.

Nhằm mục đích cân đối ngân sách, Quốc hội dự kiến tổng số tiền huy động trái phiếu lên đến 55.000 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó 36.000 tỷ đồng đã được quốc hội thông qua, và 11.500 tỷ đồng trong tháng 5 và chuyển nguồn hơn 7.700 tỷ đồng. Mặc dù huy động vốn là điều mà chính phủ buộc phải làm trong thời gian tới, tuy nhiên, việc huy động vốn bằng TPCP nội tệ đang gặp phải khó khăn do lợi suất hiện nay vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đối với nhà đầu tư ngoại, mức lợi suất kỳ vọng của họ ước tính có thể lên đến 11-12%/năm nhằm bù đắp cho rủi ro tỷ giá (dự kiến 5%), rủi ro vỡ nợ của TPCP Việt Nam (Hiện nay, các tổ chức tín nhiệm vẫn đang xếp Việt Nam ở dưới mức đầu tư - xem bảng 1 - nên CDS (credit default swap) của TPCP 5 năm đang ở mức 6%/năm). Trong khi đó, lợi suất TPCP nội tệ kỳ hạn 2 năm hiện đang giao dịch ở mức 9.45%/năm. Các nhà đầu tư trong nước cũng không mặn mà với TPCP nội tệ như năm 2008 khi lãi suất tiền gởi của các ngân hàng thương mại đã ở mức xấp xỉ 10%/năm.

Trong tình thế hiện nay, chính phủ Việt Nam đã lựa chọn kênh TPCP ngoại tệ vì những bất lợi đối với định mức tín nhiệm nợ nội tệ. Còn nhớ, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 30/6 đã đánh tụt một bậc xếp hạng định mức tín nhiệm nợ dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam xuống mức BB-. Trong số 18 nền kinh tế Châu Á mà Fithch xếp hạng, Việt Nam đang đứng thứ 4 từ dưới lên (cao hơn so với Sri Lanka, Papua New Guinea và Mông Cổ) trong bảng xếp hạng tín nhiệm nợ nội tệ. Do đó, diễn biến hiện nay không thuận lợi cho Việt Nam trong việc phát hành TPCP nội tệ vì nhà đầu tư nước ngoài có lý do để yêu cầu một mức sinh lợi cao hơn đối với TPCP Việt Nam.

Ngược lại, chính phủ Việt Nam cũng khó chấp nhận mức lãi suất cao hơn huy động trái phiếu bằng đồng nội tệ vì nguồn tiền mà chính phủ huy động được dùng cho các chương trình kích thích kinh tế. Một mức lợi suất này sẽ làm triệt tiêu động lực kích thích kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân. Mặt khác, mức lợi suất này làm gánh nặng ngân sách cho các chương trình kích thích kinh tế vốn có mức sinh lợi không cao hơn so với khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, áp lực chi trả nợ đối với chính phủ là rất lớn.

Trong khi đó, Fitch Ratings cũng cho biết, xếp hạng định mức tín nhiệm nợ dài hạn bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức BB-. Triển vọng của hai loại định mức tín nhiệm nợ bằng VND và ngoại tệ cùng được Fitch điều chỉnh lên mức “ổn định” so với mức kém (negative) vào tháng 05/2008. Điều này cho thấy, việc phát hành TPCP bằng ngoại tệ hiện nay có lợi hơn so với nội tệ

Bảng 1: Định mức tín nhiệm ngoại tệ của Việt Nam

Nguồn: www.Asianbondsonline.adb.org

Tại sao không nóng?

Rút kinh nghiệm từ đợt phát hành trước, đợt phát hành TPCP Việt Nam lần này chỉ ở kỳ hạn 1 năm. Cuối quý 1, chính phủ tiến hành đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ đợt 1/2009 (được chia thành 3 đợt nhỏ) nhưng kết quả đấu thầu thành công chỉ có 230,2 triệu USD, bằng 76,73% so với kế hoạch chào bán 300 triệu USD (xem bảng 2).

Bảng 2: Các đợt đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ

Nguồn: Thống kê từ HNX

Bảng 2 cho thấy chính phủ đã có một số thất bại trong việc phát hành trái phiếu. Trong khi các phiên đấu thầu kỳ hạn 1 năm được nhà đầu tư quan tâm chú ý thì các kỳ hạn 2 và 3 năm lại ít quan tâm hơn. Lý giải cho việc các nhà đầu tư chỉ chú ý nhiều đến phiên đấu thầu kỳ hạn 1 năm là do nguồn ngoại tệ mà các ngân hàng huy động được chủ yếu tập trung ở kỳ hạn dưới 1 năm. Điều này là do các ngân hàng hiện nay đều có lãi suất huy động trên 12 tháng ngang bằng với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng. Do đó, các ngân hàng hạn chế tham gia đấu thầu ở các kỳ hạn 2 đến 3 năm nhằm hạn chế rủi ro kỳ hạn của tỷ giá.

Tuy nhiên, đợt phát hành TPCP ngoại tệ lần này không có sức hấp dẫn như hồi đầu năm khi số tiền đăng ký chỉ gấp 3,7 lần so với lượng gọi thầu. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ số đăng ký/gọi thầu bằng 7,66 lần trong lần đấu thầu đầu tiên.

Lý do của việc “không nóng” là áp lực giải ngân của các ngân hàng khác nhau giữa hai lần đấu thầu. Trong lần gọi thầu đầu tiên, các ngân hàng huy động được nhiều USD trong khi lượng cho vay rất ít. Thống kê cho thấy ba tháng đầu năm số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 3.6% so với đầu năm trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng ngoại tệ chỉ là 2,24%. Do vậy, các ngân hàng có lượng ngoại tệ khá dồi dào và cần giải ngân. Bước sang quý 2, mức độ chênh lệch giữa huy động và cho vay đã giảm dần. Vào tháng 5, tốc độ tăng trưởng tiền gửi và cho vay ngoại tệ đều có mức tăng 0,68% so với tháng trước. Chính vì vậy các ngân hàng không cần thiết phải tham gia mua trái phiếu trong đợt phát hành lần này. Nếu so lãi suất trần 2,98%/năm với lãi suất cho vay ngoại tệ 3%-5%/năm, các ngân hàng rõ ràng không mặn mà với TPCP ngoại tệ. Nói cách khác, tín dụng ngoại tệ càng hấp dẫn là một tín hiệu không tốt cho phát hành TPCP ngoại tệ.

Bảng 3: So sánh huy động và cho vay ngoại tệ

Nguồn: NHNN

Một đặc điểm đáng chú ý trong lần phát hành trái phiếu ngoại tệ lần này là sự “thờ ơ” của các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV. Trong khi đó NHTM Á Châu (ACB) lại mua đến 77 triệu USD trong số 100 triệu USD chào bán. Điều này xuất phát từ một thực tế, room cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước còn lớn. Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của Vietcombank và Vietinbank chỉ vào khoảng 17%, thấp hơn so với mức trần ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra. Do đó, các ngân hàng thương mại nhà nước không có áp lực phải hạn chế tín dụng. Ngược lại, ACB hiện đang có mức tăng trưởng tín dụng vào khoảng 50% (dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm là 51.000 tỷ đồng) cao vượt mức 25% của NHNN, do đó ACB đang cần hạn chế cho vay. Việc tham gia vào việc mua trái phiếu ngoại tệ sẽ mang lại chút lợi nhuận cho ACB nhưng đồng thời giúp giảm mức tăng trưởng tín dụng.

Liệu Việt Nam chỉ phát hành TPCP ngoại tệ ?

Những phân tích trên đang cho thấy chính phủ đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu cả về đồng nội tệ. Nhưng liệu chính phủ có nên phát hành quá nhiều TPCP ngoại tệ? Những bất lợi khi phát hành TPCP bằng ngoại tệ quá lớn này sẽ phát sinh:

• Nếu phát hành quá nhiều TPCP bằng ngoại tệ, chính phủ sẽ tham gia vào cầu ngoại tệ và làm cho USD tăng giá. Điều này đồng nghĩa ngân sách càng phải gánh chịu thêm rủi ro tỷ giá.

• Làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Đây là điều đi ngược với những hành động của ngân hàng nhà nước trong thời gian gần đây khi đang muốn đẩy lùi tình trạng niêm yết giá bằng đồng USD.

• Khi huy động trái phiếu bằng ngoại tệ, chính phủ sẽ tạo nên một mốc lãi suất chuẩn đối với lãi suất đồng USD trong nước. Khi đó, để đảm bảo cho sự ổn định trong thị trường tiền tệ, các quyết định về lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu... của VND cũng phải dựa trên mức lãi suất này. Điều này sẽ khiến các chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước trở nên kém linh hoạt nếu không muốn nói là vô hiệu hóa.

• Như nói ở trên, chính phủ có thể gặp rủi ro kỳ hạn rất lớn khi phát hành trái phiếu ngoại tệ ở kỳ hạn 1 năm.

• Việc huy động vốn bằng ngoại tệ xem ra không có nhiều lợi thế hơn so với nội tệ trong việc phòng chống lạm phát, vì khi sử dụng chính phủ cũng phải chuyển sang nội tệ để sử dụng cho các mục đích đầu tư của mình.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu hàng hóa đang trở nên hấp dẫn (27/08/2009)

>   Hoa Kỳ, điểm sáng thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam (27/08/2009)

>   Tăng trưởng tốt, giá chứng chỉ quỹ vẫn kém 33% so NAV (26/08/2009)

>   Hoa Sen – Mô hình cải tổ đối phó với khủng hoảng (20/08/2009)

>   DIG – Tiềm lực dồi dào, niềm tự hào của phố biển (19/08/2009)

>   Cao su Phước Hòa – Cổ phiếu của dài hạn (17/08/2009)

>   DIG - Giá chào sàn hấp dẫn, cơ hội mới với cổ phiếu BĐS  (13/08/2009)

>   Thị Trường lao động Mỹ: Con số và sự thật (10/08/2009)

>   LSS và rủi ro trước mức giá kháng cự mạnh 34,500 đồng (06/08/2009)

>   Ngành dược “được mùa” (10/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật