Thứ Hai, 17/08/2009 21:07

Cao su Phước Hòa – Cổ phiếu của dài hạn

(Vietstock) - Cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa (Phuruco) niêm yết và giao dịch lần đầu tiên trên HOSE vào ngày Thứ Ba 18/08, giá chào sàn 36,000đồng/cp. Bỏ qua những tác động tâm lý trong ngắn hạn, theo quan điểm của chúng tôi, yếu tố chủ đạo mà các nhà đầu tư cần quan tâm trước khi quyết định đầu tư vào PHR vẫn là tìm ra câu trả lời cho vấn đề: liệu PHR có thực sự phát triển bền vững tương xứng với kỳ vọng cũng như những rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu hay không?

Giữa bối cảnh tăng trưởng liên tục, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có dấu hiệu bị kìm hãm khi tâm lý một bộ phận không nhỏ giới đầu tư đang dần chuyển sang kịch bản thoái lui trong ngắn hạn. Do đó, PHR được dự báo sẽ trải qua một phiên giao dịch chào sàn chứa đựng nhiều khó khăn và thử thách dù cổ phiếu ngành cao su đang khá “hot” trên thị trường thời gian qua.

Cao su là một trong những ngành có nhiều triển vọng trong quá trình hồi phục kinh tế hiện nay tại Việt Nam bên cạnh quá trình điều chỉnh tăng của giá mủ cao su giao dịch trên thị trường thế giới. Với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây cao su, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành cao su Việt Nam kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khả quan trong tương lai gần và trở thành mối quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư.

Trong mối tương quan so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, tính đến thời điểm hiện tại, Phuruco là một trong những đơn vị có sản lượng và diện tích lớn trong ngành cao su Việt Nam hiện nay với diện tích trồng khoảng 17,000 ha. Cũng như bất kỳ một doanh nghiệp nào, PHR vẫn tồn tại nhiều vấn đề để các nhà đầu tư cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư. Xét tổng quan, trong tương lai ngắn và trung hạn sắp tới, PHR sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề để vượt qua những khó khăn nhất định. Tuy vậy, trong viễn cảnh dài hạn, PHR hứa hẹn trở thành cổ phiếu hấp dẫn tại TTCK Việt Nam.

Cơ cấu vườn cao su và khuynh hướng biến động doanh thu

Trong chuỗi giá trị của ngành cao su, cơ cấu và đặc điểm của vườn cây cao su giữ vị thế rất quan trọng. Chính yếu tố này sẽ quyết định tính ổn định trong sản lượng đầu vào cũng như doanh thu đầu ra của doanh nghiệp. Một đặc điểm mà các nhà đầu tư lưu ý là ở thời điểm hiện tại, diện tích khai thác vườn cao su của PHR đang có xu hướng giảm do công ty chủ động thanh lý, tái canh để phát triển đợt mới do giai đoạn khai thác cũng đã sắp hết. 

Có thể thấy, độ tuổi của vườn cao su của PHR là khá lớn tuổi, với cơ cấu từ 21-27 tuổi chiếm tới 66% tổng diện tích cao su. Mặc dù đây là thời kỳ cho mủ nhiều nhất nhưng cũng là giai đoạn công ty có chủ trương thanh lý dần dần. Theo kế hoạch, mỗi năm công ty sẽ thanh lý khoảng 800 ha và việc thanh lý này kéo dài cho đến năm 2014. Ước tính trung bình mỗi năm sản lượng giảm khoảng 1,000 tấn tương đương lợi nhuận giảm khoảng 7 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, trước hạn chế trong nguồn cung yếu tố mủ cao su cho đầu vào, PHR đã chủ động thu mua mủ cao su từ các đối tác bên ngoài. Tính đến hết năm 2008, lượng mủ cao su thu mua chiếm gần 20% tổng sản lượng của PHR. Bất chấp tỷ suất sinh lợi trên lượng mủ thu mua không cao, PHR vẫn đạt được mục tiêu quan trọng là đảm bảo được uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp khi luôn đáp ứng được nhu cầu và đơn đặt hàng từ khách hàng.

Trong bối cảnh hiện tại, việc sản lượng thu hoạch đang có khuynh hướng sụt giảm do diện tích khai thác giảm dần và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào lượng mủ cao su thu mua từ bên ngoài hiện đang là nhược điểm lớn nhất của PHR trong giai đoạn hiện nay.

Tình hình tài chính PHR ở vị thế yếu so với các doanh nghiệp cùng ngành

Nếu so sánh về khả năng sinh lời với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn thì PHR không hiệu quả bằng. Mặc dù là doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành cao su nhưng xét về hiệu quả hoạt động thì không bằng các doanh nghiệp khác đang niêm yết như DPR, TRC, HRC. Tỷ suất lợi nhuận gộp biên và cả lợi nhuận biên (ROS) đều thấp hơn 3 doanh nghiệp như TRC, DPR, HRC.

PHR cũng là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều nhất so với 3 doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là không phải nợ vay ngân hàng mà là do kéo dài công nợ phải trả cho người bán, phải trả công nhân viên…

Có thể nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, rủi ro thanh toán của PHR vẫn còn là vấn đề phải cân nhắc khi cả 2 chỉ số thanh toán của doanh nghiệp này đều không nổi trội. Chỉ số thanh toán của PHR không chỉ nhỏ hơn 1 mà còn thấp hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành. Trong khi đó, các doanh nghiệp còn lại trong ngành đều có khả năng thanh toán an toàn hơn khi duy trì chỉ số thanh toán lớn hơn 1.

Cổ đông chiến lược và quyền được chuyển nhượng cổ phiếu trước thời hạn

Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2008, cổ đông chiến lược của PHR được chuyển nhượng cổ phiếu từ tháng 04/2009, trước thời hạn so với kế hoạch lúc trước. Đây là áp lực lớn cho yếu tố thanh hoán của PHR khi một lượng lớn cổ phiếu có khả năng được chuyển nhượng nếu thị giá PHR đạt mức kỳ vọng của những tổ chức này. Câu hỏi đặt ra là liệu nhà đầu tư cá nhân sẽ được gì và gánh chịu những rủi ro như thế nào trước khả năng “xả hàng” từ các cổ đông chiến lược của PHR?

Triển vọng thu nhập trong ngắn hạn

Kết thúc 6 tháng đầu năm, PHR về cơ bản mới hoàn thành gần 40% kế hoạch năm. Tuy nhiên, khả năng vượt kế hoạch trong năm 2009 của PHR là rất lớn khi mùa thu hoạch chính của cây cao su tập trung ở 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá cao su đang liên tục tăng trong thời gian qua, hiện đạt khoảng 1,700 USD/tấn (gần 30 triệu đồng), cao hơn nhiều so với mức giá ước tính được đưa ra trong kế hoạch năm. Chỉ riêng trong tháng 7, PHR đã thu về 20 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo quan điểm của chúng tôi, trong những tháng cuối năm, ngành cao su sẽ phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế. Ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm của PHR có thể đạt khoảng 150 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế 2009 ước tính của PHR khoảng 218 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm. Với mức giá chào sàn 36,000 đồng/cổ phiếu thì P/E f/w vào khoảng 13 lần.

PHR - Còn đó những kế hoạch dài hạn

Ở thời điểm hiện tại, đầu tư tài chính của PHR khá lớn với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng, xấp xỉ 50% vốn điều lệ của công ty. Mức đầu tư này tương đối lớn so với các doanh nghiệp đang niêm yết trong ngành. Thêm nữa, ngoài việc tập trung đầu tư vào những dự án trồng cao su thì PHR cũng tham gia vào các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chung cư, dự án thủy điện... Các dự án này được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao, trong nhóm dự án đầu tư vào trồng cao su thì dự án trồng cao su tại Campuchia được cho là hiệu quả nhất.

Tuy vậy, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc đến yếu tố dòng tiền khi thời gian mang lại lợi nhuận vẫn còn trong tương lai do phải chờ một số dự án đi vào hoạt động từ 2012, còn lại phần lớn sau năm 2014. Chúng tôi cho rằng, việc đầu tư vào cổ phiếu PHR trong ngắn hạn vẫn tồn tại nhiều rủi ro xuất phát từ những đặc điểm nội tại của doanh nghiệp như đã phân tích. Ngược lại, các nhà đầu tư tầm nhìn dài hạn có thể đặt niềm tin vào cố phiếu này.

Khánh Hưng

* PHR: Bài giới thiệu niêm yết

* Cao su Phước Hòa niêm yết ngày 18/08 với giá 36,000 đ/cp

* Cổ phiếu của Casumina “sốt” giá ngày chào sàn

Các tin tức khác

>   DIG - Giá chào sàn hấp dẫn, cơ hội mới với cổ phiếu BĐS  (13/08/2009)

>   Thị Trường lao động Mỹ: Con số và sự thật (10/08/2009)

>   LSS và rủi ro trước mức giá kháng cự mạnh 34,500 đồng (06/08/2009)

>   Ngành dược “được mùa” (10/08/2009)

>   Nhìn lại xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga (04/08/2009)

>   2009, Việt Nam lạm phát sẽ dưới 10% (04/08/2009)

>   TTCK Việt Nam: Điểm nhấn và cơ hội đầu tư (03/08/2009)

>   Kinh tế các ngành 6 tháng cuối năm: Triển vọng và Thách thức (01/08/2009)

>   Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2009: Hiện trạng và kỳ vọng (29/07/2009)

>   Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009: Triển vọng và dự báo (30/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật