Thứ Hai, 10/08/2009 18:30

Thị Trường lao động Mỹ: Con số và sự thật

(Vietstock) - Số liệu về tỷ lệ thất nghiệp Tháng 7 của Mỹ vừa được công bố cho thấy những cải thiện đáng kể, gây ngạc nhiên với cả các chuyên gia kinh tế có quan điểm lạc quan nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, điều mà cộng đồng các nhà đầu tư cũng như công luận Mỹ quan ngại là làm thế nào tỷ lệ thất nghiệp có thể sụt giảm trong bối cảnh mà số vụ sa thải nhân công vẫn gia tăng, và thực tế tại Mỹ, số lao động không làm việc vẫn đang gia tăng từng ngày? Thực tiễn trong xã hội là không thể bị phủ nhận, và do đó, có vẻ như câu trả lời cho vấn đề trên nằm ở độ tin cậy các số liệu được công bố.

Bên cạnh thị trường Tài chính và Bất động sản, thị trường lao động Mỹ là một trong những mắt xích chịu tác động nặng nề nhất trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian vừa qua. Nếu như trong giai đoạn tiền và giữa khủng hoảng, các vụ sa thải nhân công trên quy mô lớn của các tập đoàn kinh tế đã khiến một lượng lao động kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ trở thành người thất nghiệp, thì trong giai đoạn hậu kỳ khủng hoảng hiện nay, trào lưu áp dụng các giải pháp tối thiểu hóa chi phí của các doanh nghiệp Mỹ nhằm tồn tại trong bối cảnh đầu ra chưa được cải thiện khiến một lượng lớn lao động lâm vào tình trạng khó khăn về thu nhập và việc làm.

Thực tiễn tại Mỹ đã cho thấy, thị trường lao động Mỹ hiện nay vẫn đang trong tình trạng ảm đạm với lượng người không có việc làm gia tăng từng ngày. Tuy vậy, điểm đáng ngạc nhiên trong thời gian gần đây chính là việc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong Tháng 7 theo công bố của cơ quan chức năng Mỹ đã có sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ.

Từ con số…

Theo số liệu được khảo sát tại các hộ gia đình, số lao động thất nghiệp trong Tháng 7 tại Mỹ là 14.5 triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này lần đầu tiên kể từ thời điểm khủng hoảng bùng phát có sự sụt giảm từ mức 9.5% trong Tháng 6 xuống còn 9.4% trong Tháng 7 vừa qua.

Nguồn: U.S. Bureau of Labor Statistics.

Cũng trong Tháng 7, số lao động bị sa thải là 247,000 người, tính trung bình trong Quý II/2009 thì số lao động mất việc làm trong Quý chỉ còn 331,000 người, giảm hơn một nửa so với con số 645,000 trong Quý I/2009 trước đó.

Nguồn: U.S. Bureau of Labor Statistics

Trong tình hình hiện tại, không thể phủ nhận kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn hồi phục và đã có những cải thiện khả quan hơn nhiều so với giai đoạn đen tối của cuộc khủng hoảng trước đó. Tuy vậy, điểm đáng chú ý ở đây là mặc dù số lao động bị sa thải hàng tháng tại Mỹ đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng thực tế mà nói, rõ ràng theo các số liệu thống kê, thị trường lao động Mỹ vẫn đang ở trạng thái sa thải nhân công chứ không phải là tuyển dụng nhân công (với con số bị sa thải Tháng 7 vừa qua là 247,000 người). Chính vì vậy, câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đây là liệu có hay không sự mâu thuẫn khi số người không có việc làm vẫn gia tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp được công bố lại có sự sụt giảm?

…đến sự thật

Lời giải đáp cho vấn đề trên nằm ở phương pháp được cơ quan thống kê Mỹ sử dụng hiện nay trong quá trình thu thập thông tin về số người thất nghiệp trong xã hội. Để có thể nắm bắt tại sao phương pháp thu thập thông tin lại đưa đến tình trạng độ tin cậy trong các số liệu thống kê giảm thấp, điều đầu tiên cần được giải đáp: “thế nào là một người thất nghiệp”. Theo quan niệm được chấp nhận chung nhất hiện nay, một người được coi là đang trong tình trạng thất nghiệp khi phải hội tụ cùng lúc 4 điều kiện: đang trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, đang tìm kiếm việc làm và không tìm được việc làm. Thiếu 1 trong 4 điều kiện trên thì không được coi là người thất nghiệp.

Phương pháp thu thập số liệu về người thất nghiệp hiện nay tại Mỹ có hai nhược điểm lớn:

Thứ nhất, trong quá trình thu thập, cơ quan chức năng Mỹ sẽ tiến hành lấy thông tin một cách độc lập từ các hộ gia đình và các doanh nghiệp. Hai số liệu này đến cuối tháng được công bố vào cùng thời điểm. Hiển nhiên, sẽ tồn tại trường hợp mà trong đó số liệu từ các hộ gia đình công bố có chiều hướng biến động trái chiều so với số liệu thu thập từ các doanh nghiệp.

Thứ hai, cũng là điểm mấu chốt, quá trình tìm ra số người thất nghiệp trong xã hội Mỹ hoàn toàn không xuất phát từ việc thu thập xem hiện có bao nhiêu lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thay vào đó, các cơ quan chức năng Mỹ lại điều tra trực tiếp người lao động với hai câu hỏi cơ bản: “bạn có đang làm việc hay không?” và “bạn có đang tìm việc hay không?”. Nếu trả lời không cho câu hỏi sau, người lao động sẽ không được xếp vào dạng thất nghiệp do điều kiện thứ 3 trong số 4 điều kiện nêu trên đã không được thỏa mãn.

Và câu trả lời cho số liệu được công bố tại Mỹ trong Tháng 7 vừa qua nằm ở việc đã có sự gia tăng đáng kể trong số lao động - vốn đang ở trong tình trạng không có việc làm - nhưng khi được hỏi đã trả lời “không tìm kiếm việc làm”. Chính vì vậy, số lao động này không được xếp vào nhóm thất nghiệp và do đó làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất chấp ngày càng nhiều người không có việc làm.

Những số liệu lạc quan trên đã góp phần đưa thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ trong phiên giao dịch diễn ra hồi Thứ Sáu tuần trước. Niềm tin giới đầu tư về triển vọng kinh tế Mỹ đã được cải thiện và củng cố mạnh mẽ sau khi những quan ngại về thị trường lao động quốc gia này về cơ bản đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, sự thật không thể phủ nhận ở Mỹ hiện nay là số người không có việc làm vẫn gia tăng, thị trường lao động Mỹ - tuy đã không còn suy giảm nặng nề - nhưng vẫn đang trong xu hướng đi xuống. Sẽ cần phải có một khoảng thời gian nữa để thị trường lao động Mỹ thật sự đi vào quá trình hồi phục.

Câu hỏi còn lại ở đây và cũng là mối quan ngại lớn nhất hiện nay chính là điều gì sẽ xảy ra đối với thị trường chứng khoán Mỹ khi giới đầu tư bắt đầu suy nghĩ về việc liệu có hay không những phản ánh quá mức của mình trên thị trường? Nhiều khả năng, lúc đó, kịch bản nghi ngại về sự tăng trưởng vượt quá của thị trường đối với thực trạng kinh tế một lần nữa sẽ được lặp lại.

Khánh Hưng

Các tin tức khác

>   LSS và rủi ro trước mức giá kháng cự mạnh 34,500 đồng (06/08/2009)

>   Ngành dược “được mùa” (10/08/2009)

>   Nhìn lại xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga (04/08/2009)

>   2009, Việt Nam lạm phát sẽ dưới 10% (04/08/2009)

>   TTCK Việt Nam: Điểm nhấn và cơ hội đầu tư (03/08/2009)

>   Kinh tế các ngành 6 tháng cuối năm: Triển vọng và Thách thức (01/08/2009)

>   Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2009: Hiện trạng và kỳ vọng (29/07/2009)

>   Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009: Triển vọng và dự báo (30/07/2009)

>   Năm Bảy Bảy và mục tiêu EPS trên mức 5,000 đồng/cp (21/07/2009)

>   Vị thế cổ phiếu cao su 6 tháng đầu năm 2009 (06/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật