Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009: Triển vọng và dự báo
(Vietstock) - Kinh tế Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn, khi tất cả các chỉ tiêu kinh tế đều giảm mạnh. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3.9%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu và thu hút vốn FDI đều giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, với các biện pháp kích cầu mạnh mẽ của Chính phủ và kinh tế thế giới bớt xấu hơn, kinh tế trong nước đã dần lấy lại đà tăng trưởng.
Báo cáo tình hình kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm của chúng tôi xem xét những yếu tố kinh tế vĩ mô nhằm đánh giá triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2009. Nội dung báo cáo, đánh giá một số vấn đề cơ bản như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, cán cân thương mại, lạm phát và tỷ giá.
Tăng trưởng GDP trong Quý 2/2009 đã được cải thiện đáng kể, trong đó tăng trưởng công nghiệp xuất hiện những tín hiệu tích cực, từ mức giảm 4.4% vào tháng 1 đã phục hồi dần và tăng 8.2% vào tháng 6/2008. Điều đáng lưu ý nữa là tăng trưởng GDP, 6 tháng vừa qua có sự đóng góp đáng kể của lĩnh vực khai thác tài nguyên, 6 tháng đầu năm lĩnh vực khai thác tài nguyên tăng 7.33%, trong khi so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6.62%. Công nghiệp chế biến và nông nghiệp tăng trưởng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được tăng trưởng trên 5%, nhưng nhóm ngành khách sạn nhà hàng giảm gần 1%. Dự báo của chúng tôi GDP năm nay sẽ tăng trưởng 4.5%.
Về đầu tư, tỷ trọng đầu tư trên GDP 6 tháng đầu năm 2009 vẫn duy trì ở mức cao trên 43% so với GDP. Đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế, tiếp theo là khu vực ngoài nhà nước cuối cùng là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước trong tổng đầu tư khá cao chiếm 43.86%, cao hơn nhiều so với mức 28.93% của năm 2008, tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước thường cao trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đầu tư cao do các chính sách kích cầu của chính phủ, trong đó có gói kích cầu 17,000 tỷ đồng để hỗ trợ 4% các khoản cho vay. Tính đến ngày 17/06 dư nợ từ gói kích cầu này đã hơn 31% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm cả về tỷ trọng và giá trị tuyệt đối. Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm 4 tỷ USD, giảm 18.4%, vốn FDI đăng ký giảm 77.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo này chúng tôi dự báo FDI giải ngân năm nay sẽ giảm 30% so với năm 2008. Tức là số vốn giải ngân năm nay chỉ khoảng 8.2 tỷ USD. Giải ngân vốn ODA trong 6 tháng đầu năm tăng 1.27 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp khó khăn của kinh tế thế giới, vốn ODA vào Việt Nam vẫn tăng và dự báo giải ngân có thể đạt 2.5 tỷ USD trong năm nay.
Đánh giá về lạm phát, qua phân tích những yếu tố gây lạm phát, chúng tôi cho rằng lạm phát trong năm nay không đáng lo ngại. Chỉ số gia tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2.68%, còn so với cùng kỳ năm trước CPI cũng mới chỉ tăng 3.94%. Ngoài ra, vừa qua NHNN có thực hiện một số biện pháp để làm chậm lại tăng trưởng cung tiền để phòng ngừa lạm phát nhưng có thể kìm hãm sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Về thương mại xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đã suy giảm đáng kể. Xuất khẩu giảm 10.5%, nếu không tính xuất khẩu vàng tăng đột biến thì xuất khẩu giảm 18.33%, nhập khẩu 6 tháng đầu năm là 29.72 tỷ USD, giảm 33.6% so với cùng kỳ năm trước. Sự giảm sút mạnh trong thương mại có sự đóng góp lớn do giá dầu sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu đều giảm trên 50%. Giá nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm khá mạnh. Sự giảm sút của kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian qua chủ yếu là do giá giảm, còn khối lượng nhiều mặt hàng vẫn tăng, đặc biệt là đối với xuất khẩu. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm chỉ thâm hụt 2.1 tỷ USD, thấp hơn con số 13.77 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Chúng tôi dự báo xuất khẩu năm 2009 sẽ giảm 15%, còn nhập khẩu giảm 23%, thâm hụt thương mại năm nay vào khoảng 8.4 tỷ USD.
Tỷ giá hối đoái VND so với USD hiện nay vẫn còn khá căng thẳng nhưng chúng tôi đánh giá thâm hụt cán cân thanh toán năm 2009 của Việt Nam không quá nghiêm trọng. Chúng tôi dự báo thâm hụt cán cân thanh toán năm này chỉ khoảng 0.5 tỷ USD, đây là mức không lớn so với con số trên 24 tỷ USD dự trữ ngoại hối của NHNN hiện nay. Nguyên nhân chính căng thẳng trên thị trường ngoại tệ là do sự mất cân đối cung cầu cục bộ. Tình trạng khan hiếm USD diễn ra thường xuyên trên thị trường chính thức nhưng trên thị trường tự do cung USD luôn đầy đủ. Sự cứng nhắc trong việc quy định tỷ giá của NHNN khiến cho cung cầu trên thị trường chính thức không gặp nhau. Mức giá giao dịch trên thị trường phi chính thức luôn cao hơn trên thị trường chính thức 300 – 500 đồng/USD. Những biện pháp hành chính trong kiểm soát tỷ giá mà NHNN không mang lại nhiều hiệu quả. Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND vào cuối năm có thể tăng lên 18,430 VND/USD.
Kinh tế Việt Nam đã có được những bước chuyển biến tích cực. Những vấn đề tỷ giá và lạm phát đều không phải là vấn đề quan ngại lớn. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay đối với kinh tế Việt Nam là sử dụng hợp lý các nguồn vốn và tài nguyên để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nếu việc kích cầu một cách ồ ạt thiếu hiệu quả, cùng với việc thâm hụt ngân sách lớn sẽ để lại những hệ quả dài hạn cho nền kinh tế. Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối và một số năm tiếp theo không chỉ phụ thuộc vào yếu tố trong nước mà còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam
* Download: Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2009 (Full)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|