Thứ Hai, 22/06/2009 18:11

Sàn UpCom, còn nhiều bỏ ngỏ

(Vietstock) - Sàn Upcom (thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết) ra đời nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư trong việc giảm thiểu rủi ro thanh toán. Tuy nhiên, liệu rằng nhà đầu tư có hoàn toàn được lợi ? Ai mới là người được hưởng lợi lớn nhất từ sàn Upcom ?

Dấu hỏi về phí giao dịch?

Khi tham gia mua bán trên sàn OTC, các nhà đầu tư phải chịu một mức chi phí chuyển nhượng rất thấp vì phần lớn các mức phí được thu theo mệnh giá của cổ phiếu chứ không phải theo thị giá. Ví dụ, tại ngân hàng An Bình, mức phí chuyển nhượng cổ phiếu của ngân hàng An Bình là 0.15%/tổng giá trị mệnh giá và tối thiểu là 50,000 đồng/chuyển nhượng. Hay tại ngân hàng hàng quân đội, cứ mỗi lô giao dịch 10,000 cổ phiếu MB, nhà đầu tư sẽ phải nộp phí 200,000 đồng. Tại CTCK Bảo Việt (BVS), mức phí chuyển nhượng cổ phiếu của tập đoàn Bảo Việt là 0.2%/tổng giá trị theo mệnh giá và tối thiểu là 50,000 đồng/chuyển nhượng. Mức phí chuyển nhượng cổ phiếu Vietcombank tại CTCK Vietcombank chỉ là 0,5% tổng giá trị mệnh giá. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của sàn OTC trong vấn đề chi phí giao dịch. Trong khi đó, việc tính phí giao dịch hiện nay được các CTCK tính toán trên phần trăm giá trị giao dịch chứ không phải trên mệnh giá.

Hiện nay, gần đến ngày ra đời sàn Upcom nhưng Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vẫn chưa đưa ra mức phí giao dịch chính thức mà các CTCK phải áp dụng. Hiện tại, nhiều CTCK cho biết, mức phí áp dụng trước mắt có thể ngang bằng với sàn HaSTC. Như vậy, có thể thấy chi phí giao dịch trên sàn Upcom là không hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Kinh doanh chênh lệch giá: cái lợi từ “nhà tạo lập thị trường nửa vời”

Ở những TTCK phát triển trên thế giới, nhà tạo lập thị trường đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu một nhà đầu tư không tìm được đối tác, họ sẽ mua bán với nhà tạo lập thị trường. Phần thưởng cho sự sẵn sàng mua bán của nhà tạo lập thị trường chính là chênh lệch giữa giá mua-giá bán mà các nhà đầu tư phải trả. Mặc dù, các CTCK trên sàn Upcom đóng vai trò người mua và người bán cho nhà đầu tư nhưng họ vẫn chưa phải là những nhà tạo lập thị trường thực sự. Lý do là các CTCK vẫn không được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong một phiên giao dịch và phải chịu quy định T+3 trong thanh toán.

Tuy nhiên, điều này vẫn đủ để tạo ra một cái lợi cho những nhà tạo lập nửa vời này. Với tư cách là người nhận lệnh, các CTCK có được nhiều thông tin về khe hở giá và khai thác chúng. Giả sử một nhà đầu tư A muốn mua 1,000 cổ phiếu C với giá 28,000 đồng/cổ phiếu; một nhà đầu tư B lại muốn bán 1,000 cổ phiếu trên với giá 25,000 đồng/cổ phiếu. Do hai nhà đầu tư này gặp nhau nên tìm đến CTCK. Khi có được thông tin trên, các CTCK có cơ hội để khai thác sự chênh lệch giá bằng cách bán cho nhà đầu tư A với giá 28,000 đồng và mua nhà đầu tư B với giá 25,000 đồng. Tất nhiên, điều kiện ở đây là CTCK phải có lượng cổ phiếu C tương ứng. Như vậy, quy định T+3 đã được “lách luật” và CTCK (có nghiệp vụ tự doanh) nghiễm nhiên được hưởng chênh lệch 3,000 đồng. Do đó, sàn Upcom là công cụ cung cấp thông tin cho các CTCK có thêm nhiều thông tin về các khe hở giá trên thị trường để kiếm lợi.

Một trường hợp khác cần kể đến chính là khả năng khai thác thông tin của nhân viên môi giới chính CTCK đó. Nếu như CTCK không có chứng khoán C nhưng điều gì xảy ra nếu như nhân viên môi giới đó có cổ phiếu này. Lúc đó, nhân viên môi giới này có thể tự gọi điện đến hai nhà đầu tư và thực hiện mua bán giống như trên để thu lợi cho bản thân.

Hãy hình dung một câu chuyện khác từ ví dụ trên. Sau khi có một số thông tin, nhân viên môi giới có thể gọi điện cho nhà đầu tư A và bảo rằng: “Anh không cần phải đặt lệnh, tôi có thể bán cổ phiếu C với giá rẻ hơn (chẳng hạn như giá 27,000 đồng/cổ phiếu). Anh có muốn mua không?”. Khi đó, nhà đầu tư A có thể sẽ đồng ý vì nó giúp anh ta mua với giá rẻ hơn. Lúc này, nhân viên môi giới lại gọi điện cho nhà đầu tư B: “Tôi có thể mua cổ phiếu của anh với giá cao hơn (chẳng hạn như 26,000 đồng/cổ phiếu), anh có muốn bán không?” Rõ ràng, nhà đầu tư B có thể đồng ý vì anh ta có thể bán với giá cao hơn. Qua giao dịch này, nhân viên môi giới có thể hưởng chênh lệch 1,000 đồng. Liệu đạo đức nghề nghiệp có thắng được tâm lý lòng tham khi có cơ hội kiếm tiền ở ngay trước mắt? Như vậy, sàn Upcom không chỉ mang đến cơ hội cho các CTCK mà còn mang đến cơ hội cho chính những nhân viên môi giới đó nhờ thông tin có được.

Như vậy, dù là nhà tạo lập nửa vời nhưng các CTCK vẫn có thể có được nhiều lợi ích từ sàn Upcom. Kinh doanh trên TTCK, thông tin là điều rất quan trọng. Từ trước đến nay, nhiều nhà đầu tư vẫn mong tìm kiếm các thông tin chênh lệch giá để thực hiện hành vi Arbitrage (kinh doanh chênh lệch giá). Và sàn Upcom sẽ mang lại cho các CTCK và nhân viên môi giới một cái lợi như thế.

Chuyện công bố thông tin

Khi sàn Upcom đi vào hoat động, mọi hoạt động công bố thông tin sẽ được áp dụng theo Thông tư 38/BTC-2007. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải công bố các báo cáo tài chính được kiểm toán. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: “Sàn Upcom sẽ xử lý như thế nào đối với các báo cáo tài chính có khoản mục ngoài trừ trọng yếu hoặc kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến?”. Trên sàn Hose hay Hastc, theo điểm h Nghị định 14/2007/NĐ-CP, nếu tổ chức kiểm toán không chấp nhận hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của tổ chức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, hoặc Trung Tâm giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của tổ chức niêm yết sẽ bị hủy niêm yết. Tuy nhiên, sàn Upcom là nơi dành cho những tổ chức chưa niêm yết, liệu điều luật trên có thể không áp dụng đối với các doanh nghiệp ở sàn Upcom.

Việc đưa ra quy định hủy niêm yết đối với những báo cáo tài chính “có vấn đề” là nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Nếu như không có chuyện hủy niêm yết, thì kết quả kiểm toán ra sao cũng không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp bởi lẻ cổ phiếu của công ty đó vẫn được giao dịch trên thị trường. Giống như chuyện vi phạm mà không hề bị phạt, việc thiếu chế tài đối với các báo cáo tài chính có vấn đề sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt việc minh bạch thông tin. Thiết nghĩ sàn Upcom cũng nên có những quy định như vậy!

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Các doanh nghiệp lớn lựa chọn UPCoM, HoSE hay HaSTC? (22/06/2009)

>   Bất thường nhà Từ Liêm – NTL (18/06/2009)

>   Quá trình hồi phục kinh tế Mỹ sau khủng hoảng (09/06/2009)

>   Kim ngạch XK tháng 5/2009: Cải thiện nhưng chưa khả quan (05/06/2009)

>   Các ngân hàng Mỹ thoái lui khỏi TARP: Tác động gì đến TTCK ? (04/06/2009)

>   Kinh tế đã vượt qua đáy khủng hoảng? (01/06/2009)

>   TCT: Thận trọng trước ngày chốt quyền (01/06/2009)

>   General Motor thất thủ (31/05/2009)

>   Phân tích ngành sữa Việt Nam theo chuỗi giá trị (21/05/2009)

>   Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên (14/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật