Các ngân hàng Mỹ thoái lui khỏi TARP: Tác động gì đến TTCK ?
(Vietstock) - Đã từng trải qua một thời kỳ dài vật lộn với những hạn chế trong kinh doanh bởi chương trình TARP của bộ tài chính Mỹ, hàng loạt các ngân hàng Mỹ đang lên kế hoạch đào tẩu khỏi chương trình này. Vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là việc đi hay ở, mà là liệu người rút lui sẽ được và mất những gì khi không còn tham gia chương trình này và nền kinh tế Mỹ liệu có phục hồi như mong đợi?
Troubled Assets Relief Program (TARP) là gì?
TARP hay còn gọi là chương trình mua lại các tài sản tài chính có mức độ rủi ro cao từ các định chế tài chính do chính phủ Mỹ đề ra và giao cho bộ tài chính Mỹ thực hiện nhằm mục đích tăng cường tính ồn định và sức khỏe cho nền kinh tế tài chính của nước Mỹ. Lần gần đây nhất và cũng là quy mô nhất mà chính phủ Mỹ sử dụng nguồn ngân sách của mình để thực hiện chương trình này là vào năm 2008, khi chính phủ phải chi ra hàng trăm tỷ đô la để mua lại các khoản nợ dưới chuẩn khó có khả năng thu hồi từ các định chế tài chính Mỹ.
TARP được thực hiện dựa trên đạo luật “Ổn định nền kinh tế trong tình trạng khủng hoảng” của Hoa Kỳ ban hành năm 2008. Theo đó, chính phù Mỹ cho phép bộ tài chính sử dụng ngân sách liên bang mua lại tối đa 700 tỷ USD các tài sản đang có vấn đề trong hệ thống các định chế tài chính của nước Mỹ. Những tài sản được xem là có vấn đề, như đã được quy định trong luật, bao gồm hai nhóm: nhóm thứ nhất bao gồm các khoản cho vay với mục đích mua nhà ở hoặc thương mại hoặc các loại chứng khoán, các công cụ tài chính phái sinh từ các khoản cho vay nói trên được phát hành trước ngày 14/03/2008; nhóm thứ hai bao gồm các loại chứng khoán khác sau khi tham vấn chủ tịch cục dự trữ liên bang được cho là cần thiết phải mua lại để ổn định hóa thị trường tài chính.
Tại sao phải thoái lui ?
Vấn đề đã và đang ám ảnh các ngân hàng Mỹ khi tham gia TARP chính là những quy định và hạn chế rất khắt khe, thường xuyên được điều chỉnh của chính phủ liên bang trong hoạt động điều hành và kinh doanh. Điều đầu tiên, một ngân hàng cần phải thực hiện khi tham gia TARP là cam kết phát hành các chứng quyền để mua các cổ phiếu ưu đãi được phát hành trong tương lai cho chính phủ Mỹ. Điều này nhằm mang lợi ích cho công chúng Mỹ, là những người mà tiền thuế của họ đang được sử dụng để mua lại các tài sản có độ rủi ro cao từ các ngân hàng này, một lợi ích nhất định trong trường hợp các ngân hàng phục hồi lại sau giai đoạn tham gia TARP.
Hạn chế thứ hai khi tham gia TARP là các ngân hàng Mỹ có mức tài sản xấu bán cho chính phủ lớn hơn 300 triệu USD sẽ bị kiểm soát trong vấn đề chi trả lương thưởng cho các thành viên quản lý cấp cao. Cụ thể là các ngân hàng trong trường hợp này sẽ không được phép ký các hợp đồng cho phép chi trả một khoản lương thưởng lớn trước khi hợp đồng kết thúc. Số thuế được khấu trừ từ chi phí trả lương cho các thành viên này cũng không được vượt quá 500,000 USD một năm. Điều này rõ ràng đã tạo nên một hạn chế trong sức cạnh tranh của các ngân hàng tham gia TARP: những ngân hàng này khó có khả năng thu hút những người quản lý có trình độ cao và thậm chí, còn có khả năng chảy máu chất xám của chính mình.
Hạn chế thứ ba thậm chí còn mang tính nhập nhằng và không ổn định hơn của TARP là các ngân hàng tham gia phải chấp nhận tất cả những quy định kiểm soát sẽ được công bố trong tương lai của bộ tài chính Mỹ. Hầu hết các quy định này đều liên quan đến việc hạn chế các khoản thưởng có tính chất khuyến khích nhà quản lý tham gia vào những dự án mang tính rủi ro cao, đồng thời bắt buộc các nhà quản lý kém hiệu quả phải trả lại những khoản thưởng đã được nhận trước đây. Ngoài ra, việc tham gia chương trình TARP còn buộc các ngân hàng phải chấp nhận các cuộc thanh tra thường xuyên từ cơ quan hành pháp Mỹ, cũng như những quy định khác về tính công khai – minh bạch trong hoạt động. Việc tham gia chương trình TARP cũng khiến cho thị trường đánh giá các ngân hàng này có tiềm lực yếu hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Tất cả những yếu tố trên đã đẩy các ngân hàng Mỹ vào một khuynh hướng đang diễn ra hiện nay, các ngân hàng này đã và đang huy động một lượng vốn khổng lồ thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, nhằm mua lại các khoản sở hữu của chính phủ, qua đó rút lui khỏi chương trình TARP. Các ngân hàng tin rằng chỉ có động thái như vậy, họ mới thực sự trở lại trạng thái độc lập trong hoạt động và thoát khỏi các hạn chế khắc nghiệt của chính phủ Mỹ.
Thoái lui khỏi TARP: Điều kiện và những vấn đề phải cân nhắc
Trong tuần tới, cục dự trữ liên bang sẽ công bố danh sách những ngân hàng trong số 19 ngân hàng đã vượt qua được bài kiểm tra của chính phủ Mỹ về khả năng hoạt động ổn định trong các điều kiện khó khăn về kinh tế được cho phép thoái lui khỏi chương trình TARP của bộ tài chính. Theo các chuyên gia dự đoán, sẽ có khoản từ 10 đến 14 ngân hàng Mỹ có mặt trong danh sách này. Một số chuyên gia còn tin tưởng những cái tên như JP Morgan Chase, American Express, Bank of New York Mellon sẽ là những ứng cử viên sáng giá được chấp nhận để thoái lui.
Để được cho phép thoái lui khỏi TARP, các ngân hàng phải chứng minh được khả năng cung cấp các khoản cho vay tín dụng mà không phải phụ thuộc vào chương trình bảo hiểm các khoản cho vay của chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải chứng minh được khả năng cho vay của mình đối với những khách hàng cá nhân và tổ chức có điểm tín dụng nằm trong mức mà các ngân hàng được phép cho vay. Vấn đề mà nhà làm luật Mỹ đang lo ngại là liệu có bao nhiêu trong số hơn 500 ngân hàng đang tham gia vào chương trình TARP có khả năng tiếp tục cho vay trong trường hợp thoái lui khỏi chương trình này. Một số liệu được công bố gần đây cho thấy, đa phần trong số 500 ngân hàng này đang thực hiện việc thắt chặt tín dụng do những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế. Như vậy, khả năng các ngân hàng này sẽ thắt chặt hơn nữa các khoản tín dụng một khi đã rút ra khỏi chương trình TARP là rất lớn. Điều này có thể khiến cho khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ chậm lại – vốn dĩ là điều mà chính phủ Mỹ không hề mong muốn. Chính phủ Mỹ mong đợi liệu việc các ngân hàng thoái lui khỏi TARP phải là một dấu hiệu cho thấy các định chế này đã khôi phục lại được sức mạnh vốn có của mình, qua đó không cần phải tiếp tục phụ thuộc vào chính phủ. Nói cách khác, chính phủ Mỹ không mong muốn thu hồi lại đồng vốn của mình để chứng kiến viễn cảnh suy yếu của các ngân hàng Mỹ, tiến đến thắt chặt thêm tín dụng, kìm hãm sự phục hồi của kinh tế Mỹ.
Một vấn đề khác mà bản thân các nhà làm luật Mỹ đang rất quan tâm, việc các ngân hàng Mỹ đang thể hiện động thái chuẩn bị mua lại các chứng quyền đã phát hành khi tham gia chương trình TARP. Nếu điều này xảy ra, công chúng Mỹ sẽ không được lợi gì khi các định chế này phục hồi (qua đó giá cổ phiếu của những ngân hàng này cũng phục hồi tương ứng). Như vậy, việc cho phép các ngân hàng thực hiện mua lại trái quyền sẽ xóa đi tất cả lợi ích của công chúng Mỹ, những người mà tiền thuế của họ đã được sử dụng để cứu vớt hoạt động của các ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, động cơ để thoái lui khỏi TARP như đã phân tích, rõ ràng là nhằm mục đích tự chủ trong hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này có nghĩa là việc tăng sức cạnh tranh là một thực tế. Tuy nhiên, liệu có hay không sự độc lập trong hoạt động vẫn còn là vấn đề chưa thể xác định chắc chắn. Thực tế mà nói, trong tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, khó có thể tin được rằng một ngân hàng hay định chế tài chính ở Mỹ nào có thể hoạt động mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào từ chính phủ Mỹ. Theo chuyên gia Robert Maneri, giám đốc công ty quản lý quỹ Victory Capital Management, các ngân hàng tại Mỹ dù có hay không việc thoái lui khỏi TARP đều phải chịu sự kiểm soát ngày càng gia tăng từ chính phủ vào các danh mục đầu tư cũng như các chính sách trong tương lai như là một biện pháp nhãn tiền nhằm kiểm soát và ổn định hóa nền kinh tế vừa bước qua đáy của cuộc khủng hoảng. R.Maneri còn phát biểu rằng, “các ngân hàng dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, chính phủ không cần phải sử dụng đến TARP nếu họ thực sự muốn can thiệp vào nền kinh tế”.
Tình hình thoái lui trong thực tiễn của các ngân hàng Mỹ
Mặc dù chưa có bất cứ một quyết định chính thức nào từ cục dự trữ liên bang, hàng loạt các ngân hàng tham gia TARP ở Mỹ đang bắt đầu việc huy động vốn để mua lại các khoản sở hữu của chính phủ. Ngay trong tuần này, JP Morgan Chase và American Express đã công bố kế hoạch huy động thêm tổng cộng khoảng 7,7 tỷ USD thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu phổ thông. Ngân hàng Morgan Stanley cũng đang lên kế hoạch huy động thêm 6,2 tỷ USD cũng bằng việc phát hành thêm cổ phần phổ thông. Bên cạnh đó, có thể kề đến một số cái tên quen thuộc khác trong hệ thống ngân hàng Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng vốn như Bank of America (33,9 tỳ USD), Wells Fargo & Co (13,7 tỷ USD), GMAC LLC (11,5 tỷ USD), Citigroup (5,5 tỷ USD).
Một số ngân hàng khác cũng được cho là đang huy động thêm vốn bao gồm các ngân hàng địa phương có quy mô lớn ở Mỹ như Capital One, BB&T và U.S. Bancorp. Theo kế hoạch, U.S. Bancorp, Capital One và BB&T đã lên kế hoạch huy động thêm lần lượt 2,5 tỷ, 1,76 tỷ và 1,5 tỷ USD thông qua việc phát hành thêm cổ phần thường trong thời gian sắp tới.
Như vậy, có thể thấy được rằng, động cơ cốt lõi mà các ngân hàng Mỹ đang có khuynh hướng rút lui khỏi TARP là nhằm mục đích tự do hóa hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh của chính mình. Tuy nhiên, như đã phân tích, đứng trên góc độ ngân hàng, việc thoái lui khó có thể giúp các ngân hàng đạt được mục đích ít nhất là trong tình trạng kinh tế hiện nay. Đứng trên góc độ chính phủ, việc các ngân hàng thoái lui khỏi TARP không phải là dấu hiệu mang tính tích cực cho nền kinh tế bởi lẽ, đa phần khác ngân hàng đều chưa phục hồi lại sức mạnh vốn có của mình trước khủng hoảng. Một khi đã rút lui, đa phần trong số các ngân hàng hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn và thậm chí là phải thu hẹp hoạt động tín dụng của mình, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế. Về mặt tổng quan mà nói, chính phủ Mỹ hiện đang đối mặt cùng lúc với ba bài toán nan giải: ai sẽ được phép thoái lui, tiêu chuẩn để thoái lui là gì và liệu chính phủ sẽ kiểm soát các ngân hàng đã thoái lui như thế nào để đạt mục tiêu ổn định và phục hồi nền kinh tế như đã để ra.
Quá trình này đã nói lên điều mà thị trường Mỹ có nên kỳ vọng vào việc phát hành cổ phiếu của các ngân hàng để thực hiện việc thoái lui khỏi TARP sẽ giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Khánh Hưng
|