Thứ Hai, 01/06/2009 14:21

Kinh tế đã vượt qua đáy khủng hoảng?

(Vietstock) - Hiện nay, cả thế giới vẫn đang phải vật lộn để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế được xem là lớn nhất kể từ đại khủng hoảng năm 1929 -1933 đến nay. Vậy, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã vượt qua vùng đáy hay chưa? Đó là một câu hỏi khó vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Phân tích kết quả từ thăm dò của Vietstock và những thông tin tình hình kinh tế hiện tại cho chúng ta phần nào lời giải cho câu hỏi trên.

Kết quả thăm dò

Nội dung thăm dò trên vietstock.com.vn: “Theo bạn, đáy của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào khoảng thời gian nào?”  Những lựa chọn của người tham gia trả lời có thể là một trong các lựa chọn sau: quý 1/2009: quý 2/2009… cho đến quý 2/2010 hoặc ý kiến khác. Sau hơn 1 tháng (từ ngày 18/04 đến 29/05) đã có trên 2.4 nghìn người tham gia trả lời.

Kết quả vào ngày 27/05/2008 cho thấy, 43.38% số người tham gia thăm dò cho rằng quý 1 là đáy của suy thoái. Lựa chọn đáy của suy thoái vào quý 2/2009 là 22.38%, các mức thời gian còn lại chiếm chưa đến 35% trong tổng số lựa chọn.

Xem xét thay đổi tỷ lệ các lựa chọn trong suốt quá trình thăm dò cho chúng ta những kết quả khá thú vị. Từ ngày 17/04 đến ngày 30/04. số người cho rằng đáy của suy thoái vào quý I và quý II gần bằng nhau, với khoảng 30%. Tuy nhiên, kết quả này đã thay đổi cùng với sự khởi sắc của TTCK và những tín hiệu lạc quan trong nền kinh tế. Tỷ lệ lựa chọn ở quý I ngày một tăng lên nhanh chóng, các quý còn lại ít dần. Điều này cho thấy tâm lý của những người tham gia thăm dò đã dịch chuyển một cách rõ nét, ngày càng có nhiều người tin suy thoái đã chạm đáy. Kết quả thăm dò trên cũng cho thấy số người lựa đáy của suy thoái những khoảng thời gian càng xa càng giảm dần.

Như vậy, mặc dù, số lượng người tham gia thăm dò chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số người đầu tư nhưng kết quả trên cũng cho chúng ta thấy phần nào diễn biến tâm lý tích cực và niềm tin của nhà đầu tư vào phục hồi kinh tế đang tăng lên.

Thực tế tình hình kinh tế thế giới như thế nào?

Các chỉ số kinh tế vĩ mô của kinh tế Mỹ tuy chưa thực sự tốt lên, song đã bớt xấu hơn trước. Sản lượng sản xuất công nghiệp của Mỹ vào tháng 4 chỉ giảm 0.5% so với tháng trước, mức giảm này đã chậm lại so với những tháng trước đó. Chỉ số giá nhà đất, số nhà khởi công mới và số nhà được cấp phép ở Mỹ cũng liên tục giảm. Thất nghiệp vẫn đang tăng, tháng 4 tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 8.9%, tăng 0.4% so với tháng trước đó. Dự báo mới của FED còn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay có thể lên tới 9.2% đến 9.6% và lên trên 10% vào năm 2010. Dự báo tăng trưởng GDP của FED cũng đã điều chỉnh từ mức giảm 0.7% -1.3%, lên mức 1.3% - 2% cho năm nay. Kết quả “Stress test” của các ngân hàng Mỹ đã không tồi tệ như người ta nghĩ, làm cho mọi người yên tâm hơn về hệ thống tài chính. Quan trọng hơn, chỉ số lòng tin của người tiêu dùng đã tăng trở lại, tháng 5 chỉ số này đã đạt mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua.

Nhìn vào kinh tế Châu Âu chúng ta thấy một màu sắc bi quan hơn. Quý 1/2009, kinh tế khu vực Eurozone đã sụt giảm tới 2.5%, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 8.9%. Nhiều quốc gia trong khu vực này đang chịu sự suy thoái nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không ngừng tăng lên. Các chỉ số khác như sản xuất công nghiệp, thương mại, doanh số bán hàng và lạm phát đều sụt giảm. Tuy vậy, chỉ số lòng tin người tiêu dùng tại châu Âu đang tăng, đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Châu Á, nhìn tổng thể kinh tế sáng sủa hơn. Nền kinh tế số một châu Á, thứ 2 thế giới là Nhật Bản đang bị suy thoái nặng nề, kinh tế trong quý 1/2009 đã sụt giảm tới 15.4% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất nhập khẩu lần lượt sụt giảm 26% và 15% trong quý 1/2009. Tuy vậy cũng có tín hiệu lạc quan khi sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đang tăng trở lại vào 2 tháng gần đây. Quốc gia khổng lồ là Trung Quốc nhờ có thị trường nội địa rộng lớn và các chính sách kích cầu mạnh mẽ nên kinh tế vẫn tăng trưởng được 6.1% trong quý 1 năm nay, bất chấp sự sụt giảm mạnh trong kim ngạch xuất nhập khẩu và FDI. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và các chỉ số bán lẻ của Trung Quốc vẫn khá khả quan. Một số dự báo mới của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Trung Quốc đều cho rằng kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 7.5% đến 8% trong năm nay. Nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ góp phần quan trọng vực dậy kinh tế toàn cầu.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chạm đáy?

Kinh tế của Việt Nam có độ mở khá lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư từ bên ngoài. Do vậy tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Quý 1/2009, GDP chỉ tăng 3.1%, đây là mức thấp nhất kể từ ngày số liệu này được tính toán chính thức (1987). Tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng đạt 1.4% trong quý 1, tính trong 5 tháng đầu năm tăng 4%. Chỉ số bán lẻ 5 tháng đầu năm đạt 21%, so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại bỏ yếu tố lạm phát thì đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao, điều này cho thấy sức cầu trong nước bị ảnh hưởng không quá mạnh.

Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nếu ko tính nhóm hàng vàng và đá quý đã giảm 17.4% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu giảm 37%. Xu thế nhập khẩu đang tăng trở lại vì hàng tồn kho của các doanh nghiệp cạn dần. Nhu cầu trong nước tăng lên do các chính sách kích cầu của chính phủ. Tháng 5, nhập siêu khoảng 1.5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Nhiều ý kiến quan ngại về hệ quả của gói kích cầu và thâm hụt ngân sách, song tác dụng trước mắt có thể thấy là gói kích cầu đã làm cho kinh tế ổn định và tăng trưởng. Hệ quả sau này như thế nào còn phụ thuộc vào các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ trong thời gian tới.

Chúng ta có thể thấy điều gì?

Nhìn vào các chỉ số vĩ mô cho chúng ta những tín hiệu lạc quan. Kinh tế thế giới nếu xét theo số tuyệt đối, vẫn chưa phải là đáy vì các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn đang tăng trưởng âm nhưng xét về tốc độ sụt giảm thì có thể xem là thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. Còn với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đã bị chậm lại trong quý 1. Chỉ số vĩ mô trong thời gian gần đây đã cho thấy tình hình khả quan hơn.

Ngoài các chỉ số vĩ mô thì lòng tin của người dân cũng rất quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế và TTCK. Ở châu Âu, Mỹ, các nước châu Á, chỉ số lòng tin của người dân đã tăng. Ở một mức độ nào đó có thể xem lòng tin của nhà đầu tư tại Việt Nam đã tăng lên qua kết quả thăm dò của Vietstock.

Trong phát biểu gần đây GS. Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 cho rằng: “Cuộc khủng hoảng có thể đã thực sự chạm đáy, bởi sự kiện bong bóng nổ chỉ diễn ra một lần, không có tính liên tục, cùng lúc với việc chính phủ các nước đã có các gói giải cứu khá hữu hiệu tuy chưa đủ sức để kéo lại hoặc chặn đứng sự tuột dốc này!”.

Kết qua thăm dò của Vietstock và những thông tin trên chưa thể cho chúng ta kết luận rõ ràng về “đáy” suy thoái. Rủi ro trong hệ thống tài chính chưa thể chắc chắn đã chấm dứt. Có thể những gói tiền kích cầu và cứu trợ mạnh mẽ của các chính phủ chỉ làm cho kinh tế, tài chính tạm thời ổn định trước khi tìm được “đáy” thực sự. Tại Việt Nam, các gói chinh sách của Chính phủ đã phần nào phát huy tác dụng. Kinh tế trong nước cũng có dấu hiệu khởi sắc. Tuy vậy, cơ cấu yếu kém của kinh tế trong nước vẫn chưa được khắc phục, hiệu quả thực sự của chính sách và diễn biến tình hình kinh tế tiếp theo vẫn chưa có được một câu trả lời xác đáng.

Bá Tình

Các tin tức khác

>   TCT: Thận trọng trước ngày chốt quyền (01/06/2009)

>   General Motor thất thủ (31/05/2009)

>   Phân tích ngành sữa Việt Nam theo chuỗi giá trị (21/05/2009)

>   Cơ hội đầu tư vào Công ty Gang thép Thái Nguyên (14/05/2009)

>   Phân tích cổ phiếu VNM của Vinamilk (13/05/2009)

>   Hấp dẫn cổ phiếu ngành cao su (12/05/2009)

>   Các vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam (28/04/2009)

>   Tình hình công bố BCTC kiểm toán 2008 (27/04/2009)

>   Tình hình và triển vọng một số kênh đầu tư tại Việt Nam  (22/04/2009)

>   General Motor cần một Big Bang để tái sinh (20/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật