Thứ Hai, 20/04/2009 07:09

General Motor cần một Big Bang để tái sinh

(Vietstock) - Nếu như General Motor (GM) phá sản, đây sẽ là một Big Bang (vụ nổ lớn) gây chấn động đối với nền kinh tế Mỹ. Nhưng dù muốn hay không, tình thế hiện nay của GM không cho phép có nhiều phương án khả dĩ để lựa chọn. Phá sản có thể là một cách để GM có thể hồi sinh.

Tại sao GM phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản?

Theo kế hoạch cải tổ trình lên Bộ Tài Chính vào tháng 2/2009, GM có ý định chia tách công ty thành hai hai bộ phận: GM xấu gồm những nhãn hiệu như Saturn, Hummer, Saab… và GM tốt gồm những nhãn hiệu như Chevrolet, Pontiac, Buick hay Cadillac. Với tình hình hỗn độn như hiện nay, GM khó có thể tồn tại khi những thương hiệu xấu đang trở thành gánh nặng cho cả tập đoàn và kéo luôn cả những thương hiệu tốt đi xuống. Do đó, GM cần có một “sự phá hủy” của các nhãn hiệu xấu để các nhãn hiệu tốt có thể tiếp tục tồn tại. Sau khi thực hiện cải tổ, GM sẽ trở nên gọn nhỏ hơn và có thể tập trung vào những dòng sản phẩm tốt nhất. Điều này sẽ phù hợp với tình hình suy thoái của ngành công nghiệp ô tô hơn là một tập đoàn sản xuất “cồng kềnh” với quá nhiều chủng loại xe.

Mặc dù ai cũng biết đây là con đường để GM có thể tồn tại, tuy nhiên vấn đề là tính khả thi của kế hoạch.

Nếu không nộp đơn phá sản, GM sẽ phải chi trả chi phí đền bù cho các nhà kinh doanh ô tô khi thực hiện chấm dứt các hợp đồng nhượng quyền thương hiệu (franchise) của những nhãn hiệu xấu. Ngoài ra, GM cũng phải tiến hành trả lương và các chi phí khác cho các công nhân ở các nhà máy bị đóng cửa. Không những thế, nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW - United Automobile Workers union) cũng sẽ gây áp lực buộc GM tiếp tục thực hiện các khoản tiền lương hưu và chăm sóc y tế cho những người nghỉ hưu. Chưa kể vào đó là gánh nặng các khoản nợ của trái chủ. Do đó, quá trình cải tổ sẽ diễn ra hết sức khó khăn do khả năng tài chính hiện nay của GM khó gánh nổi những chi phí trên. Chỉ khi nộp đơn phá sản, GM mới được bảo hộ của tòa án để không thực hiện các chi phí này. Đây cũng là lý do tại sao kế hoạch cải tổ của GM bị chính quyền Obama đánh giá là thiếu tính khả thi nếu như không có sự bảo hộ của toà án.

Thông tin bổ trợ về các khoản nợ của GM

Nợ không bảo đảm

28 tỷ USD

Nợ chính phủ Mỹ

13.4 tỷ USD

Nợ bảo đảm

7 tỷ USD

Nợ công đoàn công nhân Mỹ

20 tỷ USD

Tổng nợ

68.4 tỷ USD

Ngày 31/3, chính quyền Obama lần thứ hai bác bỏ kế hoạch của GM (lần trước là vào ngày 27/2) và đồng thời sa thải ông Rick Wagoner, một người có chủ trương coi “phá sản là đi ngược lại với lợi ích của tập đoàn”, khỏi vị trí giám đốc điều hành. Đồng thời, Obama yêu cầu GM phải đưa ra một kế hoạch khả thi khác trong thời hạn 60 ngày (tức ngày 1/6 tới) và phải thương lượng với các chủ nợ và nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW- United Automobile Workers union) để chuyển 2/3 khoản nợ 28 tỷ USD thành vốn cổ phần, nếu không sẽ phải trả lại 13.4 tỷ USD khoản nợ vay của chính phủ và nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản. Đây là một tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ không còn tin vào khả năng tự tồn tại của GM và muốn đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc.

Tuy nhiên, GM lại không đạt được bất cứ thỏa thuận nào khi các chủ nợ cho rằng những lời đề nghị của GM là quá bất lợi đối với họ. Trong cuộc thỏa thuận mới đây, Fris Henderson (CEO mới) đã đề nghị các trái chủ nhận 33 cent cho mỗi USD nợ và một ít cổ phần trong GM tốt. Trong khi đó, UWA được đề nghị nhận 10 tỷ USD cổ phần trong GM tốt và được nhận 10 tỷ USD tiền mặt. Tất nhiên, các chủ nợ sẽ không chấp nhận một yêu cầu như vậy khi tỷ lệ chi trả tiền mặt cho công đoàn là 50% trong khi chủ nợ chỉ nhận 33%. Đối với các chủ nợ điều mà họ e ngại, chính phủ thậm chí sẽ ủng hộ cho UAW hơn là các trái chủ. CNBC cho biết “Bộ tài chính muốn GM chỉ phát hành cho các trái chủ của nó một số lượng nhỏ cổ phần trong GM tốt”.

Một lý do khác khiến cho các chủ nợ không chấp nhận những yêu cầu của GM là những tuyên bố mới đây của chính phủ về việc chi trả CDS do AIG phát hành cho các trái phiếu GM. Thông thường, các trái phiếu của GM được đóng gói thành các CDOs (Collateralized Debt Obligation), và sau đó các CDOs này lại được bảo hiểm bởi các CDS (credit default swap) được phát hành bởi AIG. Sau khi AIG rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề vào năm ngoái, khả năng chi trả cho các CDS của AIG bị hạn chế. Nhưng sau khi chính phủ Mỹ thông báo rằng sẽ chi trả toàn bộ các CDS của GM, các chủ nợ đang thay đổi chiến lược đàm phán. Rõ ràng, với những bất lợi khi chuyển nợ thành vốn cổ phần (và cả những yêu cầu bất lợi trên bàn đám phán), các chủ nợ sẽ mong muốn GM phá sản để được nhận lại 100% khoản tiền hơn là tiếp tục “phiêu lưu” trong GM mới. Trên thị trường tín dụng, giá CDS về các khoản nợ của GM đang tăng lên cho thấy nhiều chủ nợ đang muốn lựa chọn phương thức bảo hiểm để “thoát ra” khỏi GM.

Tờ New York Times đưa tin, GM sẽ chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục phá sản sau khi không đạt được thỏa thuận với UAW và các trái chủ về việc đổi khoản nợ 28 tỷ USD của GM thành cổ phần. Báo cáo ngày 13/4 của JP Morgan Chase cũng cho biết, rất nhiều người đang dự đoán GM sẽ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Được và mất khi nộp hồ sơ xin phá sản

Nếu như nộp đơn phá sản, GM sẽ nhận được sự bảo hộ của tòa án nhằm tiến hành tái cấu trúc dễ dàng hơn mà không phải gánh chịu những áp lực từ phía chủ nợ, UAW. GM cũng được phép đình hoãn hoặc giảm các chi phí liên quan đến người nghỉ hưu như tiền lương hưu hay các chi phí chăm sóc y tế. Do đó, GM sẽ có cơ hội hạ thấp chi phí giá thành để cạnh tranh với nhiều hãng xe khác. Đây là cái lợi lớn nhất đối với GM khi nộp đơn xin phá sản. Nhiều người cho rằng, phá sản vẫn không phải là điều quá tệ đối với GM. Mặc dù việc phá sản của GM sẽ gây nên chấn động lớn đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu nhưng có lẽ phá sản là cần thiết để cho GM có thể tái sinh, giống như vụ nổ Big Bang đã sinh nên vũ trụ.

Trong quá khứ, cũng đã có nhiều tập đoàn Mỹ đã hồi sinh sau khi phá sản. Hãng hàng không Continental Airlines đã hai lần trải qua bảo hộ phá sản vào năm 1983 và 1990. Sau khi cải tổ, hãng hàng không này đã trở thành một trong hai hãng hàng không của Mỹ có doanh thu cao nhất. Điều này cho phép GM “hy vọng” cơ hội hồi sinh tương tự như Continental Airlines.

Tuy nhiên, GM cũng gặp phải bất lợi khi nộp hồ sơ phá sản. Nhiều người cho rằng, GM sẽ càng khó khăn hơn trong việc bán hàng vì ba lý do sau:

Thứ nhất, không giống như các loại hàng hóa khác như vé máy bay, thiết bị điện tử…đặc thù của việc kinh doanh ô tô là phải gắn liền với các dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng, bảo hành trong suốt một thời gian dài. Việc GM phá sản sẽ khiến người tiêu dùng lo ngại khả năng bảo hành sản phẩm. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, GM sẽ bán hàng ra sao nếu như không có một chế độ hậu mãi tốt, không có khả năng bảo hành… vì từ trước đến nay chưa có một công ty nào có thể kinh doanh ô tô nếu không có những yếu tố này.

Thứ hai, đó là tác động về thương hiệu. Các dòng xe như Cadillac được các đại gia ưa chuộng vì nó được định vị như một sản phẩm cao cấp và việc sở hữu nhãn hiệu này là một trong những cách để thể hiện đẳng cấp của họ trong xã hội. Việc GM nộp đơn phá sản sẽ tạo nên một “dấu ấn không tốt” cho các nhãn hiệu xe. Thử hình dung một ông chủ có máu mặt sẽ bị chê cười ra sao nếu như đi một chiếu xe của một công ty bị phá sản. Về lâu dài, GM cũng khó có thể phát triển các dòng xe cao cấp với một “vết nhơ” như vậy.

Thứ ba là tác động tương hỗ. Việc chấm dứt nhiều hợp đồng franchise với các đại lý bán hàng sẽ khiến cho hoạt động bán hàng của GM càng gặp nhiều khó khăn.

Ở khía cạnh sản xuất, việc GM phá sản có thể tạo ra sự phá sản tiếp theo của các nhà cung cấp thiết bị (như Delphi). Khi đó, vấn đề cung cấp thiết bị của GM sẽ gặp khó khăn khi tiến hành tái cấu trúc. Đối với các nhà cung cấp khác, có thể họ sẽ không cung cấp cho GM hạn mức tín dụng và buộc phải thanh toán ngay khi mua hàng.

Do đó, khả năng phục hồi của GM khi nộp đơn phá sản không phải là lớn. GM sẽ phải tiếp tục vật lộn để tồn tại. Dù trong lịch sử của Mỹ đã có những công ty hồi sinh dưới sự bảo hộ của chương 11 Luật phá sản Mỹ nhưng chưa hề có tiền lệ nào về một công ty sản xuất ô tô tồn tại sau khi nộp đơn phá sản (GM là công ty sản xuất ô tô đầu tiên nộp đơn xin phá sản) và cũng chưa hề có tiền lệ về khả năng phục hồi của một tập đoàn có quy mô lớn như GM (GM là vụ phá sản lớn nhất trong chương 11 của Mỹ).

Chuyện gì sẽ xảy ra khi GM phá sản?

Mặc dù tình hình hiện nay của GM đang hết sức nguy ngập nhưng GM vẫn là có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế Mỹ. Sự phá sản của GM sẽ tác động từ người công nhân, người nghỉ hưu, cổ đông, các nhà cung cấp đến các nhà kinh doanh xe hơi.

Những người nghỉ hữu, công nhân sẽ chịu tổn thương vì các lợi ích y tế, tiền lương, các chi phí đền bù khi nghỉ việc đều bị cắt giảm hoặc không được chi trả. UAW cho biết khoảng 775,000 người nghỉ hưu bị ảnh hưởng bởi sự phá sản của GM. Thời báo Bussiness Week đưa tin, quỹ lương hưu hiện tại 90 tỷ của GM đã được tài trợ đầy đủ về mặt kế toán nhưng công ty Pension Benefit Guaranty Corp (PBGC) nói rằng GM còn thiếu 31 tỷ USD chưa tài trợ. Cũng theo thời báo này, 450,000 công nhân của GM sẽ nghỉ việc với khoản chi trả trợ cấp nhỏ hơn. Các lợi ích y tế cũng như kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho các công nhân hiện tại, chắc chắn sẽ bị tác động.

Theo Reuters, GM đã đóng cửa khoảng 200 đại lý bán hàng (dealer) trong quý 1/2009. Và dự kiến tới đây, GM sẽ tiếp tục đóng cửa 1,700 đại lý bán bàng nữa (tổng số đại lý bán hàng của GM cuối năm 2008 là 6,200).

Khi GM nộp đơn phá sản, một loạt nhà cung cấp cũng không trách khỏi tác động. Nhiều công ty hiện nay chỉ cung cấp thiết bị cho một mình GM và sự phá sản của nó sẽ khiến các công ty này rơi vào cảnh khó khăn nếu như GM không chi trả các khoản nợ. Delphi, một công ty cung cấp thiết bị cho GM là một ví dụ. Công ty này trước đây là một bộ phận của GM và từ sau khi chia tách khỏi GM vào năm 1999, công ty này liên tục thua lỗ trong nhiều năm. Kể từ khi nộp đơn xin phá sản đến nay, Delphi sống được là nhờ vào cam kết thanh toán 11 tỷ USD của GM. Nếu Delphi thất bại trong việc đàm phán với GM vào ngày 24/4 tới để duy trì cam kết này, Delphi buộc phải thanh lý.

Một khi các đại lý bán hàng và các nhà cung cấp thiết bị gặp vấn đề, các hãng sản xuất ô tô khác cũng chịu vạ lây bởi đặc thù của ngành ô tô là sự gắn kết theo kiểu mạng nhện. Các đại lý bán hàng và nhà cung cấp thiết bị không những cho GM mà cũng là đại lý bán hàng và cung cấp thiết cho các hãng xe khác.

Khi GM phá sản, cổ phiếu của nó cũng được hủy niêm yết và các cổ đông cũng không được nhận cổ tức cho đến khi GM phục hồi. Điều đó sẽ khiến cho đồng vốn của họ bị ứ động trong nhiều năm.

Nỗi lo sợ của chủ nợ GM

Khi những tin tức về khả năng phá sản của GM ngày càng một lớn dần, các chủ nợ đang trở nên hết sức lo lắng (không phải ai cũng mua CDS để bảo hiểm cho rủi ro vỡ nợ). Theo kế hoạch, GM xấu sẽ được thanh lý theo chương 7 của Luật phá sản để chi trả cho những khoản nợ của GM. Trong khi đó, GM tốt sẽ có cơ hội phục hồi lại dưới sự bảo hộ của toàn án theo chương 11 Luật phá sản. Mặc dù các chủ nợ sẽ được chuyển nợ thành vốn cổ phần khi GM tiến hành phá sản nhưng điều mà họ e ngại là thẩm phán sẽ ra các phán quyết có lợi cho UAW và chính phủ (ý định này đã được các chủ nợ nhận thấy theo như bình luận của CNBC).

Đầu tiên, các chủ nợ e ngại sẽ nhận được ít cổ phần trong GM tốt. Có một kịch bản mà các chủ nợ đang nghĩ tới. Chính phủ Mỹ có thể sử dụng khoản nợ 13.4 tỷ USD để đánh đổi quyền sở hữu 100% quyền sở hữu trong GM tốt (việc này có diễn ra hay không tùy thuộc quyết định của thẩm phán). Chính phủ Mỹ sau đó sẽ tiến hành IPO cho công ty mới và GM tốt sẽ trở thành công ty đại chúng. Hầu hết các khoản tiền từ công ty mới sẽ được dành để trả cho UAW. Do đó, các chủ nợ có thể chỉ nhận được một phần tiền từ việc bán GM xấu.

Lo ngại thứ hai của chủ nợ là việc chính quyền Obama cho phép sử dụng điều khoản 363 trong luật phá sản để bán nhanh các tài sản. Điều này sẽ khiến cho các tài sản của GM bị bán với giá rẻ giống như bộ phận kinh doanh của Lehman Brothers được bán cho Barclays.

Trương Minh Huy

Các tin tức khác

>   Xu hướng ngành BĐS và chiến lược đầu tư (03/04/2009)

>   PPC - cổ phiếu lướt theo sóng Yên Nhật! (29/03/2009)

>   Ngành sản xuất vật liệu xây dựng qua báo cáo tài chính 2008 (27/03/2009)

>   Toàn cảnh kết quả kinh doanh các Doanh nghiệp niêm yết 2008 (24/03/2009)

>   Từ xu hướng dòng vốn quốc tế đến khó khăn của VN (19/03/2009)

>   Ngành dược: Tiềm năng phát triển? (17/03/2009)

>   Ngành Điện – Sức bật từ lộ trình tăng giá điện? (16/03/2009)

>   Ngành xây dựng: Khó khăn còn ở phía trước (13/03/2009)

>   Ngành Giấy đương đầu với khó khăn (12/03/2009)

>   Ngành Thủy sản: Khó khăn hơn trong năm 2009 (12/03/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật